Home Đọc MỘT CHÍN TÁM TƯ – KIỆT TÁC ĐÃ GIẾT CHẾT GEORGE ORWELL (PHẦN 3)

MỘT CHÍN TÁM TƯ – KIỆT TÁC ĐÃ GIẾT CHẾT GEORGE ORWELL (PHẦN 3)

Minh Hùng

11/11/2019

Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell

Robert McCrum

Mời bạn tìm đọc phần 1phần 2.

Đây là một cuộc chạy đua tuyệt vọng với thời gian. Sức khỏe Orwell ngày một giảm sút, bản thảo “tệ đến không thể tin nổi” cần được đánh máy lại, còn hạn cuối vào tháng Mười hai thì lừng lững tiến đến gần. Warburg hứa hẹn sẽ giúp đỡ, và người đại diện của Orwell cũng vậy. Hiểu lầm đã xảy ra giữa những người đánh máy, nên bằng cách nào đó, họ đã làm cho tình thế tồi tệ càng trầm trọng hơn. Orwell cảm thấy mình không nhận được sự giúp đỡ cần thiết, nên đã làm theo bản năng của một cựu học sinh trường công: ông sẽ tự mình làm.

Giữa tháng Mười một, quá yếu đến mức không thể đi lại, ông nằm tại giường để giải quyết cái “công việc ghê gớm” là tự đánh máy lại quyển sách bằng chiếc “máy đánh chữ tồi tàn” của mình. Được tiếp sức liên tục bằng những điếu thuốc lá cuộn, những tách trà, cà phê loại mạnh và hơi ấm từ cái lò sưởi paraffin nơi Barnhill ào ạt gió, từ đêm qua ngày, ông vật lộn với công việc. Ngày 30 tháng Mười một năm 1948, công việc ấy gần như đã được hoàn thành.

Giờ đây Orwell, con người lão luyện, phản ứng với người đại diện của mình rằng “thực sự chẳng đáng để làm rộn lên như thế. Chỉ là, bởi mệt mỏi khi phải giữ người thẳng bất cứ lúc nào, nên tôi không thể gõ chữ một cách khéo léo, và không thể làm nhiều trang một ngày được.” Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng, những sai lỗi mà một người đánh máy chuyên nghiệp có thể mắc phải thật “đáng ngạc nhiên”, và “khó khăn trong cuốn sách này là nó chứa đựng rất nhiều từ mới.”

Bản thảo cuốn tiểu thuyết mới nhất của George Orwell đã tới London vào giữa tháng Mười hai, như đã hứa. Warburg ngay lập tức nhận thức được giá trị của nó (“nằm trong số những cuốn sách đáng sợ nhất tôi từng đọc”) và đồng nghiệp của ông cũng thừa nhận như vậy. Một ghi chú nội bộ đã viết rằng “nếu không bán được 15 đến 20 nghìn bản thì chúng ta tốt nhất là nên bị bắn hết đi.”

Đến lúc này, Orwell đã rời Jura và đến kiểm tra ở phòng điều trị bệnh lao trên Cotswold. “Nhẽ ra tôi nên đến đây từ hai tháng trước,” ông nói với Astor, “nhưng tôi muốn cuốn sách chết tiệt ấy được hoàn thành đã.” Thêm một lần nữa Astor can thiệp để giám sát quá trình điều trị của bạn mình, nhưng bác sĩ của Orwell tỏ vẻ bi quan một cách kín đáo.

Ngay khi bản thảo Một Chín Tám Tư bắt đầu được chia sẻ, bản năng báo chí của Astor được kích thích và ông đã lên kế hoạch viết một bài Hồ sơ cho tờ Observer, đó như là một cuộc phong tước đáng chú ý cho Orwell, nhưng Orwell nhìn nhận nó “bằng một sự cảnh giác nhất định.” Khi mùa xuân sang, ông bị ho ra máu và “hầu như lúc nào cũng cảm thấy kiệt quệ khủng khiếp”, nhưng ông vẫn có thể tham gia vào các nghi thức trước xuất bản cho cuốn tiểu thuyết, ghi nhận những “bài điểm sách khá tốt” với vẻ mãn nguyện. Ông còn đùa với Astor rằng sẽ chẳng đáng ngạc nhiên nếu ông “phải đổi bài hồ sơ ấy thành một bài cáo phó.”

Một Chín Tám Tư được xuất bản vào ngày 8 tháng Sáu năm 1949 (năm ngày sau, sách được xuất bản tại Mỹ) và gần như đã được công nhận một cách rộng rãi là một kiệt tác, thậm chí Winston Churchill cũng nói với bác sĩ của mình rằng ông đã đọc cuốn sách này hai lần. Nhưng sức khỏe của Orwell thì tiếp tục tụt dốc. Vào tháng Mười năm 1949, tại phòng mình trong bệnh viên University College, ông đã cưới Sonia Brownell, và David Astor đã làm phù rể. Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc thoáng qua; ông chỉ nán lại cuộc đời này đến đầu năm 1950. Nửa đêm về sáng ngày 21 tháng Giêng, ông bị xuất huyết nặng trong bệnh viện, và chết trong cô độc.

Tin tức về sự ra đi của ông được phát trên BBC vào sáng hôm sau. Avril Blair và cháu trai, khi đó vẫn còn ở Jura, đã nghe tin qua một chiếc radio nhỏ chạy pin ở Barnhill. Richard Blair không thể nhớ nổi đó là một ngày sáng sủa hay lạnh lẽo, ông chỉ nhớ được nỗi sững sờ khi nghe tin: cha mình đã chết ở tuổi 46.

David Astor sắp xếp tang lễ của Orwell diễn ra nơi sân nhà thờ ở Sutton Courtenay, Oxfordshire. Giờ đây Orwell nằm đó, tấm bia mộ khắc tên Eric Blair, giữa HH Asquith và gia đình người Digan địa phương.

Tại sao lại là “Một chín tám tư”?

Tiêu đề cuốn sách của Orwell vẫn là một điều bí ẩn. Một số người cho rằng ông ám chỉ tới kỷ niệm trăm năm của Hội Fabian, vốn thành lập năm 1884. Những người khác thì cho rằng ông đã thuận theo quyển tiểu thuyết The Iron Heel của Jack London (trong đó một phong trào chính trị đã giành được quyền lực vào năm 1984), hoặc có liên hệ tới một câu chuyện viết bởi nhà văn ưa thích của ông là GK Chesterton, câu chuyện đó mang tên “The Napoleon of Notting Hill” và có bối cảnh là năm 1984.

Trong bản Toàn tập (20 quyển), Peter Davison lưu ý rằng nhà xuất bản làm sách Orwell tại Mỹ đã khẳng định tiêu đề này phát sinh từ việc đảo ngược năm sáng tác 1948, nhưng không hề có bằng chứng bằng văn bản nào chứng minh điều đó cả. Davison cũng cho rằng năm 1984 có liên hệ tới năm sinh của Richard Blair, 1944, và ông lưu ý rằng trong bản thảo tiểu thuyết, câu chuyện diễn ra lần lượt vào năm 1980, 1982 rồi cuối cùng, 1984. Không có bí ẩn gì trong quyết định không dùng tên “Người cuối cùng ở châu Âu”. Bản thân Orwell luôn phân vân về phương án này. Chính người xuất bản cho ông, Fred Warburg đã đề xuất rằng Một Chín Tám Tư là cái tên mang tính thương mại hơn.

 

Tự do ngôn luận: “Một Chín Tám Tư” đã ảnh hưởng đến văn hóa chúng ta như thế nào?

 Tác động của quyển Một Chín Tám Tư tới bối cảnh ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta không chỉ gói gọn trong bộ phim chuyển thể có sự tham gia của John Hurt và Richard Burton, với các cuộc mít tinh quốc xã, nhạc phim rợn người, hay ở bản trước đó với Michael Redgrave và Edmond O’Brien.

Tuy vậy, có khả năng rằng nhiều người xem series Big Brother trên truyền hình (ngay tại Anh, chứ đừng nói đến Angola, Oman, Thụy Điển, hay bất kỳ đất nước nào khác có các chương trình truyền hình cùng dạng) không hề biết tiêu đề ấy xuất phát từ đâu, hoặc chính Big Brother, người đóng vai trò giữ bình ổn giữa cuộc cãi vã, thề thốt với các đấu thủ như một người bác thông thái, cũng không hiền lành tốt bụng đến vậy trong phiên bản ban đầu.

Ngoài việc chuyển thể qua văn hóa đại chúng vài chủ đề của tiểu thuyết, các khía cạnh về ngôn ngữ của Một Chín Tám Tư cũng được những người theo chủ nghĩa tự do đưa ra để mô tả sự tước đoạt quyền tự do trong thế giới thực, được thực hiện bởi các chính trị gia và các quan chức – đáng báo động thay, không nơi nào chuyện này xảy ra ở mức độ dày đặc hơn so với nước Anh đương đại.

Orwellian

George tự có được một tính từ của riêng tên mình từ cuốn sách này, và ý tưởng của ông là phúc lợi đã bị bóp nát bởi chính quyền kiểm soát, độc đoán và thiếu trung thực.

Big Brother (đang dõi theo bạn)

Từ lâu trước khi chương trình truyền hình thực tế ăn khách nổi tiếng toàn thế giới mới chỉ là một ý tưởng thoáng qua trong mắt các nhà sản xuất, thuật ngữ Big Brother đã được dùng phổ biến để chỉ một nhà cầm quyền toàn trị. Sự châm biếm về cuộc săn tìm các ứng viên Big Brother của xã hội sẽ không hề mất đi nơi George Orwell.

Room 101

Một số khách sạn từ chối đặt phòng ngủ số 101 cho khách – cũng giống như nhiều tòa nhà không có tầng thứ 13 – đó là nhờ vào một khái niệm rất đỗi Orwellian rằng căn phòng đó chứa những thứ làm khách thuê không thể chịu nổi. Cũng như Big Brother, từ này cũng sinh ra một chương trình truyền hình hiện đại: trong chương trình, những người nổi tiếng được mời đến để kể ra những người hoặc những vật mà họ ghét nhất trên đời.

Thought Police

Trên chính trường đương đại, một lời cáo buộc thường được đưa ra bởi những người không phục chính quyền là họ đang cố truyền đến tai ta những điều ta không thể phân định được là sai hay đúng. Những người tin rằng có những cách thức đúng đắn để suy nghĩ thì thường được gắn cho cái tên Thought Police – lữ đoàn cưỡng chế của Orwell.

Thoughtcrime

Đọc phần Thought Police ở trên. Hành động vi phạm giới hạn tư tưởng bắt buộc.

Newspeak

Với Orwell, tự do biểu hiện không chỉ là tự do tư tưởng, mà còn là tự do ngôn luận. Kể từ đó thuật ngữ này, biểu thị nguồn từ vựng chính thức vốn nông cạn và hạn chế, đã được sử dụng để biểu thị những biệt ngữ khó hiểu nhưng thịnh hành ngày nay, được dùng bởi các nhà cầm quyền.

Doublethink

Đạo đức giả, với một sự bóp méo. Thay vì bỏ qua một mâu thuẫn trong quan điểm của bạn, nếu bạn nghĩ nước đôi (double think), bạn cố tình quên đi mâu thuẫn có đó. Sự xảo trá này thường bị để ý bởi những người dùng cáo buộc “nghĩ nước đôi” để kết luận rằng địch thủ của mình là một kẻ đạo đức giả – nhưng đó là một từ rất thông dụng với những người giỏi tranh luận trong quán rượu.

Minh Hùng dịch

TẠI SAO TÔI VIẾT – GEORGE ORWELL (2): VĂN CHƯƠNG VÀ CHÍNH TRỊ

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách

MỘT CHÍN TÁM TƯ – KIỆT TÁC ĐÃ GIẾT CHẾT GEORGE ORWELL (PHẦN 2)

Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell Robert McCrum Tìm đọc phần 1 tại đây. Căn nhà Barnhill, nhìn ra phía biển từ đầu của một lối đi đầy những ổ gà, vốn không lớn, với bốn phòng ngủ nhỏ nằm trên một nhà bếp rộng rãi. Cuộc sống đơn giản, thậm chí có phần nguyên sơ. Không có điện. Orwell dùng khí Calor để nấu nướng và đun nước. Đèn bão đốt paraffin. Buổi tối, ông đốt than bùn. Ông vẫn liên tục hút thứ thuốc lá sợi to

Minh Hùng

28/10/2019

Một Chín Tám Tư – Kiệt tác đã giết chết George Orwell (phần 1)

Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell Robert McCrum Năm 1946, Biên tập viên tờ Observer David Astor đã cho George Orwell mượn một trang trại xa xôi vùng Scotland để ông viết cuốn sách mới của mình, Một Chín Tám Tư. Cuốn sách đã trở thành một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20. Trong bài viết này, Robert McCrum kể lại câu chuyện hấp dẫn về cuộc sống đầy đau khổ của Orwell khi ở lại trên đảo, phải cận kề cái chết

Minh Hùng

07/10/2019

TẠI SAO TÔI VIẾT? – GEORGE ORWELL (1): ĐỘNG LỰC CỦA NHÀ VĂN

Từ khi ít tuổi, có lẽ là năm hay sáu gì đó, tôi đã biết rằng khi tôi lớn lên tôi sẽ trở thành một nhà văn. Trong quãng từ mười bảy đến hăm tư tuổi tôi đã cố từ bỏ ý định này, nhưng tôi thực hiện điều đó với ý thức rằng tôi đang lăng mạ bản chất đích thực của mình và dù sớm hay muộn tôi sẽ ngồi xuống và sáng tác. Tôi là đứa thứ hai trong số ba anh