Home Hiểu Sơ lược lịch sử ra đời của Hiến pháp Mỹ

Sơ lược lịch sử ra đời của Hiến pháp Mỹ

Chính quyền hợp bang được thiết lập dưới Điều lệ liên bang.

Hội nghị Lập hiến của Mỹ được triệu tập trong bối cảnh 13 bang của nước Mỹ vừa trải qua chiến tranh giành độc lập với mẫu quốc là Vương quốc Anh, và chỉ vừa mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế từ đống đổ nát.

Từ lâu trước khi độc lập được tuyên bố, các bang (mà trước chiến tranh là những thuộc địa) đã là những thực thể hoạt động như những đơn vị chính quyền, đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân. Và sau ngày bắt đầu Cách mạng – từ ngày 1-1-1776 đến 20-4-1777 – 10 trong số 13 bang đã thông qua hiến pháp riêng của mình. Hầu hết các bang đã có một thống đốc bang do cơ quan lập pháp của bang bầu ra. Bản thân cơ quan lập pháp này được bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu. Cùng trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập: các thuộc địa khi đó đã thảo ra một thỏa thuận ngắn gọn liên kết họ lại thành một quốc gia. Thỏa thuận ngắn gọn này, gọi là “Điều lệ Liên bang và Liên minh vĩnh cửu“, được thông qua tại một đại hội của các bang vào năm 1777, và được chính thức ký kết vào tháng Bảy năm 1778. Điều lệ này bắt đầu có hiệu lực sau khi được Maryland, bang thứ 13, phê chuẩn vào tháng 3 năm 1781.

Điều lệ Liên bang tạo ra một liên minh lỏng lẻo giữa các bang và thiết lập một chính quyền liên bang với những quyền lực rất hạn chế. Trong  Điều lệ Liên bang, không có điều khoản nào quy định ngành hành pháp có quyền thi hành luật pháp, cũng như quy định hệ thống tòa án quốc gia có quyền giải thích pháp luật. Quốc hội lập pháp là cơ quan duy nhất trong chính quyền quốc gia, nhưng nó hoàn toàn không có quyền buộc các bang phải làm bất cứ điều gì trái với ý nguyện của họ. Trên lý thuyết, Quốc hội có thể tuyên bố chiến tranh và thiết lập quân đội nhưng nó không thể buộc bất cứ bang nào cung cấp quân số, vũ khí và trang thiết bị cho quân đội. Quốc hội phải trông cậy vào các bang để có nguồn thu tài trợ các hoạt động của mình, nhưng lại không thể xử phạt bất kỳ một bang nào với lý do không đóng góp vào ngân sách liên bang. Các bang được quyền kiểm soát việc đánh thuế cùng mức thuế và từng bang có thể phát hành đồng tiền riêng. Khi có tranh chấp giữa các bang – và có nhiều tranh cãi về ranh giới bang không được giải quyết – thì Quốc hội đóng vai trò trung gian hòa giải và phân xử nhưng vẫn không thể buộc các bang phải chấp nhận các quyết định của mình.

Kết quả là một sự hỗn loạn thực sự. Không có quyền thu thuế, chính quyền liên bang rơi vào tình trạng mắc nợ. Bảy trong số 13 bang in tiền giấy với khối lượng lớn, có mệnh giá cao nhưng sức mua thực tế thấp, để trả cho các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Cách mạng và hàng loạt chủ nợ để thanh toán nợ nần giữa điền chủ nhỏ và các chủ đồn điền lớn. Ngược lại, cơ quan lập pháp bang Massachusetts lại áp đặt một đồng tiền bị kiểm soát chặt chẽ cùng với mức thuế cao, gây ra việc lập nên một đội quân điền chủ nhỏ dưới sự lãnh đạo của Daniel Shays – nguyên là một đại úy quân đội trong Chiến tranh Cách mạng. Mưu đồ chiếm lấy cơ quan lập pháp của bang Massachusets, Shays và những người khác đã đòi bãi bỏ việc bắt nợ tài sản và cầm cố không công bằng. Quân đội đã được huy động để đàn áp cuộc bạo động, nhưng chính quyền liên bang đã không có ý kiến gì.

Việc thiếu một đồng tiền thống nhất và ổn định cũng đã phá vỡ hoạt động buôn bán giữa các bang với nhau và giữa các bang với các nước khác.Không chỉ giá trị của tiền giấy giữa các bang không thống nhất mà một số bang (như New York và Virginia) lại đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ các bang khác, do đó gây ra những hành động trả đũa. Đến nỗi các bang đã có thể tuyên bố, như lời cơ quan thanh tra tài chính liên bang, rằng “uy tín nhà nước của chúng ta không còn nữa”. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi các bang mới giành được độc lập này do đã đột ngột tách khỏi Anh nên không còn được hưởng đối xử ưu đãi tại các cảng của Anh nữa. Khi Đại sứ Hoa Kỳ John Adams tìm cách đàm phán một hiệp định thương mại vào năm 1785 thì người Anh đã từ chối với lý lẽ viện ra rằng các bang riêng lẻ không bị ràng buộc bởi hiệp định này.

Một chính quyền trung ương non yếu, không đủ sức mạnh hậu thuẫn cho các chính sách của mình bằng lực lượng quân sự, thì tất yếu sẽ bị trói tay cả trong lĩnh vực ngoại giao. Người Anh không chịu rút quân đội của họ ra khỏi các căn cứ và thương cảng thuộc “Lãnh thổ miền Tây Bắc” (Northwest Territory) của quốc gia mới này như họ đã thỏa thuận trong hòa ước năm 1783 đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Cách mạng. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn nữa khi các sĩ quan Anh ở các vùng biên giới phía bắc và các sĩ quan Tây Ban Nha ở phía nam cung cấp vũ khí cho bộ tộc người Anhđiêng và xúi giục họ tấn công những người định cư Mỹ. Người Tây Ban Nha, nắm trong tay việc kiểm soát Florida và Louisiana cũng như toàn bộ lãnh thổ phía tây sông Mississipi, cũng từ chối không cho phép các điền chủ ở miền tây dùng cảng New Orleans để vận chuyển hàng hóa.

Mặc dù có những dấu hiệu phồn vinh trở lại ở một vùng của quốc gia non trẻ này nhưng các vấn đề trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng. Người ta ngày càng thấy rõ rằng chính quyền trung ương của liên bang không đủ mạnh để thiết lập một hệ thống tài chính lành mạnh, quản lý thương mại, thực thi các hiệp ước hoặc dùng đến sức mạnh quân sự chống lại kẻ thù ngoại bang khi cần thiết. Những chia rẽ nội bộ giữa điền chủ và thương nhân, giữa con nợ và chủ nợ và giữa bản thân các bang với nhau ngày càng trở nên nghiêm trọng. Với cuộc bạo động của những người nông dân cùng quẫn do Shays cầm đầu vào năm 1786 còn in đậm trong tâm trí mọi người, George Washington đã cảnh báo: “Bang nào cũng chứa đựng những chất dễ cháy mà chỉ cần một tia lửa cũng có thể cháy bùng lên”.

Ý thức về thảm hoạ chính trị và việc cần phải có sự thay đổi triệt để đã bao trùm bầu không khí Hội nghị lập hiến được bắt đầu vào ngày 25 tháng Năm năm 1787. Tất cả các đại biểu đều tin rằng phải có một chính quyền trung ương hữu hiệu với những quyền lực cưỡng bách rộng rãi để thay thế cho Quốc hội bất lực lập ra theo Điều lệ Liên bang.

Các vấn đề trong hội nghị lập hiến

Sự đa dạng của quốc gia mới và quan điểm chính trị của dân Mỹ là một trở ngại rất lớn đối với sự thống nhất.

`Như trên đã nói, 13 bang trước và sau cách mạng, tồn tại dưới dạng chính quyền tự trị. Bản Điều lệ Liên bang đã tìm cách thống nhất những bang tự trị này. Ngược lại, bản Hiến pháp thiết lập một chính quyền trung ương, hay liên bang, hùng mạnh với nhiều quyền lực rộng rãi trong việc quản lý các mối quan hệ giữa các bang, và chịu trách nhiệm hoàn toàn trong các lĩnh vực như ngoại giao và quốc phòng.

Đối với nhiều người, tập trung hóa là điều khó chấp nhậnPhần lớn những người định cư tại Mỹ là những người dân châu Âu đã rời bỏ quê hương mình để thoát khỏi sự áp bức về tôn giáo và chính trị, cũng như thoát khỏi những khuôn mẫu kinh tế cứng nhắc của Thế giới Cũ trói buộc con người vào một địa vị nhất định trong cuộc sống mà không đếm xỉa đến tài năng hay nghị lực của họ. Những người định cư này tôn vinh quyền tự do cá nhân và họ tỏ ra cảnh giác đối với bất kỳ thứ quyền lực nào – nhất là quyền lực của chính quyền – có thể sẽ cắt xén các quyền tự do cá nhân.

Sự đa dạng của quốc gia mới cũng là một trở ngại rất lớn đối với sự thống nhất. Những người được Hiến pháp trao cho quyền bầu cử và kiểm soát chính quyền trung ương ở thế kỷ XVIII đại diện cho nhiều nguồn gốc xuất thân, tín ngưỡng và lợi ích khác nhau. Hầu hết họ đến từ nước Anh, nhưng cũng từ cả Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hà Lan, Phổ, Ba Lan, và nhiều nước khác cũng đã gửi người nhập cư đến Thế giới Mới. Tín ngưỡng tôn giáo của họ rất đa dạng và phần lớn vẫn được duy trì mạnh mẽ. Có những người Anh giáo, Thiên Chúa giáo La Mã, có những tín đồ Calvin, những người Pháp theo đạo Tin Lành, những người theo giáo phái Tin Lành của Martin Luther, những tín đồ giáo phái Quaker, những tín đồ Do Thái giáo. Trên phương diện kinh tế và xã hội, người dân Mỹ bao gồm từ tầng lớp qúy tộc điền địa tới thành phần nô lệ và những người hầu làm thuê trả nợ. Nhưng xương sống của đất nước này là tầng lớp trung lưu – điền chủ, thương nhân, thợ cơ khí, thủy thủ, thợ đóng tàu, thợ dệt, thợ mộc và nhiều loại người khác.

Người dân Hoa Kỳ lúc đó, cũng như hiện nay, có những ý kiến rất khác nhau về hầu như mọi vấn đề, kể cả ý kiến về việc thoát khỏi Đế chế Anh. Trong thời gian diễn ra Cách mạng Mỹ, một số đông những người trung thành với Đế chế Anh – gọi là những người bảo thủ, những người Tory – đã rời bỏ đất nước tới định cư phần lớn tại miền đông Canađa. Những người ở lại lập ra một khối đối lập khá mạnh, mặc dù giữa họ với nhau cũng có những bất đồng về lý do chống đối cách mạng cũng như việc cần có những thỏa hiệp nào với nền cộng hòa mới ở Mỹ.

Sự giàu có của đất nước này đã tạo ra kiểu đa dạng riêng của nó. Những nhóm lợi ích khu vực và thương mại đặc biệt nổi lên. Các chủ tàu biển ở vùng bờ biển miền Đông chủ trương tự do buôn bán. Các nhà chế tạo công nghiệp miền Trung – Tây đòi lập ra thuế nhập khẩu để bảo hộ vị trí của họ trong thị trường Hoa Kỳ đang mở rộng. Các điền chủ mong muốn cước phí vận tải thấp và giá nông sản cao, những người chủ các nhà máy xay và những người làm bánh muốn có giá ngũ cốc thấp; những người vận hành xe lửa muốn thu mức cước phí vận chuyển cao nhất có thể. Những chủ ngân hàng ở New York, những người trồng bông ở miền Nam, những người chăn nuôi gia súc ở Texas và những người khai thác rừng ở Oregon, mỗi lớp người có những cách nhìn nhận khác nhau về nền kinh tế và vai trò điều tiết của chính quyền.

Công việc liên tục không ngừng của Hiến pháp và của chính quyền mà Hiến pháp đã lập ra là quy tụ những lợi ích đa dạng này về một mối nhằm tạo ra một nền tảng chung và đồng thời bảo vệ những quyền cơ bản của mọi người dân.

Quá trình thảo luận của Hội nghị.

3.1.  Ba mô hình chính quyền: các Phương án Virginia, New Jersey và Hamilton

Mô hình chính quyền đầu tiên được đề xuất là của Edmund Randolph, Thống đốc bang Virginia (gọi là  Những giải pháp Randolph, nhưng tên chính thức là Phương án Virginia). Nền tảng của mô hình chính quyền này, chủ yếu do James Madison thiết kế, gồm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi nhánh được cấu trúc để kiểm soát quyền lực của các nhánh kia. Với quyền lực được tập trung cao độ, chính quyền theo mô hình này có thể phủ quyết mọi bộ luật do cơ quan lập pháp tiểu bang ban hành. Về phương án này, Randolph đã thú nhận “[đó] là một liên minh thống nhất, trong đó ý kiến [riêng] của các tiểu bang gần như không được đếm xỉa đến“.

Hội nghị tiến hành thảo luận và sửa chữa các điểm đề xuất trong Phương án Virginia. 15 đề xuất ban đầu trong Phương án Virginia đã trở thành nền tảng cho bản báo cáo 19 điểm về mô hình chính quyền quốc gia, bao gồm ba nhánh. Nhánh lập pháp, tức Quốc hội Liên bang, sẽ bao gồm hai viện được chọn theo qui mô dân số. Việc thiết lập hai viện là nhằm đại diện cho những lợi ích khác nhau và để quá trình làm luật tỉ mỉ và kỹ lưỡng hơn. Hạ nghị viện do người dân trực tiếp bầu, còn các thành viên của Thượng nghị viện lại được chính Hạ nghị viện lựa chọn. Nhánh hành pháp, tức là Tổng thống, sẽ được cả hai viện bầu chọn. Mô hình bộ máy tư pháp quốc gia cũng được phác thảo, bao gồm Tòa án Tối cao và tòa án các cấp sẽ do hai cơ quan lập pháp bầu chọn.

Vấn đề mấu chốt nhất là sự khác biệt giữa mô hình chính quyền của một liên bang và chính quyền của một quốc gia mà “chính quyền liên bang chỉ thuần túy như một hiệp ước được thiết lập dựa trên sự cam kết tốt đẹp của các bên. Còn chính quyền quốc gia điều hành một cách toàn diện và mang tính cưỡng ép” – Một quyền lực tuyệt đối, có khả năng thực thi mọi thẩm quyền cần thiết chứ không chỉ cái thứ chính quyền mờ nhạt, phân rã và thiếu hiệu quả như chính quyền Hợp bang đương thời. Quan điểm quốc gia chủ nghĩanày đã làm điên đầu nhiều đại biểu khác. Họ e sợ về khả năng một chính quyền trung ương mạnh sẽ nuốt chửng chủ quyền của các tiểu bang, đặc biệt là các bang nhỏ.

Phương án tiếp theo là New Jersey, được đề xuất bởi đại biểu các bang nhỏ.Giải pháp bao gồm 9 điểm, kêu gọi tổ chức một cơ quan lập pháp duy nhất. Trong đó, tất cả các bang đều có phiếu bầu bình đẳng. Thay cho việc đề xuất một mô hình chính quyền quốc gia mới, phương án của Paterson thực chất chỉ là một loạt những sửa đổi đối với Các điều khoản Hợp bang. Phương án New Jersey kêu gọi chỉ thông qua các điều khoản cho phép Quốc hội có thêm quyền hạn trong việc tăng nguồn thu và điều hành vấn đề thương mại. Giải pháp này cũng đảm bảo các đạo luật của Quốc hội và các hiệp ước được thông qua sẽ là luật tối cao của các tiểu bang. Trong suốt ba ngày, Hội nghị tranh luận về những đề xuất trong phương án này và cuối cùng đã bỏ phiếu bác bỏ.Với sự thất bại của Phương án New Jersey, Hội nghị nghiêng về hướng xây dựng một chính quyền trung ương mạnh, làm nhiều đại biểu của các bang nhỏ rất bất bình. Nhưng việc bác bỏ Phương án New Jersey không dập tắt được nỗ lực của các bang nhỏ.

Trong quá trình thảo luận một tháng sau đó, 15 đề xuất của Phương án Virginia đã được xem xét từng điểm một và với sự chấp thuận Thỏa hiệp lớn vào ngày 16 tháng Bảy sau đó, các bang nhỏ cũng đạt được sự cân bằng lá phiếu tại một viện của cơ quan lập pháp: Thượng viện.

Mô hình chính quyền thứ ba do Alexander Hamilton đệ trình – đó là một mô hình chính quyền tương tự chính quyền Anh: một Tổng thống phục vụ suốt đời nếu có tư cách đạo đức tốt, có quyền phủ quyết tất cả các đạo luật; một Thượng viện với các thành viên phục vụ suốt đời và cơ quan lập pháp có quyền thông qua “bất kỳ đạo luật nào”. Nhiều đại biểu rất bất bình với kế hoạch này vì coi đó sẽ dẫn tới một chính thể quân chủ lập hiến, một thứ Vua do dân bầu ra. Những người dân Mỹ vừa từ bỏ chế độ quân chủ Anh, nên chẳng thích thú gì một mô hình tương tự, vì vậy, mô hình Hamilton thất bại, nhưng một số thành viên của Hội nghị thật sự trông đợi đất nước đi theo hướng này.

3.2.Thỏa hiệp giữa các bang lớn và nhỏ về vấn đề đại diện.

Hội nghị trở nên căng thẳng bởi sự bất đồng gay gắt giữa các bang lớn và nhỏ trong vấn đề đại diện. Các bang lớn thì ủng hộ việc phân bổ số người đại diện trong cơ quan lập pháp tỷ lệ với số dân – mỗi bang cần có số phiếu biểu quyết nhiều ít tuỳ theo số dân của mình. Sợ bị sự áp đảo của các bang lớn, các bang nhỏ một mực đòi tất cả các bang đều có quyền đại diện ngang nhau. Vấn đề này đã được giải quyết bằng sự “Thỏa hiệp Lớn”, một biện pháp dành cho các bang có quyền đại diện ngang bằng nhau trong một viện và quyền đại diện tỷ lệ theo số dân trong viện kia. Mỗi bang sẽ có  hai ghế trong Thượng viện. Số ghế trong Hạ viện sẽ phụ thuộc vào dân số từng bang. Vì được cho là gần gũi hơn với thái độ của đa số dân cư, Hạ viện được trao quyền khởi xướng mọi luật lệ liên quan tới các nguồn thu và ngân sách của liên bang.

Sự Thỏa hiệp Lớn này đã chấm dứt mối bất hòa giữa các bang lớn và nhỏ, nhưng trong suốt mùa hè năm đó các đại biểu cũng đã đi đến nhiều thỏa hiệp khác. Một số đại biểu, lo sợ phải trao quá nhiều quyền lực cho người dân, đã yêu cầu bầu cử gián tiếp đối với tất cả quan chức liên bang; nhưng những đại biểu khác lại muốn một nền tảng cử tri càng rộng lớn càng tốt. Một số muốn loại trừ các lãnh thổ miền tây khỏi khả năng sau này có thể được mang quy chế bang; nhưng những đại biểu khác lại nhận thấy sức mạnh tương lai của đất nước nằm ở những vùng đất nguyên sơ bên ngoài dãy núi Appalachian. Có những lợi ích cục bộ cần được cân đối, có những quan điểm khác nhau về nhiệm kỳ, quyền lực và phương thức bầu chọn tổng thống cần được dung hòa, và những quan niệm đối lập nhau về vai trò của ngành tư pháp liên bang.

3.3.Phê chuẩn: một bước mở đầu

Cuộc tranh luận về một số quyền cơ bản, vấn đề nhân quyền.

Trước mắt là tiến trình phê chuẩn gay go gian khổ, nghĩa là phải có ít nhất 9 bang chấp thuận Hiến pháp. Delaware là bang hành động đầu tiên, tiếp ngay sau đó là New Jersey và Georgia. Tại Pennsylvania và Connecticut, Hiến pháp đã được chấp thuận với một đa số lớn. Một cuộc tranh cãi gay gắt đã xảy ra ở Massachusetts. Bang này cuối cùng đặt điều kiện cho việc phê chuẩn của mình là bổ sung 10 điều sửa đổi đảm bảo một số quyền cơ bản nhất định trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp; quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn; và việc cấm khám xét hoặc bắt giữ vô căn cứ. Một số bang khác cũng đưa vào những điều khoản tương tự, và những điều sửa đổi này – nay được gọi là bản Tuyên ngôn Nhân quyền – đã được đưa vào Hiến pháp năm 1791.

Đến cuối tháng Sáu năm 1788, Maryland, South Carolina và New Hampshire đã đồng ý, qua đó đáp ứng yêu cầu cần có sự phê chuẩn của 9 bang. Về mặt pháp lý, Hiến pháp đã có hiệu lực. Nhưng hai bang đầy thế lực và quan trọng là New York và Virginia, cùng hai bang nhỏ hơn là North Carolina và Rhode Island vẫn lưỡng lự. Người ta thấy rõ là nếu không có sự chấp thuận của New York và Virginia thì Hiến pháp vẫn còn đặt trên một nền tảng bấp bênh.

Virginia bị chia rẽ sâu sắc, nhưng ảnh hưởng của George Washington khi đưa ra những lý lẽ hậu thuẫn cho việc phê chuẩn đã thuyết phục được cơ quan lập pháp bang này thông qua với đa số phiếu sít sao vào ngày 26 tháng Sáu năm 1788. Tại New York, Alexander Hamilton, James Madison và John Jay đã viết một loạt bài lý luận xuất sắc bênh vực Hiến pháp – được gọi là Các bài viết chủ trương chế độ liên bang –   và giành được một đa số phiếu sít sao ủng hộ việc chấp thuận vào ngày 26 tháng Bảy. Tháng Mười Một có thêm sự chấp thuận của North Carolina. Rhode Island tiếp tục đứng ngoài cho tới năm 1790 khi không còn chỗ đứng cho một bang nhỏ và yếu thế bị bao bọc bởi một thể chế cộng hòa lớn mạnh.

Phần lớn việc phản đối ban đầu đối với Hiến pháp không phải xuất phát từ những người chống đối việc củng cố khối liên bang mà là từ những chính khách cảm thấy rằng các quyền cá nhân phải được quy định cụ thể. Một trong những chính khách đó là George Mason, tác giả bản Tuyên bố về nhân quyền của bang Virginia – tiền thân của Tuyên ngôn Nhân quyền. Với tư cách là đại biểu của Hội nghị Lập hiến, Mason từ chối ký vào văn kiện này do ông cảm thấy các quyền cá nhân không được bảo vệ đầy đủ. Dĩ nhiên, việc phản đối của Mason gần như làm bế tắc việc phê chuẩn của bang Virginia. Như đã nói ở trên, do cũng có những suy nghĩ tương tự, Massachusetts đặt điều kiện cho việc phê chuẩn của mình là bổ sung những đảm bảo cụ thể về quyền cá nhân. Khi Quốc hội khóa đầu tiên nhóm họp, quan điểm chung đối với việc thông qua những sửa đổi này gần như hoàn toàn nhất trí, và Quốc hội không mất nhiều thời gian cho việc soạn thảo những sửa đổi này.

Những sửa đổi này ngày nay vẫn còn nguyên vẹn như khi chúng được viết ra từ hai thế kỷ trước. Điều sửa đổi đầu tiên bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được hội họp bình yên và quyền yêu sách chính quyền sửa chữa sai lầm. Điều sửa đổi thứ hai bảo đảm cho công dân được quyền mang vũ khí. Điều sửa đổi thứ ba quy định rằng quân đội không được đóng tại nhà dân khi không được phép của chủ sở hữu. Điều sửa đổi thứ tư không cho phép khám xét, bắt giữ và tịch thu tài sản vô căn cứ.

Bốn điều sửa đổi tiếp theo liên quan tới hệ thống tư pháp. Điều sửa đổi thứ năm cấm xét xử tội phạm nghiêm trọng nếu không có bản cáo trạng của bồi thẩm đoàn. Điều sửa đổi này cấm xét xử lặp lại đối với cùng một vi phạm; cấm xử phạt mà chưa có sự phán xét của pháp luật và quy định rằng không thể bắt buộc một người bị buộc tội làm chứng chống lại bản thân người đó. Điều sửa đổi thứ sáu bảo đảm xét xử nhanh chóng, công khai đối với các vi phạm hình sự. Điều sửa đổi này đòi hỏi việc xét xử bởi một bồi thẩm đoàn công minh, đảm bảo quyền tư vấn pháp luật cho người bị buộc tội và quy định rằng các nhân chứng buộc tội phải tham dự phiên tòa và đối chất với người bị kết tội. Điều sửa đổi thứ bảy đảm bảo việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong các vụ kiện dân sự liên quan tới bất cứ thứ gì có trị giá trên 20 USD. Điều sửa đổi thứ tám cấm bắt nộp phạt hoặc thế chấp quá nặng và xử phạt tàn ác hoặc bất bình thường.

Hai điều cuối cùng trong 10 điều sửa đổi này bao gồm những tuyên bố theo nghĩa rộng của Hiến pháp: điều sửa đổi thứ chín tuyên bố rằng việc liệt kê các quyền không nhất thiết phải đầy đủ; rằng con người có những quyền khác không được đề cập cụ thể trong Hiến pháp. Điều sửa đổi thứ mười quy định rằng các quyền hạn mà Hiến pháp không trao cho chính quyền liên bang cũng không ngăn cấm đối với các bang thì được dành cho các bang hoặc cho nhân dân.

3.4 Cuộc tranh luận về chế độ nô lệ

Từ “chế độ nô lệ” không xuất hiện trong Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nhưng văn kiện đã có sự thừa nhận gián tiếp đối với thể chế này. Các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến quy định rằng ba phần năm số nô lệ sẽ phải được tính đến khi xác định số hạ nghị sĩ mà mỗi bang được bầu vào Hạ viện. Hiến pháp sau đó yêu cầu phải trả lại cho chủ sở hữu những nô lệ bỏ trốn (“những người được sở hữu để lao động hoặc phục dịch”) đã vượt qua biên giới bang. Và Hiến pháp ấn định một thời hạn –   năm 1808 –   sau đó Quốc hội sẽ không bị ngăn cấm chấm dứt việc buôn bán nô lệ (“việc di cư hoặc nhập cư của những người hiện đang sống ở bất kỳ bang nào sẽ được cân nhắc để chấp nhận”).

Từng điều khoản trong những điều khoản này đã được tranh luận sôi nổi tại hội nghị và mỗi điều khoản rốt cuộc đã được chấp nhận trên tinh thần thỏa hiệp. Ngay cả các thành viên các tổ chức chống chế độ nô lệ tại miền Bắc, như Alexander Hamilton, cũng phản đối việc tiếp tục bàn luận về vấn đề chế độ nô lệ, cho rằng nỗ lực ấy nhất định sẽ làm chia rẽ các bang và gây nguy hại cho mục tiêu cấp bách hơn là xây dựng một chính quyền quốc gia hùng mạnh. Những đại biểu miền Nam lỗi lạc như George Washington và James Madison những người vốn căm ghét chế độ nô lệ nhưng tin rằng nó sẽ mất đi khi Liên bang được xác nhận, cũng yêu cầu có sự thỏa hiệp.

Tuy nhiên, vấn đề đạo đức đã được nêu lên một cách sôi nổi trong nhiều dịp tại hội nghị. Morris, Thống đốc bang Pennsylvania tố cáo chế độ nô lệ như là một “thể chế nhục nhã, là sự nguyền rủa của thiên đường đối với những bang thịnh hành chế độ này” . Ông đối lập sự thịnh vượng và nhân phẩm của những vùng tự do với “tình cảnh khổ cực và đói nghèo” của những bang duy trì chế độ nô lệ.

Lời công kích hùng hồn nhất đối với chế độ nô lệ tại hội nghị xuất phát từ George Mason bang Virginia, người mà Jefferson gọi là “con người thông thái nhất thế hệ ông”. Mason nói: “Chế độ nô lệ sản sinh ra tác động xấu xa nhất đối với phong tục tập quán. Bất kỳ người chủ nô nào sinh ra đã là một tên bạo chúa nhỏ… Chế độ nô lệ không khuyến khích được nghệ thuật và sản xuất. Người nghèo khinh bỉ lao động khi họ thấy lao động do nô lệ thực hiện… Tôi cho rằng điều thiết yếu là chính quyền chung cần phải có quyền lực ngăn chặn sự phát triển của chế độ nô lệ”.

Thời gian sau đó, phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ chắc đã sử dụng cũng những luận cứ ấy và cũng đã có cảm nhận tương tự về sự xâm phạm đạo đức ấy, nhưng lúc đó, vấn đề chế độ nô lệ bị lảng tránh, cả với tư cách là một danh từ cũng như là một thách thức về đạo lý. Cuối cùng, phải cần tới ngọn lửa bi thảm của cuộc Nội chiến (1861-1865) để chấm dứt cảnh nô lệ tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và đưa đất nước này lên con đường đầy gian khổ tiến tới sự bình đẳng chủng tộc hoàn toàn.

Nguyễn Hải Hà tổng hợp

Cộng tác viên của Book Hunter

Phỏng vấn sử gia Peter Kuznick: Vụ Ám sát Trump & Tình thế mong manh

Vào ngày 13 tháng 7 năm 2024, một vụ ám sát nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump đã xảy ra tại một buổi vận động ở Butler, Pennsylvania. Trong khi Trump đang phát biểu, một tay súng 20 tuổi, Thomas Matthew Crooks, đã bắn vào đám đông từ vị trí cao. Cựu Tổng thống Trump bị thương ở tai nhưng may mắn thoát nạn. Tay súng và một người tham dự khác đã thiệt mạng, trong khi hai người khác bị thương nặng​. Vụ

Book Hunter

15/07/2024

Tri thức là vũ khí chống lại sự độc ác – Oliver Stone và Peter Kuznick trả lời phỏng vấn Tuần báo Shukan Kinyobi, Nhật Bản

Phỏng vấn Oliver Stone và Peter Kuznick (ảnh chỉ mang tính minh họa)bởi SATOKO OKA NORIMATSU và NARUSAWA MUNEO Tuần báo Shukan Kinyobi, Nhật Bản và tạp chí châu Á – Thái Bình Dương: Japan Focus cùng phỏng vấn Oliver Stone và Peter Kuznick, đồng tác giả của loạt phim tài liệu 10 tập The Untold History of the United States (Nước Mỹ chuyện chưa kể) (phát sóng trên Showtime Network, năm 2012 – 13) và cuốn sách cùng tên vào ngày 11 tháng 8

Chu Huyền

21/12/2020

“Leviathan” của Thomas Hobbes – Tác phẩm chính trị kinh điển về mối quan hệ giữa con người và nhà nước

Cùng với “Chính trị luận” của Aristotle, “Bàn về chính quyền” của Cicero, “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của John Locke…, “Leviathan” của Thomas Hobbes được coi là tác phẩm triết học chính trị kinh điển, với ảnh hưởng mạnh mẽ tới các ngành khoa học chính trị, tâm lý học chính trị, luật học, thần học, luân lý học… sau này. “Leviathan” còn là tác phẩm sớm nhất và có ảnh hưởng nhất bàn về khế ước xã hội thông qua những

Watchmen – Sự xung đột của các nhận thức thế giới

“Watchmen” (2009) là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất trong chùm chủ đề “hot” của truyện tranh và phim ảnh Holywood từ năm 1960 đến nay: siêu anh hùng cứu thế giới. “Watchmen” được chuyển thể từ bộ truyện tranh 12 tập do Alan Moore sáng tác. Bối cảnh xã hội trong “Watchmen” rất đặc biệt bởi vì nó phản ánh thực trạng chính trị của nước Mỹ sau thất bại của chiến tranh Việt Nam.  Nhưng tôi sẽ không bàn về thực

Bịt miệng nước Mỹ cho chiến tranh

(Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây) Bài viết của John Pilger, một nhà báo người Úc từng cộng tác cho BBC Television Australia, BBC Radio, BBC World Service, London Broadcasting, ABC Television, ABC Radio Australia, Al Jazeera, Russia Today... Tìm hiểu thêm và đọc các bài viết của ông tại đây. https://johnpilger.com/biography Bài viết dưới đây được đăng tải trên https://www.counterpunch.org ngày 27 tháng 5 năm 2016 ***

Hà Trang

28/07/2016