Home Chuyên đề tháng Bài học quản trị của nền kinh tế Trung Quốc: từ thoát nghèo trở thành cường quốc

Bài học quản trị của nền kinh tế Trung Quốc: từ thoát nghèo trở thành cường quốc

le-nam

Lê Nam

06/05/2025

Trong những năm qua, mối quan tâm tới nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu có những tác phẩm nghiên cứu sâu sắc và kỹ lưỡng bài học tăng trưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong đầu năm nay, với sự xuất hiện của Deepseek làm mưa làm gió trong công nghệ AI, thương chiến Mỹ-Trung và chuyến thăm cấp cao nhất của Trung Quốc đối với Việt Nam do chủ tịch Tập Cận Bình và dàn lãnh đạo hàng đầu thực hiện ngay trước sự hiện diện của binh sĩ Trung Quốc tại lễ duyệt binh kỷ niệm 50 năm thống nhất Việt Nam (1975-2025) càng làm tăng thêm mối quan tâm của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc. Mặc dù là láng giềng nhưng mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc và Việt Nam đã khiến cho sự tiếp cận thông tin đối với tình hình kinh tế, chính trị của Trung Quốc chưa được dễ dàng và thuận lợi. Tại sao Trung Quốc lại có thể nhanh chóng trở thành cường quốc số 2 về kinh tế và dự kiến sẽ soán ngôi của Hoa Kỳ trong vài năm tới? Chỉ trong 44 năm, kể từ năm 1978 với mức GDP bình quân vào khoảng 200 USD, tức là dưới mức đói nghèo, thấp hơn cả GDP của một số quốc gia nghèo tại châu Phi như Chad, Malawi… Trung Quốc đã đạt được mức thu nhập 12.720 USD vào năm 2022.

Biểu đồ GDP bình quân đầu người của Trung Quốc giai đoạn 1960 - 2022
Biểu đồ GDP bình quân đầu người của Trung Quốc giai đoạn 1960 – 2022

(Nguồn: https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-trung-quoc/)

Để hình dung kỹ hơn về sự nghèo đói của Trung Quốc trước khi bước vào thời kỳ cải cách rộng khắp của Đặng Tiểu Bình, chúng ta có thể tham khảo rất nhiều tư liệu nói về vấn đề này.  Ví dụ, giữa năm 1929 và 1933, nhà kinh tế học John Lossing Buck và đồng nghiệp ở Đại học Nam Kinh tiến hành một khảo sát rộng rãi trên các gia đình và làng mạc Trung Quốc (hơn 38000 hộ gia đình ở 168 khu dân cư thuộc 22 tỉnh thành). Toàn cảnh về chế độ ăn uống và hệ thống nông nghiệp thời đó của nông dân Trung Hoa vừa thú vị vừa nghiệt ngã. Buck ghi nhận, ở vùng nông thôn mật độ dân cư đông, việc dựa vào một chế độ ăn rau củ là chủ yếu cho phép người nông dân dùng ít đất hơn để nuôi sống nhiều người hơn; nguồn năng lượng đến từ các sản phẩm động vật không đáng kể, không quá 2-3% tổng lượng calo. Động vật được nuôi để kéo đồ chứ không phải để lấy thịt và hầu hết cây trồng trở thành thức ăn cho người thay vì dùng cho chăn nuôi. Do những bất ổn trong cuộc sống, chẳng hạn như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao và mất mùa do thiên tai, nên hơn một nửa dân số nông thôn qua đời trước 28 tuổi. Quả thực, nhóm các nông dân cung cấp thông tin cho nghiên cứu của Buck nhớ được trung bình ba nạn đói trong đời họ. Khi những nạn đói này xảy ra, một bộ phận dân cư phải ăn vỏ cây và cỏ, di dân hoặc thậm chí chết đói. Đất đai có xu hướng được chia thành nhiều lô nhỏ. Tỷ lệ thuê nhà cao hơn ở miền nam Trung Quốc, ở đây tỷ lệ gia đình thuê nhà đã lên tới 32%.

…Những nỗ lực tập thể hóa nhanh chóng của cuộc Đại Nhảy Vọt (1958-61) có lẽ đã gây ra nạn đói lớn nhất trong lịch sử thế giới, với ước tính số người chết trực tiếp do nạn đói dao động từ ba mươi đến bốn mươi lăm triệu người. Sau đó, mức tiêu dùng tăng dần, nhưng lượng lương thực có sẵn bình quân đầu người không vượt quá mức năm 1958 và tình trạng này kéo dài đến năm 1974.

(trang 23, Đắng cay và Ngọt bùi – Nông thôn Trung Quốc trong quá trình đô thị hóa và kinh tế thị trường, Ellen Oxfeld, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2024)

>> Tìm hiểu thêm về sách: Đắng cay và ngọt bùi – Ellen Oxfeld – Book Hunter Lyceum

Xét thực tế, mức thu nhập bình quân 200 USD/người/năm không đủ cung cấp dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tức là phần đông người dân Trung Quốc thập niên 1970 ăn uống thiếu dinh dưỡng. Trung Quốc không chỉ nghèo mà tình hình chính trị còn dao động giữa hai thái cực là chế độ độc tài cực đoan và vô chính phủ. Trong ba thập niên dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Trung Quốc phải chịu hai thảm họa chính trị. Thời kỳ Đại Nhảy Vọt (1958-1961) làm cho 30 triệu người chết đói vì các sai lầm trong chính sách phát triển kinh tế. Sau đó Mao Trạch Đông tìm cách củng cố quyền lực bằng cách thực hiện Cách mạng Văn hóa (1966-1976), hay còn gọi là “mười năm điên cuồng”. Hồng vệ binh trung thành với Mao Trạch Đông thực hiện cuộc thanh trừng đối với những người được gọi là kẻ địch giai cấp ở mọi tầng lớp chính phủ, bao gồm cả lãnh đạo quốc gia như Đặng Tiểu Bình.

Trong nhiều công bố thống kê chính thức, số liệu trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa bị thiếu, vì bộ máy hành chính bị hủy hoại tới mức nó dừng thống kê. Việc xử tử hàng loạt lan rộng khắp xã hội và dẫn đến thứ mà Walder mô tả là “gần giống cuộc nội chiến”. Một thế hệ người trẻ tuổi không được giáo dục chính thức. Khi nhắc tới tình trạng vô chính phủ này, MacFarquhar và Schoenhals kết luận, “Trong một thập kỷ, hệ thống chính trị của Trung Quốc bị rối loạn và sau đó tê liệt”.

( trang 28, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào, Yuen Yuen Ang, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2022, 2024)

Vậy bằng cách nào Trung Quốc có thể vượt qua được bẫy nghèo để vươn lên trở thành siêu cường trên thế giới?

“Quản trị” và “tăng trưởng” có một quan hệ “phức hợp” cùng “tiến hóa”

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu thế nào là bẫy nghèo? Với mỗi cá nhân, bẫy nghèo đó là việc sinh ra trong một gia đình thu nhập thấp, không được tạo điều kiện học hành và dinh dưỡng đầy đủ, không có vốn tư bản cũng như vốn quan hệ để kinh doanh, hầu như chỉ có thể đi làm thuê lương đủ thuê nhà, ăn uống và không đủ tích lũy để vượt qua ngưỡng nghèo hoặc thu nhập trung bình. Một số ít trẻ em nghèo sẽ được may mắn chọn lọc để được trao học bổng và có cơ hội vượt ra khỏi bẫy nghèo, tuy nhiên số này chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Hầu hết những người còn lại sẽ ở trong vòng hồi tiếp tiêu cực: nghèo -> chi trả nhiều (thuê nhà, thuốc men, thực phẩm bẩn…) -> không trang bị được kiến thức và cơ hội -> nghèo. Để vượt ra khỏi vòng luẩn quẩn này không phải là không thể nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từng ngày từng giờ.

Đối với quy mô một quốc gia, nghèo thường đi kèm với trình độ nhân sự, quan chức kém và hệ thống thể chế yếu -> không khích lệ kinh doanh, cạnh tranh và sự cống hiến của các cá nhân -> nghèo bền vững. Nhưng để có thể chế tốt, để có nhân sự trình độ cao lại cần đầu tư nhiều nguồn lực, tài chính để trang bị kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho họ, và điều này rất khó thực hiện đối với một quốc gia đang còn nghèo. Vậy phải làm sao để thoát khỏi tình thế lưỡng nan này? Trên thực tế, các học giả kinh tế thể chế nổi tiếng như Robinson và Acemoglu, người vừa đoạt giải Nobel kinh tế năm 2025, đều cho rằng “sự tăng trưởng cần dựa vào việc thành lập các thể chế không độc đoán và không tước đoạt, về mặt bản chất là các thể chế dân chủ. Nhưng cho tới ngày nay Trung Quốc không phải là một nền dân chủ. Các cuộc bầu cử quốc gia bị giới hạn. Thành viên của cơ quan lập pháp và tư pháp được chọn ra bởi đảng cầm quyền. Các hoạt động tước đoạt vẫn diễn ra thường xuyên ở một số nơi trên Trung Quốc.” (trang 30, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào, Yuen Yuen Ang, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2022, 2024)

Yuen Yuen Ang là Phó giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan. Bà đã thắng giải trong cuộc thi viết luận Next Horizons 2014 về “Tương lai của Hỗ trợ Phát triển” của GDN do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ và đến năm 2016, tác phẩm “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào của bà” đã được tạp chí Foreign Affairs vinh danh là một trong “Những cuốn sách hay nhất năm 2017”.

Các học giả quốc tế đã đưa ra rất nhiều cách giải thích rời rạc cho sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc, bao gồm:

  • Dựa vào việc nới lỏng rào cản tiếp cận tư bản ở một nền kinh tế đã có những yếu tố tăng trưởng cơ bản, ví dụ như lao động giá rẻ và các thành phố ven biển để xuất khẩu -> kết luận rằng những yếu tố này là đủ để tạo ra tăng trưởng thần kỳ cũng giống như tin rằng trứng, đường và bột sẽ tự biến thành bánh khi để qua đêm trong âu trộn.
  • Sự thay đổi về cơ chế khuyến khích bộ máy hành chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng của Trung Quốc. Trong chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình, các lãnh đạo địa phương tạo ra tăng trưởng sẽ được thăng chức, và các chính quyền địa phương được phép giữ lại lượng đáng kể ngân sách thu được. Những thay đổi này là sự khuyến khích khiến cho các quan chức địa phương trên toàn quốc gia theo đuổi tăng trưởng. Tuy nhiên những khuyến khích này không hoạt động đồng đều ở mọi nơi trên Trung Quốc. Ai cũng biết rằng một số địa phương, tập trung ở ven biển, tăng trưởng nhanh và xây dựng bộ máy quản lý có năng lực, trong khi những nơi khác nghèo đói và giữ thói cướp đoạt.
  • Lời lý giải thứ ba dựa vào sự tăng dần trong chất lượng cải cách của Trung Quốc. Như mọi người đều biết, các nhà cải cách Trung Quốc bỏ qua cách tiếp cận đột ngột của Liên Xô trước đó và sử dụng cách thay đổi dần dần các thể chế có sẵn, như việc tạo cơ chế song quy và hệ thống kết hợp cho quyền sở hữu cá nhân. Đúng như lời giải thích của các học giả theo lý giải này, tuy nhiên cần làm rõ các thế chế được thay đổi khi nào, vì sao và như thế nào.
  • Trường phái thứ tư liệt kê nhiều cách thích ứng được áp dụng bởi chính phủ Trung Quốc như một nguyên nhân của “sự bền bỉ mang tính chuyên chế” và cải cách thành công. Ví dụ bao gồm thử nghiệm chính sách, kêu gọi và áp dụng phản hồi xã hội, hợp tác công tư, đổi mới bộ máy hành chính để tạo doanh thu và nỗ lực nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước khác. Nhiều nghiên cứu mô tả các hành động thích ứng và khởi nghiệp, nhưng không giải thích vì sao Trung Quốc có thể sáng tạo đến vậy, đặc biệt khi so với các hệ thống hậu cộng sản trì trệ và các nhà nước thất bại.

Tóm lại, từng cách giải thích ở hiện tại xem xét một phần của tổng thể lớn: các yếu tố tăng trưởng cơ bản, việc khuyến khích bộ máy hành chính, sự cải cách dần dần, di sản lịch sử và nhiều hơn nữa. Mỗi cái đều quan trọng, nhưng không phần nào có thể giải thích cách các phần còn lại tương tác và tổng hợp để thay đổi toàn bộ nền kinh tế chính trị trong thời gian một thế hệ. Khi nhìn một cách tổng quát, nhiều học giả nhấn mạnh vào tầm quan trọng của “quản trị tốt”. Quản trị tốt là tiền đề cho sự tăng trưởng. Thế nhưng lại có những học giả khác chỉ ra rằng “quản trị tốt” là kết quả của sự tăng trưởng? Vậy ai đúng ai sai trong trường hợp này? Trên thực tế, “quản trị” và “tăng trưởng” có một mối quan hệ “phức hợp” cùng “tiến hóa”.

Tôi rất ấn tượng với sự phân biệt “phức tạp” và “phức hợp” mà Yuen Yuen Ang đã đưa ra trong cuốn sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” và cần phải hiểu rõ sự khác biệt này thì mới nhìn được gần nhất tới bản chất sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Mô hình truyền thống của chúng ta (cách chúng ta nhìn thế giới) giả định thực tại là phức tạp thay vì phức hợp. Thuật ngữ “phức tạp” và “phức hợp” được coi là giống nhau trong ngôn ngữ hàng ngày, nhưng thực ra chúng mô tả hai thế giới hoàn toàn khác nhau1. Trong thế giới phức tạp, các tổng thể được tạo nên bởi nhiều bộ phận tách biệt không tương tác và thay đổi nhau, ví dụ như chiếc máy nướng bánh mì. Một chiếc máy như vậy được tạo ra từ nhiều bộ phận khác nhau. Nhấn một nút và nó sẽ thực hiện hành động có thể đoán được: Một chiếc bánh đã được nướng sẽ nảy lên. Để nghiên cứu thế giới phức tạp, chúng ta có thể phân loại các bộ phận thành nhóm nguyên nhân − kết quả và sau đó tìm cách xác định ảnh hưởng tuyến tính của một biến độc lập giả định lên một biến phụ thuộc. Phần lớn phân tích của chúng ta đã được thực hiện như thể thế giới xã hội là phức tạp. Trong cách nhìn này, việc tranh luận liệu tăng trưởng tạo ra quản trị tốt hay ngược lại là có lý. Nhưng tất cả chúng ta đều biết các thế giới xã hội không nên được phân loại là phức tạp; chúng thường luôn luôn phức hợp. Các hệ thống phức hợp được tạo ra bởi nhiều bộ phận linh hoạt có thể tương tác với nhau và thay đổi lẫn nhau, tạo ra những kết quả không thể được kiểm soát hoặc dự đoán chính xác từ trước. Cơ thể con người là một ví dụ về hệ thống phức hợp. Kinh tế chính trị, bao gồm nhiều thành phần tham gia, nhiều thể chế và nhiều tương tác cũng là phức hợp.

(trích trang 37, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào, Yuen Yuen Ang, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2022, 2024)

Như vậy, rõ ràng rằng cần nhìn vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như biến đổi về thể chế của Trung Quốc dưới nhãn quan “phức hợp” thay vì chỉ đơn thuần cắt nhỏ thành các phần đơn lẻ. Rõ ràng rằng, mối quan hệ giữa “tăng trưởng” và “thể chế” là một mối quan hệ phức hợp cùng tiến hóa, và tư đây ta rút ra công thức quan trọng để “thoát khỏi bẫy nghèo”:

Sử dụng thể chế yếu để xây dựng thị trường -> thị trường phát triển kích thích thể chế mạnh -> thể chế mạnh giữ vững thị trường

 

>> Bản lưu video “Quản trị của Trung Quốc trong phát triển kinh tế và big tech”

Vậy làm thế nào để duy trì sự thích ứng giữa thị trường và nhà nước?

Xét trong bối cảnh cuộc cải cách Trung Quốc, mọi thứ diễn ra một cách tổng quát như sau:

Sự biến thể: các nhà cải cách trung ương muốn nhà quản lý địa phương áp dụng các mệnh lệnh từ trung ương một cách linh hoạt dựa theo điều kiện địa phương. Nhưng quá nhiều tự do có thể tạo nên sự hỗn loạn. Vậy nên một vấn đề dai dẳng trong xây dựng và triển khai chính sách của Trung Quốc là làm thế nào để đạt được cân bằng giữa sự linh hoạt và tuân thủ, biến thể và đồng bộ.

Sự chọn lọc: Cách các nhà quản lý địa phương thích ứng với từng tình huống cụ thể được định hình bởi tiêu chí thành công của họ. Trong các công ty, thành công được xác định bởi năng lực tài chính, nên các nhà quản lý công ty thích ứng để tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, chính phủ thường phải phục vụ nhiều nhu cầu và mục tiêu thậm chí trái ngược nhau. Vậy làm thế nào nhà nước Trung Quốc có thể định nghĩa rõ ràng và thưởng cho thành công trong bộ máy hành chính. Rõ ràng, sự chọn lọc phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu trong từng giai đoạn mà nhà nước Trung Quốc mong muốn đạt được. Việc chọn biến thể nào để tuyên dương, để nhân rộng nói lên mục tiêu của chính phủ Trung Quốc trong khoảng thời gian nhất định.

Sự tạo ngách: Sự đa dạng cung cấp cơ sở cho việc đổi mới và cho phép tạo ngách. Tuy nhiên ở Trung Quốc, sự đa dạng về điều kiện giữa các khu vực cũng dẫn đến sự chênh lệch lớn có thể cản trở sự phát triển kinh tế và tạo ra bất mãn chính trị. Điều này tạo ra vấn đề thứ ba là làm thế nào sự đa dạng địa phương có thể chuyển từ gánh nặng sang lợi thế tập thể. Các biến thể thành công được chọn lọc, cần phải nhân rộng tại nhiều địa phương khác nhau nhưng không được tiến triển thành tình trạng giẫm chân lên nhau mà mỗi địa phương cần đóng một vai trò có tính hợp tác với nhau để cùng nhau tạo ra lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Ví dụ, khi mô tả một doanh nghiệp, chúng ta nói, “sản phẩm của công ty này chiếm lĩnh một ngách của thị trường”. Việc tạo ngách phụ thuộc vào tính đa dạng: tính đa dạng càng cao, càng có thể tạo nhiều ngách. Tính đa dạng có thể tạo nhiều lợi thế cho việc tương tác và thích ứng. Cụ thể, tính đa dạng cho phép các chủ thể sử dụng tri thức tập thể để ứng phó với sự bất định, dự phòng chống lại các thất bại thảm họa và cung cấp kỹ năng và nguồn lực phong phú để giải quyết vấn đề tập thể. Với các lợi thế tiềm năng này, không có gì bất ngờ rằng nhiều tổ chức đề cao tính đa dạng và coi nó là mục tiêu của hoạt động tuyển dụng… Áp dụng trong thế giới chính trị, sự tạo ngách có thể mang nhiều hình thái: quốc tế, khu vực và nội bộ quốc gia. Các nền kinh tế quốc gia hình thành ngách trong thị trường quốc tế hoặc khu vực để có thể cạnh tranh. Bên trong các quốc gia lớn như Mỹ và Trung Quốc, các vùng có thể chuyên môn hóa với một số sản phẩm và dịch vụ nhất định. Tuy nhiên trong khi lợi thế của các ngách có thể là hiển nhiên, việc tạo ra chúng lại không hề rõ ràng. Ví dụ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình mắc kẹt trong việc tìm ngách, họ không có ưu thế về công nghệ để chiếm lĩnh khu vực giá trị cao cũng như nhân lực giá rẻ để cạnh tranh trong hoạt động sản xuất giá trị thấp. Với những quốc gia này, sự tự do hóa và mở cửa kinh tế đe dọa bào mòn các ngành công nghiệp và việc làm thay vì đem lại lợi ích của thị trường toàn cầu.

Một đặc tính quan trọng để duy trì sự thích ứng giữa “thể chế” và “tăng trưởng” đó là lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn “ảnh hưởng” thay vì “kiểm soát” trong một cơ chế gọi là “ứng biến có chỉ đạo”.

Đọc thêm:

Ứng biến có chỉ đạo – Cách thức thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc thoát bẫy nghèo đói bằng cách tạo ra một nhóm các điều kiện nền tảng khuyến khích cuộc tìm kiếm từ dưới lên đến từ bên trong để có các giải pháp thích ứng phù hợp cho địa phương. Vì Trung Quốc là nước phát triển muộn, chuyên chế, nhà nước đóng vai trò to lớn trong việc định hình quá trình và kết quả thích ứng. Tóm tắt nhiều yếu tố của cách thích ứng của nước này, tôi gọi nó là ứng biến có chỉ đạo. Các nhà cải cách trung ương chỉ đạo, quan chức địa phương ứng biến. Trung ương không điều hành bằng cách xác định cụ thể các đơn vị địa phương phải làm gì. Thay vào đó, nó chỉ đạo bằng cách giải quyết các vấn đề về thích ứng đã nêu trên: cho phép nhưng phân định ranh giới của sự địa phương hóa (sự biến thể), xác định rõ ràng và khen thưởng các thành công của bộ máy hành chính (chọn lọc) và khuyến khích trao đổi qua lại giữa các khu vực có bất bình đẳng lớn (tạo ngách). Trong khuôn khổ được xác định bởi trung ương, chính quyền địa phương ứng biến với nhiều giải pháp cho các vấn đề cụ thể với địa phương và liên tục thay đổi. Chính sự kết hợp đầy nghịch lý của sự chỉ đạo từ trên xuống và ứng biến từ dưới lên đã tạo nên nền tảng cho quá trình cùng tiến hóa của thay đổi căn bản.

(trang 47, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào)

Trong cuốn sách của mình, Yuen Yuen Ang đã đưa ra rất nhiều ví dụ để minh họa cho các lập luận ở trên. Những ví dụ này được rút ra từ tổng cộng 375 cuộc phỏng vấn có thể được chia theo khu vực địa lý, các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong đảng-nhà nước. Về mặt địa lý, các cuộc phỏng vấn này trải dài tại các tỉnh ven biển (ví dụ: Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô), miền bắc (ví dụ: Sơn Đông), miền trung (ví dụ: Hồ Bắc) và miền tây (ví dụ: Tứ Xuyên). Chúng cũng bao gồm các bộ máy hành chính trong nhiều chức năng của đảngnhà nước, bao gồm quản lý kinh tế (ví dụ: phòng đầu tư, ủy ban kế hoạch và ủy ban khu công nghiệp), các vấn đề chính trị (ví dụ: bộ phận kỷ luật và công chúng), cung cấp dịch vụ công (ví dụ: giáo dục và các phòng y tế, trường học công, bệnh viện), pháp chế (Đại hội đại biểu nhân dân và các Hội nghị hiệp thương), tòa án, v.v… Tổng cộng hơn 1000 trang tư liệu bằng chữ Hán.

Các ví dụ cụ thể trong sách được Yuen Yuen Ang đặt bí danh ví dụ như huyện Khởi Nghiệp, huyện Vinh Quang… Hãy xem xét cụ thể ví dụ của huyện Khởi Nghiệp trong cách thức “ứng biến có chỉ đạo” diễn ra như thế nào.

Đầu tiên, lãnh đạo trung ương muốn thúc đẩy thu hút đầu tư để huy động nguồn vốn phát triển kinh tế địa phương. Vậy ở huyện Khởi Nghiệp, cơ quan nào trong bộ máy hành chính chịu trách nhiệm vận động đầu tư? Hóa ra nhiệm vụ kích thích đầu tư không chỉ được giới hạn trong các cơ quan chuyên trách về kinh tế. Kể cả những cơ quan đáng lẽ không có nhiệm vụ về kinh tế cũng được giao việc thu hút nhà đầu tư, bao gồm Phòng Kế hoạch hóa gia đình của huyện (có nhiệm vụ thi hành chính sách sinh nở), Phòng Kiểm toán (kiểm tra giao dịch của các phòng khác), Ban Kỷ luật (có trách nhiệm điều tra tham nhũng) và Ban Tổ chức (đưa quyết định bổ nhiệm cán bộ). Ngoài các cơ quan trong danh sách, các văn phòng khác của huyện cũng được “khuyến khích thu hút nhà đầu tư”. Ví dụ bao gồm các tổ chức xã hội do Đảng lãnh đạo, như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ, Hiệp hội Văn hóa và kể cả Hiệp hội Người khuyết tật. Cùng với việc giao chỉ tiêu, các phòng ban đạt hoặc vượt chỉ tiêu được thưởng còn thất bại thì bị phạt. Để tạo thêm động lực về tài chính, huyện Khởi nghiệp đưa ra chương trình đóng góp, yêu cầu tất cả cơ quan đặt cọc vào ngân quỹ của huyện 50.000 NDT mỗi năm. Các đơn vị đạt được mục tiêu sẽ được nhận lại số tiền đã đặt cọc dưới dạng ngân sách bổ sung cho chi tiêu hành chính. Những đơn vị thất bại sẽ phải từ bỏ khoản tiền đặt cọc như một hình phạt. Các cơ quan của Huyện Khởi Nghiệp chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân của trưởng bộ phận và các nhân viên để thu hút nhà đầu tư. Các quan chức địa phương sử dụng quan hệ với “bạn bè, bạn học cũ và người thân”, điều mà người trong cuộc mô tả là một cách để “vận dụng tối đa mạng lưới quan hệ”. Một công chức ở Phòng Quản lý nhân sự của một huyện khác cũng nói, “Về cơ bản chúng tôi dựa vào quan hệ cá nhân để thu hút nhà đầu tư. Mỗi khi chúng tôi gặp đồng nghiệp và bạn bè, chúng tôi đều kêu gọi, này, hãy tới huyện của chúng tôi!”

Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ghi công cho đúng người nếu có quá nhiều cơ quan cùng tham gia thu hút nhà đầu tư. Câu trả lời nằm ở tính chất cá nhân hóa cao của việc thu hút đầu tư: Các nhà đầu tư có thể xác định rõ ai là người trung gian của họ. Như một công chức chia sẻ, “Những doanh nghiệp ở chỗ chúng tôi được kêu gọi bởi các công chức thông qua quan hệ thân quen”. Do đó ngoài việc khen thưởng cho các bộ phận, huyện Khởi Nghiệp còn có chương trình khen thưởng cho từng công chức. Với tên “Phần thưởng cho người trung gian” (ví dụ, những người môi giới), chính sách được viết chi tiết trong một văn bản lưu hành nội bộ. Chương trình được chia thành các mức và ở mức thấp nhất của chương trình là các dự án thông thường có giá trị thấp, cho phép người môi giới được thưởng lên tới 300.000 NDT (50.000 USD). Với các dự án lớn, người môi giới có thể nhận lên tới 5% giá trị thực tế của khoản đầu tư, đây là một con số khổng lồ. Lợi ích tiềm năng của những khoản hoa hồng này hơn hẳn tiền lương chính thức của công chức, thường chỉ thấp hơn 2000 NDT/tháng.

(trích trang 67, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào).

Trên đây là một ví dụ rất nhỏ trong số hàng trăm ví dụ mà Yuen Yuen Ang cung cấp trong cuốn sách để minh họa cụ thể cách thức mà Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng. Và tất nhiên, ngoài thành công thì các hoạt động này cũng mang tới nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng sâu sắc… Tuy nhiên, như Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận trước khi thực thi cải cách: “Hãy để một số người làm giàu trước.” Sẽ có những nơi trở nên rất giàu vì lợi thế địa chính trị, khí hậu, văn hóa… và có những nơi vẫn trì trệ và nghèo đói. Tuy nhiên, ở giai đoạn thứ 2, sau khi đã hoàn thành bước thoát nghèo thì chính phủ Trung Quốc tiếp tục với công cuộc “thịnh vượng chung” bằng cách tái phân bổ tài sản để hạn chế khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Những biểu hiện mà chúng ta thấy gần đây khi chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất cả nước phải đầu tư vào các tỉnh nghèo nhất của đất nước để giúp các tỉnh đó tăng trưởng cũng như những khoản phạt, những thúc ép để yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ phải đầu tư để đưa đến thịnh vượng chung cho cả nước.

Trước mắt, thương chiến Mỹ-Trung sẽ là một thử thách rất lớn mà Trung Quốc phải đối mặt khi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu bị cắt giảm. Chính phủ Trung Quốc sẽ ứng biến như thế nào cần được nghiên cứu và theo dõi kỹ lưỡng. Một giai đoạn mới đang bắt đầu và hi vọng rằng những bài học về giai đoạn trước sẽ góp ích ít nhiều để chúng ta phỏng đoán được diễn biến tiếp theo tại Trung Quốc trong những năm tới đây.

Lê Duy Nam

 

Ứng biến có định hướng – Cách Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo và trỗi dậy

Trong cuốn sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào”, Yuen Yuen Ang đã đi sâu vào chi tiết về sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thách thức những quan niệm thông thường bằng cách chỉ ra sự phát triển của nước này là một “quá trình đồng tiến hóa” giữa thị trường và thể chế. Duncan Green đã thôi thúc độc giả đắm mình trong cuốn sách được nghiên cứu kỹ càng này với những hiểu biết và phát hiện

Nguyen Water

06/11/2023

Chat với Yuen Yuen Ang về “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” và tính thực tiễn trong nghiên cứu

Vào ngày 4/4/2023 vừa qua, Book Hunter đã tổ chức cuộc trao đổi giữa các thành viên nhóm dịch, các độc giả với Yuen Yuen Ang - tác giả cuốn “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” (How China Escaped the Poverty)  thông qua hình thức “chat” tại nhóm trao đổi riêng. “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” được xuất bản lần đầu năm 2016 và được Foreign Affairs đánh giá là “Cuốn sách hay nhất năm 2017”, giành Giải

Book Hunter

18/04/2023

“Đắng cay và ngọt bùi” của Ellen Oxfeld: Câu chuyện ẩm thực & những biến động nông thôn miền Nam Trung Quốc trong nền kinh tế thị trường

Cảnh quan, môi trường sống, phong tục tập quán… và đặc biệt, đời sống ẩm thực của một cộng đồng đều là tấm gương phản chiếu những biến động xã hội, đặc biệt ở các vùng nông thôn đang đối mặt với làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Qua những bữa ăn tưởng chừng đơn giản, chúng ta có thể thấy được những thay đổi sâu sắc trong tập quán, thói quen và cả mối quan hệ xã hội. Giáo sư nhân

Trao đổi với Lê Duy Nam, trưởng nhóm dịch cuốn Thuận Theo Hoàn Cảnh của Brian Levy, về nhận định lộ trình quản trị và phát triển của một quốc gia

Trải qua một phần tư thế kỉ làm việc tại Ngân hàng Thế giới (World Bank), tác giả Brian Levy đã tạo nên điểm gặp gỡ giữa lí thuyết và thực hành trong cuốn sách Thuận Theo Hoàn Cảnh - Không Có Một Chiến Lược Phát Triển Vạn Năng bằng những cuộc nghiền ngẫm và thảo luận từ những số liệu và thực tiễn, để chỉ ra các khiếm khuyết trong chính sách đầu tư và tư vấn quản trị cho các quốc gia đã

Book Hunter

03/02/2023

Tổng Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan chỉ là lời nói dối

"Tổng Hạnh phúc Quốc gia là một lời nói dối": Người dân tị nạn Bhutan tại Oakland lên tiếng. “Khi tôi nghe về Tổng Hạnh phúc quốc gia, nó thật đau lòng. Khi chính phủ Bhutan hoặc người Bhutan nói rằng đó là một nơi tuyệt đẹp - một nơi tuyệt vời - tôi không cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã tự hỏi mình câu hỏi này nhiều lần - tại sao tôi lại cảm thấy điều đó? ”- Anju Subba. Có một số niềm tin khó lòng buông bỏ.
le-nam

Lê Nam

11/09/2018