Home Ngẫm Nghệ thuật yêu (Erich Fromm) – Chương 1: Tình yêu có phải là một môn nghệ thuật không?

Nghệ thuật yêu (Erich Fromm) – Chương 1: Tình yêu có phải là một môn nghệ thuật không?

Vũ Văn Duy

06/06/2018

TÌNH YÊU có phải là một môn nghệ thuật không? Nếu phải, cần nắm bắt được kiến thức về nó và nỗ lực. Hoặc, tình yêu chỉ là một cảm xúc ngẫu nhiên sinh ra làm xao động lòng người, và phải chăng “tiếng sét ái tình” là diễm phúc của kẻ may mắn? Cuốn sách nhỏ này lấy giả thuyết thứ nhất làm cơ sở, trong khi ngày nay, số đông tin vào giả thuyết thứ hai không chút do dự.
Phần lớn mọi người đều không cho rằng tình yêu chẳng quan trọng, ngược lại bọn họ theo đuổi ái tình. Những bộ phim tình cảm sướt mướt xem mãi không chán, những bài hát về chủ đề tình yêu nghe mãi không chán. Nhưng trong số bọn họ, không ai nghĩ rằng, hóa ra con người ta có thể học được yêu.
Có nhiều lý do để bọn họ giữ thái độ này, ngược lại, chính những lý do này lại củng cố thêm thái độ ấy một cách đơn lẻ hoặc đồng thời. Phần đông mọi người đều cho rằng với tình yêu, trước tiên là mình có được yêu hay không, chứ không phải vấn đề mình có hay không khả năng yêu. Vì vậy, đối với họ, mấu chốt vấn đề là: Tôi có được yêu không? Làm thế nào để tôi có thể được yêu? Để đạt được mục đích này, bọn họ tìm kiếm những con đường tắt khác nhau. Với nam giới, họ tận tâm tận lực để đạt được danh lợi và quyền lực trong phạm vi mà địa vị xã hội của anh ta cho phép; về phía nữ giới, họ thông qua việc giữ gìn vóc dáng và làm đẹp, làm cho mình trở nên cuốn hút. Phương thức mà cả hai đều thích sử dụng, đó là làm cho mình có những cử chỉ nhã nhặn, chuyện trò có duyên, vui lòng giúp đỡ người khác, khiêm tốn và cẩn trọng. Nhiều phương pháp mà bọn họ sử dụng để cho mình xứng đáng được yêu không khác gì những phương pháp mà họ sử dụng để đạt được thành công trong xã hội, đó đều là “chiếm được sự ảnh hưởng đối với bạn bè và những người khác”. Trên thực tế, số đông trong xã hội chúng ta lý giải về sự “xứng đáng được yêu”, không ngoài sự hỗn hợp hai khuynh hướng là chiếm được cảm tình và có sức hấp dẫn với người khác giới.
Nguyên nhân thứ hai làm phát sinh cái nhìn về việc không có gì để học yêu đó là, mọi người cho rằng vấn đề của tình yêu là vấn đề ở đối tượng yêu, chứ không phải vấn đề khả năng. Bọn họ cho rằng, bản thân tình yêu thì rất đỗi đơn giản, khó khăn nằm ở việc tìm được đối tượng yêu hoặc đối tượng được yêu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái nhìn như vậy, gốc rễ vấn đề nằm ở sự phát triển của xã hội hiện đại. Một trong số nguyên nhân là sự thay đổi rất lớn trong việc lựa chọn “đối tượng yêu” ở thế kỷ 20. Thế kỷ 19 (thời đại Victoria), cũng giống như bao văn hóa truyền thống khác, tình yêu luôn luôn không phải tự phát, để cuối cùng dẫn đến trải nghiệm cá nhân trong hôn nhân. Hôn nhân phần lớn thông qua gia đình đôi bên, người mai mối, hoặc trong trường hợp không tìm được người phù hợp, sẽ xác định trên phương thức giao ước sau đó tiến hành hôn nhân. Đôi bên phải môn đăng hộ đối. Còn tình yêu, mọi người cho rằng nó sẽ tự nhiên nảy sinh sau hôn nhân. Nhưng mấy thế hệ trở lại đây, khái niệm tình yêu lãng mạn (romantic love) trong thế giới phương Tây đã được thừa nhận phổ biến. Mặc dù hình thức truyền thống vẫn tồn tại ở Mỹ, nhưng đã có nhiều người tìm kiếm “tình yêu lãng mạn” hơn, tìm kiếm trải nghiệm tình yêu dẫn đến hôn nhân của cá nhân. Phương thức tự do luyến ái này chắc chắn sẽ nâng tầm quan trọng của đối tượng yêu, chứ không phải ý nghĩa tác dụng của bản thân tình yêu.
Liên quan mật thiết với yếu tố này, đó là đặc điểm của văn hóa đương đại. Toàn bộ văn hóa của chúng ta dựa trên cơ sở việc tiêu dùng và trao đổi lợi ích. Hạnh phúc của con người hiện đại chính là việc chiêm ngưỡng cái cửa bếp, dùng tiền mặt hoặc chi tiêu bằng phương thức trả góp trong khả năng của anh/cô ta. Ngược lại cũng vậy. “Có sức hấp dẫn” thông thường để chỉ một người được nhiều người chú ý, trước mắt lại là đặc điểm được nhiều người nói đến trên thị trường. Cái gì làm một người trở nên hấp dẫn phụ thuộc vào thị hiếu nhất thời, nó không chỉ là yếu tố ngoại hình của một người, mà bao gồm cả khí chất của anh/cô ta. Thập niên hai mươi thế kỷ 20, một cô gái biết hút thuốc, uống rượu, khó nắm bắt và gợi cảm được coi là cuốn hút, ngày nay là cô gái biết làm việc nhà và cẩn thận. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một chàng trai đầy nam tính và thách thức được coi là cuốn hút, ngày nay một chàng trai biết quan tâm tới vấn đề xã hội, có lòng khoan dung được chào đón hơn. Xét cho cùng, tình yêu nảy sinh luôn luôn dựa trên tiền đề cân nhắc giá trị trao đổi giữa bản thân và đối tượng kia. Tôi muốn làm một cuộc mua bán, đó là tôi vừa muốn suy xét từ góc độ giá trị xã hội, đối phương đáng để tôi theo đuổi hay không, vừa muốn dựa trên thực lực trông thấy được và tiềm năng của tôi, đối phương có để ý tôi hay không. Như vậy, khi hai bên cảm thấy việc suy xét giá trị trao đổi giữa họ, tìm thấy đối tượng phù hợp nhất mà thị trường cung ứng, bọn họ bắt đầu cuộc yêu đương. Trong vụ mua bán này, cũng giống như việc mua một mảnh đất, tiềm năng phát triển của đối tượng trong tương lai cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc mua bán. Trong văn hóa mà địa vị thống trị của thương mại và coi sự sở hữu vật chất cao hơn mọi thứ, trên thực tế, không có lý do gì để cảm thấy kinh ngạc trước thái độ: Mối quan hệ tình yêu giữa người với người cũng tuân theo nguyên tắc cơ bản như việc khống chế sản phẩm thương mại và thị trường lao động.
Sai lầm thứ ba trong việc coi tình yêu không có gì phải học, đó là mọi người không hiểu sự khác biệt ở việc “tiếng sét ái tình” với “tình yêu lâu bền”. Nếu như chúng ta dùng hai từ tiếng Anh falling in love being in love để hiểu, có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này hơn. Trước đây là hai người hoàn toàn không quen biết, khi bức tường ngăn cách họ được dỡ ra để hòa làm một, một thoáng khi cả hai hợp lại với nhau ấy trở thành trải nghiệm hạnh phúc nhất, rung động lòng người nhất. Đối với những kẻ cô đơn, tới nay chưa một lần được tận hưởng vị ngọt ái tình, trải nghiệm ấy lại càng đẹp đẽ và không thể lý giải. Lý do sự thân mật đến bất chợt, như một kỳ tích giữa đôi nam nữ dễ phát sinh, luôn có sự quan hệ mật thiết giữa sự hấp dẫn giới tính và tình dục, hoặc vừa khéo do nó mà ra. Nhưng tình yêu kiểu này về bản chất sẽ không thể kéo dài được. Tuy hai người này hiểu rõ nhau, nhưng sự tin tưởng giữa họ sẽ dần mất đi đặc điểm đã từng như là kỳ tích ấy, đến khi trở nên thù địch, thất vọng và nhạt nhẽo, nó xóa đi sự cuốn hút còn đọng lại ấy cho đến hết. Tất nhiên, khi bắt đầu cả hai đều sẽ không nghĩ tới điều này. Thực tế là: Mọi người luôn coi mối tình say đắm, cuồng điên ấy là biểu hiện của tình yêu mãnh liệt, nhưng trên thực tế nó chỉ chứng minh rằng trước đây bọn họ mới cô đơn làm sao.
Không có gì là đơn giản hơn ái tình nữa – mặc dù quan điểm này được thực tế chứng minh hết lần này đến lần khác là sai lầm, nhưng đến nay nó vẫn chiếm ưu thế. Không thể tìm ra một hành vi hay một hành động nào nữa mà bắt đầu với một hy vọng lớn lao, để rồi kết thúc bằng một tỷ lệ thất bại cao như ái tình nữa. Nếu như với việc khác, người ta sẽ nghĩ mọi cách để tìm ra nguyên nhân thất bại, học lấy bài học có lợi cho lần sau, hoặc rửa tay gác kiếm. Nhưng, bởi vì con người không thể nào từ bỏ tình yêu, do vậy xem ra chỉ có một con đường có thể đi, đó là khắc phục sai lầm của tình yêu, tìm ra nguyên nhân, và khám phá ý nghĩa tình yêu.
Về mặt này, bước đầu tiên cần làm là: Cần phải nhận thức ái tình là một môn nghệ thuật. Con người phải học yêu, cũng giống như việc học những môn nghệ thuật khác, như âm nhạc, hội họa, thợ mộc, hoặc nghệ thuật chữa bệnh hay kỹ thuật.
Các bước cần thiết để học được một môn nghệ thuật là gì?
Ta có thể chia nó làm hai phần đơn giản như sau, một là nắm vững lý luận, hai là thực hành. Người học y đầu tiên phải học về cấu tạo cơ thể người và các loại triệu chứng bệnh tật. Nhưng nếu chỉ có lý luận không vẫn chưa thể nào hành y. Chỉ có thông qua thực hành nhiều, cho đến khi lý luận và thực tiễn dung hòa biến thành trực giác nghề nghiệp – và chỉ có nắm được linh hồn của nghệ thuật, mới có thể trở thành một bậc thầy. Muốn trở thành một bậc thầy, ngoài việc học lý luận và thực hành, còn một nhân tố thứ ba không thể thiếu, đó là xem việc trở thành bậc thầy cao hơn tất cả, mục tiêu này nhất định phải chiếm trọn cả con người ấy. Ở điểm này, nó đúng cho cả âm nhạc, y học, điêu khắc, và đúng cho cả ái tình. Có lẽ điều này phần nào giải thích vì sao xã hội chúng ta có không thiếu kẻ mắc sai lầm trong tình yêu, nhưng lại rất ít người nỗ lực học môn nghệ thuật yêu này. Một mặt người ta khát vọng yêu, nhưng mặt khác lại xem trọng những thứ, như thành công, địa vị, danh lợi, quyền lực hơn là tình yêu. Dường như chúng ta đang dồn hết tâm lực cho những điều kể trên, mà ít bỏ công sức cho việc học môn nghệ thuật yêu này.
Lẽ nào chỉ có danh lợi mới đáng để con người trả giá? Còn “ái tình” chỉ có tác dụng với linh hồn, thứ ái tình không chút giá trị theo ý nghĩa hiện đại, lại chỉ là một thứ xa xỉ, một thứ tham vọng không đáng để trả giá hay sao? Tạm không quan tâm tới cái nhìn thế tục, trong thảo luận dưới đây, tôi sẽ chia ra làm hai phần để thảo luận nghệ thuật của tình yêu. Trước tiên tôi dùng một lượng lớn thời lượng để làm sáng tỏ lý luận của tình yêu, sau đó trình bày về vấn đề thực hành yêu giống như bất cứ vấn đề thực hành trong các lĩnh vực khác.
Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung
Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Enrich Fromm

NGHỆ THUẬT YÊU (ERICH FROMM) – CHƯƠNG 2: Tình yêu là câu trả lời cho vấn đề sinh tồn của loài người

   Mỗi lý luận về tình yêu đều phải dựa vào lý luận về con người, lấy sự tồn tại của con người làm tiền đề. Cái mà chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu của động vật, hay nói một cách chính xác là cái gì đó gần với tình yêu thể hiện ở loài động vật, chủ yếu là một trong những bản năng của chúng. Trên con người, chúng ta chỉ nhìn thấy chút tàn dư của loại bản năng này.

Vũ Văn Duy

08/06/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (8): Thực tiễn của tình yêu

   Ở trên, chúng ta đã phân tích vấn đề trên phương diện lý luận của nghệ thuật tình yêu, tiếp theo chúng ta đối mặt với vấn đề khó khăn hơn nữa, đó chính là vấn đề thực tiễn của nghệ thuật tình yêu. Ngoài tiến hành thực tiến ra, lẽ nào có thể tìm hiểu vấn đề liên quan thực tiễn của nghệ thuật tình yêu trên giấy hay sao?    Ngày nay, đại bộ phận con người – bao gồm nhiều độc

Vũ Văn Duy

25/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (5): YÊU BẢN THÂN

Mọi người coi khái niệm yêu người khác là việc hiển nhiên, cũng thừa nhận nó, nhưng lại thừa nhận phổ biến rằng yêu người khác là một đức hạnh, ngược lại yêu bản thân lại là xấu. Mọi người cho rằng, không thể yêu người khác giống như yêu bản thân mình, bởi vậy yêu bản thân chính là sự tự tư tự lợi. Trong tư tưởng phương Tây, quan điểm này đã tồn tại lâu đời. Calvin (John Calvin, tác giả của Nguyên

Vũ Văn Duy

07/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (4): ĐỐI TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Trước tiên, tình yêu không đơn thuần là mối quan hệ với một người nào đó, mà là một thái độ, một khuynh hướng trong tính cách. Thái độ này quyết định mối quan hệ của người đó với thế giới, chứ không chỉ “đối tượng” duy nhất của tình yêu. Nếu một người chỉ yêu đối tượng của anh ta, còn thờ ơ với người khác, tình yêu của anh ta không phải là tình yêu nữa, mà là một mối quan hệ thể

Vũ Văn Duy

25/06/2018

Nghệ thuật yêu – Erich Fromm (3): Tình yêu giữa cha mẹ và con cái

  Nếu như không phải do số phận nhân từ bảo vệ đứa trẻ, không làm nó cảm thấy sợ hãi khi rời khỏi cơ thể người mẹ, thì trong khoảnh khắc ra đời ấy, đứa trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nhưng trong một khoảng thời gian sau khi ra đời, nó không khác gì mấy so với trước đây: nó vẫn chưa thể nhận biết sự vật, chưa ý thức được sự tồn tại của mình và thế giới tồn tại

Vũ Văn Duy

15/06/2018