Home Đọc “Mùa dã cổ” của Hà Thủy Nguyên, mùa của cơn say tinh thần

“Mùa dã cổ” của Hà Thủy Nguyên, mùa của cơn say tinh thần

le-nam

Lê Nam

03/12/2020

Trong một xã hội ưa hình thức, tập thơ “Mùa dã cổ” của Hà Thủy Nguyên là một sự lạc điệu. Người ta đua nhau viết tiểu thuyết, Nguyên lại làm thơ. Người Ta đua nhau làm thơ hậu hiện đại, Nguyên lại tìm về những biểu tượng cổ xưa. Người ta đau đớn một cách đắc chí trong nghệ thuật còn Nguyên cố để phiêu lãng mà những vương vấn nợ trần gian vẫn còn quá nhiều. Bởi vậy, sự xuất hiện của “Mùa dã cổ” không ồn ào nhưng sâu lắng. Hà Thủy Nguyên đã tách biệt dần khỏi xu thế, tách biệt khỏi hình mẫu “nhà văn trẻ” của hơn 10 năm trước khi “Điệu nhạc trần gian” ra đời.

Tôi đã có dịp nói chuyện với một số bạn trẻ đọc tập thơ “Mùa dã cổ” của Hà Thủy Nguyên. Họ đều là những người đã từng đọc các bài viết của Nguyên trên Book Hunter, bao gồm cả tiểu luận, tản văn và thơ. Các độc giả ấy luôn cảm thấy một sức nặng về tinh thần và tri thức ẩn chứa trong các tác phẩm. Đặc biệt là thơ. Các độc giả không thể ngay một lúc tiếp nhận cả tập thơ, chỉ có thể đọc một hai bài trong một lần đọc. Bởi mỗi bài thơ đều chứa những ẩn ngữ, và mỗi ẩn ngữ đều hàm chứa các thực tại. Khi đọc một bài thơ, tâm trí người đọc bị xâm chiếm bởi những thực tại ấy. Dường như, Hà Thủy Nguyên chủ động trong trong sự xâm chiếm tâm trí này. Trong bài tựa của tập thơ có tên “Người thơ từ mùa dã cổ” có câu:

“Mùa Dã cổ như trận cuồng phong từ Cực Bắc xa xôi ùa tới, thổi bạt những nền móng khuôn thước của nhiều thế kỷ tái chế…

Mùa Dã cổ phi thực và siêu tưởng…

Hỡi gió! Hãy nổi lên…

Lùa hương băng thanh mùa Dã cổ

Hỡi gió! Xoáy tung vũ trụ! Vận hành trăng sao theo nhịp thi ca!

Thi ca bắt nhịp mùa Dã cổ

Ai đi khinh nhẹ bước thiên hà”

Ở đây, cơn gió từ Cực Bắc là ẩn dụ cho sức mạnh tinh thần từ tập thơ. Tại sao là gió từ Cực Bắc? Hà Thủy Nguyên có một niềm thích thú bí ẩn với Nieztches. Trong tác phẩm “Kẻ phản Kito” của mình, ông có nhắc đến “Những công dân xứ HyperBoreanus”, nghĩa là những người dân từ xứ sở của thần gió Bắc, những con người cao quý như các vị thần với các giá trị tinh thần cao cả. Hà Thủy Nguyên hẳn đã có hàm ý này khi sử dụng hình ảnh cơn gió từ cực Bắc, và qua đó nhà thơ tuyên bố sự trở về của mùa Dã cổ với thế giới là sự trở về của những con người có tinh thần cao cả. Bởi thế, Mùa Dã cổ “phi thực và siêu tưởng”, nó vượt khỏi những cảm xúc bình thường của con người, nó là thế giới của con người tinh thần, của cái siêu thức. Cõi giới tinh thần ấy tràn ngập các biểu tượng, chồng chéo các thực tại và để tìm được con người thực của mình, nhà thơ không có cách nào khác ngoài việc ung dung lướt qua tất cả. Chặng đường tinh thần ấy là đại diện cho những người trẻ đã vứt bỏ cuộc chiến bên ngoài để đi vào bên trong, và họ cũng phải đối mặt với trùng trùng gian nan.

Tập thơ có bốn phần: Phiêu – Mỏi – Tru – Say, chính là bốn chặng đường tinh thần mà Hà Thủy Nguyên đã đi qua trong quãng thời gian từ 2010 đến 2015. Được biết đây là 5 năm đầy biến động với của nhà thơ. Từ bỏ những cơ hội việc làm, tránh xa truyền thông chính thống, luyện tập theo nhiều trường phái thiền và tâm linh, để rồi cuối cùng mở ra Book Hunter với một cộng đồng những người trẻ yêu thích tri thức. Phần lớn các bài thơ trong tập “Mùa dã cổ” được sáng tác vào quãng thời gian thành lập và đặt nền móng cho Book Hunter. Chỉ có các bài “Lạc loài”, Ta là gió”, “Chiều”, “Đêm”, “Chán”, “Còn lại”, “Tiễn thu” là được sáng tác trước đó. Khi là thủ lĩnh tinh thần của Book Hunter và ước ao một cuộc thay đổi, một cuộc thức tỉnh tinh thần ở giới trẻ, Hà Thủy Nguyên đã mở dần phạm vi cuộc chiến tinh thần của mình thành cuộc chiến với thực tại bên ngoài. Hay nói một cách khác, những biểu tượng và những thực tại bên trong tâm trí của nhà thơ là một hệ thống phản chiếu của thực tại bên ngoài mà nhà thơ phải vượt qua chúng. Những lời lẽ kêu gọi, như một sự đánh thức với thế gian được nhắc đến nhiều lần trong tập thơ, không hẳn là lời kêu gọi cộng đồng, mà chỉ đơn thuần là sự đánh thức chính mình.

Phần “Phiêu” là phần mở đầu tập thơ, gồm sáu bài và hai câu thơ đề lựa: “Khi vạn vật sa lầy/Khi linh hồn đói khát”. Như vậy có thể hiểu “phiêu” là sự vượt thoát khỏi thực trạng đang diễn ra trong cuộc sống. Đó là cuộc sống ở thế kỷ 21 khi đám đông ngày càng trở nên điên loạn và lòng tham trở thành kim chỉ nam dẫn hướng, nhưng tất cả đều được mạ vàng trong cái vỏ đạo đức. Tác giả đã “phiêu” bằng cách chọn cho mình một định mệnh “lạc loài”:

“Nếu ta là Satan

Ta lạc loài giữa một bầy thiên sứ

Nếu ta là thiên sứ

Ta lạc loài giữa một lũ điên

Nếu ta là người điên

Ta lạc loài giữa cõi đời quá tỉnh”

(“Lạc loài”)

Trong trạng thái “Phiêu” ấy, Hà Thủy Nguyên khẳng định vị trí độc nhất của mình, vị trí tách biệt khỏi cộng đồng, vị trí của “cõi hỗn mang”. Ở đây, “cõi hỗn mang” chính là thế giới tinh thần mênh mông không giới hạn, mà để bước vào cần phải “đạp tung những căn phòng quá chật”, cần “đốt hết” “những bộ áo quần” của “nhân gian lừa dối”, cần “điên” hết mình để “đánh thức trái tim bị giam hãm ngàn năm”. “Lạc loài” là bài thơ đầu tiên của tập thơ, và cũng là chìa khóa để độc giả tiếp cận với tập thơ. Nếu không có chung cái nhìn với nhà thơ trong bài “Lạc loài”, không có cái sự tách biệt, không có cái điên hết mình ấy, chúng ta khó mà chấp nhận được toàn bộ thế giới thơ trong “Mùa dã cổ.

Cũng như “Lạc loài”, các bài khác trong “Phiêu” là sự mở đầu cho cuộc mò tìm bản thân. Chân ngã của một người luôn lạc giữa một bể mênh mông những ảo tưởng do cộng đồng mang lại. Mỗi ảo tưởng là một thực tại, vì thế chân ngã bị xé mảnh và vá víu với rất nhiều thực tại. Đi tìm chân ngã là chủ đề quan trọng trong những tác phẩm mang tính tinh thần. Rumi, một bậc thầy Sufi của văn hóa Islam thế kỷ 13 có viết:

“Cơn say bắt đầu nơi tửu quán

Khi tôi trở về nơi tôi ra đi

Tôi sẽ thức tỉnh. Còn giờ đây,

Tôi khác nào chú chim tới từ xứ lạ bị nhốt trong lồng

Ngày tươi sáng sẽ tới khi tôi cất cánh

Nhưng giờ đây kẻ nào đang nghe bằng chính đôi tai tôi?

Kẻ nào đang nói bằng chính miệng của tôi?

Kẻ nào đang nhìn bằng mắt tôi? Hỡi linh hồn thực sự, ngươi là gì?

Tôi chẳng thể ngừng tự vấn

Câu trả lời, giá như tôi từng được nhâm nhi,

Tôi đã có thể phá tan cái lồng giam hãm

Tôi không tự nguyện tới đây, nên tôi chẳng thể rời đi bằng cách đó

Kẻ nào mang tôi tới đây sẽ đưa tôi trở về.”

(“Lời tôi, ai đã nói” – Rumi tinh tuyệt/ Lê Duy Nam dịch từ bản tiếng Anh trong cuốn The Essential Rumi, tác giả Coleman Barks do HarperOne tái bản năm 2004)

Hà Thủy Nguyên cũng không ít lần tự vấn về định mệnh của mình, về chân ngã thực sự sau tất cả mọi suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Trong truyện ngắn “Trong sương mù” (Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”, NXB Lao động, 2013), Hà Thủy Nguyên đã diễn tả một thế giới tâm trí con người mà mỗi người là một tập hợp các khuôn mặt khác nhau và chỉ có thể bay lên thật cao thì chân ngã mới hiển lộ. Còn trong tập thơ “Mùa dã cổ”, tác giả không bay thật cao nữa, mà là thái độ đi xuyên tất cả, chấp nhận tất cả: nào là “đáy hỗn mang”(“Lạc loài”); nào là những “kiếp cầm tù” , “góc sân”, “trói buộc” (“Ta là gió”); sự ngơ ngác trong cô đơn (“Chiều…”); sự hư vô (“Đêm”); ngày tận thế (“Cánh cung”); “trùng trùng lớp lớp các giấc mơ” (“Những tên đầy tớ của định mệnh”). Một loạt các câu hỏi và câu trả lời mơ hồ được đặt ra:

“Ai đi tìm ai?

Ta đi tìm ai?

Có một bóng đêm đi tìm bóng đêm”

(“Đêm”)

“Em chờ đợi ngày tận thế

Chờ đợi Anh – cơn hồng thủy

Cùng trút bỏ những vai diễn trong tiền kiếp

Nguyên vẹn Anh – Nguyên vẹn Em

Nhìn Trái Đất quay cuồng”

(“Cánh cung”)

Nhưng sau tất cả, chân ngã dường như không thể “định hình”, chân ngã là “vô cấu trúc”, chân ngã luôn cô độc thế nên có thể “gia nhập mọi cuộc chơi/nhưng không thuộc về đâu cả…”. Đó là tứ thơ chính trong bài “Những tên đầy tớ của định mệnh”, như một sự khép lại của chuỗi tự vấn không lời giải đáp.

Càng đi sâu vào cõi tinh thần, ta sẽ càng đến gần với hư vô, bởi chân ngã là vô định hình, bởi thế nhiều người đã trở lại thế giới đời thường. Nhưng nhìn đời thường bằng con mắt của người đã đến tận cõi hư vô không phải chuyện dễ. Đó là chủ đề chính của phần “Mỏi”. Các bài trong “Mỏi” thường là một sự phản chiếu giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài. Từ bên trong nhìn ra bên ngoài, tác giả thấy tất thảy đều chán ngán, đều chỉ là những vết mờ hư ảo.

“Ta cũng chán cả những cơn say, vì chẳng cơn say nào có thể xóa nổi những hư ảnh của cõi đời tầm thường nhạt nhẽo cứ hiển hiện trước mắt

Không còn cảm thấy đau!

Không còn cảm thấy vui!

Không còn cảm thấy cuồng say nhiệt huyết…

Có khi nào ta chỉ còn là một đống tro tàn nguội lạnh của một thế giới bị thiêu rụi…

… sau ngày tận thế!”

(“Chán”)

“Thế giới lập thể

Cắt mặt người

Nhiều mảnh ghép không thể thành hình

Ta chỉ là một đống tử thi lai ghép trong bộ đồ chơi của đấng sáng thế”

(“Trong gương”)

“Đâu mất rồi tình yêu

Đâu mất rồi tiếng cười

Đâu mất rồi niềm hứng khởi

Bầu nhiệt huyết đông cứng

Rồi lại rã rời

Rã rời

Rời

Một đống rác vĩ đại bị nghiền nát…

… đợi ngày tái chế”

(“Mất ngủ”)

Nhưng chính trong sự tột cùng của hư vô và hoang mang ấy, một thế giới khác lại bừng sáng. Thay vì tách biệt với thế giới bên ngoài, Hà Thủy Nguyên bắt đầu chạm vào thế giới bằng toàn bộ tinh thần mình, nên cái chạm ấy thật hơn:

“Vạn vật đều hư vô

Một cái chạm vủa anh với em

Lại là điều thật nhất”

(“Đêm nay”)

“Đôi cánh đã bỏ đi rất xa

Có nghe chăng?

Rất xa…xa…xa rồi…

Chỉ tôi còn ở lại…

Gom nắng, gom mưa

Thả rơi trên những phím đàn…”

(“Còn lại”)

Và bắt đầu từ đây, thơ của Hà Thủy Nguyên thoát khỏi gam màu u ám, bắt đầu chuyển từ lập thể sang siêu thực với hai phần “Tru” và “Say”. Nếu “Tru” là lời đánh thức chân ngã vô định hình bên trong từ “Say” là sự biến hóa khôn cùng của chân ngã ấy.

Phần “Tru” chỉ có bốn bài, nhưng bài nào cũng như những đoạn “Phúc âm”. “Phúc âm” là cách nói trong niềm tin Kito giáo để ám chỉ về tin tức vui mừng cho sự tái sinh của Chúa. Ở “Mùa dã cổ” không phải là sự tái sinh của Chúa Jesus mà là sự tái sinh của chân ngã, của một Hà Thủy Nguyên thực sự, không phải Hà Thủy Nguyên chúng ta đã từng biết. “Phúc âm” ấy báo hiệu như một tiếng sói tru:

“Tru lên: Thực tại: Máu

Trăng: Máu

Rừng: Máu

Đô thành: Máu

Miền vô thức thẫm máu

Những cánh hoa trắng muối xuôi trên dòng sông thanh đỏ thả trôi linh hồn trinh nguyên bập bềnh giữa thác ngàn”

Sau trận khải huyền của “máu” với đàn sói lang thang trong đêm huyền thoại của “Phúc âm sói lang thang”, “cánh hoa trắng” như một điểm nhấn của sự tinh khiết và lãng mạn. “Cánh hoa trắng” chính là biểu tượng của thơ ca, của nhạc điệu, của cảm xúc bất tận, của lễ hội hân hoan được viết trong “Phúc âm say”:

“Hãy chạm vào thực tại bằng nhịp đập thổn thức

Hãy khiến thực tại quay cuồng bằng nhịp điệu cảm xúc bất tận của vũ trụ

Trong lễ hội hân hoan, mọi thực tại đều đồng nhất

Rượu! Rượu! Rượu nữa!

Hãy để thơ ca vút lên khỏi vực xoáy thực tại

Như lão dê già say khướt dưới miệng vực, ngửa cao cổ ngắm nhìn vũ điệu phản chiếu trùng trùng”

Và thế là “Dã cổ vào mùa” trong phần “Say”, phần cuối cùng, cũng là phần kết tinh toàn bộ tinh hoa trong bút pháp và tư tưởng của Hà Thủy Nguyên. Không còn những lời tuyên ngôn, lời tự vấn, lời kêu gọi, ở đây tất cả dường như đã trôi dạt theo trật tự của thi hứng, của nhịp điệu. Nhưng nhịp điệu này lại không trật tự theo lối lục bát hay thất ngôn bát cú mà là những câu thơ ngắn, ngắt nhịp đột ngột, nhấn mạnh vào các ấn tượng. Bài “Phúc âm mưa” mở đầu “Say” là một sự mô phỏng nhịp mưa ở đất Bắc, từ âm điệu kéo dài, rồi lại đứt nối bằng từng chữ đơn lẻ, rồi lại dài và đều đều. Tự đồng nhất chân ngã với cơn mưa, Hà Thủy Nguyên đã làm một cuộc hành trình đánh thức với các số phận người, đánh thức họ khỏi “giấc mộng dài chốn vĩnh cửu thiên đường đang tốc gió bốn phương biến cát bụi thành cát bụi”:

“Mưa dừng chân nơi đại mạc

Gột rửa nỗi đau cứu thế trên vai

Thiên thần lấp lánh hào quang nước

Sầu bi nhân thế…

Tạnh rồi…”

Các bài “Điệu hờ”, “Vọng tưởng”, “Độc mộc”, “Mộng ba sinh” là một sự kết hợp giữa nhạc điệu với các văn án cổ phong như tích cầu Ô Thước, tích Dương Qúy Phi – Đường Minh Hoàng, tích Phù Sai – Tây Thi, giấc mộng mưu bá đồ vương, những biểu tượng như rồng, phượng hoàng, hồ ly, tiên nhân…v…v… Tựa hồ như đang được xem một tấn tuồng cổ bằng ngôn từ, mà tấn tuồng ấy là lồng ghép của rất nhiều các tấn tuồng khác nhau với các thân phận khác nhau. Nhân vật chính trong tấn tuồng này là “Cổ nguyệt”. “Cổ nguyệt” dịch ra tiếng Việt là “vầng trăng xưa”. “Vầng trăng xưa” ấy tuyệt nhiên không giống vầng trăng nay, cũng không phải là vầng trăng hiện hữu mà ta thấy trên bầu trời, ấy là vầng trăng của tâm thức. “Vầng trăng xưa” này mang tính nguyên mẫu. Từ ngàn xưa trăng đã đã đại diện cho sức mạnh tâm linh, cho nguồn cảm hứng, cho cái đẹp và bởi thể “cổ nguyệt” là đại diện cho sự chân thiện mỹ mà Hà Thủy Nguyên hướng tới. Tạo ra nhân vật hư ảo trong thơ là “cổ nguyệt”, tưởng như Hà Thủy Nguyên chịu ảnh hưởng của tư tưởng lãng mạn, khi con người còn mơ mộng sự lý tưởng. Nhưng không “cổ nguyệt” biến ảo khôn lường, cái nhìn của “cổ nguyệt” xuyên sâu vào hiện thực cuộc sống:

“Đục ngầu nhân thế tro tàn

Vỡ vụn khuôn vàng thước ngọc

Lầu vọng trăng lửa ngút ngàn

Gỗ đá ăn mòn nhân loại

Lũ bùn nhơ ô uế hoàng đài

Dùi đục khoét hàng hàng cổ tự

Dòi bọ đội mồ nhơ bẩn gác thi nhân”

Đó là cái nhìn về nhân thế của “Cổ nguyệt” hay của chính Hà Thủy Nguyên, cái nhìn về một thế giới ô trọc trong đó những gì đẹp đẽ đang bị phá hủy, sự vô cảm đang chiếm lĩnh nhân loại. Đây là cảm hứng được thấy ở nhiều nhà thơ Mỹ đầu thế kỷ 20. Trong bài “Điệp khúc tảng đá”, T.S Eliot viết:

“Đâu là cuộc sống bị thất lạc trong sự sinh tồn?

Đâu là sự thông thái thất lạc trong kiến thức?

Đâu là kiến thức thất lạc trong thông tin?

Vòng quay Thiên Đường trong 20 thế kỷ

Đưa chúng ta rời xa Chúa và tiến gần đến với Cát Bụi”

(Hà Thủy Nguyên dịch)

Còn trong tác phẩm “Tru”, Allen Ginsberg đã tuyên bố:

“Tôi đã chứng kiến những bộ não vĩ đại của thế hệ mình bị hủy hoại trong sự điên rồ, bị bỏ lại trần truồng trong loạn trí,

tự chôn vùi bản thân trên những con phố nhem nhuốc vào buổi bình minh để tìm kiếm sự cứu rỗi đầy phẫn nộ

những thiên thần cuối cùng thiêu rụi mối dây nối thiên đường cổ xưa với cỗ máy lốm đốm sao sáng trong động cơ ban đêm

những người khốn khổ và rách rưới với đôi mắt trống rỗng phì phèo điếu thuốc trong bóng tối siêu nhiên đang trôi chảy như dòng nước mát lạnh trên nóc thành phố theo điệu jazz

những người mở rộng trí não tới Thiên đường dưới sự che chở của Đấng Duy Nhất và thấy các thiên thần của Mohammed chấp chới thắp sáng trên những mái nhà

những người dạo chơi giữa vũ trụ với đôi mắt rạng rỡ với ảo tưởng bi kịch Arkansas và ánh sáng của Blake giữa các học giả thời chiến

những kẻ bị trục xuất khỏi viện hàn lâm vì sự điên rồ và rêu rao khúc du ca khiêu gợi xuyên thấu qua cửa sổ trí não,

những kẻ khỏa thân tự thu mình trong phòng trống, đốt tiền trong thùng rác và lắng nghe nỗi khủng khiếp trên tường,”

(Hà Thủy Nguyên dịch)

Sự yêu thích của Hà Thủy Nguyên dành cho T.S Eliot và Allen Ginsberg có lẽ là do sự tương đồng nhãn quan về thế giới. Có thể nhiều độc giả sẽ đánh giá đó là sự bi quan, nhưng đó là sự thực, bởi không ai có thể phủ nhận hiện trạng suy thoái tinh thần, suy thoái đạo đức, suy thoái mỹ cảm đang ngự trị trên thế giới hiện nay. Nhưng khác với T.S Eliot và Allen Ginsberg, Hà Thủy Nguyên không vẽ vời ra các viễn cảnh tương lai hay tạo ra hình mẫu con người cho thời đại mới. Hà Thủy Nguyên lộn ngược về các nguyên mẫu cổ, với “vầng trăng xưa” để say đắm với những thang bậc cảm xúc đẹp đẽ: vui cũng đẹp, buồn cũng đẹp mà hận cũng đẹp.

“Ai có về nhặt hoàng hoa năm cũ

Khoác trên mình manh áo đẫm phong sương

Bóng trăng lợt buông rèm không muốn khóc

Ném hư vô lọt dưới đáy câu thơ

Có một kẻ đem thơ chôn xuống đất

Ủ men hoa cất chung rượu biệt thu

Hương thu say, cô nhạn nào sã cánh

Về đay chung tòa cổ mộ hoang vu

Và cùng mê hát một khúc phù du…”

(“Tiễn thu”)

Đó là buồn đẹp. Còn đây là vui đẹp:

“Thuyền âm nhạc lững lờ – hững hờ

Mùa dã cổ lên men – lửa nhen

Ôi đàn ca vũ muôn năm cũ

Gẩy đàn mưa

Nhịp nhịp gió

Cung linh đưa đẩy gót sen vàng…”

(“Mưa mùa dã cổ”)

Và hận đẹp:

“Đâu nào loài người

Cưỡi cuồng vân – ngất ngây men dã cổ

Hủy luân thường – lãng đãng thú hoan ca

Điệu cười man man mùa mạt thế

Này ta xé lụa dưới mưa

Cười nghiêng trái đất ngàn xưa

Hồn hỡi hồn mơ

Nhuốm màu cổ nguyệt”

(“Tự khúc hồ ly”)

“Cổ nguyệt” còn là một phép chơi chữ. Trong tiếng Hán, chữ “Cổ” ghép với chữ “Nguyệt” thành chữ “Hồ”, nghĩa là con cáo. Ở đây, chân ngã lại mang một nguyên mẫu cổ nữa, đó là hồ ly tinh. Trong văn hóa dân gian Á Đông, hồ ly tinh hay còn gọi là cửu vĩ hồ thường đại diện cho người đàn bà đẹp, trí tuệ, sống bên ngoài các ràng buộc định chế xã hội, thường bị coi là kẻ ác. Trong “Liêu trai chí dị”, hồ ly tinh được mô tả là những mỹ nhân quyến rũ, chí tình chí nghĩa. Để chân ngã mang hình hài hồ ly tinh, Hà Thủy Nguyên biểu hiện một thứ tính nữ tự do, phiêu lãng, vừa đắm đuối với cuộc đời, lại vừa u uẩn buồn, vừa trí tuệ lại vừa trùng trùng tâm sự. Tính nữ này khác biệt rất nhiều so với các nhà thơ nữ khác của Việt Nam hoặc là giới hạn trong tình yêu, tình mẹ con, hoặc là sa đà vào dục tính. Bởi vậy, thơ Hà Thủy Nguyên xa lạ với đa số người, giống như hồ ly tinh vẫn là loài yêu quái mà con người vừa thích thú vừa e sợ vậy.

Sau tất cả là một sự quay lưng, đến trăng – mưa – hồ ly cũng nhạt dần. Sự quay lưng có màu sắc Đạo gia, như thể các bậc chân nhân, nhưng không phải. Sự quay lưng này lại là một lần tách biệt, nhưng phải phải cái tách biệt trốn tránh ở phần “Phiêu”, mà là sự tách biệt chân ngã khỏi con người thế sự, trong đó chân ngã hưởng thụ mọi thang bậc cảm xúc mà con người thế sự trải qua:

“Ta gối đầu cõi vô

Ngóng bụi tràn lả tả

Hít men thơ vào độ

Mơ tiếp mộng ba sinh…”

(“Mộng ba sinh”)

“Cầm Thư quán” và những cuộc truy cầu bất tận

“Ở biển Bắc có con cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Cá côn biến thành chimbằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì chim bằngrời về biển Nam, biển Nam là Ao trời. ... Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: ‘Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay

Cầm Thư quán – Thế nào là đạo? Thế nào là đời…?

Những ngày trời lạnh lạnh này, thích nhất là được thảnh thơi nằm trong phòng, ung dung đọc sách. Mà sung sướng hơn nữa, thì chính là đọc được một cuốn sách khiến mình tâm đắc mãi không thôi. Với tôi, cuốn sách ấy chính là “Cầm Thư quán”. “Cầm Thư quán” từng được Bách Việt xuất bản lần đầu vào năm 2008, nhưng sau đó bị thu hồi ngay mà chẳng thấy có một lý do rõ ràng nào cho vấn đề này. Đến

THIÊN ĐỊA PHONG TRẦN – MỘT “KHÚC CUNG OÁN” GIỮA THỜI LOẠN LẠC

Hồi còn đi học, tôi thường đọc đi đọc lại "Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn. Những câu ngâm: “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân/...” đã theo tôi suốt một thời cắp sách đến trường. Hồi đó, tôi chỉ lờ mờ biết được “thuở trời đất nổi cơn gió bụi” là một thời loạn lạc, phân tranh. Lớn hơn một chút, tôi đọc thêm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều. Tôi của lúc đó cũng đặt câu hỏi, tại

“Cầm Thư quán”; tiểu thuyết dã sử bối cảnh thời Lê Thánh Tông “tái xuất” sau 10 năm gian nan

Tiểu thuyết "Cầm thư quán" của nhà văn Hà Thủy Nguyên là một cuốn sách hiếm hoi trên thị trường sách Việt Nam hiện nay được viết với phong cách cổ điển, duy mỹ và giàu tính triết học Á Đông. Năm 2008, lần đầu cuốn sách được xuất bản bởi NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức, tiểu thuyết "Cầm thư quán" đã bị thu hồi ngay trong tháng đầu phát hành với lý do không rõ ràng. Tháng 9 năm 2018, sau

Book Hunter

22/10/2018