Lịch sử của những quốc gia, dân tộc trên thế giới gắn bó mật thiết với sự xuất hiện, phát triển, suy tàn hoặc biến đổi của các nền văn hóa, văn minh. Chúng ta đã biết đến những vùng văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nhân loại như văn hóa Hi Lạp – La Mã, Bắc Âu, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Trung Hoa,… Bên cạnh những vùng văn hóa nổi tiếng trên toàn thế giới và quen thuộc với người đọc Việt Nam ấy, sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến văn hóa Celtic.
Celtic là một trong những nền văn hóa cổ sơ nhất của châu Âu. Theo các nhà khảo cổ học, dấu vết tồn tại của những người thuộc văn hóa Celtic (người Celt) đã có từ hai thiên niên kỉ trước Công nguyên, được tìm thấy ở khu vực thượng nguồn sông Rhine, sông Rhone và sông Danube (thuộc Áo, Thụy Sĩ, Đức ngày nay). Theo thời gian, người Celt đã mở rộng phạm vi sinh sống ra khắp châu Âu; cùng với đó, những thói quen sinh hoạt, niềm tin, phong tục, nghi lễ,… của người Celt dần hình thành và trở thành nền văn hóa phổ biến trong dân cư châu Âu cổ xưa. Tính đến năm 52 TCN, người Celt đã cùng với người German chia sẻ lãnh thổ của châu Âu ngày nay. Chỉ ra sự tồn tại và lan rộng của cộng đồng người Celt chính là để nhấn mạnh: đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Celt đã tồn tại từ lâu đời và có ảnh hưởng trên một phạm vi lãnh thổ rộng lớn.
Theo dòng lịch sử của các cuộc chiến tranh xâm lược, đặc biệt là các cuộc tấn công của người La Mã, cùng với đó là cuộc du nhập văn hóa Thiên chúa giáo, văn hóa và niềm tin Celtic dần dần bị lu mờ. Ngày nay, văn hóa Celtic chỉ còn được bảo tồn rõ ràng nhất ở các quốc gia như Ireland, Scotland, Iceland, xứ Wales,… Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận được rằng văn hóa Celtic là một trong những nền văn hóa lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới.
Như đã trình bày ở trên, hiện nay, văn hóa Celtic được bảo lưu rõ ràng ở Ireland thông qua các truyện kể dân gian, âm nhạc dân gian, niềm tin và phong tục cộng đồng. Chính vì vậy, có thể nghiên cứu truyện kể dân gian Ireland như một cách để tìm hiểu văn hóa Celtic.
Trên thực tế sưu tầm truyện kể dân gian Ireland, khảo sát qua những bộ sưu tập truyện kể của Lady Wilde, Lady Gregory, W. B. Yeats (thế kỉ XIX) hay xa hơn là những sử liệu chép tay như Lebor na hUidre, Book of Leinster (Sách Leinster) (thế kỉ XII), có thể thấy các truyện kể đều được tập trung thành các saga xoay quanh một vài nhân vật và trận chiến chính có tầm ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa tộc người nói chung. Như vậy, để tìm hiểu truyện kể Ireland, có thể tìm hiểu bằng cách tiếp cận nhân vật trong truyện, xem xét các hành động và vai trò của từng nhân vật trong mỗi cốt truyện cụ thể.
Mặc dù văn hóa Ireland là một nền văn hóa quan trọng trên thế giới, đồng thời các truyện kể dân gian Ireland cung cấp dấu vết về nền văn hóa này cũng được tập hợp và lưu trữ cẩn thận, song ở Việt Nam cho đến nay vẫn có rất ít công trình giới thiệu truyện kể dân gian Ireland, cũng như nghiên cứu về truyện kể, nhân vật hay các dấu vết văn hóa Celtic thể hiện trong truyện kể này.
Vì vậy, chúng tôi chọn tiếp cận nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland với sự chú trọng vào motif nhân vật làm hướng tìm hiểu chính. Hướng tiếp cận nhân vật và nghiên cứu các motif xây dựng nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland được lựa chọn vì trong quá trình khảo sát truyện kể, chúng tôi nhận thấy các câu chuyện dân gian Ireland đều xoay quanh một số kiểu nhân vật nổi bật như tiên, nam anh hùng, nữ anh hùng… Các kiểu nhân vật này lại được xây dựng dựa trên những motif nhất định. Vì vậy, chúng tôi chọn nghiên cứu nhân vật và các motif xây dựng nhân vật như một bước đi đầu tiên để tìm hiểu truyện kể dân gian Ireland, cũng như cố gắng đưa ra những nét phác thảo cơ bản nhất về kho tàng truyện kể vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam này.
Đối tượng nghiên cứu là nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland. Ở đây, có một khái niệm cần làm rõ là “truyện kể dân gian Ireland”. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi quy ước “truyện kể dân gian Ireland” bao gồm các truyện kể nói chung, có thể thuộc các thể loại khác nhau, cùng tồn tại, được lưu truyền trong cộng đồng, từ đời này sang đời khác. Như vậy, nhắc đến “truyện kể dân gian Ireland”, là nhắc đến thần thoại, truyền thuyết, cổ tích của cộng đồng người Ireland. Cụ thể, chúng tôi sẽ thống kê các nhân vật, khảo sát những motif chính tạo nên các nhân vật khác nhau xuất hiện trong truyện kể dân gian Ireland và tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng qua các nhân vật, motif nhân vật.
Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là truyện kể dân gian Ireland, khảo sát qua các công trình sau[1]:
Irish Fairy and Folk Tales (Truyện kể dân gian và truyện thần tiên Ireland) (W. B. Yeats, 1892), bao gồm các truyện:
- Frank Martin and the Fairies (Frank Martin và các vị tiên)
- The Priest’s Supper (Bữa tối của linh mục)
- Teig O’Kane and the Corpse (Teig O’Kane và xác chết bí ẩn)
- Paddy Corcoran’s Wife (Người vợ của Paddy Corcoran)
- The legend of Knockgrafton (Huyền thoại Knockgrafton)
- Master and Man (Chủ và tớ)
- The Legend of O’donoghue (Huyền thoại O’donoghue)
- Rent-Day (Ngày thuê nhà)
- Loughleagh (Lake of Healing) (Hồ chữa lành)
- The Brewery of Egg-shells (Nhà máy bia vỏ trứng)
- Jamie Freel and the Young Lady (Jamie Freel và người đẹp)
- Morraha – The story (Chuyện Morraha)
- Far Darrig in Donegal (Far Darrig ở Donegal)
Ancient Irish Tales (Truyện Ireland cổ xưa) (Tom P. Cross và Clark Harris Slover, 1936), bao gồm các truyện:
- The Wooing of Etain (Cuộc truy đuổi Etain)
- The birth of Cu Chulainn (Sự ra đời của Cu Chulainn)
- The boyhood deeds of Cu Chulainn (Thời thơ ấu của Cu Chulainn)
- The wooing of Emer (Cuộc truy đuổi Emer)
- The sick-bed of Cu Chulainn (Giường bệnh của Cu Chulainn)
- The exile of the sons of Usnech (Nỗi buồn của những người con của Usnech)
- Death tales of the Ulster Heroes (Cái chết của những anh hùng Ulster)
- The boyhood deeds of Finn (Thời thơ ấu của Finn)
- The Pursuit of Diarmuid and Grainne (Cuộc truy tìm của Diarmuid và Grainne)
- The death of Finn (Sự ra đi của Finn)
- Oisin in the Land of Youth (Oisin và xứ Thanh Xuân)
Irish myths and legends (Thần thoại và truyền thuyết Ireland) (Lady Gregory, 1998), bao gồm các truyện:
- The Fianna (Các chiến binh Fianna)
Chúng tôi lựa chọn các tuyển tập của W. B. Yeats, Tom P. Cross và Clark Harris Slover, và Lady Gregory vì đây đều là các tuyển tập được biên soạn bởi những nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian Ireland có uy tín. W. B. Yeats là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn người Ireland, cũng là người thúc đẩy phong trào Phục hưng Văn học Ireland trong thế kỉ XX. Lady Gregory là nhà soạn kịch, nhà nghiên cứu văn học dân gian Ireland. Cùng với W. B. Yeats và Edward Martyn, bà sáng lập Nhà hát Văn học Ireland và Nhà hát Abbey. Bà cũng là người đóng góp công lao vào phong trào Phục hưng Văn học Ireland với những sáng tác và những tác phẩm sưu tầm của mình. Tom P. Cross và Clark Harris Slover là hai học giả nghiên cứu người Mĩ. Tom P. Cross nghiên cứu văn học dân gian và văn hóa Celtic, còn Clark Harris Slover là học giả văn học Trung cổ.
Ngoài ra, do truyện kể dân gian Ireland có phạm vi rộng, nên chúng tôi chỉ chọn khảo sát những văn bản thể hiện rõ ràng nhất những motif xây dựng các nhân vật nổi bật trong truyện kể dân gian. Bên cạnh đó, do hạn chế về thời gian, ngôn ngữ và khoảng cách, chúng tôi chưa có cơ hội khảo sát một số lượng lớn hơn các truyện kể, cũng như chưa khảo sát những văn bản được ghi chép bằng tiếng Ireland. Vì vậy, với 26 văn bản truyện kể được khảo sát, chúng tôi hướng đến việc phác những nét đầu tiên trong quá trình nghiên cứu nhân vật để hiểu rõ hơn về truyện kể dân gian Ireland nói riêng, văn hóa Ireland nói chung này.
Nghiên cứu Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland: tiếp cận loại hình học là một công trình tiếp cận bộ phận truyện kể dân gian Ireland thông qua các tuyển tập, hướng đến ba mục đích:
Thứ nhất, giới thiệu tổng quan về truyện kể dân gian Ireland cho độc giả Việt Nam và hệ thống hóa các nhân vật nổi bật thường xuất hiện trong truyện.
Thứ hai, nhận diện những motif chính thường được sử dụng để xây dựng nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland.
Thứ ba, phát hiện ra những dấu vết văn hóa tồn tại trong truyện kể dân gian Ireland thông qua việc phân tích motif xây dựng nhân vật.
Trong chương này, chúng tôi tiến hành tổng hợp và mô tả lại các nhân vật nổi bật trong 26 truyện kể dân gian Ireland được khảo sát. Mục tiêu của chương là đem đến một bản phác thảo cơ bản nhất về các nhân vật cũng như những câu chuyện và mối liên hệ gắn liền với từng nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland. Những thông tin được đề cập đến trong chương này có vai trò là cơ sở dữ liệu văn học cho những kết luận ở chương 2 và chương 3.
1.1. Giới thuyết
Trước khi bước vào tìm hiểu hệ thống nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi nhận thấy cần làm rõ ba điều:
Thứ nhất, cần làm rõ thuật ngữ liên quan đến truyện kể dân gian Ireland trong nghiên cứu này (“saga”); đưa ra quy ước về cách sử dụng khái niệm “truyện kể dân gian Ireland”.
Thứ hai, cần đưa ra một dòng thời gian mang tính tương đối được thiết lập thông qua các saga, để từ đó cố định nhân vật vào từng khoảng thời gian nhất định mà họ xuất hiện và hoạt động.
Thứ ba, giới thuyết về nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland.
1.1.1. Thuật ngữ “Saga” và quy ước khái niệm “truyện kể dân gian Ireland”
Khi bắt đầu tìm hiểu truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi bắt gặp các trường hợp sử dụng thuật ngữ “saga” khi nhắc đến một số truyện kể về các nhân vật anh hùng trong văn hóa dân gian Ireland. Các nhân vật anh hùng này có thể là thần hoặc có nguồn gốc thần thánh, và câu chuyện liên quan đến họ thường là các chiến công. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cần làm rõ nội hàm thuật ngữ “saga” này trước khi nghiên cứu nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland.
Theo bách khoa thư Folklore: An Encyclopedia of Beliefs, Customs, Takes, Music, and Art của Thomas A. Green, saga là “một thể loại tự sự thời trung cổ của khu vực Tây Bắc châu Âu. Mặc dù Mody Boatright mở rộng thuật ngữ này cho các biên niên sử biên giới của Mỹ, hầu hết các nhà nghiên cứu dân gian sử dụng saga chỉ để chỉ các văn bản từ Scandinavia (chủ yếu là Iceland) và Ireland. Các saga trung cổ là một thể loại văn học hình thành dựa trên truyền thống truyền miệng và diễn xướng dân gian.” [47; tr. 753].
Đối với các saga của Ireland, bách khoa thư có làm rõ:
“Truyền thống saga của người Ireland có trước người Scandinavia. Những tiểu sử Latinh liên quan đến các vị thánh Ireland xuất hiện trong thế kỉ VII, thơ văn cung đình và văn xuôi bắt đầu vào thế kỉ tiếp theo. Khi các bản thảo bị hư hỏng, những người ghi chép chép lại chúng, hành động này thường làm thay đổi rõ rệt các câu chuyện. Kể từ khi các bản thảo đầu tiên còn tồn tại có niên đại từ thế kỉ XII, lịch sử văn bản của chúng là một mạng lưới phức tạp của các ảnh hưởng văn học viết và truyền khẩu.
Tư liệu văn xuôi lâu đời nhất trong truyền thống là chu kì thần thoại, mô tả thần thoại Celtic từ góc độ thời cổ đại. Những câu chuyện về Tuatha De Danann, một tộc người ở thế giới khác gắn liền với những gò mộ cổ xưa, hầu như không được nhắc đến.
Thuật ngữ ‘saga’ thường được dùng để đề cập đến chu kỳ Ulster, những câu chuyện được tạo ra vào thế kỉ VIII – IX. Những saga này tập trung vào các anh hùng của tỉnh Ulster (Ulaidh) và những trận chiến của họ với người dân Connacht. Các Ulaidh được dẫn dắt bởi vua Conchobar mac Neasa và nhà vô địch Cu Chulainn. (…) Các đặc trưng quan trọng của chu kỳ bao gồm các nhân vật nữ mạnh mẽ, lời kể lồng ghép với các đoạn thơ và sử dụng những motif nổi bật.
Chu kì các vị vua tập trung vào các vị vua gần gũi với lịch sử của Ireland, người cuối cùng là Cathal mac Finghuine (mất năm 742). Các câu chuyện của nhóm này khác nhau về anh hùng, sự kiện, nhân vật phản diện, và các cuộc hành trình đến thế giới bên kia, gặp gỡ các nhân vật siêu nhiên được mô tả nổi bật.
Chu kỳ Fionn (Fenian) trở nên phổ biến vào thế kỉ XII. Các văn bản trước đây miêu tả anh hùng như một người tiên kiến quyền năng, nhưng Agallamh na Seanórach (Colloquy của những người đàn ông già) ở thế kỉ XII cho thấy Fionn mac Cumhaill trong hình dạng quen thuộc của anh ta là một kẻ dũng cảm ngoài vòng pháp luật, dẫn đầu một nhóm tín đồ đáng tin cậy, Fianna. Các anh hùng thường xuyên đến thăm thế giới bên kia, và con trai của Fionn là Oisín đóng một vai trò trung tâm trong chuyến viếng thăm này. (…)
Các saga thường được thực hiện vào buổi tối, một saga đôi khi kéo dài nhiều đêm. Khung tường thuật cơ bản thường bị lu mờ bởi những phần mô tả dài dòng, những từ nguyên huyền ảo liên quan đến địa danh và những mô tả tỉ mỉ về các chiến binh hoặc đoàn tùy tùng.” [45; tr.753-754].
Từ phần trình bày này, ta có thể rút ra một vài kết luận cơ bản về saga như sau:
- Về dung lượng: Saga là một thể loại tự sự có dung lượng dài.
- Về hình thức: Đan xen những lời kể bằng văn xuôi và thơ.
- Về đề tài: Saga thường kể lại câu chuyện về những anh hùng, các vị vua, những chiến công hoặc những cuộc phiêu lưu đến thế giới khác.
- Về phương thức lưu truyền: Ban đầu, các saga được truyền khẩu và diễn xướng, sau đó được ghi chép lại thành các văn bản viết tay. Mỗi lần ghi chép lại đều có thể khiến saga bị biến đổi.
Như vậy, một saga có thể bao gồm trong nó nhiều đề tài khác nhau, phụ thuộc vào nhân vật trung tâm mà saga đó kể lại. Vì thế, một saga có thể vừa là câu chuyện thần thoại (câu chuyện kể về những vị thần và phản ánh tín ngưỡng dân gian), lại vừa có thể là truyền thuyết (câu chuyện kể về những vị anh hùng hoặc những nhân vật có thật trong lịch sử, được khoác thêm yếu tố thần kì, kì ảo). Trong phạm vi luận văn, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “saga” để chỉ những truyện kể về các nhân vật anh hùng và nữ anh hùng trong văn hóa dân gian Ireland.
Bên cạnh các saga, truyện kể dân gian Ireland cũng bao gồm cả truyện thần tiên/ truyện cổ tích (fairy tales) với nhân vật chính là tiên, sinh vật huyền bí (yêu tinh, linh hồn động vật, người cá…), con người. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cần thống nhất một cách sử dụng khái niệm chung cho toàn luận văn. Theo đó, khái niệm “truyện kể dân gian Ireland” sẽ bao gồm toàn bộ các truyện kể được cộng đồng thừa nhận và lưu truyền trong dân gian: saga và các truyện thần tiên/ truyện cổ tích nói chung. Khái niệm “cổ tích” được sử dụng trong luận văn không bao gồm những truyện kể về loài vật, truyện ngụ ngôn và truyện cười.
Như vậy, khảo sát nhân vật trong truyện kể dân gian là khảo sát những nhân vật xuất hiện trong các saga và truyện cổ tích theo giới hạn mà chúng tôi đã nêu rõ ở phần giới thuyết chung này.
1.1.2. Các chu kì trong saga dân gian Ireland
Ngoài truyện cổ tích thường kể lại những câu chuyện ở khoảng thời gian không xác định, những câu chuyện được kể trong các saga đều được đặt vào một dòng thời gian nhất định. Đây không phải là dòng thời gian lịch sử với sự rõ ràng, xác định về năm, tháng, mà là dòng thời gian mang tính chất tương đối, chia theo chu kì, chủ yếu xoay quanh các nhân vật trung tâm của từng chu kỳ. Do các truyện kể dân gian Ireland có tồn tại một khối lượng lớn các nhân vật, nên việc cố định nhân vật vào từng chu kì sẽ giúp người đọc phân biệt các nhân vật cũng như các chiến công, các câu chuyện liên quan đến nhân vật dễ dàng hơn.
Theo bách khoa thư Celtic Culture: A Historical Encyclopedia của học giả John T. Koch biên soạn, các học giả nghiên cứu văn hóa Celtic đã phân chia các chu kì truyện kể thành bốn nhóm [35; tr. 1039] như sau:
Chu kì các vị thần: Bao gồm những câu chuyện cổ xưa xoay quanh các vị thần Tuatha De Danann và những cuộc chiến nhập cư của các chủng tộc khác nhau ở Ireland.
Chu kì Ulster: Gồm tập hợp những saga về các anh hùng Ireland ở khu vực phía đông Ulster và phía bắc Leinster vào thời điểm với nhân vật trung tâm là Cu Chulainn. Chu kì Ulster bắt đầu và kết thúc với sự ra đời và cái chết của Conchobar – vị vua của Ulster, người có ngày sinh và ngày mất trùng với ngày Jesus Christ giáng sinh và cuối cùng là bị đóng đinh trên thập giá.
Chu kì Fenian: Gồm những câu chuyện kể về người anh hùng Finn Mac Cool và những chiến binh Fianna. Chu kì Fenian đôi khi còn được gọi là “Chu kì Ossianic” theo tên của Oisin – tương truyền là người anh hùng cuối cùng của chu kì Fenian, cũng là người đã kể lại những câu chuyện về các chiến binh Fianna cho Thánh Patrick (khoảng thế kỉ V).
Chu kì lịch sử (còn được gọi là “Chu kì của các vị vua”): Gồm những câu chuyện truyền thuyết về các vị vua trong lịch sử Ireland, cung cấp thông tin về nguồn gốc của các triều đại và các trận chiến quan trọng, cũng như giải thích các nghi thức và phong tục ở Ireland. Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu kĩ hơn về chu kì này.
1.1.3. Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland
Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland được giới hạn trong các vị thần, bán thần, con người, sinh vật huyền bí được miêu tả, kể lại trong các saga và các truyện cổ tích Ireland. Các nhân vật có thể có tên (VD: Lugh, Cu Chulainn, Finn,…) hoặc được nhận biết theo chủng loài (tiên, người cá, yêu tinh,…). Trong phạm vi luận văn, chúng tôi sẽ khảo sát hệ thống nhân vật bao gồm: Thần tộc Tuatha De Danann, Tiên, Người hùng (nam anh hùng và nữ anh hùng).
1.2. Thần tộc Tuatha De Danann
Bất cứ một dân tộc nào cũng sở hữu những tín ngưỡng riêng. Tín ngưỡng đó thể hiện niềm tin và quan niệm của người dân về thực tại ở một thời kì lịch sử nhất định. Qua những câu chuyện thần thoại về khởi nguyên vũ trụ, chúng ta biết được rằng người Hi Lạp tin vào một cõi hỗn mang (Chaos) trước khi xuất hiện loài người. Từ cõi hỗn mang, các vị thần lần lượt xuất hiện, gắn với những ý niệm nhất định. Chronos gắn với “thời gian”, Gaea gắn với “đất mẹ”, Eros gắn với “tình yêu”,… Ta cũng biết được rằng trong thần thoại Ấn Độ, những vị thần đầu tiên gắn liền với những chu trình của sáng tạo (Brahma), duy trì (Vishnu) và hủy diệt – tái sinh (Shiva).
Trong các văn bản còn tồn tại đến ngày nay, các vị thần trong niềm tin của người dân Ireland nói riêng, Celtic nói chung đều thuộc về thần tộc Tuatha De Danann. Trong cuốn sách Irish myths and legends của Lady Gregory, bà đã tập hợp lại những câu chuyện liên quan đến các vị thần thuộc thần tộc này. Trong đó, điều đáng lưu ý đầu tiên là không ai biết thần tộc Tuatha De Danann đến từ đâu. Các câu chuyện chỉ kể lại rằng khởi hành từ quê hương, thần tộc Tuatha De Danann cưỡi mây đến Ireland và sinh sống ở vùng đất này cho đến tận ngày nay.
Cái tên “Tuatha De Danann” cho ta biết một chút manh mối về họ. Trong ngôn ngữ Ireland, “Tuatha De Danann” nghĩa là “Những người dân của Danu”. Theo bách khoa thư Britannica, Danu (còn được gọi là Dana hoặc Anu) là nữ thần đất mẹ trong niềm tin Celtic. Các quan niệm về sự tồn tại của Danu không phải lúc nào cũng đồng nhất, nhưng bà được nhìn nhận như một nữ thần của khả năng sinh sản, trí tuệ và gió. Mặc dù vậy, cho đến nay, chúng ta chưa tìm được bất kì huyền thoại nào liên quan đến Danu. Một số bản kể cho rằng Danu là mẹ của Dagda – vị thần chủ lãnh đạo thần tộc Tuatha De Danann; nhưng trong một số thần thoại khác, bà lại được biết đến như con gái hoặc người tình của Dagda. Danu cũng được coi là mẹ của Nuada – một lãnh đạo khác của thần tộc, người đã dẫn dắt thần tộc trong cuộc chiến ở Moytura nhằm giành lấy lãnh thổ Ireland từ tộc Firbolg.
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhân vật thứ hai trong thần tộc Tuatha De Danann là Dagda. Trong tiếng Ireland, “Dagda” có nghĩa là “vị thần tốt lành”. Theo từ điển Celtic Mythology A to Z, Dagda được coi là vị thần tốt lành không phải vì phẩm hạnh đạo đức, mà là vì những tài năng mà ông sở hữu [32; tr. 59]. Ông được mô tả là một bậc thầy về thủ công, là một chiến binh, pháp sư, đồng thời cũng là một người định ra luật lệ cho mọi người. Ông thường được mô tả là một người đàn ông có râu ria rậm rạp hoặc một người khổng lồ mặc áo choàng có mũ trùm đầu sống trong rừng hoặc sống ở cung điện dưới lòng đất. Trong các câu chuyện được kể lại, Dagda sở hữu năm bảo vật: chiếc vạc đồng không bao giờ cạn, một cây gậy sinh tử (một đầu dùng để cứu người, một đầu có thể đem đến cái chết khi chạm vào người khác), một cây đàn hạc thần kì có thể tác động đến cảm xúc của mọi người và có thể thay đổi các mùa trong năm, hai con lợn ma thuật (một con sống vĩnh viễn, con còn lại luôn được nấu chín và không bao giờ bị ăn hết.
Về mối quan hệ gia đình, bên cạnh những câu chuyện cho rằng ông là con của Danu còn có những câu chuyện khác cho rằng Dagda là con trai của Balor và Eithne. Con gái của Dagda là Brigid – nữ thần của khả năng sinh sản, trí tuệ và thi ca, đồng thời cũng là vị thần chữa bách bệnh của Ireland thời kì tiền Thiên Chúa giáo. Ông cũng là cha của Bodb Dearg – người sau này đã thành vua cai trị Ireland và Angus Óg – vị thần đại diện cho tuổi trẻ, sắc đẹp và tình yêu.
Bên cạnh Dagda, ta cũng cần kể đến Morrigan. Trong truyện kể dân gian Ireland, bà được nhắc đến là nữ thần chiến tranh và số mệnh. Trong một số bản kể, Morrigan là vợ của Dagda. Theo truyền thống truyền miệng Celtic, Morrigan có thể đại diện cho ba nữ thần chiến tranh là Nemain, Badb và Macha. Bộ ba nữ thần chiến tranh này đều được gọi với cái tên “Morrigan”. Morrigan thường xuất hiện với ba hình dạng chính: một bà già, một thiếu nữ, hoặc một con quạ đen. Trong chiến tranh, Morrigan có quyền lựa chọn xem ai là người được sống và ai là người sẽ chết. Cô khuyến khích các chiến binh ra trận và thực hiện những hành động dũng cảm và đem lại nỗi sợ cho kẻ thù của họ. Vì là nữ thần chiến tranh, nên Morrigan xuất hiện trong hầu hết các cuộc chiến nổi tiếng trong truyện kể dân gian Ireland, từ chu kì thần thoại, chu kì Ulster cho đến chu kì Fenian.
Một nhân vật quan trọng khác của thần tộc Tuatha De Danann là Nuada. Nuada nổi tiếng với vai trò là vị thủ lĩnh đầu tiên dẫn dắt các chiến binh Tuatha De Danann khi đến Ireland. Ông cũng là người lãnh đạo thần tộc chiến đấu trong hai trận chiến tại Moytura. Sau trận chiến đầu tiên tại Moytura, dù đã đánh lui được người Firbolg song Nuada cũng mất đi một cánh tay. Chính vì thế, ông không được quyền ngồi lên ngai vàng cai trị Ireland, thay vào đó, Bres lên làm vua của Ireland. Tuy nhiên, Bres vốn là một hôn quân tàn bạo, nên chính Nuada và những chiến binh Danaan khác đã lên kế hoạch lật đổ vị vua này. Bres biết tin nên đã cấu kết với Balor và bộ lạc khổng lồ Fomori sinh sống ngoài biển cả nhằm chống lại đội quân của Nuada. Trong trận chiến với Balor, Nuada đã bị giết, nhưng với sự giúp đỡ từ thần Lugh, đội quân của Nuada đã đánh bại Bres và Balor. Cuối cùng, Lugh lên làm vua trị vì Ireland sau khi trận chiến kết thúc.
Ở đây, ta đã thấy một sự chuyển giao rõ ràng hơn trong công cuộc trị vì lãnh thổ Ireland: Bắt đầu với quân đoàn Tuatha De Danann được dẫn dắt bởi Nuada, qua thời kì cai trị tàn bạo của Bres và luân chuyển quyền lực đến Lugh. Trong truyện kể dân gian Ireland, Lugh được miêu tả là vị thần của mọi môn nghệ thuật (Master of All Arts). Ông có cha là người thuộc thần tộc Tuatha De Danann và mẹ là người thuộc tộc khổng lồ Fomori. Khi Lugh ra đời, ông đã được tiên tri là sẽ kết liễu ông ngoại mình – Balor. Để chống lại lời tiên tri, Balor đã ra lệnh giết toàn bộ những người cháu của mình. Tuy nhiên, mẹ của Lugh là Ethlinn đã chống lại cha mình và nuôi dưỡng Lugh trong bí mật. Cuối cùng, trong trận chiến Moytura lần thứ hai, Lugh đã xuất hiện để giúp đỡ dân Tuatha De Danann, đồng thời chiến đấu và giết chết Balor. Với hành động này, lời tiên tri được hoàn thành.
Lugh là một trong những vị thần được tôn sùng và thờ tự nhiều ở các bộ lạc Celtic. Trong thần thoại, ông được miêu tả là một vị thần mang sức mạnh phi thường, chiến binh dũng mãnh với vẻ ngoài tươi sáng, đẹp đẽ. Ông cũng là vị thần của ánh sáng và của mọi nghề thủ công trên đời. Vũ khí nổi tiếng nhất của Lugh là một thanh kiếm sắc bén có thể chém đứt mọi thứ. Ngoài ra, ông cũng sở hữu ngọn giáo ánh sáng có khả năng trở về với chủ bất cứ khi nào được phóng vào kẻ thù.
Bên cạnh chiến công phi thường ở trận Moytura, Lugh còn được biết đến rộng rãi trong câu chuyện về những đứa con của Tuirenn. Trong câu chuyện này, Lugh đã trừng phạt ba người con trai của Tuirenn vì họ đã giết cha mình. Ông yêu cầu ba người phải mang về tám báu vật để nhận được sự tha thứ. Tám vật báu đó bao gồm: Ba quả táo có thể làm dịu mọi cơn đau và luôn luôn trở về tay chủ sau khi bị ném đi; một tấm da heo có khả năng chữa lành vết thương và bệnh tật bằng phép thuật; ngọn giáo tẩm độc với lưỡi giáo mang sức nóng rực lửa của vua Ba Tư; chiến mã và cỗ xe có thể phóng đi trên mặt nước; bảy con lợn có thể hồi sinh sau khi bị giết và thịt chúng sẽ khiến cho bất cứ ai ăn vào mang sức khỏe phi thường; con chó săn thiện chiến của vua Iruad; chiếc vạc ma thuật; cuối cùng là ba tiếng hét từ trên đỉnh một ngọn đồi ở phía bắc. Những vật phẩm này chính cũng chính là những vật phẩm sau này đã giúp dân Tuatha De Danann giành chiến thắng trong trận chiến Moytura lần thứ hai.
Trận chiến cuối cùng của Lugh là trận chiến chống lại ba người con trai thần thánh của Cermait. Ở trận chiến này, Lugh đã bị ba người con trai giết để trả thù cho cái chết của cha họ.
Trên đây, chúng tôi đã điểm qua một cách sơ lược nhất những nhân vật nổi bật của thần tộc Tuatha De Danann. Họ cũng được coi là những vị thần cổ xưa trong tín ngưỡng thờ cúng của người Celtic nói chung, người Ireland nói riêng. Ta có thể tìm thấy những câu chuyện của họ rải rác trong những tuyển tập thần thoại của Lady Gregory như Irish myths and Legends, Ancient Irish Tales của Tom Peete Cross và Clartk Harris Slover, hay trong những cuốn sách nhập môn về thần thoại như Celtic Mythology của Catherine Bernard hoặc trong sách tra cứu Celtic Mythology A to Z của Gienna Matson và Jeremy Roberts.
Trên thực tế, còn rất nhiều các vị thần khác thuộc thần tộc Tuatha De Danann mà chúng tôi chưa đề cập đến như Lir, Angus Óg, Bodb Dearg, Midir (nam thần), Bilé, Brigit, Eriu, Banha, Fodla (nữ thần),… Bên cạnh đó, thần tộc Tuatha De Danann cũng có phả hệ tương đối phức tạp. Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi ưu tiên điểm tên những vị thần nổi bật nhất cùng những câu chuyện mang tính chất cột mốc cho từng giai đoạn của chu kì thần thoại.
1.3. Tiên
Trong truyện kể dân gian Ireland, tiên bao gồm hàng loạt các nhân vật đa dạng. Có nhiều quan niệm về xuất thân của tiên. Trong tuyển tập Irish Fairy and Folk Tales của W. B. Yeats, ông đã thống kê được hai quan niệm về nguồn gốc của tiên.
Ở quan niệm thứ nhất, tiên được coi như những thiên thần sa ngã, chưa đủ thiện lành để được cứu rỗi lên thiên đường, nhưng cũng không đủ xấu xa để bị đày ải xuống địa ngục. Đó là lí do cho thấy tiên không phải lúc nào cũng tốt đẹp và có phẩm hạnh trong ứng xử. Tiên có tính cách thất thường. Có lúc, họ đối xử tốt với người tốt và xấu xa với người xấu; nhưng cũng có những lúc họ trừng phạt con người chỉ vì một vài cử chỉ khiến họ mất lòng. Tuy nhiên, quan điểm chung về tiên là họ xấu xa nhưng không hiểm độc, và rất dễ chiều lòng.
Ở quan niệm thứ hai, tiên được cho là những vị thần Tuatha De Danann, sau khi thua cuộc bởi người Milesia đã lùi vào thế giới ngầm (Other World). Theo ghi chép của Yeats, “thần tộc Tuatha De Danan không còn được tôn thờ và dâng lễ vật cúng tế, họ teo nhỏ dần theo cách nhiều người tưởng tượng, và giờ đây chỉ còn cao bằng một gang tay” [53, tr. 13-16]. Theo quan niệm này, người Ireland cho rằng có những quân đoàn tiên sinh sống trong các gò tiên trên toàn lãnh thổ Ireland. Họ sống theo một tổ chức xã hội có vua tiên đứng đầu và là người quyền năng nhất trong quân đoàn tiên.
Bên cạnh quân đoàn tiên, truyện kể dân gian Ireland cũng nhắc đến những nhân vật tiên sinh sống và hoạt động trong cô độc, mà ở đây chúng tôi gọi họ với cái tên tiên độc hành. Tiên độc hành nổi tiếng nhất trong văn hóa dân gian Ireland là Lepracaun. Các Lepracaum còn được gọi là “Thợ đóng giày cô độc”. Họ có ngoại hình khô héo, già nua, thường xuyên giễu cợt con người với những trò chơi khăm tinh quái. Hầu hết các Lepracaun đều được miêu tả là vô cùng giàu có vì họ chiếm được nhiều kho báu từng bị chôn vùi rất lâu trong thời chiến.
Một tiên độc hành khác là Cluricaun, thường say sưa trong các hầm rượu. Một số quan điểm cho rằng Cluricaun thực chất chính là những Lepracaun trong lúc vui chơi chè chén.
Người Ireland cũng biết đến Fear-Gorta. Chúng là những bóng ma lang thang, gầy gò, nghèo đói, thường đi khất thực và mang lại may mắn cho những ai động lòng cứu giúp chúng.
Bên cạnh đó, trong một vài truyện kể dân gian khác, độc giả cũng có thể tìm thấy những nữ tiên với tên gọi Leanhaun Shee. Những nữ tiên này thường tìm kiếm tình yêu từ phía người phàm. Nếu bị người phàm từ chối tình cảm, các cô sẽ phải trở thành nô lệ của họ; nhưng nếu họ đồng ý với tình cảm ấy, họ sẽ bị ràng buộc với nữ tiên cho đến khi nào có một ai đó thế chỗ của họ. Khi mối quan hệ được thiết lập, các nữ tiên này sẽ sống cuộc đời của người phàm, còn con người thì ốm yếu dần khi sống với tiên.
Người Ireland phân biệt quân đoàn tiên và các tiên độc hành thông qua trang phục bên ngoài của họ. Thường thì các tiên trong quân đoàn tiên mang áo khoác màu xanh lá, còn những bộ áo khoác màu đỏ sẽ được tiên độc hành sử dụng. Dù trang phục và phương thức sinh sống khác nhau, nhưng các tiên đều có một điểm chung là yêu ca hát, yêu âm nhạc, say mê nhảy múa. Họ sở hữu tài năng âm nhạc kì diệu, và người Ireland cho rằng những người hát rong nổi tiếng trong lịch sử của họ, thực chất, đều là những người đã được lắng nghe giai điệu từ tiên và mô phỏng lại.
Thỉnh thoảng, tiên chợt có hứng thú với người phàm và thường thì họ sẽ tìm cách bắt người phàm đến với thế giới ngầm hay các gò tiên. Nếu đó là những đứa trẻ sơ sinh, tiên sẽ thế vào chỗ chúng một đứa bé tiên yếu ớt hoặc một khúc gỗ được phù phép. Như vậy, ai cũng sẽ nghĩ rằng đó chỉ là một em bé ốm yếu đang chết dần. Những đứa trẻ mà tiên dùng để đánh tráo với người phàm đó được gọi với cái tên Changeling. Tiên thường bắt cóc trẻ sơ sinh phàm trần, nhưng cũng có khi họ hứng thú với những cô gái trẻ. Theo một số lời kể, những đứa trẻ bị tiên bắt đi đều được sống hạnh phúc trong các gò tiên, nhưng một số người khác lại cho rằng rồi cuối cùng chúng cũng sẽ chết mòn đi.
1.4. Nhân vật người hùng
Trong mục này, chúng tôi tập trung mô tả lại nhân vật người hùng xuất hiện trong các câu chuyện thuộc chu kì Ulster và chu kì Fenian:
Chu kì Ulster:
- Cu Chulainn (nam), bao gồm các truyện số 15, 16, 17, 18, 20
- Deirdre (nữ), bao gồm truyện số 19
Chu kì Fenian:
- Finn Mac Cool (nam), bao gồm các truyện số 21, 22, 23, 25
- Grainne (nữ), bao gồm truyện số 22
- Oisin (nam), bao gồm truyện số 22, 24, 25
1.4.1. Nam anh hùng
1.4.1.1. Người hùng Cu Chulainn
Cu Chulainn là nhân vật trung tâm của chu kì Ulster. Có nhiều phiên bản liên quan đến câu chuyện về sự ra đời của Cu Chulainn, trong đó, nổi tiếng nhất là hai phiên bản sau:
Ở phiên bản thứ nhất, Deichtine và người đánh xe của vua Conchobar theo đoàn quý tộc Ulster vào rừng đi săn. Đoàn quân đi theo một đàn chim huyền điểu. Khi tuyết bắt đầu rơi, những người Ulster tìm thấy một căn nhà nhỏ trong rừng để trú ẩn. Tình cờ, vào đêm hôm đó, người vợ của chủ nhà trở dạ, và Deichtine đã đỡ cho một bé trai ra đời. Cùng lúc đó, con ngựa cái trong chuồng ngựa cũng sinh đôi hai chú ngựa con. Sáng hôm sau, khi những người Ulster tỉnh dậy, họ thấy căn nhà và cả hai vợ chồng chủ nhà đã biến mất, chỉ đứa trẻ sơ sinh và đàn ngựa con là vẫn còn. Deichtine đưa cậu bé về nhà và nuôi nấng cậu như con mình, nhưng chẳng bao lâu, cậu bé ốm rồi qua đời. Một thời gian sau, Deichtine uống phải một cốc nước có chứa một con ruồi trong đó. Khi ấy, thần Lugh đã xuất hiện và nói với cô rằng cô đã mang trong mình đứa con của ông. Lugh cũng đặt tên đứa trẻ là Sétanta. Lúc ấy, Deichtine đã có hôn ước với Sualtam mac Roich, và người dân Ulster nghi ngờ cái thai trong bụng Deichtine là của vua Conchobar. Vì vậy, Deichtine đã tự mình làm xảy thai để chứng minh trinh tiết của mình. Sau đó, Deichtine và Sualtam cưới nhau. Con trai đầu lòng của hai vợ chồng được đặt tên là Sétanta.
Ở phiên bản thứ hai, Deichtine là em gái của vua Conchobar, và cô đã biến mất khỏi kinh đô Ulster. Câu chuyện cũng diễn ra trong một lần đoàn quân Ulster đi săn và gặp một đàn chim huyền điểu, họ vượt qua mưa tuyết và tìm thấy nơi trú ẩn ở một căn nhà trong rừng. Người chủ của căn nhà là thần Lugh. Trong đêm đó, người vợ của Lugh sinh ra một người con trai tên là Sétanta, và Deichtine chính là vợ của thần. Đến sáng sớm hôm sau, ngôi nhà và chủ nhân của nó cũng biến mất giống như phiên bản đầu tiên. Đứa bé sau đó được nuôi dưỡng bởi những người tinh nhuệ nhất của Ulster [50; tr. 134-136].
Saga về Cu Chulainn tiếp tục với những chiến công của chàng từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến những chiến công sau:
Năm bảy tuổi, để tự vệ, Sétanta đã lỡ tay giết con chó săn hung dữ của người thợ rèn Culann. Để bồi thường cho người thợ rèn xui xẻo, Sétanta hứa sẽ huấn luyện một con chó săn khác để thay thế cho con chó đã chết của Culann, đồng thời trong thời gian huấn luyện đó, anh tình nguyện trở thành người canh giữ cho căn nhà của Culann. Từ đó, Sétanta được gọi bằng một cái tên mới là Cu Chulainn, nghĩa là “Chó săn của Culann” [50; tr.137-138].
Khi trưởng thành, người Ulster muốn tìm vợ cho Cu Chulainn, nhưng Cu Chulainn chỉ say đắm sắc đẹp của Emer, con gái của Forgall Monach. Để chinh phục nàng, Cu Chulainn đã làm theo mọi thử thách mà Emer và cha nàng đề ra: giết hàng trăm người đàn ông và làm cho thanh danh của anh ta nổi tiếng trên khắp Ireland; luyện tập với nữ chiến binh Scathach lừng danh ở xứ Alba. Forgall đã hi vọng rằng Cu Chulainn sẽ bị giết khi đến gặp nữ chiến binh, nhưng cuối cùng anh lại được bà đào tạo để trở thành chiến binh mạnh mẽ nhất và giúp bà đánh bại kẻ thù lớn nhất của bà là Aife. Trở về sau thử thách, Cu Chulainn đã cưới được Emer [50; tr.153-162].
Chiến công vĩ đại nhất của Cu Chulainn được kể lại là vào năm anh mười bảy tuổi, Cu Chulainn đã bảo vệ cư dân Ulster khỏi đội quân Connacht của nữ hoàng Medb. Trong cuộc chiến này, Cu Chulainn không chỉ phải đối mặt với một đội quân cướp bóc mạnh mẽ và khắc nghiệt, mà còn phải chống lại những ma thuật mà chính Medb và nữ thần chiến tranh Morrigan tạo ra. Sau một trận đánh gian khổ, Cu Chulainn bị thương nặng và được cha mình là thần Lugh chữa lành vết thương cho. Lành lặn, Chu Chulainn tiếp tục tấn công và tàn sát hàng trăm người. Trận chiến chỉ thật sự kết thúc khi Cu Chulainn đẩy lùi được Medb và đội quân của bà khỏi lãnh thổ Ulster.
Chiến công khác thể hiện lòng dũng cảm của Cu Chulainn là những gì anh thể hiện trong yến tiệc của Bricriu. Cu Chulainn, Conall Cernach và Lóegaire Búadach cùng thi tài để xem ai là quán quân của bữa tiệc, và trong bất cứ thử thách nào, Cu Chulainn đều là người đứng đầu, nhưng cả Conall và Lóegaire đều không chấp nhận kết quả đó. Cú Roí mac Dáire của Munster quyết định giải quyết tranh chấp bằng cách đến thăm từng người trong vỏ bọc của một tên gớm ghiếc và thách thức họ chặt đầu anh ta, sau đó cho phép anh ta quay trở lại và chặt đầu họ. Conall và Lóegaire đều chặt đầu Cú Roí, cầm đầu anh ta và bỏ đi, nhưng khi đến thời điểm đã hẹn, Cu Roí quay trở lại để thực thi nốt thử thách, thì họ lại bỏ trốn. Cuối cùng, chỉ có Cu Chulainn đủ dũng cảm và danh dự để đưa đầu ra trước chiếc rìu của Cú Roí. Với hành động ấy, Cú Roí tha cho anh và anh được tuyên bố là nhà vô địch.
Saga về Cu Chulainn cũng nhắc đến cái chết của anh. Sau khi thua trận, Medb âm mưu với Lugaid và con trai của những người khác mà Cú Chulainn đã giết để đẩy anh đến cái chết. Sự việc bắt đầu khi Cu Chulainn bị một người bạn già mời ăn thịt chó. Để không phạm phải cấm kị từ chối lòng hiếu khách, Cu Chulainn đã ăn thịt chó, nhưng vì thế mà tinh thần anh suy yếu, vì anh đã phạm phải một cấm kị khác là ăn thịt con vật đại diện cho mình.
Về phần Lugaid, hắn có ba cây giáo ma thuật, và người ta tiên tri rằng mỗi ngọn giáo phóng ra sẽ có một vị vua gục ngã. Với ngọn giáo đầu tiên, Lugaid giết chết Láeg, người đánh xe ngựa của Cu Chulainn, vua của những người điều khiển xe ngựa. Với ngọn giáo thứ hai, Lugaid giết con ngựa của Cu Chulainn, Liath Macha, vua của loài ngựa. Với ngọn giáo thứ ba, Lugaid phóng vào Cu Chulainn, khiến anh bị thương nặng.
Cu Chulainn đã tự trói mình vào một hòn đá dựng đứng để chết trên đôi chân, đối mặt với kẻ thù của mình. Chỉ khi một con quạ đáp xuống vai Cu Chulainn, Lugaid mới thực sự tin rằng anh đã chết. Lugaid tiếp cận và chặt đầu anh, nhưng khi hắn làm vậy, “ánh sáng anh hùng” bùng cháy xung quanh Cu Chulainn. Thanh kiếm trên tay Cu Chulainn rơi xuống, cứa đứt tay của Lugaid. Ánh sáng chỉ biến mất sau khi cánh tay phải của Lugaid bị cắt lìa khỏi cơ thể. Theo biên niên sử, Cu Chulainn chết vào năm 1 sau Công nguyên [50; tr. 333-347].
1.4.1.2. Người hùng Finn Mac Cool
Finn là một trong ba anh hùng nổi bật nhất của chu kì Fenian, bên cạnh con trai ông là Oisin và cháu trai ông là Oscar. Theo truyền thuyết còn lại đến nay, câu chuyện về Finn và những chiến binh Fianna đều được Oisin kể lại cho Thánh Patrick.
Cũng giống như saga về Cu Chulainn, saga về Finn gồm ba cột mốc chính: Sự ra đời, những chiến công và cái chết của người hùng.
Cha của Finn là Cumhall. Cumhall đã đến gặp Tadg để hỏi cưới con gái của ông là Muirne Xinh Đẹp nhưng Tadg không đồng ý. Chính vì vậy, Cumhall đã bắt cóc nàng đi. Biết tin, Tadg đến cầu xin vua Conn giúp đỡ mình giành lại con gái. Vua Conn đồng ý giúp người cha tuyệt vọng, và trận chiến Cnucha diễn ra giữa một bên là Cumhall và một bên là đội quân của vua Conn và Tadg. Trong trận chiến, Goll mac Morna đã giết Cumhall và tiếp quản đội quân Fianna.
Lúc này, Muirne đã mang thai, nhưng cha cô đã từ chối tiếp nhận cô. Thương cảm cho số phận của Muirne, vua Conn đã ra lệnh cho Muirne đến nương nhờ Fiacal mac Conchinn – người có vợ chính là chị gái của Cumhall. Khi ở nhà của Fiacal, Muirne đã sinh ra một cậu con trai và đặt tên cậu bé là Deimne. Đây chính là sự ra đời của Finn [37; tr. 162-169].
Khác với những chiến công trên chiến trận và đẫm bạo lực của Cu Chulainn – người chiến binh thiện chiến Ulster, chiến công của Finn thường gắn liền với những câu chuyện liên quan đến trí tuệ và tình yêu:
Đầu tiên là chiến công giúp chàng trai Deimne có được cái tên “Finn”. Một ngày nọ, Deimne đi ngang qua một thành trì và thấy những người trẻ tuổi đang chơi đùa ở đó. Những người ở trong thành tìm cách giết anh, nhưng lúc nào anh cũng là người đánh bại họ trước. Khi chủ thành hỏi những người trong thành rằng đó là ai, họ đã trả lời: “Anh ta tên Deimne.” Chủ thành hỏi tiếp: “Trông anh ta như thế nào?”. “Một thanh niên đẹp trai với nước da trắng ngần và mái tóc vàng ánh kim.” Họ đáp. “Vậy thì hãy gọi anh ta là Finn.”. Trong tiếng Ireland, “Finn” vừa có nghĩa là “người đẹp”, lại vừa mang nghĩa là “sự vững chắc”. Finn đã có được cái tên của mình như thế.
Finn đã dành nhiều thời gian để học trở thành một chiến binh vĩ đại, nhưng rồi anh cũng muốn học khoa học, nghệ thuật và ma thuật. Vì vậy, Finn tìm đến một vị druid nổi tiếng là Finegas để nhờ ông dạy dỗ. Ở nơi Finegas sinh sống, bên dòng sông Boyne có một con cá hồi tri thức. Người ta đã tiên tri rằng một người tên Finn sẽ ăn con cá hồi này và sở hữu mọi tri thức trên thế gian. Tin rằng mình là người được nhắc đến trong lời tiên tri, Finegas đã dành nhiều năm để bắt con cá hồi. Chẳng bao lâu sau khi Finn đến, Finegas đã thành công. Ông yêu cầu học trò nấu món ăn từ con cá hồi thay mình, không quên dặn dò Finn không được ăn vụng. Thế nhưng trong lúc nấu, Finn đã vô tình chạm tay vào chảo và bị bỏng. Theo bản năng, anh đưa ngón tay cái vào miệng. Hành động này đã khiến cho Finn hấp thụ toàn bộ tri thức nhân loại từ con cá hồi. Biết tin, Finegas đã để cậu học trò của mình ăn cả con cá. Theo một số bản kể, đây mới là lúc Deimne được đặt cho cái tên mới là Finn, dựa theo lời tiên tri đã tồn tại từ trước đó.
Chiến công nổi tiếng nhất của Finn là lần anh đánh bại Aillen – người đàn ông mang sức mạnh phun lửa của thần tộc Tuatha De Danann. Thường niên, cứ vào lễ hội Samhain, Aillen ru ngủ người dân Tara (Ireland) bằng âm nhạc du dương của mình, sau đó ông sẽ thiêu rụi toàn bộ thành phố khi mọi người say ngủ. Khi vua Ireland kêu gọi đàn ông trong lãnh thổ bảo vệ Tara khỏi Aillen, Finn đã tình nguyện đứng ra. Để chống lại cơn buồn ngủ từ âm nhạc của Aillen, Finn đã tự đâm giáo vào người mình rồi dùng chính ngọn giáo đó để đánh bại Aillen.
Sau khi đánh bại Aillen và cứu Tara, di sản của Finn được công nhận, và Finn được trao quyền chỉ huy đội quân Fianna thay Goll. Trong một số bản kể, khi đánh bại Aillen, Finn mới chỉ mười tuổi [50; tr. 360-369].
Saga về Finn Mac Cool kết thúc với những lời kể xoay quanh cái chết của Finn. Lời kể được lưu truyền rộng rãi nhất cho rằng Finn không chết. Chính xác thì anh đang say ngủ trong một hầm mộ, được bảo vệ bởi các chiến binh Fianna. Một ngày nào đó, khi tiếng tù và Dord Fiann vang lên ba lần, báo hiệu Ireland gặp nguy hiểm, Finn sẽ thức tỉnh, vươn mình mạnh mẽ như xưa, và anh sẽ bảo vệ Ireland trong giờ phút cô cần anh nhất [50; tr. 424-438].
1.4.1.3. Người hùng Oisin
Oisin là con trai của Finn. Sự ra đời của Oisin cũng nhuốm màu sắc kì ảo khi anh là kết quả của cuộc hôn phối giữa người cha phàm trần và người mẹ mang dòng dõi thần tộc Tuatha De Danann. Trong truyện kể dân gian Ireland, trên đường đi săn, Finn bắt gặp một con nai kì lạ. Nhận ra đây là người bị phù phép, Finn mang con nai về lãnh thổ của mình. Ngay khi bước chân đến vùng đất của Finn, con nai biến trở lại thành hình dạng con người. Cô là Sadhbh – người phụ nữ bị biến thành một con nai vì đã từ chối lời cầu hôn của druid tên Fear Doirich. Finn và Sadhbh kết hôn và Sadhbh nhanh chóng mang thai.
Khi Finn không ở nhà, Fear Doirich đã tìm đến nơi ở của Sadhbh và biến cô trở lại thành con nai. Trong hình dạng nai, Sadhbh bỏ đi. Finn đã dành nhiều năm để tìm kiếm vợ mình nhưng vô vọng. Trong một lần đi săn, tùy tùng của Finn đã tìm thấy một cậu bé trong hình hài một chú nai con. Khi đặt chân đến vùng đất của Finn, chú nai con biến thành người. Và đó là sự ra đời của Oisin, con trai của Finn và Sadhbh [37; tr.175-177].
Khác với Cu Chulainn với những chiến công oanh liệt trên chiến trường, Finn gắn với trí tuệ và tài năng, câu chuyện nổi bật của Oisin xoay quanh chuyến du hành của anh đến Tir na nÓg – vùng đất của tuổi trẻ vĩnh cửu – và trở về.
Một ngày nọ, khi đang đi săn, Oisin thấy một thiếu nữ xinh đẹp mặc trang phục hoàng tộc cưỡi ngựa trắng về phía họ. Finn hỏi người phụ nữ tên của cô là gì. Cô trả lời rằng cô là Niamh, con gái của Manannán Mac Lir, thần biển cả và là vua của Tir na nÓg. Cô đã phải lòng Oisin và muốn anh đến xứ thần tiên để sống cùng vô. Oisin ngay lập tức đồng ý. Trong thời gian ở Tir na nÓg, Oisin và Niamh đã sống với nhau rất hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian mà anh nghĩ là ba tuần, trong lòng Oisin dấy lên nỗi nhớ quê hương và người thân của mình. Anh chia sẻ dự định về thăm quê với Niamh, nàng chấp nhận và cho anh mượn con ngựa tiên của mình. Quy tắc duy nhất Niamh muốn Oisin cam kết là anh không được để chân chạm đất, nếu không, anh sẽ không bao giờ trở về với cô được nữa. Oisín đã hứa và lên đường về Ireland.
Khi về đến nơi, Oisín thấy đất nước hoàn toàn thay đổi. Anh không thấy cung điện của Fianna, cũng không thấy những người thân quen đâu nữa. Con người trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều so với hình dáng to lớn trước đây. Oisin hỏi mọi người về Finn và các chiến binh Fianna, và mọi người trả lời rằng đó là những cái tên đã tồn tại từ khoảng ba trăm năm trước rồi.
Khi đang cố gắng tìm hiểu sự việc, Oisin thấy một nhóm người đang cố gắng di chuyển một tảng đá lớn. Anh phi ngựa đến nâng giúp họ. Những người đàn ông nhỏ bé kia ai ai cũng kinh ngạc trước người đàn ông đẹp đẽ, khổng lồ. Oisin dễ dàng đặt tảng đá vào đúng vị trí của nó, song trong một phút giây sơ ý, Oisin đã để chân anh chạm đất. Ngay lập tức, ngựa tiên biến mất, Oisin rơi xuống đất và nhanh chóng biến thành một ông già yếu ớt, khô héo, tóc nhuốm bạc.
Bàng hoàng trước những gì vừa diễn ra, Oisin liên tục nói về Finn và quân đội Fianna. Vì quá già yếu, người dân đã đưa Oisin đến gặp Patrick. Patrick đưa Oisín vào nhà của mình và lắng nghe câu chuyện của Oisin. Ông cũng đề nghị Oisín viết lại những cuộc phiêu lưu của mình để câu chuyện về Finn và Fianna có thể được lưu giữ mãi mãi [50; tr. 439-456].
1.4.2. Nữ anh hùng
1.4.2.1. Người hùng Deirdre
Câu chuyện về người hùng Deirdre được kể lại chi tiết trong saga mang tên Chuyến lưu đày của những người con của Usnech (The exile of the sons of Usnech, số 18), còn được biết đến với tên khác là Chuyện về nỗi buồn của Deirdre.
Deirdre là con gái của người kể chuyện hoàng gia Fedlimid mac Daill. Sự ra đời của cô gắn liền với lời tiên tri của druid Cathbad rằng khi lớn lên, cô sẽ rất xinh đẹp, nhưng chiến tranh sẽ nổ ra vì cô, vua chúa sẽ đổ máu vì cô, và ba chiến binh vĩ đại nhất của Ulster sẽ bị lưu đày vì cô.
Khi biết về lời tiên tri ấy, nhiều người đã thúc giục Fedlimid giết đứa con mới sinh của mình, nhưng vua Conchobar, bị kích thích bởi những lời miêu tả về vẻ đẹp trong tương lai của Deirdre, đã quyết định nuôi lớn cô với hi vọng sau này sẽ cưới cô làm vợ. Vua Conchobar đưa Deirdre cho người vú nuôi Leabharcham nuôi dưỡng.
Lớn lên, Deirdre là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Cuộc đời cô về sau rẽ hướng bởi chính những lựa chọn mà cô tự quyết. Cô sống biệt lập trong rừng. Vào một ngày tuyết rơi trắng rừng, Deirdre nhìn thấy một con quạ sà xuống tuyết với con mồi của nó. Sau cảnh tượng ấy, Deirdre nói với Leabharcham rằng cô sẽ yêu một người đàn ông có làn da trắng như tuyết, tóc đen như màu lông quạ, và má đỏ như máu.
Leabharcham nói với Deirdre rằng cô đang mô tả Naoise, một chiến binh trẻ trung, đẹp trai, là thợ săn và là ca sĩ trong triều đình của Conchobar. Với sự giúp đỡ của Leabharcham, Deirdre gặp Naoise và yêu nhau. Cả hai quyết định trốn khỏi quyền lực của vua Conchobar. Cùng với hai anh em Ardan và Ainnle (hai người con trai khác của Usnech), Naoise và Deirdre chạy trốn đến Scotland. Họ đã sống một cuộc sống hạnh phúc và êm đềm ở đó: săn bắn, đánh cá và sống ở những nơi tuyệt đẹp.
Biết tin Deirdre bỏ trốn cùng người tình, vua Conchobar vô cùng giận dữ. Để bảo toàn danh dự, ông cho người truy lùng đôi tình nhân trẻ khắp nơi. Vua Conchobar đã cử sứ giả là Fergus mac Róich đến mời họ trở về và hứa sẽ đảm bảo an toàn cho họ. Tin tưởng vào sự bảo trợ của Fergus, đôi tình nhân và những người anh em của mình quyết định trở về. Thế nhưng cả Fergus và họ đều không thể ngờ rằng vua Conchobar không hề giữ lời. Ông tìm cách tách Fergus khỏi đoàn và đưa quân đến tiêu diệt Naoise và hai người em trai của anh. Người giết chết Naoise là Éogan mac Durthacht.
Sau cái chết của Naoise, Conchobar lấy Deirdre làm vợ. Sau một năm, tức giận bởi sự lạnh nhạt của Deirdre đối với mình, Conchobar hỏi Deirdre rằng ngoài bản thân ông, cô ghét ai nhất trên thế giới? Cô trả lời: “Éogan mac Durthacht”, kẻ đã sát hại Naoise. Lần này, vua Conchobar đã ra lệnh ép Deirdre phải sống cùng Éogan trong suốt một năm. Ngày Conchobar đưa Deirdre đến cho Éogan, Deirdre đã ném mình khỏi cỗ xe, đập đầu vào tảng đá để tự kết liễu đời mình [50; tr. 239-247].
Trong một số bản kể khác, khi biết Éogan là người Deirdre căm hận, vua Conchobar đã ra lệnh chém đầu hắn ngay trước mắt Deirdre. Sau khi chứng kiến cái chết của kẻ giết hại người yêu mình, Deirdre tự sát bằng cách đập đầu vào tảng đá.
1.4.2.2. Người hùng Grainne
Grainne là nhân vật chính trong chuyện về Cuộc truy đuổi Diarmuid và Grainne – số 21, cũng là nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong các truyện kể thuộc chu kì Fenian.
Theo những câu chuyện được truyền lại, Grainne là con gái của vua Cormac mac Airt. Cô được hứa hôn với Finn Mac Cool nhưng do sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, lại thêm sự say mê dành cho Diarmuid – một chiến binh Fianna, Grainne đã yêu cầu Diarmuid phải chạy trốn cùng cô.
Ban đầu, Diarmuid từ chối vì lòng trung thành của anh dành cho Finn, nhưng Grainne, với trí thông minh của mình, đã đặt Diarmuid vào một tình thế khiến anh không thể từ chối: giúp đỡ một người phụ nữ khi họ lên tiếng cầu cứu.
Cuộc chạy trốn của Diarmuid và Grainne diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Cuối cùng, Finn chấp nhận tha thứ cho Diarmuid sau khi Aengus thay mặt họ cầu xin. Cặp đôi định cư ở Kerry và sinh ra năm người con.
Nhiều năm sau, Diarmuid bị thương bởi một con lợn rừng khi đi săn cùng với Finn. Mặc dù có năng lực chữa lành vết thương khi cho người khác uống nước trong bàn tay mình, nhưng khi nhớ lại cuộc truy đuổi năm xưa, Finn đã cố tình không giữ nước trong tay. Ba lần hụt uống nước từ tay Finn đã khiến Diarmuid từ giã cõi đời.
Về phần Grainne, có nhiều bản kể khác nhau về cô sau cái chết của Diarmuid. Theo sưu tầm của Tom Peete Cross, khi biết tin Diarmuid qua đời và phản ứng mang tính bội phản của Finn, Grainne đã yêu cầu những người con của mình học chiến đấu để báo thù cho cha. Tuy nhiên, Grainne cũng đồng ý quay về sống bên Finn. Khi các con của cô đến tấn công Finn, cô đã đứng ra hòa giải mâu thuẫn giữa Finn và chính các con của mình. Cùng với sự hòa giải đó, những người con của Diarmuid được kế thừa vị trí và lãnh thổ của cha trước đây, đồng thời được Finn cam kết trao cho sự tự do vĩnh viễn [50; tr. 370-421].
Tiểu kết
Trong chương 1, chúng tôi đã làm rõ thuật ngữ “Saga”, phân kì các chu kì truyện kể, đưa ra quy ước trong việc dùng khái niệm “Truyện kể dân gian Ireland”; đồng thời cung cấp một hệ thống các nhân vật nổi bật trong truyện kể dân gian Ireland, bao gồm thần tộc Tuatha De Danann, Tiên và những người hùng trong thần thoại. Các nhân vật đều được trình bày cùng với những câu chuyện nổi tiếng nhất và các mối liên hệ gắn liền với họ được đề cập đến trong các truyện kể. Ở phần tổng hợp về thần tộc Tuatha De Danann, chúng tôi ưu tiên việc trình bày nguồn gốc, bản chất, mối quan hệ và hoạt động của những vị thần quen thuộc nhất trong tín ngưỡng dân gian Ireland. Ở phần tổng thuật về nhân vật Tiên, chúng tôi tập trung vào các quan niệm về xuất xứ của tiên và phân loại tiên thành ba nhóm: quân đoàn tiên – tiên độc hành – changeling. Ở phần nhân vật người hùng, chúng tôi tiếp cận các văn bản truyện kể xoay quanh chu kì Ulster và chu kì Fenian, từ đó phân loại người hùng thành hai nhóm là nam anh hùng và nữ anh hùng. Ở mỗi nhóm, các câu chuyện xoay quanh nhân vật đều được triển khai theo mạch kể khác nhau. Cụ thể, các câu chuyện về nam anh hùng thường đi theo các cột mốc: sự ra đời – chiến công – cái chết của anh hùng; trong khi đó, câu chuyện về nữ anh hùng thường xoay quanh sự phản ứng của những lời tiên tri, các lựa chọn của nữ anh hùng và tác động của lựa chọn đó đến cuộc đời của chính họ và những nhân vật khác.
Từ hệ thống nhân vật được đề cập đến ở chương 1, trong chương 2, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát các motif chính được tác giả dân gian sử dụng để xây dựng nhân vật và nhận xét về vai trò của motif ấy đối với sự phát triển cốt truyện.
Nguyễn Hoàng Dương
[1] Các công trình được liệt kê đều là bản gốc tiếng Anh. Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi có dịch, trích dịch một số truyện sang tiếng Việt.
>> Đọc bài 2: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (2): Tiên, Ma thuật, Người hùng và các Nữ anh hùng – Book Hunter
2 Bình luận