“Bây giờ toàn những người chỉ biết mà không hiểu” hay “Người Việt Nam không hiểu cái gì sâu cả, chỉ toàn biết sơ sơ”… những nhận xét như vậy đã trở thành một điệp khúc của những người than thở về sự xuống cấp của văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa thời đại Internet nói chung. Điệp khúc ấy khiến tôi phải dừng lại và suy nghĩ, đâu là mối quan hệ giữa “Hiểu” và “Biết”?
Ý nghĩ đầu tiên khi bước chân vào dòng suy nghĩ này đó là câu thành ngữ của người Trung Hoa: “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” (Có nghĩa là: “Vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương/ Biết người, biết mặt, không biết lòng”. Từ “Biết” tiếng Hán là “tri”. Người Á Đông rất coi trọng sự “biết”. Có một sự khác biệt lớn về cấp độ nhận thức giữa “kiến thức” (những điều trông thấy) và “tri thức” (những điều đã đạt đến độ biết). Tức là “kiến thức” chỉ nằm ở cấp độ vẽ da con hổ mà thôi, còn cấp độ của “tri thức” là cấp độ của việc nhận thức điều gì đó cả trong lẫn ngoài. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta có nhiều kiến thức thì sẽ có tri thức, bởi lần mò, sờ mó khắp bộ lông con hổ, bạn có thể thấu suốt được bên trong của nó.
“Biết” tiếng Anh là “know”. Dấu vết đầu tiên của từ “know” có thể thấy trong từ “cnawlece” tương đương với “acknowledgment of a superior, honor, worship”, có nghĩa là “kính ngưỡng một lực lượng siêu nhiên, tôn vinh, thờ phụng”. Tiếng Anh thời Trung Cổ có từ “knoulechen”, sau này chuyển thành “acknowledge” với ý nghĩa “nhận ra” hay “giao hòa”. Qúa trình tìm hiểu từ nguyên của từ “know” này thật sự khiến tôi thích thú, bởi những gì tôi nhận thức về sự “biết” lại rất gần với ý nghĩa cổ xưa. Đứng trước một sự việc, khi chúng ta không ở trong nó thì chúng ta không thể biết về nó. Tiếp xúc với một sự vật nếu không có sự giao hòa về mặt năng lượng với sự vật thì không thể gọi là “biết” sự vật ấy. Đây chính là nguyên lý mà các cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp vẫn nhắc tới, khi người và kiếm hợp nhất. Bái Hỏa giáo do Zarathustra sáng lập, tôn giáo cổ xưa nhất của loài người có hình thức chiêm nghiệm ngọn lửa và chỉ thực sự biết về lửa khi người và lửa hợp nhất. Một cách gần gũi hơn, Đức Phật chỉ biết về Niết Bàn khi nhập vào Niết Bàn, Jesus chỉ biết được Thượng Đế khi hòa làm một với Thượng Đế.
Rõ ràng, dù ở từ “tri” của tiếng Hán hay “know” của tiếng Anh, ta đều thấy sự khẳng định rằng chúng ta không thể biết được một điều gì đó nếu chưa từng thấy và trải qua điều đó.
“Hiểu” có tiếng Hán là “thông” và tiếng Anh là “understand”. Tiếng Anh Cổ là “understandan” với ý nghĩa “bao hàm và nắm bắt ý tưởng”. Từ “thông” trong tiếng Hán cũng có cách hiểu là đào sâu một vấn đề nào đó để thấu suốt nó. Nói một cách ngắn gọn, “hiểu” chính là nắm bắt được bản chất của vấn đề.
Không biết từ bao giờ người Việt có lối nghĩ rằng việc “hiểu” quan trọng hơn việc “biết”, có thể là từ khi xứ ta được tiếp xúc với lối tư duy logic và cho rằng logic là cách duy nhất để đạt được sự hiểu biết. Nhiều người đã đồng nhất sự “hiểu” với tính logic, nhưng logic chỉ là một phương pháp tư duy để dẫn đến việc hiểu. Bên cạnh quá trình tư duy logic, những nhà khoa học vĩ đại còn mơ hồ nói đến một sự “hiểu” trong trạng thái vô thức, hay người ta vẫn gọi một cách chung chung là “trực giác”. Vì lý do nào đó, tự nhiên, trong khoảnh khắc, một người hiểu được vấn đề mà trước đó họ phải mất rất nhiều công sức để tư duy mà không thể tìm ra.
Vậy thì đâu là sự tương tác giữa “Hiểu” và “Biết”? Làm sao một người có thể “hiểu” vấn đề nếu không từng thấy và biết ở bề mặt của một vấn đề nào đó? Và làm sao người ta có thể đạt đến mức độ “giao hòa” của sự “biết” nếu không qua quá trình tìm tòi đến mức thông hiểu bản chất của vấn đề. Có vẻ như “hiểu” là chiếc cầu giúp chúng ta bắc từ trạng thái bên ngoài của sự vật, sự việc để vào đến cốt lõi và hơn cả thế, trải qua quá trình hợp nhất với điều ta đang khám phá. “Biết” có nhiều cấp độ, và “hiểu” giúp ta gia tăng cấp độ, mở rộng đường biên của sự biết.
Trang Tử trong chương Thu Thủy của Nam Hoa Kinh có một đoạn luận rất hay về tương quan giữa hiểu biết của con người và vũ trụ: Sự hiểu biết của con người chẳng qua chỉ như một giọt nước giữa đại dương mênh mông, nhưng tham vọng của con người lại chính là hiểu biết về đại dương đó. Bởi thế, từ Cổ chí Kim, bất luận Đông Tây, các học giả vẫn mải miết đi tìm bản chất của thực tại, các quy luật vận hành vũ trụ, hay theo ngôn ngữ của phương Đông là Đạo. Và cho dù có nhiều học thuyết đến đâu thì không một học thuyết nào có thể thỏa mãn nhân loại. Đó là một quá trình nhận thấy, biết, hiểu, biết sâu hơn, nhận ra thêm một điều gì đó, rồi lại hiểu và biết sâu hơn nữa… Và có lẽ ở mức độ biết cao nhất, sâu nhất, rộng nhất, đó là nhập làm một với vũ trụ, giống như giọt nước sẽ có tri thức về đại dương khi trở thành một phần của đại dương ấy. Phải chăng, đây chính là ý thiền sư Duy Tín đời Tống ngầm gửi gắm trong câu “Khi chưa tu Đạo thì thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông; mới tu Đạo thì núi không còn là núi, sông không còn là sông; đến khi đắc Đạo thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”. Tuy nhiên, tôi vẫn không dám chắc rằng đó là giới hạn cuối cùng, bởi lẽ tôi chưa đạt đến mức độ biết đó, và giống như một Thiền Sư nhà Trần đã viết:
“Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.”
Quảng Nghiêm Thiền Sư
(Dịch nghĩa: “Chưa đến cõi chết thì không bàn về việc chết/ Sống mà không phụ thuộc vào sự sống thì mới được giảng về sự không sống)
Quay trở lại vấn đề “Hiểu” và “Biết”, sự mênh mông của tri thức có lẽ là điều không còn gì phải bàn cãi. Tôi tin rằng, cho đến bây giờ, không một khoa học gia, một triết gia nào còn dám vỗ ngực rằng mình hiểu bản chất của một hạt cát chứ đừng nói rằng hiểu được vũ trụ. Bởi cứ mỗi lần nhận thấy điều gì đó trong quá trình tìm tòi, họ lại giật mình nhận ra rằng hóa ra những điều mình biết trước đây là sai lầm hoặc thiếu sót. Sự nhận ra này trở nên nhanh chóng hơn ở thời đại ngày nay, khi thông tin nhiều hơn, thế giới vận hành mạnh mẽ hơn… Chỉ cần khi mới chạm được đến sự biết nào đó thì lập tức các dữ kiện mới xuất hiện và phá bỏ cách hiểu trước đó.
Cái duy nhất con người có thể chắc chắn biết được đó là chúng ta không hiểu biết gì nhiều lắm về vũ trụ, về thế giới, về xã hội và về chính bản thân chúng ta. Mọi thứ chúng ta tưởng là chúng ta biết có thể rằng chúng ta còn chưa từng nhìn thấy, chưa từng trải nghiệm, và chắc chắn rằng chúng ta không thể có sự hiểu hay hòa nhập với nó. Bằng một cách nói quen thuộc mà tôi hay sử dụng, thì đó là ảo tưởng về sự “Biết”, bởi chúng ta chỉ tiếp xúc với sự vật, sự việc bằng các khái niệm trừu tượng trong từ điển hay những quyển sách diễn giải dài ngoằng của các nhà lý thuyết. Lý thuyết không phải tất cả, lý thuyết chỉ là một quá trình diễn ngôn về sự hiểu và sự biết của một nhà lập thuyết. Sự biết ấy có giới hạn và đến một lúc nào đó, khi bị đặt sang một không gian khác, tình huống khác, lý thuyết ấy không còn đúng nữa. Tóm lại, lý thuyết có thể chỉ là một sự đúc rút kinh nghiệm ở cấp độ cao, sâu và rộng. Mà vấn đề là không có cao cực cao, sâu cực sâu, rộng cực rộng, vì không có giới hạn cho điều này. Chúng ta đọc được những lý thuyết ấy, nắm bắt được phần nào các khái niệm, và chúng ta tưởng rằng chúng ta đã biết. Đúng là chúng ta đã biết, nhưng chúng ta chỉ biết cái mường tượng, cái ảo ảnh được vẽ ra trong đầu dựa trên lý thuyết ấy.
Có một nguyên tắc quan trọng trong con đường khám phá, đó là phải bỏ lại những sự “Biết” và sự “Hiểu” trong quá khứ của mình. Nếu không bỏ lại, chúng ta không thể phá vỡ các giới hạn của nhận thức, không thể mở rộng đường biên, Điều này tương đồng trong phép tu Vô Ngã. Mọi thứ ta thấy đều chỉ là ảo tưởng, khi vứt bỏ ảo tưởng này, ảo tưởng khác lại xuất hiện. Qúa trình vứt bỏ liên tục, quá trình đi sâu hơn nữa, vươn cao hơn nữa, trải rộng hơn nữa là quá trình để chúng ta đạt tới sự hiểu biết thật sự.
Đây chỉ là những hiểu biết của tôi về sự Hiểu và sự Biết. Có thể ngày mai, ngày kia hay một thời gian ngắn nữa, những điều tôi đã nhận thức ở đây không còn đúng nữa và tôi sẽ lại phá vỡ những giới hạn này để hiểu biết hơn về chính sự Hiểu Biết.
Hà Thủy Nguyên
Dù Hiểu là gì hay Biết là gì thì ý kiến chủ quan của tôi về điều kiện tiên của để có Hiểu và có biết là: phải thực sự muốn Hiểu và muốn Biết. Gần 10 năm trước, một người bạn (nhiều hơn gần 20 tuổi), cũng là đối tác làm ăn, có phán một câu thế này: tất cả đều là giả vờ, sống giả vờ, học giả vờ, làm ăn cũng giả vờ. Phát biểu tổng quát, và tới giờ vẫn thấy đúng trong nhiều trường hợp.
Khi suy ngẫm và luận về Hiểu và Biết sẽ thấy có nhiều cặp mâu thuẫn. Mà thực sự chưa biết phải lý giải ra sao. Chẳng hạn. Muốn Hiểu một sự vật/hiện tượng thì phải quan sát được, phải bắt đầu tự sự hiện hữu của sự vật đó. Nếu vậy, thì lý giải thế nào với Hiểu và Biết của các nhà khoa học với virut, vi khuẩn ngay từ khi chưa có những thiết bị khoa học để chứng minh sự tồn tại của những thứ này. Gần hơn là câu chuyện của hạt Higgs (hạt của Chúa).
Hoặc với đời sống siêu nhiên, tâm linh. Muốn Biết và Hiểu đời sống tâm linh, cõi kia thì phải nhập vào vô thức (mà thiền định được xem như một phương pháp). Vậy khi đã vô thức thì làm sao giữ được ý thức để ghi nhận và quan sát. Trạng thái vô thức có ý thức, và khả năng chủ động vô thức sẽ phải được giải thích ra sao?
Cám ơn tác giả với một chủ đề thú vị và gợi nhiều suy nghĩ.
“Và có lẽ ở mức độ biết cao nhất, sâu nhất, rộng nhất, đó là nhập làm một với vũ trụ, giống như giọt nước sẽ có tri thức về đại dương khi trở thành một phần của đại dương ấy”
Xin được hỏi chị, là nếu chúng ta thừa nhận điều này, tức là chúng ta thừa nhận là đối với đại dương, thì giọt nước nào cũng giống như giọt nước nào, hay đối với vũ trụ, thì sinh linh nào cũng như sinh linh nào có đúng không ? Vì nếu chúng ta không giả định tất cả các cái bộ phận là hoàn toàn đồng nhất; không những đồng nhất, mà còn tuyệt đối hòa trộn vào nhau, tuyệt đối không có ranh giới phân chia, tuyệt đối không còn khái niệm “một” hay “tất cả”; thì khẳng định trên không thể nào đứng vững được.
Mong chị trả lời sớm !
NhanTrongDinh theo mình nghĩ bạn ấy muốn nói là muốn hiểu được 1 vấn đề thì phải thực sự hiểu rõ mối liện hệ của vấn đề đó với vấn đề lớn hơn, lớn hơn nửa,…vô cùng. Ai có thể nói mọi sinh linh đều như nhau, đồng nhất chứ ? Câu trả chỉ có thể là Đạo, hay cái gì, vật gì đi nửa tạo ra vụ trụ này….Có bắt đầu mới có kết thúc, 1 câu rất đúng nhưng cũng chỉ trong 1 số trường hợp…Ai có thể trả lời cho tất cả những bí ẩn này chứ, đời người thì hữu hạn, hiểu được cái vô hạn sao? Ai?
Mong bạn có thể hiểu ý mình, thân !
TriDungTran Cái gì phân định rõ rệt được vô thức và có ý thức chứ, liệu hạt này là hạt của Chúa hay cũng chỉ là một loại hạt cố định của loài người ? Con người cũng chỉ tìm hiểu thế giới này qua lăng kính của họ, tìm cái nhỏ nhoi trong cái vĩ đại của vụ trũ này, hay thời gian phủ định tất cả, thời gian mới là chủ nhân của tất cả những gì ta tìm kiếm bấy lâu 🙂
Đây là câu trả lời của bà Annie Besant viết trong bài “Thế nào Thông thiên học hay Minh Triết thiêng liêng”
…..
Một Đại sư một hôm được một đệ tử hỏi thế nào là sự hiểu biết. Ngài đáp rằng có hai sự hiểu biết, một thứ thấp và một thứ cao. Tất cả những điều hiểu biết thông thường như khoa học, mỹ thuật, văn chương, kinh sách cho đến thánh thư Vệ đà, tất cả những môn đó đều thuộc thứ hiểu biết thấp. Chỉ có sự hiểu biết Đấng Duy Nhứt sáng tạo vạn vật mới là sự hiểu biết cao. Đó là ý nghĩa của Thông Thiên Học, sự hiểu biết Trời, sự hiểu biết Thượng Đế, nguồn cội của sự sống trường tồn.
Như vậy, trái với sự quả quyết của các nhà khoa học, tôn giáo không phải là sản phẩm của sự dốt nát mà là kết quả của sự hiểu biết thiêng liêng. Tôn giáo chẳng qua là những con đường hướng dẫn con người đến Thượng Đế. Chúng là nguyện vọng của linh hồn hướng về thiêng liêng, của con người tìm hiểu Thượng Đế.
Các bạn thử dở một quyển sách sử ký, các bạn thử tìm hiểu một văn minh hay thử thám hiểm Tây phương hay Đông phương cho đến tận góc biển chân trời, đâu đâu quí vị cũng để ý thấy sự khao khát Thượng Đế của nhơn loại. Đó là một tiếng kêu gọi tha thiết được một thi sĩ diễn tả bằng những lời cảm động: “Con nai tơ không sao quên dòng suối trong, con cũng thế, con không sao không nghĩ đến Ngài, hỡi Thượng Đế mến yêu!”. Giordano Bruno cũng nói lên một ý niệm tương tự khi ông sánh sự khao khát Thượng Đế với sức mạnh của dòng nước ngày đêm tuôn chảy để trở về mức độ bình thường.
Nếu bạn muốn biết, biết một cách rõ ràng chớ không phải ước mong, tưởng niệm mà thôi, biết với một niềm tin không lay chuyển, thì bạn hãy tìm Đấng Thánh Linh không phải ở ngoài bạn mà ở trong bạn. Bạn đừng gặp nhà khoa học, họ không chỉ bảo gì được ngoài những luật thiên nhiên bất biến; bạn đừng hỏi nhà thần học, họ chỉ lý luận suông mà thôi; bạn cũng không thể nào nhờ các nghệ sĩ tuy họ diễn tả rất khéo vẻ đẹp của Thượng Đế; bạn cũng không nên thảo luận với các triết gia, họ chỉ đưa ra những luận cứ trừu tượng. Bạn hãy hướng vào trong chớ đừng quay ra ngoài, bạn hãy tiến sâu vào lòng bạn và tìm ở buồng tim của bạn sự mầu nhiệm rất đáng cho bạn khám phá, và chỉ ở đó và ở đó mà thôi, bạn mới có thể tìm ra Thượng Đế. Và khi bạn tìm được Ngài, bạn sẽ thấy rằng tất cả trong vũ trụ đều ca tụng sự vinh quang của Ngài và bạn sẽ thấy Ngài ở khắp nơi.
Đó là Chơn lý căn bản, chơn lý của các chơn lý. Đó là Minh Triết Thiêng Liêng mà chúng ta gọi là Thông Thiên Học.
…….
HM
Tác giả chưa đủ nội lực để có bài viết giá trị về vấn đề này. Việc nêu luận điểm nhiều nhưng ít giá trị. Các tham cứu, ví dụ dẫn chứng chưa tương xứng và chưa chạm đến sự sâu sắc của “Hiểu” và “Biết” thực sự mà chỉ thấy như mây trôi bướm lượn trong khung trời của hiểu và biết.
Nên chăng tác giả đặt tiêu đề nhỏ lại và việc khái quát vấn đề cũng nên nhỏ lại cho phù hợp?