Tiểu thuyết gia người Hungary đã sử dụng rào cản ngôn ngữ như một hình thức bảo vệ, cho cả bản thân và độc giả của mình.
Khi tác giả người Hungary Ágota Kristóf còn là một đứa trẻ, bà đã chán chê những câu chuyện do bà cua mình kể lặp đi lặp lại cho bà và anh em trai của mình vào giờ đi ngủ. Một tối nọ, bé Ágota thông báo với tất cả mọi người rằng từ bây giờ cô bé sẽ là người kể chuyện. Trong hồi ký mong manh The Illiterate của mình, gần đây được New Directions tái bản với lời giới thiệu của tiểu thuyết gia Helen Oyeyemi, thì Kristóf kể lại quá trình sáng tác những tác phẩm hư cấu đầu tay của bà như sau: “Tôi bắt đầu bằng một câu, bất kỳ câu nào, và phần còn lại sẽ theo sau. Các nhân vật xuất hiện, chết đi hoặc biến mất. Có những nhân vật tốt và những nhân vật xấu, người nghèo và người giàu, kẻ chiến thắng và kẻ thua cuộc.”
Kristóf, sinh năm 1935, có lẽ được mọi người biết đến với tư cách là tác giả của bộ ba tiểu thuyết đau thương – Cặp song sinh kỳ ảo, bao gồm Quyển vở lớn (1986), Chứng cứ (1988) và Lời nói dối thứ ba (1991) – kể về cuộc sống bị chiến tranh tàn phá của hai anh em sinh đôi Claus và Lucas. Mặc dù câu chuyện tàn khốc dựa trên ký ức của Kristóf về Thế chiến thứ hai, nhưng bà khẳng định trong hồi ký của mình rằng những năm đầu đời của chính bà là những năm tháng bình dị, hạnh phúc. Mọi thứ đều có ý nghĩa: “Lúc đầu chỉ có một ngôn ngữ,” bà nhớ lại trong The Illiterate. Cha của bà là giáo viên trong làng, gia đình của họ liền sát với sân trường nơi mà bà luôn chạy băng qua để tìm gặp cha. Ở nơi đó, ngồi phía sau lớp của ông ấy, bà lần đầu tiên mắc phải và thích thú với “căn bệnh nan y: đọc sách”.
Tìm hiểu thêm về sách: Cặp Song Sinh Kỳ Ảo – Ágota Kristóf – Book Hunter Lyceum
Cuộc sống bình dị này không kéo dài được lâu. Mặc dù những câu chuyện và lối kể chuyện đến với bà một cách dễ dàng, Kristóf sẽ sớm thấy mình đầy rẫy khó khăn với chính ngôn ngữ của mình, bị hoàn cảnh đẩy ra khỏi sức mạnh của lời nói, khỏi sự biểu đạt. Sự chia rẽ này sẽ tái diễn trong cuộc sống của bà và cuối cùng định hình nên phong cách văn xuôi chính xác đến rùng mình của bà. Năm chín tuổi, bà cùng gia đình chuyển đến một thị trấn gần biên giới nước Áo và bà nghe có tiếng người Đức nói, “ngôn ngữ của kẻ thù”. Năm bà 10 tuổi, quân Nga đến chiếm đóng và các ngoại ngữ khác bị cấm ngoại trừ tiếng Nga. Khi cha mẹ gửi bà vào một trường nội trú do nhà nước quản lý, Kristóf cảm thấy thoải mái khi thể hiện cảm xúc của mình bằng mật mã: “Tôi bắt đầu viết một loại nhật ký,” bà nhớ lại trong The Illiterate. “Tôi thậm chí còn phát minh ra một mật mã viết tay bí mật để không ai đọc được cái tôi viết. Tôi ghi lại những rắc rối, nỗi buồn, nỗi đau của mình, mọi thứ khiến tôi khóc thầm trong đêm trên giường.” Về sau, cô nói với học giả Riccardo Benedettini rằng ngôn ngữ riêng tư trong những cuốn nhật ký đó cũng trở nên xa lạ với bà: “. . . Tôi không đọc được nó ngay cả khi tôi muốn. Tôi đã quên mất nó rồi.”
Suốt cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956, Kristóf đã bước qua biên giới vào nước Áo cùng với chồng và con gái mới bốn tháng tuổi. Mặc dù bà không mấy quan tâm đến chính trị, nhưng sự bất đồng quan điểm của chồng bà với chính quyền Stalin do Mátyás Rákosi lãnh đạo đã khiến họ phải chạy trốn để tránh bị đàn áp. Người chồng ẵm đứa con. Còn Kristóf xách theo hai cái túi, một túi chất đầy quần áo, tã, bình sữa của em bé; túi còn lại đựng các quyển từ điển. Một số người bạn mà đang hoạt động chính trị của họ vẫn ở lại Hungary mặc dù họ phản đối Rákosi đã phải ngồi tù hai năm. Bản thân Kristóf cũng dành 5 năm làm việc trong một công xưởng đồng hồ ở Thụy Sĩ cùng những người Hungary lưu vong khác cũng đã được chuyển đến đó (Bà mô tả cuốn tiểu thuyêt thứ tư của mình Yesterday là tác phẩm “rất tự truyện” về trải nghiệm này). Kristóf sống ở Thụy Sĩ cho đến hết cuộc đời – thậm chí bà còn kết hôn lần thứ hai và có thêm hai đứa con nữa. Nhưng bà chưa từng có được cảm giác như đang sống ở quê nhà.
Những cảm giác mới về nơi xa lạ đã bén rể trong sự bất lực của bà khi bà giao tiếp với những người xung quanh. Bà ghi trong hồi ký của mình rằng, 5 năm sau khi đến Thụy Sĩ, bà đã nói được tiếng Pháp nhưng chưa đọc được: ”Vậy là tôi lại mù chữ nữa rồi.” Kristóf cuối cùng cũng làm quen được với ngôn ngữ mới. Năm 26 tuổi, bà đăng ký học tại Đại học Neuchâtel. Trong vài năm bà bắt đầu đọc các tác phẩm của Sartre, Camus và Victor Hugo, rồi cuối cùng cũng tự mình viết lấy các vở kịch. Mặc dù viết bằng tiếng Pháp để ngôn từ, câu chuyện của mình được mọi người đón nhận, bà khăng khăng rằng “tất cả những quyển sách của tôi đều viết về Hungary”. Giống như tiếng Đức và tiếng Nga, tiếng Pháp là “ngôn ngữ của kẻ thù” mà hoàn cảnh đẩy bà đến với nó. Kristóf xuất bản cuốn Quyển vở lớn, cuốn tiểu thuyết đầu tiên vào năm 1986, khi bà 51 tuổi. Mở đầu câu chuyện, hai anh em sinh đôi Claus và Lucas bị mẹ đưa đến nhà của người bà ở vùng nông thôn sinh sống suốt thời chiến. Cuốn sổ tay có tên ghi lại cảnh tra tấn, loạn luân, thú tính, ấu dâm, khổ dâm, chết đói, hạ nhục, hiếp dâm và giết người diễn ra xung quanh họ. Tuy nhiên, điều kinh hoàng nhất có lẽ là cách Claus và Lucas dễ dàng bình thường hóa và vô hiệu hóa bạo lực cực đoan. Sau khi chứng kiến và trải qua những đau khổ như vậy, họ không cần đến chủ nghĩa anh hùng hay đạo đức. Điều họ coi trọng là sự sống còn. Gần cuối Quyển vở lớn, cha của cặp sinh đôi trở về sau chiến tranh và biết rằng mẹ của họ, vợ của ông đã chết và được chôn trong cùng cái hố do quả bom đã giết chết bà tạo ra. Ông quyết định đào xác vợ mình lên và chôn cất vợ ở nghĩa trang, nhưng khi tìm thấy hai bộ xương dưới đáy hố – là người vợ và một đứa con gái mà bà có với một người đàn ông khác – thế là người chồng bỏ đi, để lại Claus và Lucas dọn dẹp mọi thứ:
Chúng tôi quấn hai bộ xương vào một tấm chăn mang lên gác xép, rải các xương ra trên rơm cho khô. Rồi chúng tôi xuống lấp lại cái hố bây giờ không còn ai ở dưới nữa.
Sau đó, chúng tôi bỏ ra nhiều tháng để chuốt và làm bóng chiếc đầu lâu và những mảnh xương của mẹ và em bé, rồi chúng tôi cẩn thận lắp ráp lại hai bộ xương bằng cách gắn mỗi đầu xương vào một đoạn dây thép mảnh. Khi hoàn thành, chúng tôi treo bộ xương mẹ lên một thanh của gác xép với bộ xương em bé bám vào cổ mẹ.
Đọc thêm: “Quyển vở lớn” của Ágota Kristóf đánh thức nỗi mê đắm với lạnh lùng và tàn nhẫn trong tôi
Những câu văn của Kristóf giống như những bộ xương, những kỷ niệm về nỗi buồn không thể diễn đạt hết đã được tẩy sạch tỉ mỉ khỏi máu và sụn. Trong nghệ thuật thị giác, không gian âm u luôn thu hút sự chú ý của người xem, dù chỉ trong giây lát, vào sự trống rỗng. Điều tương tự cũng có thể nói về tác phẩm của Kristóf. Bà dường như điêu khắc những câu chuyện của mình bằng cách bỏ sót, những điều tuyệt vời không được nói ra trong suốt các cuốn sách của bà là tiếng Hungary.
Bà vẫn giữ phong cách bỏ sót của bà một phần là do thực tế là từ ngữ không bao giờ có thể diễn đạt chính xác những gì tác giả muốn nói. Ngoài ra, bà viết, ” Tôi biết mình sẽ không bao giờ viết tiếng Pháp như những nhà văn Pháp bản địa, nhưng tôi sẽ viết theo khả năng của mình, tốt nhất có thể” Tuy nhiên, bà đã sử dụng sự xa lánh của mình như một loại bảo vệ, cho cả bản thân bà và độc giả của bà. Bà giải thích, “Tôi sử dụng tiếng Pháp thay vì tiếng Hungary để tạo khoảng cách giữa nỗi sợ hãi của tôi và bài viết của tôi.” Khoảng cách này có thể được hiểu theo cùng cách tạo ra bản dich mà nó thừa nhận sự trượt dốc tự nhiên giữa ngôn ngữ và cuộc sống – giữa một câu chuyện khi nó còn sống động, khi nó được ghi nhớ và khi nó được kể lại.
Đọc thêm: Ágotá Kristóf: “Chúng ta không bao giờ có thể diễn đạt chính xác điều chúng ta muốn nói”
Luôn có các nhà văn và những đoạn văn xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của Kristóf. Luôn có người cố gắng ghi lại cuộc sống của họ, làm cho nó trở nên không thể xóa nhòa, để một ngày nào đó họ được người khác đọc. Trong Quyển vở lớn, Claus và Lucas đặt ra các quy tắc kể chuyện của họ, cũng giống như chính Kristóf.
Để quyết định “Giỏi” hay “Kém” chúng tôi có một quy tắc rất đơn giản: bài luận phải đúng. Chúng tôi phải miêu tả điều gì có thật, điều gì chúng tôi thấy, điều gì chúng tôi nghe, điều gì chúng tôi làm.
Chẳng hạn, cấm viết “Bà ngoại giống một mụ phù thủy” nhưng chúng tôi được phép viết: “Người ta gọi bà ngoại là mụ phù thủy.”
…
Những từ nói về tình cảm rất mơ hồ. Tốt nhất là tránh dùng chúng và bám vào mô tả những đồ vật, những con người và bản thân, tức là, mô tả trung thực các sự vật.
Đọc thêm: Sự tàn ác và Khả năng phục hồi: Quyển Vở Lớn trong bộ ba cuốn sách của Ágota Kristóf
Vậy, một tác giả coi trọng sự thật trong một tác phẩm hư cấu vì mục đích gì? Chỉ có một đáp án khả thi chính là để chống lại sự ảo tưởng rằng một trong những điều này từng rất trong sáng. Những cuốn tiểu thuyết của Kristóf gần như dựa trên cuộc đời thật của bà mà lại không hề tiết lộ bất cứ điều gì về bà, một mâu thuẫn kết hợp nỗi kinh hoàng và tác phẩm của bà và cũng tạo ra khoảng cách không thể vượt qua giữa chúng. Đáp án thứ hai là phân biệt những câu chuyện nhằm giải phóng tâm trí để bước ra bên ngoài và suy nghĩ về chúng, với những lời nói dối, giam cầm tâm trí bên trong chương trình nghị sự của người khác. Trong The Illiterate, Kristóf nhớ lại rằng, vào ngày Stalin chết, giáo viên đã ra lệnh cho bà và các bạn cùng lớp sáng tác những bài điếu văn bày tỏ ý nghĩa của nhà độc tài đối với họ. “Trước hết là một người cha, sau đó là ngọn hải đăng”, họ được hướng dẫn viết như thế. Trong một khoảnh khắc phẫn nộ hiếm hoi, Kristóf đã chỉ trích sự thâm độc của việc nhồi sọ này:
Xét lương tâm của mình, ông ta có bao nhiêu nạn nhân? Không ai biết cả. Ở Rumani, người chết vẫn còn chưa đếm hết; ở Hungary có ba mươi ngàn người vào năm 1956. Điều mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể đo lường được là sự tai hại mà chế độ độc tài đã gây ra cho triết học, nghệ thuật và văn học của các quốc gia Đông Âu.
Sự kết hợp giữa lãng quên và sinh tồn cũng rất rất là thâm hiểm. Vào một đêm năm 1956 khi bà và gia đình trẻ của mình vượt biên giới sang Áo, Kristóf đã mất đi nhiều hơn cả quê hương. “Điều kỳ lạ là tôi không lưu giữ được nhiều ký ức về tất cả những điều này. Cứ như thể mọi thứ diễn ra trong một giấc mơ, hoặc trong một cuộc sống khác vậy,” bà viết. “Cứ như thể trí nhớ của tôi từ chối nhớ lại khoảnh khắc này khi tôi đã mất đi một phần lớn cuộc đời mình.” Người ta cũng có thể nghĩ về tác phẩm hư cấu của Kristóf như một hành động phục hồi, một cách thể hiện sự mất mát nhưng vẫn bảo tồn sự mất mát dưới hình thức khác. Chỉ riêng sự ngắn gọn của The Illiterate đã cho bạn biết rằng đây không phải là toàn bộ câu chuyện đời của bà. Đây chỉ đơn giản là câu chuyện mà bà muốn kể lại.
Hồng Linh dịch từ The New Yorker