Mọi người thường hòi “Tôi nên làm gì?” khi đối mặt với một vấn đề luân lý. Aristotle thúc giục chúng ta hỏi “Tôi nên trở thành loại người như thế nào?”
Các ý quan trọng trong bài:
- Trong tác phẩm Luân lý học của mình, Aristotle đề xuất rằng con người là động vật lý trí, có tính xã hội luôn tìm cách “sống tốt”.
- Ông đề xuất một hệ thống luân lý được thiết kế để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc – eudaimonia, một từ Hy Lạp mang nghĩa sống sung túc hoặc thịnh vượng.
- Hệ thống luân lý liệt kê các phẩm hạnh, mỗi phẩm hạnh đều là “trạng thái trung đạo” nằm giữa một bên là quá thừa và bên còn lại là quá thiếu.
Trong khi hầu hết chúng ta hỏi “Tôi nên làm gì?” khi nghĩ về luân lý, thì nhiều triết gia đã tiếp cận bằng cách hỏi “Tôi nên trở thành loại người như thế nào?” Những nhà tư tưởng này thường hướng đến luân lý học phẩm hạnh để tìm giải đáp. Aristotle, một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, đã phát triển một hệ thống bao quát về luân lý học phẩm hạnh mà chúng ta có thể học hỏi cho đến tận ngày nay.
Tại sao phải có đạo đức?
Trong Luân lý học, Aristotle đề xuất rằng con người là động vật lý trí, có tính xã hội luôn tìm cách “sống tốt”. Với mục đích này, ông đề xuất một hệ thống luân lý được thiết kế để giúp chúng ta đạt được tận khoái – eudaimonia, một từ Hy Lạp mang nghĩa sống tốt hoặc thịnh vượng.
Tận khoái đạt được bằng cách sống có đạo đức và xây dựng các đặc điểm tính cách của bạn sao cho bạn thậm chí không cần phải suy nghĩ về các lựa chọn của mình trước khi đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Một người như vậy sẽ hạnh phúc, nhưng không giống với một người theo chủ nghĩa khoái lạc. Người theo tận khoái sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân và sống hết mình. Họ sẽ là mẫu người mà người khác muốn trở thành. Trên hết, họ sẽ phát triển mạnh mẽ.
Các phẩm hạnh là gì?
Aristotle coi các phẩm hạnh là những đặc điểm tính cách và xu hướng hành động theo một cách cụ thể. Chúng ta đạt được chúng thông qua thực hành và bằng cách sao chép “những tấm gương đạo đức” cho đến khi chúng ta tiếp thu được phẩm hạnh đó. Chúng ta trở nên mực thước nhờ rèn luyện mực thước, trở nên dũng cảm nhờ rèn luyện dũng cảm… Cuối cùng, phẩm hạnh trở thành một thói quen.
Ông giải thích thêm rằng mỗi phẩm hạnh là “trạng thái trung đạo vàng” giữa hai đồi bại trái ngược – một bên là thừa mứa và bên còn lại là thiếu hụt. Lấy ví dụ về mực thước, nếu chúng ta ở bên thiếu hụt thì chúng ta sẽ không giữ khuôn phép, nhưng nếu chúng ta ở bên thừa mứa thì chúng ta sẽ không bao giờ uống rượu. Aristotle nhìn nhận cả hai đặc điểm là đồi bại. Người có đạo đức sẽ biết họ có thể uống bao nhiêu rượu mà không rơi vào trường hợp uống quá nhiều hay từ chối không uống rượu.
Các phẩm hạnh của Aristotle là gì?
Những phẩm hạnh mà ông liệt kê trong Luân lý học là:
Dũng Cảm: Trạng thái trung đạo giữa hèn nhát và liều lĩnh, người dũng cảm là người biết nguy hiểm nhưng vẫn tiến vào bằng mọi cách.
Trung Đạo: Đây là phẩm hạnh nằm giữa quá nuông chiều và vô cảm. Aristotle coi người không bao giờ uống rượu cũng khắc nghiệt như người uống quá nhiều.
Tự Do: Phẩm hạnh từ thiện, đây là điểm vàng nằm giữa keo kiệt và sự cho đi nhiều hơn khả năng của bạn.
Hào Phóng: Phẩm hạnh sống một cách xa hoa, nằm giữa keo kiệt và thô tục. Aristotle thấy không có lý do gì để khổ hạnh nhưng cũng cảnh báo không nên hào nhoáng.
Kỳ Vĩ: Phẩm hạnh liên quan đến sự kiêu hãnh, nó là điểm trung gian giữa việc không cho bản thân đủ tín nhiệm và ảo tưởng về sự vĩ đại. Chắc chắn là bạn cũng phải hành động dựa trên ý thức về giá trị bản thân này và phấn đấu để đạt được sự vĩ đại.
Kiên Nhẫn: Đây là phẩm hạnh kiểm soát tính nóng nảy của bạn. Người kiên nhẫn không được quá tức giận cũng như không được tức giận khi họ nên tức giận.
Trung Thực: Phẩm hạnh trung thực, Aristotle đặt nó giữa thói quen nói dối với thiếu tế nhị hoặc cường điệu.
Hóm Hỉnh: Ở giữa trò hề và cục mịch, đây là phẩm hạnh của khiếu hài hước tốt.
Thân Thiện: Mặc dù thân thiện có vẻ không phải là một phẩm hạnh đạo đức, nhưng Aristotle khẳng định tương giao là một phần quan trọng của một cuộc sống tốt đẹp. Phẩm hạnh này nằm giữa không thân thiện chút nào và quá thân thiện với quá nhiều người.
Xấu Hổ: Điểm nằm giữa tự ti và không có cảm giác hổ thẹn. Người có mức độ xấu hổ phù hợp sẽ hiểu khi họ phạm phải lỗi xã hội hoặc đạo đức nhưng sẽ không quá sợ hãi để mà không mạo hiểm với các lỗi lầm này.
Công chính: Đây là phẩm hạnh về đối xử công chính với người khác. Nó nằm giữa ích kỷ và vị tha. Phẩm hạnh này cũng có thể áp dụng được trong các tình huống khác nhau và có cả một chương dành riêng cho các dạng thức áp dụng khác nhau.
Aristotle coi luân lý là nghệ thuật hơn là khoa học, và những lời giải thích của ông thiếu chi tiết cụ thể một cách có chủ đích. Chúng ta phải học cách tiếp cận đúng với một tình huống như một phần cho quá trình phát triển đạo đức của mình.
Ông cũng không có ý nói rằng chúng ta không thể phá vỡ các quy tắc: Chẳng hạn, chỉ vì một người có tính trung thực thì không có nghĩa họ không thể nói dối khi cần. Điều này khiến luân lý học phẩm hạnh trở nên linh hoạt hơn so với các hệ thống luân lý nghĩa vụ, nhưng cũng khó sử dụng hơn vì chúng ta phải xác định khi nào chúng ta có thể nói dối, tức giận hoặc cao ngạo.
Danh sách này có vẻ hơi lạ lùng
Hãy nhớ rằng danh sách này được thiết kế cho những người thượng lưu Hy Lạp, những người có học vấn đàng hoàng và khá nhiều may mắn. Ví dụ, việc thực hành phẩm hành kỳ vĩ là bất khả thi đối với một người có điều kiện giới hạn.
Mặc dù vậy, hầu hết các phẩm hạnh trong danh sách luôn liên quan đến chúng ta. Như nhà triết học Martha Nusbaum giải thích: “Điều mà [Aristotle] làm, trong mỗi trường hợp, là khu biệt một lĩnh vực trải nghiệm của con người mà phần nào ảnh hưởng đến bất kỳ cuộc sống của ai, và trong đó ít nhiều bất kỳ con người nào cũng sẽ phải đưa ra một số lựa chọn hơn là những người khác.”
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nguy hiểm một lúc nào đó, vì vậy chúng ta phải hỏi làm thế nào để trở nên dũng cảm. Tất cả chúng ta đều phải hành xử với người khác, vì vậy chúng ta phải hỏi làm thế nào để trở nên thân thiện. Tất cả chúng ta đều nóng giận, vì vậy chúng ta phải hỏi làm thế nào để kiên nhẫn. Những phẩm hạnh Aristotle liệt kê vẫn còn phù hợp ngay cả khi thế giới mà từ đó chúng được tạo ra đã biến mất từ lâu.
Mặc dù bản chất chính xác của cuộc sống tốt đẹp là gì và làm thế nào để đạt được nó là chủ đề tranh luận không hồi kết, nhưng ý tưởng của những bộ óc vĩ đại thì luôn có sự liên quan. Mặc dù một số quan điểm của Aristotle có thể không còn phù hợp với hiện tại như cách đây 2.000 năm, nhưng chúng vẫn có thể cung cấp thông tin cho những nỗ lực để có một cuộc sống tốt đẹp hơn của chúng ta. Dù cho không phải ai cố gắng sống theo các phẩm hạnh thì sẽ thành công trong mọi trường hợp, nhưng chẳng phải chúng ta cố gắng thì sẽ tốt hơn sao?
Nguồn: Scotty Hendricks – Big Think (Bài viết này ban đầu được xuất bản vào tháng 5 năm 2018. Nó đã được cập nhật vào tháng 6 năm 2022.)
Dịch: Hải Anh