Cơ chế dân chủ là một cơ chế mở, không chỉ đảm bảo quyền lợi của người dân mà còn tạo ra cơ hội để những người tài năng dễ dàng hơn trong việc thể hiện và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Cơ chế dân chủ với tình trạng dân trí thấp và trong đó, những quyền hạn về tự do học thuật và tự do trí tuệ bị ngăn cản thì đó chỉ là dân chủ giả hiệu. Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu hiện sẽ trở nên vô nghĩa khi người dân không được tiếp cận tri thức và những chuyên gia không được đưa ra tiếng nói khách quan mang tính khoa học để góp ý cho các vấn đề của xã hội. Cho đến nay, vấn đề Tự do học thuật (Academic Freedom) và Tự do trí tuệ (Intellectual Freedom) chỉ mới được đưa ra ở dạng khái niệm và chưa được quan tâm đúng mức trên toàn thế giới.
Tự do học thuật (Academic Freedom) là một khái niệm gây nhiều hiểu lầm ở Việt Nam. Chúng ta thường dễ đánh đồng quyền tự do này với tự do biểu hiện. Từ điển Britannica cho biết: “Tự do học thuật là quyền của giảng viên và học viên được tự do giảng dạy, nghiên cứu và đeo đuổi kiến thức mà không có sự can thiệp bất hợp lý hoặc các hạn chế từ luật, quy định về thể chế, hay áp lực từ công chúng. Các yếu tố cơ bản của nó bao gồm quyền tự do của giảng viên để tìm hiểu bất cứ chủ đề nào liên quan đến tri thức, trình bày các phát hiện của mình cho sinh viên và đồng nghiệp, công bố các dữ liệu và kết luận của họ mà không bị kiểm soát hay kiểm duyệt, giảng dạy theo cách mà họ cho là phù hợp với nghiệp vụ. Đối với sinh viên, các yếu tố cơ bản gồm: quyền tự do chọn học các môn học, đưa ra kết luận và thể hiện ý kiến của mình”. (1)
Như vậy quyền Tự do học thuật có phạm vi trong trường học và gắn liền mật thiết đến hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở cấp bậc đại học. Qủa vậy, nền tảng của Tự do học thuật được xây dựng từ các trường đại học của Châu Âu thời Trung cổ. Từ thời này, các trường đại học với sự bảo trợ của hoàng gia đã tự lập nên một hệ thống tự trị với quyền tự quyết trong việc thành lập khoa. Cho đến thế kỷ 18, nhà thờ Công giáo La Mã và ở một số khu vực, những người theo đạo Tin Lành đã tìm cách kiểm duyệt các trường đại học. Các trường đại học mất dần vị thế tự trị và các giáo sư phải chịu sự quản lý của chính phủ. Mâu thuẫn này kéo dài cho đến nay. Mặc dù vậy một điều thú vị khi bạn theo dõi các phiên họp hay điều trần liên quan đến Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Tự do học thuật vẫn không hề được đề cập đến.
Một khái niệm khác rất dễ nhầm lẫn với Tự do học thuật là Tự do trí tuệ (Intellectual Freedom). Tự do trí tuệ bao gồm quyền tự do nắm giữ, tiếp nhận và phổ biến các ý tưởng mà không hề bị hạn chế. Nói một cách khác, quyền tự do trí tuệ bảo vệ quyền của một cá nhân trong việc tiếp cận thông tin, khám phá, xem xét và thể hiện ý tưởng. Như vậy, tự do trí tuệ chính là nền tảng cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin và quyền riêng tư. Được xem như một thành tố không thể tách rời của một xã hội dân chủ, quyền tự do trí tuệ bảo vệ quyền của một cá nhân trong việc tiếp cận, khám phá, xem xét, và thể hiện ý tưởng và thông tin làm cơ sở cho một công dân tự quản và thông tin đầy đủ. (2)
Trong thời đại Internet hiện nay, Tự do trí tuệ đã được mở rộng hơn và sự kiểm duyệt bị hạn chế dần, thế nhưng tự do trí tuệ vẫn gặp phải các rào cản do sự can thiệp ngầm của các tập đoàn hoặc của các quốc gia. Chính công nghệ mang đến Tự do trí tuệ nhưng cũng trở thành công cụ để hạn chế tự do trí tuệ bằng các thuật toán ngầm hoặc bằng các điều luật phức tạp trên Internet.
Nếu tự do học thuật chỉ gói gọn trong phạm vi của các trường đại học thì tự do trí tuệ có phạm vi rộng lớn hơn, những cũng vì thế mà ít người quan tâm hơn. Nếu có, họ chỉ quan tâm đến các quyền biểu hiện mà không quan tâm đến các quyền tiếp cận. Một điều hiển nhiên, nếu bạn không có quyền tiếp cận thông tin thì sự biểu hiện của bạn là vô giá trị.
Mặc dù nhiều người cho rằng quyền tự do học thuật và quyền tự do trí tuệ chỉ có thể có được trong một xã hội dân chủ, nhưng đây là cái nhìn thần thánh hóa cơ chế dân chủ. Một xã hội dù là độc tài hay quân chủ, vẫn có thể duy trì tự do học thuật và tự do trí tuệ, nếu họ muốn chính thể của họ được vận hành bởi những người có tài năng. Ngược lại, một xã hội đảm bảo quyền dân chủ của đám đông, để đám đông can thiệp vào công trình nghiên cứu hay sáng tạo của tầng lớp trí thức, có thể sẽ khiến xã hội rơi dần vào mông muội, và sớm muộn lại trở thành một xã hội toàn trị của đám đông. Như vậy, vấn đề quyền tự do học thuật và quyền tự do trí tuệ không nên chỉ được xem xét như một vấn đề nhân quyền, mà nên được xem xét như một phần của chiến lược phát triển nhân tài cho quốc gia.
Ở Việt Nam, tự do học thuật và tự do trí tuệ dường như là những khái niệm xa xỉ. Các nhà đấu tranh và vận động xã hội dù chính thống hay không chính thống đều cho rằng quyền lợi của những người dân nghèo, những người phụ nữ yếu thế quan trọng hơn quyền lợi của những người đeo đuổi con đường học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Chính quyền cùng với quy định cứng nhắc về kiểm duyệt nội dung đã sinh ra một hệ thống trường học và thư viện không đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đầy đủ cho cả giảng viên và học viên, đồng thời cũng luôn mong muốn định hướng và gò ép họ theo một số hướng nghiên cứu cụ thể. Tất cả dẫn đến tình trạng xập xệ của giới tri thức – những người đóng vai trò cung cấp nền tảng tri thức cho xã hội. Kết quả là, các chính sách sai lầm, các phát ngôn vô tội vạ, các biện pháp xử lý khó khăn tệ hại…v….v.. liên tiếp nối đuôi nhau do thiếu nền tảng tri thức cần thiết. Tình trạng này có lẽ sẽ càng xấu đi trong những năm sắp tới, bởi sự thiếu nền tảng tri thức lại dẫn đến sự xuống cấp trầm trọng của dân trí. Và cứ thế, Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trên con đường dân chủ hóa cũng như bất cứ con đường xây dựng thể chế nào đó khác.
Có lẽ đã đến lúc, chính quyền, các trí thức, các nhà đấu tranh và vận động xã hội cần đặt lại vấn đề tự do học thuật và tự do trí tuệ một cách nghiêm túc. Bởi vì, dù dưới bất cứ thể chế nào, sự coi thường vai trò của nền tảng tri thức thường đưa xã hội đến với mông muội, lạc hậu và sụp đổ.
Hà Thủy Nguyên
(1) https://www.britannica.com/topic/academic-freedom
(2) https://www.ala.org/advocacy/intfreedom/censorship/faq