Home Xem “Anonymous” – Chỉ ý tưởng là bất tử
Xem

“Anonymous” – Chỉ ý tưởng là bất tử

Bộ phim “Anonymous” (2011) do Roland Emmerich đạo diễn, đã đặt ra một giả thuyết khác về thân phận nhiều tranh cãi của William Shakespeare. Tác giả thật sự của những vở kịch và những bài thơ ký tên W. Shakespeare hay Anonymous là Edward de Vere, bá tước xứ Oxford dưới triều đại của nữ hoàng Elizabeth I. Bá tước là một người uyên bác, đam mê thi ca và kịch nghệ. Ông là người ảnh hưởng đến một cuộc nổi dậy của các bá tước chống lại gia tộc Cecil đang nắm quyền lực chi phối nữ hoàng lúc bấy giờ, nhưng họ đã thất bại. Edward de Vere từ một người giàu có và quyền lực cuối đời chết trong cô đơn, tuyệt vọng, nhưng hơn ai hết, ông biết rằng ngôn từ của ông có quyền lực hơn bất cứ vị thế chính trị hay sức mạnh quân sự nào. Một tư tưởng không thể nhìn thấy được, nhưng nếu biết cách làm nó sẽ thay đổi toàn bộ cục diện.

Những nhà văn là những kẻ thất bại trong cuộc sống, họ không làm ra của cải vật chất, họ không có quyền bính trong tay, họ – thậm chí còn bị thời đại của mình hiểu lầm, hắt hủi hoặc tệ hơn thế: lãng quên. Nhưng điều gì khiến họ chấp nhận tất cả những thiệt thòi ấy, cầm lấy cây bút và miệt mài đắm chìm trong những trang viết? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, viết để làm gì? Bà vợ của Bá tước Edward cũng đã đặt ra câu hỏi ấy. Edward kể cho người vợ chẳng bao giờ có sự đồng cảm với ông về những tiếng nói trong đầu, những thân phận đau khổ, những vần thơ bay bổng, những ý chí thời đại… Và với Edward, viết là một sự giải thoát. Và những người cùng thời với ông, giữa thời đại Nhà Thờ nắm quyền tối cao, ông thật sự là một “con người quỷ ám”. Chẳng phải vô lý, gia đình Cecil – đại diện cho Nhà Thờ – lại coi Nghệ thuật thuộc về Qủy dữ.
Không thể đọc văn chương thơ ca mà không sử dụng trí tưởng tượng. Chúng ta bắt buộc phải tưởng tượng các hình ảnh trong khi đọc, nếu không chúng ta sẽ không thể cảm nhận bất cứ điều gì. Như thể chúng ta tạo ra một bộ phim hoặc một bức tranh trong tâm trí của mình và ngồi xem rồi chiêm nghiệm những gì xảy ra trong đó. Khi các nhân vật trong tưởng tượng có cảm xúc, chúng ta cũng bị tác động. Chúng ta bị cuốn theo tâm trạng nhân vật, bị dẫn dắt bởi tư tưởng của tác giả một cách vô thức. Bằng sự hấp dẫn đầy mê hoặc của sự sắp xếp ngôn từ, các tác giả đã thôi miên chúng ta và chúng ta chấp nhận để họ cài cắm ý tưởng trong sự tự nguyện và hồ hởi. Đó là cách các tác phẩm dấy động cảm xúc và ảnh hưởng tâm trí của độc giả. Đó cũng là lý do tại sao văn chương – nghệ thuật lại nguy hiểm đến vậy, tại sao các tác giả luôn là nạn nhân của những cuộc “văn tự ngục”.
Xa hơn những gì các chính trị gia có thể nhìn thấy về các tác phẩm văn chương, đó là chúng không dừng ở mục đích chính trị. Khi đọc từng câu từng chữ, theo dõi các biến cố diễn ra… chúng ta bị đẩy vào tình thế phải đối diện với bản thân mình. Chúng ta bắt đầu hoài nghi nhiều hơn về thực tại chúng ta đang sống, và dần dần nảy sinh câu hỏi: “Thế rốt cuộc bản chất của con người là gì?”. Vậy là chúng ta bước vào chặng đường khám phá chúng ta là ai. Khi chúng ta đặt câu hỏi về chính mình và quyết tâm dành cả đời để khám phá ra chân lý ấy, không một quyền lực chính trị nào, không một niềm tin tôn giáo nào, không một sự khoa trương vàng bạc nào có thể trói buộc được. Bởi thế, cái điều mà các Sách giáo khoa môn văn vẫn nhồi nhét vào đầu học sinh một cách sáo rỗng: “Văn chương làm chúng ta người hơn”, quả là không sai. Và biết đâu, những chính trị gia muốn vùi dập những tác phẩm văn chương, không hoàn toàn vì họ sợ chúng kích động người dân, có lẽ, họ sợ phải đối mặt với bản thân mình, như chính nữ hoàng Elizabeth I trong bộ phim.
Xong rồi thì, mọi đền đài, cung điện, mọi quyền lực, danh tiếng… đến một ngày cũng sẽ biến mất, ai rồi cũng phải chết. Và tại sao chỉ có ý tưởng là bất hủ. Đến giờ đây, khi chúng ta đã biết về Vũ trụ Toàn ảnh, khi loài người nhận ra rằng thông tin không được lưu trữ trong não bộ mà được cất giữ đâu đó ngoài vũ trụ bao la kia, thì sự bất tử của ý tưởng càng được khẳng định. Khi một nhà văn viết điều gì đó trên giấy, tờ giấy có thể bị hủy hoại, ông ta có thể không có tên tuổi, nhưng ý tưởng của ông ta có thể lan truyền trong dân chúng một cách bí ẩn, thậm chí kể cả khi ông ta bị người đời lãng quên, một ai đó ở thời đại sau sẽ kết nối được và làm sống dậy ý tưởng ấy. Edward de Vede có thể ẩn danh, mãi mãi là một kẻ “anonymous”, vì hơn ai hết ông ta hiểu rằng ý tưởng vĩ đại hơn tác giả. Những lời cuối cùng của Edward căn dặn lại Ben Johnson, một biên kịch đã phản lại ông trong cuộc nổi dậy, thể hiện một sự vượt thoát mọi cản trở của thứ thời đại chật hẹp để vươn tới những ý tưởng cao đẹp: “Ngươi có thể phản bội ta, nhưng ngươi không thể phản bội các tác phẩm của ta”.
Hà Thủy Nguyên

Xem

MICHELANGELO – NGƯỜI KHỔNG LỒ CỦA THỜI ĐẠI PHỤC HƯNG

Tài năng phi phàm, niềm đam mê vô tận và cả sự cống hiến không mệt mỏi vì nghệ thuật là tất cả những gì người đời tự hào khi nhắc đến “Người khổng lồ “ Michelangelo. Cùng với Leonardo da Vinci và Raphael, Michelangelo được xem là một trong những nhân vật vỹ đại nhất thời kỳ Phục Hưng với sự uyên bác và xuất sắc trong các lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc cho đến kiến trúc và thơ ca.  Chân dung

William Shakespeare – “Hoàng đế của vũ trụ vô biên”

Book Hunter: Tựa đề của bài báo này được lấy ý từ câu thoại trong vở kịch "Hamlet: "Ta có thể ẩn mình trong vỏ hạt dẻ, nhưng cũng là Hoàng đế của vũ trụ vô biên". Cũng với ý này, Stephen Hawking đã đặt tựa đề cho cuốn sách đầu tiên của mình viết về vật lý lý thuyết để lý giải mọi điều xảy ra trong vũ trụ: "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ". Qua câu thoại trên, ta có thể nhận thấy

“Bức họa Dorian Gray”: Khoái Lạc, Cái Đẹp và Minh Triết

 Cuốn sách nào có thể khiến ta câm lặng khi đọc xong? Cuốn sách nào có thể khiến thấy mọi tiếng ồn trong quán café hỗn tạp trên con phố xấu xí đầy khói bụi của một thành phố đang bị đập phá kiệt quệ bỗng trở nên xa vắng như tạo nên một sự tương phản giữa bản thân ta và thế giới bên ngoài? Cuốn sách nào khiến nhịp thở của ta biến mất như thể ta không tồn tại mà chỉ có

C.S Lewis – Con người mơ tưởng từ thế giới Narnia

Book Hunter: C.S Lewis là nhà văn vĩ đại của nền Văn học Anh, tác giả của bộ tiểu thuyết giả tưởng "Biên niên sử Narnia". Ông đã vượt ra ngoài thể loại tiểu thuyết dành cho thiếu nhi này để đạt tới sự vĩ đại trong văn chương. Với văn chương giả tưởng, cùng các tác phẩm phê bình, thơ ca của mình, C.S Lewis không chỉ là một người thành công với trí tưởng tượng của mình mà ông đã trở thành một người

Book Hunter ra mắt bản dịch “Bức họa Dorian Gray” đầy đủ nhất từ trước tới nay

"Bức họa Dorian Gray" (Tên tiếng Anh: "The picture of Dorian Gray") của nhà văn vĩ đại người Anh Oscar Wilde là một trong các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của thế giới phương Tây. Tác phẩm được nhiều lần chuyển thành phim (25 bộ phim bao gồm chuyển thể và phóng tác), truyền cảm hứng cho nhiều truyện tranh, ca khúc và thi ca. Thậm chí, cái tên Dorian Gray còn được sử dụng để gọi hội chứng tâm lý sợ tuổi già và

Book Hunter

18/10/2018