Tóm tắt: Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng chúng ta càng được cung cấp bằng chứng trái ngược, chúng ta càng cứng đầu về niềm tin chính trị của mình
Nguồn: Đại học Nam California (USC)
Một nghiên cứu được tiến hành bởi USC đã xác nhận một điều ngày càng trở nên đúng hơn trong nền chính trị Hoa Kì: Người dân càng ngày càng cố chấp với niềm tin chính trị của họ nếu họ được cung cấp các luận điểm trái chiều.
Các nhà nghiên cứu khoa học não bộ tại Viện Não bộ và Sáng tạo tại USC nói rằng những phát hiện từ nghiên cứu MRI chức năng (quy trình chụp các vùng chức năng của não sử dụng công nghệ MRI) có vẻ đặc biệt liên quan tới cách thức con người phản ứng lại với những bản tin chính trị giả hoặc thật trong suốt cuộc bầu cử.
“Các niềm tin chính trị y hệt như các niềm tin tôn giáo ở chỗ cả hai đều là một phần của bạn và đóng vai trò quan trọng trong vòng tròn xã hội mà bạn là một phần ở đó,” tác giả chính của nghiên cứu này Jonas Kaplan, nghiên cứu viên tâm lí học tại Viện Não bộ và Sáng tạo, trực thuộc USC Dornsife College of Letters, Arts and Sciences, cho hay. “Nếu như phải xem xét một quan điểm khác, thì nghĩa là bạn cần phải dùng tới một phiên bản khác của bản thân mình.”
Để xác định sự phản hồi của mạng lưới não bộ khi một ai đó tin chắc chắn vào một điều, các nhà khoa học não bộ cùng với Viện Não bộ và Sáng tạo tại USC đã so sánh liệu và bằng cách nào người ta có thể thay đổi tâm trí trong các vấn đề chính trị và phi chính trị khi được cung cấp các bằng chứng trái chiều.
Họ phát hiện ra rằng người ta mềm dẻo hơn khi được hỏi về độ chắc chắn của họ về các niềm tin phi chính trị mà họ đã có – ví dụ như, “Albert Einstein là nhà vật lí vĩ đại nhất của thế kỉ 20.”
Nhưng khi bàn tới việc xem xét lại các niềm tin chính trị, ví dụ như liệu Hoa Kì có nên giảm ngân sách cho quốc phòng hay không, họ gần như không lung lay quan điểm một chút nào.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy người ta nghi ngờ Einstein là một nhà vật lí vĩ đại, nhưng nghiên cứu này cho ta thấy rằng có một số lĩnh vực nhất định mà ở đó chúng ta vẫn giữ được sự mềm dẻo trong niềm tin,” Kaplan nói.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 23 tháng 12 trên tạp chí Nature, Scientific Reports. Đồng tác giả của nghiên cứu này là Sarah Gimbel tại Viện Não bộ và Sáng tạo, và Sam Harris, một nhà khoa học não bộ làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Project Reason có trụ sở ở Los Angeles.
Phản hồi của não đối với các thử thách về niềm tin
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học não bộ đã tuyển chọn 40 ứng viên tự tuyên bố là “liberal” (tức là những người có quan điểm chính trị phóng khoáng, cởi mở, và tôn trọng tự do của con người nói chung). Các nhà khoa học sau đó quét phản ứng não của họ bằng MRI chức năng để xem khi nào niềm tin của họ bị thách thức.
Trong khi quét phản ứng não, những người được tuyển chọn sẽ được trình bày 8 quan điểm chính trị mà họ đã thừa nhận trước đó rằng niềm tin của họ về 8 quan điểm này cũng chắc chắn không kém gì niềm tin của họ đối với một bộ khác gồm 8 quan điểm phi chính trị. Sau đó họ được cho tiếp cận với năm luận điều trái chiều nhằm thách thức mỗi một quan điểm chính trị ở trên của họ.
Những người tham gia đánh giá độ chắc chắn của niềm tin của họ lúc ban đầu theo thang đo từ 1-7 sau mỗi lần đọc xong một luận điều trái chiều. Các nhà khoa học sau đó nghiên cứu kết quả chụp phản ứng não của họ nhằm xác định vùng não bộ nào tham gia chủ yếu vào thử thách này.
Những người tham gia không thay đổi quan điểm của họ là bao, nếu không muốn nói là không hề một chút nào, khi họ được cung cấp các luận điệu chính trị trái chiều ví dụ như, “Luật sở hữu súng ở Hoa Kì nên được làm cho khắt khe hơn.”
Nhưng các nhà khoa học cũng để ý thấy rằng độ chắc chắn của niềm tin chính trị của họ yếu đi 1 đến 2 điểm khi họ làm thử nghiệm này với các chủ đề phi chính trị, ví dụ như có phải “Thomas Edison đã phát minh ra bóng đèn dây tóc” hay không. Những người tham gia được cung cấp các luận cứ trái chiều nhằm tạo ra các cảm giác hoài nghi, ví dụ như “Gần 70 năm trước khi Edison phát minh ra bóng đèn, Humphrey Davy đã đem một chiếc đèn điện tới trước Royal Society (Hội khoa học Hoàng gia).”
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những người cứng đầu nhất có nhiều hoạt động trong vùng amygdalae (một cặp hình quả hạnh nhân bao gồm nhiều cụm nơ-ron thần kinh nằm sâu và gần trung tâm của não thuộc thuỳ thái dương) và vỏ não thuỳ đảo (insular cortex), hơn so với những người dễ dàng thay đổi niềm tin.
“Hoạt động trong những vùng này, những vùng quan trọng đối với cảm xúc và ra quyết định, có thể liên quan tới cách chúng ta cảm nhận khi chúng ta gặp phải những luận điểm trái chiều,” Kaplan cho hay.
“Vùng Amygdala đặc biệt được biết đến vì có liên quan tới việc chúng ta nhận thức được mối nguy hiểm và sự lo lắng,” Kaplan cho biết thêm. “Vỏ não thuỳ đảo thì xử lí cảm giác từ cơ thể, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết cái gì quan trọng nhất trong môi trường đối với cơ thể. Điều này nhất quán với ý tưởng cho rằng khi chúng ta cảm thấy nguy hiểm, lo lắng hoặc xúc động, chúng ta ít có khả năng thay đổi quan điểm của mình.”
Hướng đi quan trọng
Kaplan cũng lưu ý rằng một hệ thống trong não bộ, gọi tên là Mạng lưới Chế độ Chuẩn (the Default Mode Network), đã cho thấy sự tăng đột biến trong hoạt động khi niềm tin chính trị của những người tham gia bị thử thách.
“Những vùng này của não bộ có liên quan tới những suy nghĩ chúng ta là ai, và liên quan tới những suy nghĩ sâu hơn mà có thể đưa tâm trí chúng ta lên mây và khiến ta mất ý thức vào cái ở đây/bây giờ,” Kaplan cho biết.
Những người tham gia đánh giá độ chắc chắn của niềm tin trên thang đó từ 1 đến 7. Màu tím là đối với những quan điểm chính trị, còn màu xanh lá cây là những quan điểm phi chính trị. Sau đó họ đánh giá lại các quan điểm đó với thông tin nhận được từ các luận điểm trái chiều. Hình vẽ trên chỉ ra sự thay đổi trong hai lần đánh giá này. Chúng cho thấy họ đã thay đổi nhiều hay ít trong các quan điểm chính trị của họ. Image source: Brain and Creativity Institute at USC.
Các nhà nghiên cứu nói rằng nghiên cứu mới nhất này, cùng với một nghiên cứu được tiến hành hồi đầu năm, chỉ ra một điều đó là Mạng lưới Chế độ Chuẩn (the Default Mode Network) đóng vai trò quan trọng cho các suy nghĩ cấp độ cao về những niềm tin và giá trị mang tính cá nhân.
“Hiểu được khi nào và tại sao con người dễ thay đổi suy nghĩ là một mục tiêu cấp thiết,” Gimbel, đồng tác giả và là nghiên cứu viên tại Viện Não bộ và Sáng tạo, nói. “Biết được thông tin nào có thể thuyết phục được người ta thay đổi quan điểm chính trị có thể mang tới chìa khoá cho tiến bộ xã hội,” bà cho biết.
Phát hiện này cũng có thể được áp dụng cho các trường hợp bên ngoài chính trị như cách thức con người phản ứng lại với các bài báo giả tạo.
“Chúng ta nên thừa nhận rằng cảm xúc đóng một vai trò trong nhận thức và cách chúng ta đưa ra quyết định điều gì đúng và điều gì sai,” Kaplan cho biết. “Chúng ta không phải là những chiếc máy tính vô cảm. Chúng ta là những vật thể sống.”
Thông tin thêm về nghiên cứu này.
Tài trợ: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Não bộ và Sáng tạo thuộc USC và Project Reason.
Nguồn: Emily Gersema – USC
Bài nghiên cứu gốc: Toàn bộ bài nghiên cứu có tiêu đề: “Mối liên quan của não bộ tới việc duy trì niềm tin chính trị của một người khi đối mặt với các luận điểm trái chiều” của các tác giả Jonas T. Kaplan, Sarah I. Gimbel & Sam Harris được đăng trên Scientific Reports. Công bố trực tuyến vào ngày tháng 12 December 203 2016 doi:10.1038/srep39589
Dịch: Nguyên Lăng
Học viên workshop “Các nguyên tắc dịch căn bản Anh-Việt và Việt-Anh”
Nguồn: https://neurosciencenews.com/politics-neural-network-5812/