Home Ngẫm BÀN VỀ HAM MUỐN NỔI TIẾNG

BÀN VỀ HAM MUỐN NỔI TIẾNG

Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng mà thú nhận chuyện xấu hổ này với bạn bè. Nhưng, kín đáo thay, ý niệm về việc trở thành một người nổi tiếng có ma lực thật mãnh liệt.

Danh tiếng luôn mang một sức hấp dẫn sâu sắc bởi dường như đồng hành với nó là những lợi ích đáng kể. Tưởng tượng mà xem, khi nổi tiếng, danh tiếng đón rước bạn mọi nơi bạn tới. Mọi người sẽ nghĩ tốt về bạn vì ngay từ đầu danh tiếng đã thay bạn giải thích mọi điều một cách ấn tượng. Ánh mắt ngưỡng mộ và nụ cười nồng ấm trên những khuôn mặt xa lạ chào đón bạn. Bạn không cần nhọc nhằn biện giải cho bất cứ lý do gì. Một khi nổi tiếng, bạn được bảo trợ trước mọi lời từ chối. Bạn không cần tranh giành với người mới nào. Nổi tiếng là khi bạn có thể khiến mọi người cảm thấy được hảo đãi và mừng rỡ chỉ bằng cách dành cho họ chút xíu cảm tình. Họ sẽ choáng ngợp khi được nhìn bạn bằng xương bằng thịt. Họ cũng sẽ xin chụp ảnh với bạn. Đôi lúc họ cười một cách căng thẳng trong phấn khích. Chưa hết, sẽ chẳng ai có thể làm bạn phật ý. Bạn không bằng lòng với cái gì thì cái ấy trở thành vấn đề lớn với mọi người. Bạn nói phòng mình chưa đủ tốt, quản lý khách sạn sẽ phát hoảng. Lời phàn nàn của bạn sẽ được cân nhắc rất nghiêm túc. Hạnh phúc của bạn là tâm điểm trong mối lo toan của mọi người. Bạn nắm quyền năng phá hoặc vá thanh danh của người khác. Bạn là nhất.

Ham muốn danh tiếng xuất phát từ trải nghiệm bị bỏ rơi, từ sự tổn thương. Chẳng có người khao khát được nổi tiếng nào mà lại chưa từng trải qua một thời đoạn bị đối xử lạnh nhạt đến cùng cực trong quá khứ. Chúng ta thèm khát thật nhiều sự ngưỡng mộ khi mà trước đó ta đã phải oằn mình trong chịu đựng sự thiếu thốn nó. Có lẽ một phần là do những cha mẹ khó tính, họ không bao giờ để tâm tới con cái nhiều mà chỉ bận bịu lo những việc khác, lo quan tâm đến những người nổi tiếng khác, không có hoặc khó thổ lộ những cảm xúc quan tâm chăm sóc, hay đơn giản là họ quá siêng làm việc. Không có chuyện kể trước khi đi ngủ, và kết quả học tập không bao giờ được đem ra để họ động viên và tán dương. Đó là lý do tại sao người ta luôn mơ mộng một ngày thế giới sẽ chú ý đến mình. Khi ta nổi tiếng, cha mẹ cũng sẽ phải ngưỡng mộ ta (điều này cũng gợi ra sự thật ngầm hiểu rằng một trong những dấu hiệu tuyệt vời của sự dưỡng dục tốt là việc con cái bạn không muốn nổi tiếng).

Nhưng ngay cả khi cha mẹ chúng ta luôn ấm áp và khích lệ, vấn đề vẫn có thể xảy ra với một căn nguyên khác là sự trù dập và cô lập đến từ thế giới bên ngoài (bắt đầu là trường học) đến mức không thể chịu đựng được sau những năm đầu đời ở bên gia đình. Họ dứt mình ra khỏi vùng an toàn ấm cúng bên cạnh cha mẹ rồi bị tổn thương bởi những người ngoài không tử tế và thấu hiểu như họ trông đợi. Trải nghiệm đau đớn này thậm chí còn có thể diễn ra gián tiếp: chứng kiến mẹ bị người phục vụ xua đuổi một cách cay nghiệt; nhìn cha đứng bơ vơ một mình.

Điểm chung của những giấc mơ danh vọng này là: việc được nhiều người lạ biết đến được coi là phương thuốc chữa lành tổn thương. Phương thuốc này có bề ngoài như một câu trả lời cho nhu cầu sâu thẳm mong được người khác đánh giá cao và đối xử tử tế.

Ngặt nỗi, danh tiếng lại không thể làm tròn cái nhiệm vụ mà chủ nhân của nó trông đợi. Nó đem lại nhiều lợi ích, ấy là điều hiển nhiên, nhưng nó cũng kéo tới một loạt những bất lợi nặng nề mà thế giới hiện đại vẫn cho là tất yếu thay vì ngẫu nhiên. Nhân vật mới nổi nào tỏ ra bi lụy hoặc đánh mất mình trước công chúng sẽ bị đánh giá một cách độc lập hơn là được đặt trong khuôn mẫu bệnh lý không thể tránh khỏi của danh tiếng dưới vai trò nạn nhân.

Người nọ muốn được nổi danh vì thèm khát sự tử tế, nhưng lòng tử tế của thế giới với người nổi tiếng thì không được bền. Lý do rất đơn giản: sự thành danh của một người bao gồm sự hạ cấp của rất nhiều người khác. Danh tiếng của một số ít người sẽ luôn tương phản đầy đắng cay với sự mờ nhạt của một số đông. Bạn nổi tiếng – bạn khiến mọi người phiền lòng. Sự oán giận có thể được kiềm chế một cách tạm bợ nhưng không bao giờ nguôi ngoai về lâu về dài. Trong lúc huyễn tưởng về tiếng tăm, chúng ta quên rằng nó có mối liên hệ chặt chẽ với việc mình sẽ hiện diện quá quá mức trước mắt một số người, việc mình sẽ làm phiền họ một cách quá đáng, việc mình sẽ bị coi là nguyên nhân chính đáng khiến họ hổ thẹn – là biểu tượng thể hiện sự bất công mà thế giới quẳng vào cuộc đời họ.

Và thế là chẳng mấy chốc, thế giới sẽ bắt đầu chui vào gầm giường của những người nổi tiếng, nó bình luận tiêu cực về ngoại hình của họ, nó đổ lỗi họ trước những thất bại, nó phê phán mối quan hệ của họ, nó chế nhạo những bộ phim mới của họ.

Sự nổi tiếng khiến người ta dễ tổn thương nhiều hơn chứ không phải ít đi, nó khiến con người phơi mình dưới sự phán xét không giới hạn. Họ bị tổn thương trước những phán xét tàn độc về phẩm giá và công sức của mình. Ngặt nỗi những người nổi tiếng còn phải đối mặt với một thách thức khác: Các phán xét đến từ vô số những người không bao giờ dám lộ mình khỏi bức tường tòa soạn hoặc màn hình để nói thẳng vào mặt họ. Kinh nghiệm thực tế cho ta thấy rằng một phát ngôn khó nghe có thể bị xử lý trong một hai ngày.

Truyền thông chẳng giúp được gì. Việc nổi tiếng đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước kia, thành thử, dễ bị ghét hơn nhiều cũng là điều tất yếu. Giờ đây một người nổi tiếng vị thành niên có thể phải đối mặt thường xuyên với tất cả những vấn đề mà trước kia chỉ những ngôi sao Hollywood mới va phải.

Về mặt tâm lý, người nổi tiếng hẳn nhiên là những người sau rốt được trang bị đàng hoàng để đối phó với những gì họ sắp phải trải qua. Rốt cuộc, họ chỉ nổi tiếng vì bị thương tổn, vì mỏng manh; vì ở một khía cạnh nào đó họ có chút bệnh tật. Và thế là, không những không giúp họ bù đắp thỏa đáng những khuyết thiếu của mình, danh tiếng còn khiến cho mọi thứ tệ hại thêm bội phần. Những người lạ lại tỉa tót thật nhiều chi tiết cho ý kiến tiêu cực của mình trong khi không thể hoặc đơn giản là không muốn hình dung rằng người nổi tiếng dễ nhận sát thương hơn bất kỳ ai. Họ thậm chí có khi nghĩ rằng những người nổi tiếng chẳng thèm lắng nghe (mặc dù nếu không bị ép phải nghe quá nhiều thì chẳng ai có thể nổi tiếng).

Những cơn ác mộng tệ hại nhất về bản thân một người (rằng họ ngu si, xấu xí, không đáng tồn tại,…) sẽ được củng cố hàng ngày bởi đám người ngoài. Người ấy sẽ bị phơi nhiễm trước thực tế rằng những người mà họ chưa bao giờ gặp – những người mà họ sẽ dành cho không gì ngoài thiện chí – sẽ chủ động ghét họ. Người ấy sẽ học được rằng trong một số nhóm, gièm pha về nhân cách của người khác được coi là một huy hiệu danh dự. Đôi khi các cuộc trù dập sẽ cay nghiệt đến khủng khiếp, những khi khác thì chúng lại không có ý nghĩa lý gì đối với bất kỳ ai thực sự hiểu biết về nạn nhân. Tuy vậy, những lời chì chiết sẽ mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người – mà không một luật sư, tòa án hay ảo thuật gia nào có thể xóa mờ.

Không cần phải nói, là một người nổi tiếng bị tổn thương, người ta sẽ không có đủ tư cách để được thông cảm. Khái niệm về một người nổi tiếng bị tổn thương là một trò đùa, đến tai một người bình thường, nó lại không khác gì cơn trầm luân của một bạo chúa.

Tóm lại: nổi tiếng, thực chất chỉ có nghĩa là bạn được chú ý nhiều – không phải là bạn được hiểu, được đánh giá cao hay được yêu mến.

Ở cấp độ cá nhân, chiến lược chín chắn duy nhất là từ bỏ danh vọng. Mục đích đằng sau khát vọng nổi tiếng vẫn quan trọng. Một người vẫn muốn được đánh giá cao và thấu hiểu. Nhưng ai khôn ngoan sẽ chấp nhận rằng tiếng tăm không đem lại những thứ ấy. Họ chỉ có được sự trân trọng và thấu hiểu chỉ có được qua những cá nhân mà họ quen biết và quan tâm, không phải thông qua các nhóm hàng nghìn, hàng triệu người lạ. Không có cái gọi là con đường tắt dẫn đến tình bạn – cũng chính là điều mà những người nổi tiếng đang tìm kiếm.

Với những ai đã nổi tiếng sẵn, cách duy nhất để được yên thân là ngừng lắng nghe những gì đám đông ngoài kia đang nói, kể cả điều tốt lẫn điều xấu. Tốt nhất là đừng nên biết. Người khôn ngoan biết rằng sản phẩm của mình cần được quan tâm. Nhưng họ biết phân biệt rạch ròi giữa nhu cầu thực tế thuần túy của hoạt động tiếp thị và chính sách vận động với nỗi thèm khát sự gần gũi, yêu mến và đối xử tử tế từ những người họ không quen biết

Ở cấp độ tập thể – chính trị, nên hết sức lưu ý một thực tế rằng, ngày nay có rất nhiều người (đặc biệt là những người trẻ) muốn nổi tiếng – và thậm chí xem danh tiếng là điều kiện cần để có một cuộc sống thành công. Thay vì gạt phắt đi nguyện vọng này, ta nên chủ động nhận thức những thực tế đáng lo ngại trong bản chất của nó: họ muốn nổi tiếng vì họ không được tôn trọng, vì các công dân đã quên cách dành cho nhau chút nhã nhặn, chân thành và đàng hoàng mà ai cũng đều khao khát và xứng đáng. Khát danh vọng là dấu hiệu cho thấy một cuộc sống bình thường đã không còn đủ tốt.

Giải pháp ở đây không phải là khuyến khích thêm nhiều người trở nên nổi tiếng, mà là nỗ lực hết mình để khuyến khích ý thức cao hơn trong phép ứng xử và đối đãi của mỗi người, trong gia đình và cộng đồng, nơi làm việc, chính trị, truyền thông, ở mọi mức thu nhập, đặc biệt là những người yếm thế. Một xã hội lành mạnh sẽ từ bỏ thứ niềm tin dễ hiểu nhưng sai lầm rằng tiếng tăm có thể đảm bảo đem lại lòng tốt từ những người xa lạ.

Alain de Botton

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/your-desire-to-be-famous-and-the-problems-it-will-bring-you/

Nguyễn Nga dịch