Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell
Robert McCrum
Tìm đọc phần 1 tại đây.
Căn nhà Barnhill, nhìn ra phía biển từ đầu của một lối đi đầy những ổ gà, vốn không lớn, với bốn phòng ngủ nhỏ nằm trên một nhà bếp rộng rãi. Cuộc sống đơn giản, thậm chí có phần nguyên sơ. Không có điện. Orwell dùng khí Calor để nấu nướng và đun nước. Đèn bão đốt paraffin. Buổi tối, ông đốt than bùn. Ông vẫn liên tục hút thứ thuốc lá sợi to đen trong những điếu cuộn: hơi mốc trong nhà có vẻ thoải mái nhưng không tốt cho sức khỏe. Chiếc đài phát thanh chạy pin là kết nối duy nhất tới thế giới bên ngoài.
Orwell, người đàn ông lịch thiệp, dịu dàng, đến đây với chỉ một chiếc giường gấp, một cái bàn, đôi cái ghế, vài cái nồi và chảo. Đó là sự tồn tại kiểu Sparta, nhưng nó mang lại những điều kiện thích hợp cho ông làm việc. Ở đây ông được nhớ đến như một bóng ma trong màn sương mù, một dáng hình gầy gò trong lớp quần áo vải dầu.
Người dân địa phương biết đến ông qua tên thật, Eric Blair, một người đàn ông cao lớn, xanh tái và buồn bã lo lắng khi phải tự đương đầu với chính mình. Khi bé Richard và cô bảo mẫu đến cùng, giải pháp đưa ra là tuyển thêm người chị đảm đang, Avril. Richard Blair nhớ rằng cha mình “sẽ chẳng thế hoàn thành nếu không có Avril. Cô là một đầu bếp xuất sắc, và rất tháo vát. Không có tư liệu ghi chép nào về quãng thời gian cha tôi ở Jura thể hiện được tầm quan trọng của cô.”
Khi nếp sống được xếp đặt xong, Orwell cuối cùng cũng có thể bắt đầu quyển sách. Vào cuối tháng Năm năm 1947, ông nói với người phụ trách xuất bản cho mình, Fred Warburg: “Tôi nghĩ rằng tôi chắc đã phải viết được đến gần một phần ba bản thảo nháp rồi. Lúc này tôi không đi được xa như đã kỳ vọng bởi sức khỏe tôi năm nay thực sự tồi tệ, bắt đầu từ tháng một (vẫn là ngực, như thường lệ) và không thoát khỏi chúng được.”
Biết được người đại diện xuất bản đang rất sốt ruột chờ cuốn tiểu thuyết mới, Orwell nói thêm: “Dĩ nhiên bản thảo đầu tiên luôn là một mớ hỗn độn khủng khiếp, chẳng giống mấy tác phẩm hoàn chỉnh sau này, nhưng sao cũng vậy, đó là phần chính của công việc.” Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục, và vào cuối tháng Bảy, ông dự kiến rằng bản thảo nháp đầu tiên sẽ hoàn thành vào tháng Mười. Ông nói, sau đó mình cần thêm sáu tháng nữa để hoàn thiện bản thảo, rồi xuất bản. Nhưng khi đó, thảm họa đã xảy ra.
Một phần niềm vui có được từ cuộc sống ở Jura là ông có thể cùng con trai mình tận hưởng cuộc sống ngoài trời, đi câu cá, khám phá hòn đảo và lang thang trên những con thuyền. Vào tháng Tám, trong những ngày thời tiết mùa hè trở nên đáng yêu, Orwell, Avril, Richard và vài người bạn, trên đường trở về từ một chuyến du ngoạn ven bờ biển trên một chiếc thuyền máy nhỏ, đã suýt mất mạng trong vòng xoaý Corryvreckan khét tiếng.
Richard Blair nhớ rằng mình đã “lạnh cứng người” trong nước đóng băng, còn Orwell ho không dứt và làm bạn bè lo lắng, phổi của ông thật tệ. Ông ốm nặng trong hai tháng. Thường thường, từ chốn ẩn náu chật hẹp này, ông gửi về cho David Astor tin tức báo cáo khá vắn tắt và thậm chí lãnh đạm.
Cuộc vật lộn trường kỳ với cuốn “Người cuối cùng ở châu Âu” lại tiếp tục. Vào cuối tháng Mười năm 1947, bị hành hạ bởi tình trạng sức khỏe “tệ hại cùng cực”, Orwell nhận ra rằng cuốn tiểu thuyết của mình vẫn còn là “một đống hổ lốn kinh khủng, và hai phần ba trong số đó cần được đánh máy lại hoàn toàn.”
Ông làm việc với một tốc độ chóng mặt. Người đến Barnhill thăm ông đã nhớ về âm thanh từ chiếc máy đánh chữ vang ra từ phía trên lầu, nơi phòng ngủ của ông. Sau đó, vào tháng Mười một, dưới bàn tay chăm sóc của Avril trung thành, ông quỵ bởi “bệnh viêm phổi”, và nói với Koestler rằng mình “ốm liệt giường.” Ngay trước Giáng sinh, trong một lá thư gửi cho đồng nghiệp ở tờ Observer, ông lần đầu tiết lộ việc khiến mình vẫn luôn sợ hãi. Sau cùng, ông được chuẩn đoán đã mắc bệnh lao.
Vài ngày sau, trong bức thư gửi cho Astor từ bệnh viện Hairmyres, East Kilbride, Lanarkshire, ông thừa nhận: “Tôi vẫn cảm thấy ốm yếu chết được,” và thừa nhận rằng, khi bệnh tật ập đến sau sự cố ở xoáy nước Corryvreckan, “tôi như một thằng ngốc khi không đến khám bác sĩ – tôi chỉ muốn tiếp tục lao vào quyển sách đang viết dở.” Năm 1947, chưa có thuốc chữa được bệnh lao – các bác sĩ kê đơn là cần không khí trong lành và khẩu phần ăn bình thường – nhưng có một loại thuốc mới đang thử nghiệm trên thị trường là streptomycin. Astor sắp xếp để gửi hàng từ Mỹ về Hairmyres.
Richard Blair tin rằng cha mình đã dùng quá liều loại thần dược mới ấy. Tác dụng phụ thật khủng khiếp (loét họng, mụn nước ở miệng, rụng tóc, bong tróc da và ngón chân, móng tay bị phân hủy) nhưng vào tháng Ba năm 1948, sau ba tháng điều trị, chứng bệnh lao đã biến mất. “Tất cả đã qua đi, rõ ràng thuốc đã có công hiệu,” Orwell nói với người đại diện xuất bản. “Giống như thể đánh chìm con tàu để thoát khỏi bầy chuột vậy, nhưng nếu việc đó hiệu quả thì cũng xứng đáng thôi.”
Khi chuẩn bị rời khỏi bệnh viện, Orwell nhận được bức thư từ nhà xuất bản, mà giờ nhìn lại, nó chẳng khác nào một chiếc đinh đóng vào nắp quan tài của ông. Warburg đã viết cho tác giả ngôi sao của mình như sau: “Nhìn từ góc độ sự nghiệp văn chương của ông, điều thực sự quan trọng hơn hết là cho ra (cuốn tiểu thuyết mới) vào cuối năm nay, mà thực ra nếu sớm hơn được thì càng tốt.”
Vào lúc lẽ ra phải dưỡng sức hồi phục, Orwell đã quay trở lại Barnhull, dồn tâm sức sửa lại bản thảo, hứa hẹn với Warburg rằng sẽ giao lại vào “đầu tháng Mười hai”, và đối phó với thứ “thời tiết bẩn thỉu” của mùa thu ở Jura. Đầu tháng Mười, ông tâm sự với Astor: “Tôi đã quá quen với việc viết lách trên giường, đến nỗi tôi cho rằng tôi thích làm thế, dù rằng dĩ nhiên rất khó gõ phím ở đó. Tôi vật lộn với những cảnh cuối cùng của cuốn sách chết tiệt này, (nó viết) về một viễn cảnh có thể xảy ra nếu chiến tranh nguyên tử không đi tới hồi kết.”
Đâu là một tài liệu tham khảo cực kỳ hiếm từ Orwell về chủ đề cuốn sách của ông. Ông, cũng như nhiều nhà văn khác, tin rằng việc thảo luận về những công việc đang làm sẽ mang đến điềm xui. Sau đó, ông mô tả cuốn sách với Anthony Powell rằng nó là một “Utopia được viết dưới dạng tiểu thuyết.” Việc đánh máy bản sao hoàn thiện của quyển “Người cuối cùng ở châu Âu” trở thành một khía cạnh khác trong cuộc vật lộn chiến đấu của Orwell với cuốn sách của mình. Càng sửa đổi cái bản thảo “tệ hại không thể tin được” ban đầu, ông càng nhận ra rằng tác phẩm trở thành một văn bản mà chỉ mình ông mới có thể đọc và giải thích được. Như ông nói với người đại diện của mình, cuốn sách “dài cực kỳ, lên tới 125 000 từ.” Với tính thành thực đặc trưng, ông lưu ý thêm: “Tôi không hài lòng với cuốn sách, nhưng cũng không hoàn toàn thất vọng… Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay, nhưng việc thực hiện sẽ tốt hơn nếu tôi không phải vừa viết vừa chống chọi bệnh lao.”
Và ông vẫn chưa quyết định tiêu đề: “Tôi thiên về phương án gọi nó là MỘT CHÍN TÁM TƯ hoặc NGƯỜI CUỐI CÙNG Ở CHÂU ÂU,” ông viết, “nhưng tôi có thể nghĩ một cái tên khác trong một tới hai tuần tới.” Vào cuối tháng Mười, Orwell tin rằng mình đã xong việc. Giờ đây ông chỉ cần một người viết tốc ký nữa là mọi thứ xong xuôi.
(đọc tiếp Phần 3 tại đây)
Minh Hùng dịch