Home Đọc Ágota Kristóf : “Chúng ta không bao giờ có thể diễn đạt chính xác điều chúng ta muốn nói”

Ágota Kristóf : “Chúng ta không bao giờ có thể diễn đạt chính xác điều chúng ta muốn nói”

Ágota Kristóf sống ở Thụy Sĩ và viết văn bằng tiếng Pháp. Bà rời Hungary vào năm 1956 cùng chồng và con gái và xây dựng cuộc sống ở Neuchâtel. Ban đầu bà làm việc cho một xưởng sản xuất đồng hồ, tại đây bà đã học được ngôn ngữ ở đất nước mà bà chọn đến sống. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà là “La grand cahier” (Quyển vở lớn) được xuất bản năm 1987 và nhanh chóng trở nên thành công. Tiếp nối là các tác phẩm khác: “Le Preuve” (Chứng cứ, 1988), Le Troisième mensonge (Lời nói dối thứ ba, 1991) và Hier (Ngày hôm qua, 1995). Bà đã nhận được giải Alberto Moravia (1988), giải Gottfried Keller (2001) và giải Schiller (2005). Bộ tiểu thuyết “Cặp song sinh kỳ ảo” (bao gồm “Quyển vở lớn”, “Chứng cứ”, “Lời nói dối thứ ba”) của bà đã được dịch sang bốn mươi thứ tiếng và được diễn ở nhiều sân khấu kịch ở Hungary và nơi khác. Cuốn sách “L’Analphabète” xuất bản năm 2004 của bà tập hợp các tác phẩm tự truyện. Các phần trong tập sách này đều là những câu chuyện mang tính biểu tượng: từ việc mọi người nói với nhau bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, giờ đây nhà văn của chúng ta bị đẩy vào trạng thái mù chữ và buộc phải tìm học một ngôn ngữ mới để có thể tồn tại trên thế gian này.

Tìm hiểu thêm về sách: Cặp Song Sinh Kỳ Ảo – Ágota Kristóf – Book Hunter Lyceum

 

Dóra Szekeres: bà đã cảm thấy gì khi biết mình chuẩn bị nhận giải Kossuth Prize?

Ágota Kristóf: Nó làm tôi hạnh phúc quá vì đây là một giải của Hungary. Mặt khác, bản thân tôi không hứng thú với các giải thưởng. Tôi đã nhận đủ giải rồi. Đây là một vinh hạnh lớn cho tôi khi các tác phẩm của tôi được dịch sang tiếng Hungary, nhưng tôi đã không ngờ mọi người ở đây lại quan tâm đặc biệt đến tác phẩm của tôi như vậy. Cách đây nhiều năm tôi từng tự hứa với bản thân hai lần là sẽ giành được giải này, nhưng lần đầu tiên đã chẳng có gì và cả lần thứ hai cũng vậy, nên khi em trai của tôi gọi cho tôi để báo về việc đi nhận giải này, tôi hỏi ngay lập tức: “Lại nữa hả?”

Dóra Szekeres: Năm ngoái bà là khách vinh dự trong một hội nghị văn học quốc tế tại Viện Bảo tàng Văn học Petőfi ở Budapest và nhà thơ András Petőcz đã hỏi bà cảm giác như thế nào về việc thay đổi ngôn ngữ. Bà đã trả lời rằng bà nhận thức từ khá sớm, nếu muốn viết được và được người khác đọc thì bà phải học tiếng Pháp.

Ágota Kristóf: Vâng, dĩ nhiên rồi, đó là lý do tại sao tôi bắt đầu viết bằng tiếng Pháp. Tôi không có việc gì để viết bằng tiếng Hungary ở Thụy Sĩ cả. Nhưng tôi vẫn tiếp tục viết bằng tiếng Hungary trong một khoảng thời gian khá dài, ít nhất là năm năm.

Dóra Szekeres: Trong quyển tiểu thuyết có tựa đề “Ngày hôm qua”, nhân vật chính làm việc trong một xưởng sản xuất đồng hồ nói rằng anh ta thường viết trong đầu của mình bởi vì như vậy dễ hơn; khi một người bắt đầu viết lách thì những suy nghĩ trở nên bị bóp méo và cuối cùng dẫn đến mọi thứ trở nên giả tạo bởi vì ngôn từ. Khi bà viết câu đầu tiên bằng tiếng Pháp, bà có thật sự dịch nó từ tiếng Hungary không? Từ ngữ của bà có chính xác hơn khi đã qua khâu sàn lọc của bản dịch không?

Ágota Kristóf: À, tôi nghĩ rằng đây là vấn đề đối với mỗi nhà văn. Chúng ta không bao giờ có thể diễn đạt chính xác những gì chúng ta muốn nói. Trong lúc viết, tôi cũng liên tục xóa. Tôi xóa nhiều lắm, đặc biệt là những tính từ và những sự việc mà nó không có thật, bắt nguồn từ cảm xúc. Ví dụ như, có một lần tôi viết: “đôi mắt lấp lánh của cô ấy”. Rồi sau đó tôi tự nói với mình: đôi mắt ấy lấp lánh thật à? Thế rồi tôi xóa tính từ đó đi.

Dóra Szekeres: Tuy nhiên có nhiều điều trong tác phẩm “Ngày hôm qua” không phải thật. Giấc mơ và thực tế liên tục lẫn lộn trong tác phẩm.

Ágota Kristóf: Nhưng cái đó thì khác nhé. Những giấc mơ này chỉ nằm ở đó trong tác phẩm “Ngày hôm qua” thôi. Tôi đã đưa nhiều bài thơ cũ được viết bằng tiếng Hungary của tôi vào để mô tả những giấc mơ.

Dóra Szekeres: Bà đã làm bằng cách nào? Bà tìm kiếm thông qua những bài thơ cũ của mình à?

Ágota Kristóf: Không phải, chúng ở sẵn trong đầu tôi rồi.

Dóra Szekeres: Có bao nhiêu điều chưa được viết trong đầu của bà?

Ágota Kristóf: Tôi không viết nữa, tôi bệnh rồi. Đây không phải là quyết định nhất thời, cứ vậy mà xảy ra thôi. Tôi chỉ đơn giản cảm thấy không muốn viết nữa và không còn năng lượng để viết. Và điều này không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đề tôi quan tâm, tôi đã bắt đầu viết về một trong những chủ đề đó cách đây hai năm. Nó hoàn toàn nằm trong đầu tôi rồi, tôi chỉ việc viết nó ra thôi. Rất đễ để viết mọi thứ ra khi nó có sẵn trong đầu. Sau đó tôi viết vài trang, nhưng tôi cứ lặp lại những gì mình đã viết. Tôi bắt đầu lại, rồi viết đoạn kết, nhiều lần, nhưng rồi tôi bỏ dở nó.

Dóra Szekeres: Có những nhà văn nói rằng họ cũng viết cùng một câu chuyện hết lần này đến lần khác.

Ágota Kristóf: À, vâng, theo một nghĩa nào đó thì đúng vậy bởi vì khi tôi viết quyển tiểu thuyết đầu tiên “Quyển vở lớn”, tôi đã không nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục, rằng việc quyết lách có thể tiếp diễn. Sau đó tôi chỉ đơn giản là không dừng viết được, tôi không thể bỏ mặc dòng ý tưởng sinh đôi đó, mặc dù tôi đã thử viết cái gì đó khác, nhưng chẳng có ý tưởng nào khác, chỉ có ý tưởng lặp lại đó thôi. Vậy nên tôi phải viết quyển thứ hai (Chứng cứ). Sau đó tôi nghĩ vậy là đủ rồi, vậy mà cuối cùng tôi đã viết quyển thứ ba (Lời nói dối thứ ba), bởi vì tôi không biết phải viết gì khác nữa.

Dóra Szekeres: Bà viết trong cuốn “L’Analphabète” rằng  bà đã thực sự học ngôn ngữ bằng cơ thể của mình; tức là những người phụ nữ làm việc trong xưởng sản xuất đồng hồ đã dạy cho bà tên của các bộ phận cơ thể và các vật thể bằng ngôn ngữ cơ thể. Khi nào thì bà nhận ra rằng tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ chính của bà?

Ágota Kristóf: Cũng mất một khoảng thời gian kha khá, mười hai năm tôi nghĩ vậy, để tôi có thể bắt đầu viết bằng tiếng Pháp. Đầu tiên tôi thử xem những bằng thơ Hungary của tôi sẽ có âm điệu như thế nào nếu là tiếng Pháp. Sau đó tôi ghép các câu lại, những đoạn nhỏ để xem trông chúng như thế nào nếu là tiếng Pháp, nhưng mà mọi việc diễn ra rất là chậm. Đầu tiên tôi viết những vở kịch, vì như vậy dễ hơn nhiều, bạn chỉ cần chỉ ra tên của người nói. Đó không phải là văn học, tôi viết ra những cuộc trò chuyện thông thường, những câu nói hàng ngày. Tôi hoàn thành một vài thứ như vậy và có người nói với tôi rằng tôi nên gửi những thứ này đến đài phát thanh. Ngay lập tức họ bắt tay vào việc và năm trong số những vở kịch của tôi đã được phát trên radio. Và tôi tiếp tục viết kịch trong một thời gian dài. Tôi học cách viết cho đài radio. Tôi không nhớ được tôi đã chuyển qua viết tiểu thuyết như thế nào. Ý tưởng xảy đến. Tôi muốn viết về những trải nghiệm trong chiến tranh ở Kőszeg của tôi và em trai Jenő. Lúc bắt đầu, tôi và em trai là những người kể chuyện, nhưng nghe nó kỳ cục lắm trong tiếng Pháp, khi nói là “tôi và anh ấy” , vậy nên tôi đã thêm “chúng tôi” vào và thế là trở thành “chúng tôi”, phát âm là nous trong tiếng Pháp, vậy là tôi không cần phải báo với mọi người là ai đang kể chuyện. Đó chính là khi phong cách này được ra đời.

Quyển sách này hoàn toàn là tự truyện, nhưng rất nhiều phần trong đó là sự thật. Ví dụ như, việc trục xuất người Do Thái khỏi Kőszeg. Tôi đã chứng kiến điều đó. Có một trại tập trung người Do Thái ở Kőszeg, chúng tôi đã nhìn thấy họ xếp thành hàng hành quân ngang trước nhà chúng tôi. Người giúp việc của chúng tôi đưa cho họ một ít bánh mì, nhưng sau đó lấy lại. Đây là những điều tôi nhận thấy khi tôi mười tuổi. Có nhiều điều khác trong quyển sách này không trực tiếp là trải nghiệm của tôi, mà là của một người bạn. Khi những người Nga đến, chúng tôi có lúc phải bỏ đi lên đồi. Mẹ của bạn tôi tay ôm một đứa trẻ sơ sinh, bà ta ngã lên đứa bé, bạn tôi đã nhìn thấy. Có những điều tôi đã thuật lại trong tiểu thuyết đó, tôi không chắc nó hoàn toàn là tự chuyện. Nhưng có nhiều điều kể về Kőszeg trong tác phẩm.

Dóra Szekeres: Thỉnh thoảng bà có về thăm lại Kőszeg không?

Ágota Kristóf: Có chứ, và ấn tượng của tôi thay đổi tùy thuộc vào thời điểm tôi ghé thăm. Có lúc tôi thấy nó hoàn toàn đổi mới, mọi thứ như được quét vôi trắng và làm mới lại. Sau đó tôi quay lại sau một vài năm và mọi thứ đều bị hủy hoại, nhà cửa trông như những năm về trước. Nhưng tôi không đến Kőszeg nữa, tôi không còn sức cho việc đó.

Dóra Szekeres: Bà nói tiếng Hungary với đứa con đầu lòng, con gái của bà, nhưng với hai đứa con còn lại thì không. Tại sao vậy?

Ágota Kristóf: Cũng lâu rồi tôi không nói tiếng Hungary với con gái đầu của tôi nữa. Giờ thì có con trai của tôi nói tiếng Hungary thôi vì nó có bạn gái người Hungary, vì vậy chúng tôi thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Hungary, nhưng giờ con trai tôi đã 38 tuổi rồi và nó thích nói tiếng Anh hơn với bạn gái hơn. CHúng tôi không quyết định việc không dạy tiếng Hungary cho con cái, mọi chuyện cứ để tự nhiên thôi. Bởi vì môi trường sống. Người chồng thứ hai của tôi cũng nói tiếng Pháp, nên có thể nói rằng tôi không muốn làm họ thấy rối rắm thêm. Nhưng có lẽ tôi nên làm vậy. Cũng hơi hối hận một chút. Mà bây giờ con gái của tôi muốn tôi nói tiếng Hungary với đứa cháu trai nhỏ nhất, mới hai tuổi thôi. Tôi sợ là cháu sẽ không hiểu, và sẽ xa lánh tôi. Giờ cậu nhóc biết nói từ igen (yes) và nem (no) rồi, và khi tôi mua cho cháu một chú gấu bông luôn đặt trong nhà tôi chờ cháu tôi đến chơi, thì cậu nhóc biết gọi nó là mackó trong tiếng Hungary. Nhưng tôi luôn cảm thấy rằng cháu của tôi đã nhận ra thật là kỳ lạ khi tôi nói chuyện với nó bằng tiếng Hungary.

Dóra Szekeres: Esterházy viết về bà rằng: “Có người đang theo dõi từ xa những gì chúng ta đang theo dõi từ đây.”

Ágota Kristóf: Vâng, tôi nhớ có một bài báo, là ông ấy lần đầu viết về sách của tôi. Chúng tôi từng gặp nhau một lần. Câu này có lẽ cũng đúng đấy, nhưng tôi không muốn viết tiểu thuyết lịch sử, đây không phải mục tiêu của tôi, tôi chỉ muốn nói về tuổi thơ của mình.

Dóra Szekeres: Bà đã đọc những quyển sách được dịch sang tiếng Hungary của mình chưa? Cảm giác của bà như thế nào khi nhìn thấy những văn bản bằng tiếng Hungary? Bà có nói, các câu tiếng Pháp khó ghép lại với nhau, vậy trong tiếng Hungary sách của bà nghe như thế nào?

Ágota Kristóf: Vâng, tôi luôn nhận được các bản dịch và tôi luôn xem qua chúng, nhưng chúng làm tôi khó chịu. Tôi không thích nhìn thấy chúng. Có quá nhiều các bản dịch các tác phẩm của tôi mà tôi không thể tiếp tục theo dõi nữa, đôi khi tôi thậm chí còn không thể đọc nổi tên mình trên quyển sách, giống như trường hợp của các bản dịch tiếng Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tôi thậm chí không biết quyển sách đã được dịch như thế nào. Tôi không biết những gì tôi viết đến được với đọc giải bao nhiêu phần, nhưng chắc chắn là sách của tôi rất thành công. Dù là tiếng Nhật hay tiếng Nga. Tôi từng được mời đến St Petersburg vài lần, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có thể đi đến đó. Còn người Trung Quốc, họ dịch mọi thứ, nhưng không trả một xu nào. (cười to) Họ nói rằng không thể chuyển đổi tiền của họ hoặc đại loại thế, nhưng tôi không quan tâm. Cái tôi quan tâm là những bài thơ Hungary cũ của tôi sẽ được xuất bản sớm trong một tập song ngữ. Tôi vui lắm. Tôi vừa mới ký một hợp đồng với một nhà xuất bản ở Geneva. Một dịch giả người Hungary sắp tới sẽ dịch các bài thơ của tôi thành tiếng Pháp.

Dóra Szekeres: Ngoài ra, giám đốc János Szász đang lên kế hoạch làm một bộ phim của cuốn “Quyển vở lớn”. Bà thấy sao?

Ágota Kristóf: Đây là điều vui nhất tôi từng trải qua gần đây. János Szász thỉnh thoảng gửi một số đoạn kịch bản cho tôi. Tôi thích ông ấy lắm, phim của ông ấy mạnh mẽ và tôi dám chắc là ông ấy sẽ không phá hỏng “Quyển vở lớn” như đạo diễn người Ý đã làm với bộ phim “Ngày hôm qua”. [Brucio nel vento / Bùng cháy trong gió, đạo diễn bởi Silvio Soldini] Phim đó hỏng hoàn toàn. Họ đã thay đổi phần kết.

Đọc thêm: “Quyển Vở Lớn” của Ágotá Kristóf đánh thức nỗi mê đắm với lạnh lùng và tàn nhẫn trong tôi

Dóra Szekeres: Nhưng tại sao họ lại làm vậy? Điều tuyệt vời nhất của câu chuyện chính là vì nó đã không có một kết thúc có hậu mà.

Ágota Kristóf: Ừm, trong phim thì nó kết thúc có hậu đấy. Tôi và đạo diễn đã trao đổi rất nhiều và tôi bảo ông ấy bộ phim không nên như vậy, nhưng ông ta nói mọi người sẽ bỏ xem phim mất thôi vì họ muốn vui vẻ, họ muốn hạnh phúc. Phim của Szász sẽ không như vậy đâu.

 

Hồng Linh dịch từ https://hlo.hu/interview/agota.html

Sự tàn ác và Khả năng phục hồi: Quyển Vở Lớn trong bộ ba cuốn sách của Ágota Kristóf

Sau khi học nói và viết bằng tiếng Pháp, Kristóf bắt đầu viết thơ, rồi viết kịch cho đài phát thanh và sân khấu, trước khi cuối cùng bước đến lĩnh vực viết tiểu thuyết. Bộ tiểu thuyết Cặp song sinh kỳ ảo gồm ba cuốn sách Quyển vở lớn, Chứng cứ và Lời nói dối thứ ba của Kristóf đã được xuất bản vào tháng này lần đầu tiên ở Úc và New Zealand bởi nhà xuất bản Text – là một kiệt tác

Cụt Đuôi

About an hour ago

“Quyển Vở Lớn” của Ágotá Kristóf đánh thức nỗi mê đắm với lạnh lùng và tàn nhẫn trong tôi

Một cuốn sách giúp tôi khám phá ước muốn thực sự của bản thân muốn trở thành kiểu người như thế nào: Quyển Vở Lớn, tập đầu tiên trong bộ ba tác phẩm Cặp Song Sinh Kỳ Ảo của Ágota Kristóf, cùng với Chứng Cứ và Lời Nói Dối Thứ Ba. Khi lần đầu nghe thấy cái tên Ágota Kristóf, tôi chắc mẩm đó là cách phát âm sai tên Agatha Christie theo lối Đông Âu; nhưng tôi sớm phát hiện ra rằng Ágota chẳng

Book Hunter

25/11/2024