Home Đọc “Thuận theo hoàn cảnh” của Brian Levy: Xét lại thể chế và quản trị tốt

“Thuận theo hoàn cảnh” của Brian Levy: Xét lại thể chế và quản trị tốt

le-nam

Lê Nam

20/10/2024

Dù cuốn sách “Thuận theo hoàn cảnh” (Tên tiếng Anh: Working With The Grain) của Brian Levy tương đối ngắn (460 trang tiếng Việt), nhưng tôi đã mất hai tháng để đọc nó, và tôi vui vì đã đọc cuốn sách này. Cuốn sách bổ sung cho một phần đang ngày càng phát triển cũng như rất quan trọng của các tư liệu nghiên cứu về “thực hiện phát triển một cách khác biệt” / “suy nghĩ và làm việc một cách chính trị” – Matt Andrews, Adrian Leftwich, David Booth, Diana Cammack, Sue Unsworth, v.v. (Giống như Matt và Adrian, Brian Levy – tác giả quyển “Thuận theo hoàn cảnh” là một người Nam Phi da trắng; điều thu hút nhóm tác giả đặc biệt này xét lại việc quản trị tự nó sẽ mang lại một nghiên cứu thú vị.)

Brian Levy đã tóm lược các yếu tố phổ biến của trường phái tư tưởng đang trỗi dậy này như sau:

“Trường phái này nhấn mạnh rằng điểm bắt đầu thích hợp của cam kết là với những cách mà mọi việc thực sự diễn ra, chứ không phải tầm nhìn mang tính quy phạm về việc chúng nên trông như thế nào. Trường phái này tập trung vào việc hoạt động để giải quyết các vấn đề phát triển rất cụ thể – thoát ra khỏi một thiên kiến nào đó cùng với những cách tân dài hạn hơn trong các hệ thống và tiến trình rộng lớn hơn, quá trình mà các kết quả đến chậm và khó nhận biết được. Trường phái cũng công nhận rằng không một kế hoạch nào có thể nắm bắt được cách đầy đủ thực tế phức tạp của một bối cảnh cụ thể, và do đó nhìn nhận rằng việc thi hành chắc chắn phải bao gồm một tiến trình thích ứng lặp đi lặp lại.”

Tìm hiểu thêm: Thuận theo hoàn cảnh – Brian Levy – Book Hunter Lyceum

Điều làm cho quyển sách này đặc biệt chính là bản sơ yếu lý lịch của Brian – với hai thập kỷ làm việc tại Ngân hàng Thế giới, ông đã có được kinh nghiệm trong việc thực hiện một cách toàn diện các nghiên cứu tuyệt vời. Dường như giờ đây ông đang quay trở lại với công việc học thuật (ông giảng dạy tại Johns Hopkins và Đại học Cape Town) một phần cũng là để tìm một ý nghĩa cho điều ông đã học được từ 20 năm thành công và đôi khi là thất bại (ông định rõ đặc điểm của lối quản trị chính thống như là “một sự kết hợp hấp dẫn giữa sự ngây ngôchứng mất trí nhớ”). Khác với hầu hết các bộ sách cùng đề tài, với tôi, cuốn sách này trình bày rõ ràng về “những thứ như vậy” hơn là về sự chẩn đoán chung chung, vốn có xu hướng sa lầy vào các danh sách 3 điểm và các hệ thống loại hình vô tận (do đó mà tôi cần hai tháng để đọc).

Theo Brian Levy, sở dĩ các nẻo đường phát triển của các quốc gia khác nhau là do chúng phát sinh từ sự tương tác giữa sự phát triển kinh tế với các thể chế. Sự tăng trưởng làm chuyển đổi các hoạt động chính trị bằng việc tạo ra một lĩnh vực kinh doanh / một tầng lớp trung lưu với tiếng nói có trọng lực. Đôi khi, tăng trưởng và thể chế cùng nhau phát triển, chẳng hạn như đã diễn ra tại Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX. Vào những thời điểm khác, thể chế lại đi trước (Nam Phi) hoặc tăng trưởng đi trước (Nam Hàn). Điều này gợi lên những câu hỏi đầy thú vị xung quanh sự tập trung của các tổ chức phi chính phủ vào đám đông người dân (các phong trào xã hội, các công dân chủ động tham gia chính trị, v.v.) – liệu điều này có đồng nghĩa với việc chúng ta đều đánh giá thấp vai trò quan trọng của các tầng lớp trung lưu đang gia tăng và coi nhẹ tác động có khả năng tạo ra các biến chuyển chính trị của tăng trưởng?

“Thuận theo hoàn cảnh” đã áp dụng mô hình 2×2, vốn được các nhà khoa học xã hội ưa chuộng để mô tả các kiểu loại chế độ khác nhau bên cạnh hai chiều kích của quản trị – liệu các chính thể mang tính áp đặt hay cạnh tranh; và trong nội bộ mỗi chính thể, liệu các quy luật của cuộc chơi xoay quanh các thỏa thuận được cá thể hóa hay quanh việc áp dụng khách quan quy tắc luật pháp. Điều này sinh ra bốn kiểu quốc gia sau:

  • Áp đặt – Tùy tiện, ở kiểu quốc gia này, vai trò lãnh đạo chính trị cứng rắn (có thể là bởi quân đội hoặc bởi dân sự; có thể được tổ chức quanh một đảng phái chính trị hoặc quanh một cá nhân nổi bật) đã thành công trong việc củng cố khả năng thâu tóm quyền lực, trong khi các thể chế chính thức vẫn còn yếu, do đó luật lệ được cá nhân hóa. [ví dụ: Hàn Quốc thời dưới quyền tướng Park Chung-hee; Ethiopia dưới quyền Meles Zenawi].
  • Áp đặt – Pháp quyền, ở kiểu quốc gia này, các thể chế mang tính khách quan hơn, nhưng sự kiểm soát chính trị vẫn mang tính độc tài. [Hàn Quốc từ cuối những năm 1970 đến khi nó chuyển sang chế độ dân chủ; Trung Hoa đương đại; có lẽ cả Morocco, Jordan, v.v.]
  • Cạnh tranh – Tùy tiện, ở kiểu quốc gia này, các hoạt động chính trị đều mang tính cạnh tranh, nhưng quy luật của cuộc chơi kiểm soát chính thể và kinh tế vẫn mang tính cá nhân hóa. [Bangladesh, Zambia và nhiều quốc gia có mức thu nhập thấp khác đã được dân chủ hóa trong những năm 1990]
  • Cạnh tranh – Pháp quyền, ở kiểu quốc gia này, các quy luật kinh tế và chính trị dần mang tính khách quan hơn – mặc dù một số khía cạnh cần thiết khác trong sự vững bền của nền dân chủ vẫn chưa đạt được. [Nam Phi]

Qua thời gian, chìa khóa cho phát triển  chính là cách thể chế trỗi dậy và phát triển tại mỗi một trong bốn bối cảnh ở trên, và thay đổi bản chất của hệ thống.

Bảng dữ liệu dưới đây sẽ cho thấy những đề xuất của tác giả quyển “Thuận theo hoàn cảnh” về việc loại cải cách nào có thể thực sự “vận hành xuôi thớ” trong nhiều loại chế độ khác nhau. Rõ ràng ông ưa thích chủ thuyết cộng dồn, nhất là khi một quốc gia đang trên đà phát triển khá lạc quan vốn có thể tạo ra những áp lực rõ ràng cho việc cải cách kịp thời. Rõ ràng ông cũng suy nghĩ dựa trên lợi thế của một nhà tài trợ lớn trong cuộc đối thoại với chính phủ các quốc gia – cần suy nghĩ lại đáng kể để làm cho điều này phù hợp với những tay chơi nhỏ hơn như các tổ chức phi chính phủ.

Thể chế Mỹ trong thế kỷ XIX

“Mọi chức vụ liên bang đều là những sắc lệnh mang tính bảo trợ – hoặc được trực tiếp thiết lập bởi Tổng thống, hoặc được chỉ định bởi Tổng thống giữa các thành viên quốc hội để phân bổ như một cách “dung dưỡng”. Các nhân viên liên bang không có nhiệm kỳ theo chức vụ; họ bị loại bỏ khi các nhà bảo trợ chính trị của họ thất bại. Các nhân viên được yêu cầu phải hoạt động chính trị, nhân danh người bảo trợ của họ, và phải đóng góp 2-10 phần trăm lương bổng vào ngân quỹ của đảng – bằng không họ có nguy cơ mất việc.”

Tôi cũng thích nỗi đau chân thật và những thảo luận của tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Levy đã đối mặt khi ông còn làm tại Ngân hàng – khi nào thì phù hợp để ủng hộ tham nhũng và/hoặc chuyên chế? Bằng cách nào mà các hệ thống chính trị vô vọng như Bangladesh có thể sản sinh ra nhiều tiến bộ xã hội? Đây quả là công việc tốt đẹp, trưởng thành và đáng suy ngẫm.

Thành thật mà nói phong cách viết của ông ấy lẫn lộn tốt xấu (mà chính nó là một sự cải tiến đáng lưu ý so với nhiều tác giả khác viết về vấn đề quản trị). Đôi khi ông viết với sự nhiệt tình thực sự – “Sự biện hộ cho nền dân chủ đã luôn ở mức tối đa, ầm ĩ, nó như con lắc liên tục dao động qua lại giữa phấn chấn và giận dữ, kèm theo đó là nỗi thất vọng trên đường đi.”

Nhưng ta hãy thử đọc hết đoạn văn này và đừng để mất đi ước muốn được sống:

“Về nguyên lý, giới lãnh đạo liên quan có thể gồm cả các nhân tố trong chính phủ và ngoài chính phủ – dù rằng khi chấp nhận nhân tố trong chính phủ chỉ ngang hàng với các nhân tố khác, trong bối cảnh những nỗ lực hợp tác đặc biệt đang được xem xét, thì họ giữ một vị thế tương đồng với các nhân tố ngoài chính phủ.”

Tựu trung lại, quyển sách tinh tế, phức tạp, thường gây bối rối và đòi hỏi việc đọc hiểu kỹ càng. Tính phức tạp của quyển sách này được sinh ra từ tri thức sâu rộng của chính tác giả, và cuối cùng, nó gợi ý rằng, tác phẩm là nỗ lực can đảm của Levy trong việc chắt lọc một vài bài học chung, gốc rễ của thành công và thất bại thực sự chỉ có thể nhìn thấy được nếu ta chú tâm đến. Giới cố vấn chính phủ và các nhà cải cách sẽ tiếp tục lần mò trong sương mù, nhưng “Thuận theo hoàn cảnh”, cùng các bài nghiên cứu và cuốn sách khác theo xu hướng cải tổ, có thể đóng góp từng chút một nhờ giảm bớt vài ý tưởng xấu, và có thể cũng nhờ chỉ cho mọi người thấy được cách tìm kiếm (và nhận biết được) sự thành công sớm hơn một chút. Đây quả là một đóng góp đáng giá.

Nguồn: https://oxfamapps.org/fp2p/working-with-the-grain-an-important-new-book-on-rethinking-approaches-to-governance/  

Tác giả: Duncan Green 

Lê Duy Nam dịch

Tham khảo cuộc trò chuyện về cuốn sách Thuận Theo Hoàn Cảnh & nhận diện lộ trình phát triển kinh tế

 

Trao đổi với Lê Duy Nam, trưởng nhóm dịch cuốn Thuận Theo Hoàn Cảnh của Brian Levy, về nhận định lộ trình quản trị và phát triển của một quốc gia

Trải qua một phần tư thế kỉ làm việc tại Ngân hàng Thế giới (World Bank), tác giả Brian Levy đã tạo nên điểm gặp gỡ giữa lí thuyết và thực hành trong cuốn sách Thuận Theo Hoàn Cảnh - Không Có Một Chiến Lược Phát Triển Vạn Năng bằng những cuộc nghiền ngẫm và thảo luận từ những số liệu và thực tiễn, để chỉ ra các khiếm khuyết trong chính sách đầu tư và tư vấn quản trị cho các quốc gia đã

Book Hunter

03/02/2023