Home Học Câu chuyện tự học (2): KHÔNG CÓ LỐI HỌC DỄ DÀNG CHO NGƯỜI MUỐN TRỞ NÊN CHUYÊN NGHIỆP

Câu chuyện tự học (2): KHÔNG CÓ LỐI HỌC DỄ DÀNG CHO NGƯỜI MUỐN TRỞ NÊN CHUYÊN NGHIỆP

Có một nghịch lý mà chúng ta thường hay mắc phải, đó là chúng ta muốn giỏi giang, chuyên nghiệp nhưng lại không muốn rèn luyện hay động não. Chúng ta đi học ở trường để lấy bằng, chúng ta đi học ở các trung tâm bên ngoài để cố lấy các thủ thuật sao cho dễ dàng nhanh chóng trở nên chuyên nghiệp. Lối học này biến chúng ta hoặc thành những kẻ ảo tưởng rằng chúng ta đã trở nên chuyên nghiệp, hoặc chúng ta chẳng cải thiện gì về kiến thức hay kỹ năng mà chỉ giết thời gian vào việc nghe giảng.
Tôi thường xuyên nghe các bạn trẻ hỏi Book Hunter như thế này: “Có thủ thuật nào để học tiếng Anh nhanh mà dễ?”, “Làm thế nào để em nhanh chóng viết được một quyển tiểu thuyết?”, “Làm thế nào để nhanh chóng đạt thành tựu trong Thiền?”… Những câu hỏi như vậy khá điển hình cho những gì tôi đang muốn nói với các bạn. Học “nhanh chóng” là một ảo tưởng. Học “nhanh chóng” chỉ thích hợp với những ai đã có kiến thức nền tảng rất tốt trong một lĩnh vực và học chỉ là bổ sung thêm. Nói theo ngôn ngữ truyện kiếm hiệp là “căn cơ tốt”. Ví dụ như trong võ thuật, những ai có nền tảng nội công tốt thì khi học các chiêu thức sẽ rất dễ dàng và thuận lợi. Các kiến thức căn bản của một lĩnh vực mà qua đó giúp ta hiểu được bản chất của vấn đề chúng ta đang học cũng giống như căn cơ nội công ấy, nếu chúng ta nắm chắc trong tay thì các kỹ năng để giúp ta làm việc hiệu quả sẽ trở nên rất dễ dàng. Sự khác biệt mấu chốt giữa người chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp không phải là người chuyên nghiệp có nhiều kỹ năng hơn mà là người chuyên nghiệp có nền tảng tốt hơn, và do đó có thể đi xa hơn trong việc trở thành một chuyên gia của lĩnh vực nào đó.
Có một thời, các lớp dạy kỹ năng mọc lên như nấm: dậy làm giàu, dậy giao tiếp, dậy phân tích bản thân, dậy thiền, dậy học tiếng Anh…v…v… Những lớp kỹ năng này không cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng hay gợi mở cho các bạn rằng việc biết nền tảng là điều cần thiết. Các lớp kỹ năng này đều hướng tới các thủ thuật được đúc rút từ kinh nghiệm của những người nổi tiếng. Ở các nước có hệ thống giáo dục đủ tốt để cung cấp nền tảng thì những lớp kỹ năng này là cần thiết. Thế nhưng ở nước ta, chúng ta dễ dàng bị rơi vào tình trạng mất nền tảng hay còn gọi là học mất gốc khi ở cấp phổ thông và cấp đại học, thì những lớp kỹ năng này chỉ khiến các bạn tiếp nhận thông tin theo lối “monkey see, monkey do” mà thôi.
Khi bạn thiếu nền tảng, bạn sẽ mất khả năng tự học, mà sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào giảng viên. Tức là khi bạn học một kỹ năng và bạn cảm thấy áp dụng được trên thực tế, thế nhưng khi thực tế thay đổi, bạn sẽ không thể ứng biến được, và tiếp tục lại tham gia vào rất nhiều các khóa kỹ năng khác. Như vậy, cả cuộc đời của bạn sẽ đeo đuổi theo việc học, mà cái học này không thực chất, không ngấm sâu vào tâm trí của bạn. Cái học dạng này rất khác với cái học sâu sắc để khám phá thế giới và cuộc sống. Chúng ta rất dễ nhầm lẫn hai lối học vừa kể trên khi cho rằng “có học vẫn hơn” hay “học ấm vào thân”, “có học có hơn”. Một kiểu học giúp chúng ta hiểu sâu biết rộng, còn lối học mà chúng ta vẫn chạy theo là lối học tinh ranh mang tính ứng phó với tình trạng nhất thời. Ví dụ như, chúng ta thường phàn nàn rằng tại sao ở Việt Nam ít các mẫu thiết kế đẹp, có tính sáng tạo như các nước châu Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản. Đó là bởi vì các designer Việt Nam học rất nhiều về thủ thuật “design”, những công nghệ mới, xu hướng mới… nhưng bản thân họ lại không biết gì về hội họa và các nguyên tắc mỹ học. Thế nên, các thiết kế của chúng ta hoặc là sao chép, hoặc là lố bịch, hoặc là quê mùa…
Xét riêng về mảng kỹ năng, kỹ năng cũng phân ra nhiều loại. Có loại kỹ năng được xây dựng từ cải thiện cách tư duy, khuyến khích tìm hiểu bản chất của vấn đề; cũng có loại kỹ năng là luyện các thủ thuật lặp đi lặp lại. Những kỹ năng giúp cải thiện tư duy giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện vấn đề, dễ dàng tự tìm tòi, học hỏi. Còn những kỹ năng mang tính thủ thuật, dễ học, nhưng thứ học đó chỉ biết ta thành một cái máy trong một hệ thống lớn chứ không giúp ta làm chủ được tay nghề của mình. Những kỹ năng mang tính chất cải thiện tư duy đáng lý ra phải được dạy trong trường học từ bậc phổ thông cho đến đại học. Thế nhưng, bởi vì chương trình học trong nhà trường không thể thực hiện được điều này, thế nên khi sinh viên ra trường họ không dễ dàng đáp ứng được tính chất nghề nghiệp của công việc mới. Và thế là các sinh viên ra trường gặp khó khăn trong công việc, lại phải lao vào những lớp kỹ năng mang tính thủ thuật những mong mình có thể làm việc tốt hơn. Các trường học cũng dần dần đưa môn học kỹ năng sống vào nhà trường, nhưng tất cả đều là vô bổ, bởi vì môn học này không hề giúp sinh viên có nền tảng tư duy tốt – như nhiệm vụ của nhà trường phải làm.
Đương nhiên, lối học xây dựng nền tảng căn bản và tư duy tốt không dễ dàng đối với học sinh, sinh viên. Lối học này đòi hỏi học sinh, sinh viên phải tập trung đọc các lý thuyết, tự tìm tòi, luyện tập các bài tập. Những lối giảng hóm hỉnh, lấy lòng học viên hay các màn chém gió xuyên thời gian với những câu chuyện trên trời dưới bể không phải là thứ chúng ta cần, dù rằng tuổi trẻ ai cũng thích “buôn chuyện” hơn là học hành nghiêm túc. Những lời truyền cảm hứng mang tính chia sẻ cũng không phải thứ chúng ta cần, dù rằng chúng ta mong muốn được thày cô hay người hướng dẫn khen và khuyến khích. Chúng ta cần được chỉ ra những sai lầm trong tư duy, những thiếu sót trong kiến thức, nhờ thế ta có thể tự tìm được một lộ trình học đúng đắn cho mình.
Tôi không thích lối dạy và học kiểu “mua vui”. Đương nhiên, trong lớp học có thể có những cuộc trò chuyện vui vẻ để hiểu hơn kiến thức, để tăng sự tương tác. Thế nhưng sự vui vẻ này phải đến từ việc các học viên hiểu bài và chia sẻ góc nhìn hóm hỉnh của mình về nội dung. Còn những kiểu mua vui bằng chém gió, hay để cho học viên tự do chia sẻ những điều vô bổ, dù rằng dễ dàng được nhiều người yêu thích, nhưng chúng có hại cho tư duy của người học hơn chúng ta tưởng.
Hà Thủy Nguyên

Câu chuyện tự học (3): TỰ HỌC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH KHỔ LUYỆN

Nhiều người chọn cách tự học với tâm lý rằng mình sẽ được thoải mái hơn, không phải chịu các nguyên tắc gò bó, không phải chịu sự đánh giá của các hệ thống giáo dục đào tạo. Đây là một quan điểm hết sức sai lầm. Bạn chọn tự học, tức là bạn đang chọn một con đường khó khăn hơn, và đương nhiên cũng chủ động hơn. Bởi lẽ, khi tự học, bạn phải cố gắng khổ luyện hơn những người khác gấp bội,

Câu chuyện tự học (4): KHI NÀO BẠN CẦN TỰ HỌC

Đó là khi bạn thấy những thứ mình biết không còn thỏa mãn mình. Bạn nhận ra rằng những gì mình biết là không đủ để phục vụ cho ý định nào đó của bạn. Khi chúng ta muốn thực hiện một ý định nào đó, đặc biệt là một ý định dài hơi, chúng ta buộc phải vận dụng những gì mình đã biết (như kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm) để thực hiện. Nếu ý định ấy gặp khó khăn trong việc hoàn

Câu chuyện tự học (5): QUẢN LÝ THỜI GIAN CHO NGƯỜI TỰ HỌC

Khi chúng ta quyết định dành một khoảng thời gian trong cuộc sống hàng ngày của mình để tự tìm tòi một lĩnh vực nào đó, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều điều: phân bố tài chính, thiếu thốn tư liệu, khó tìm người hướng dẫn đáng tin cậy… Thế nhưng, một khó khăn tưởng như vô hình nhưng lại cản trở lớn nhất trong chặng đường tự học của chúng ta chính là quản lý thời gian. Thời gian vô tận nhưng luôn

Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục #2: Não trạng Học và các Phương pháp Học

Tiếp theo của series bài Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục, Book Hunter xin được giới thiệu với các bạn những cuốn sách tìm hiểu về não trạng học và phương pháp học đã được xuất bản tại Việt Nam. Đây cũng là những cuốn sách Book Hunter đưa tới sự kiện TƯƠNG GIAO #1: NHỮNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TRONG LỊCH SỬ vào 9/9/2023.  Từ sự nghiên cứu não trạng học bằng các phương pháp khác nhau như khoa học não

Book Hunter

14/09/2023

Câu chuyện Tự học (1): ẢO TƯỞNG VỀ HỌC THỨ MÌNH THÍCH

Năm 2016, khi ngồi bàn cùng với một người bạn về việc xây dựng khóa học hướng dẫn các bạn trẻ tự học, người bạn ấy đã đề xuất rằng nên giúp các bạn trẻ tìm ra được rằng mình thực sự thích học cái gì. Hồi đó, tôi khá lăn tăn về việc này. Bản thân tôi không dám chắc rằng mình có thích học văn hay không, thế nhưng tôi đã đeo đuổi con đường này và nếu không có văn chương có