Home Chơi Chân dung linh hồn của Paris – Edith Piaf

Chân dung linh hồn của Paris – Edith Piaf

le-ai

Lê Ái

10/11/2016

Hầu hết mọi người biết đến Edith Piaf như là ca sĩ vĩ đại nhất của nước Pháp.  Sau khi qua đời hàng thập kỷ, bà vẫn là tượng đài được kính trọng, “Chim sẻ” (Piaf trong tiếng Pháp nghĩa là Chim sẻ) gần như đã trở thành chuẩn mực cho mọi ca sĩ, cả nam và nữ, những thế hệ hậu bối sau này. Thế mạnh của Edith Piaf không nằm nhiều ở kỹ thuật, hay chất giọng trong trẻo mà nằm ở độ chân thực và sức lôi cuốn (người nghe không khỏi ngạc nhiên với nội lực nơi giọng ca của cô ca sĩ có thân hình mảnh mai này). Piaf theo phong cách điển hình cho các ca sĩ phòng trà cổ điển ở Pháp: giàu cảm xúc, thậm chí là sướt mướt, với âm rung ở quãng rộng và nhanh, day dứt cho đến những câu hát cuối cùng. Nữ ca sĩ thích sự u sầu, thê lương của những bài ca về nỗi buồn đau, bi kịch, nghèo đói và cuộc sống thực tế đầy khốn khó trên đường phố; rất nhiều trong số đó dựa trên trải nghiệm cô có trong đời thực, được các nhạc sĩ sáng tác theo góc nhìn của họ để dành riêng cho cô. Cuộc đời của Edith Piaf là một huyền thoại, bắt đầu với sự tăng tiến đến chóng mặt từ một đứa bé bụi đời thất học trên đường phố Paris thành một ngôi sao quốc tế đầy tiếng tăm. Trên chặng đường đó, cô mất đứa con duy nhất của mình khi đứa bé lên ba, trở thành nạn nhân của các vấn đề liên quan đến lạm dụng các chất kích thích, sống sót sau ba vụ tai nạn xe ô tô và lướt qua vô số người tình, một trong số đó bỏ mạng trong một vụ rơi máy bay khi đang trên đường tới thăm cô. Khi mới vào nghề, Edith Piaf đã chọn những người đàn ông có thể giúp đỡ lẫn chỉ dạy cho mình; đoạn đời sau này, khi đã có chỗ đứng vững vàng, cô đã giúp đỡ cho nhiều người tình của mình theo tham vọng trở thành nhạc sĩ hoặc ca sĩ, rồi sau đó chấm dứt với họ một khi mối quan hệ kèm cặp đã đạt được mục đích. Trước khi qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 47, Piaf đã hoàn tất việc thu âm một chuỗi dài các ca khúc thuộc dòng kinh điển như “Mon Légionnaire,” “La Vie en Rose,” “L’Hymne à l’Amour,” “Milord,” and “Non, Je Ne Regrette Rien” – những ca khúc mà nhiều người hâm mộ có cảm giác đã nắm bắt được phần tinh túy trong linh hồn người Pháp.
Piaf sinh ngày 19 tháng 12 năm 1915 tại Ménilmontant – một trong những quận nghèo của Paris, tên khai sinh là Edith Giovanna Gassion. Người ta kể rằng, cô được sinh ra dưới một cây đèn đường ở góc phố Rue de Belleville, khi đó người mẹ đã được hai cảnh sát chăm sóc; một vài điểm trong câu chuyện này đã gây tranh cãi và việc cô chào đời trong một bệnh viện địa phương có vẻ đáng tin hơn. Dù trong trường hợp nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận xuất thân thấp kém của Piaf, khi mà người mẹ mang hai dòng máu Moroc và Italy – Anita Maillard của cô, là một kẻ nghiện rượu, thỉnh thoảng hành nghề bán dâm và cũng là một ca sĩ tham vọng thường biểu diễn trong các quán cà phê hay góc phố với nghệ danh Line Marsa. Cha của cô phục vụ trong Thế chiến thứ nhất, Edith gần như bị cả mẹ và bà ngoại của mình bỏ mặc; sau chiến tranh, người cha đã gửi cô đến sống với bà nội, bà kinh doanh một nhà thổ nhỏ ở thị trấn Bernay thuộc Normandy. Các cô gái điếm đã giúp chăm sóc cho Edith khi họ có thể; một câu chuyện kể lại rằng Edith đã bị mù khi lên năm tuổi vì bệnh viêm màng kết cấp tính; họ đã đóng cửa nhà chứa để dành một ngày cầu nguyện cho cô bé ở nhà thờ và vài ngày sau thì mắt cô sáng trở lại.
Cha của Edith quay về vào năm 1922, và thay vì gửi cho cô đi học, ông đã đưa cô đi trình diễn ở đường phố Paris. Chính tại nơi này, cô đã có trải nghiệm đầu tiên khi hát trước đám đông, nhưng nhiệm vụ chính của cô vẫn là cầm mũ len lỏi giữa đám đông khán giả để moi thêm tiền từ bất kỳ ai mà cô có thể xin được. Edith và cha mình đã lang bạt khắp nước Pháp cho đến năm 1930, khi nàng thiếu nữ Edith giờ đã tập trung phát triển sự nghiệp ca hát của mình. Cô lập nhóm với người chị em và cộng sự lâu dài lắm bất hòa, Simone Berteaut, song song với việc hát kiếm tiền ở các con phố, quảng trường, quán cà phê hay doanh trại quân đội là cuộc sống của cô ở các khách sạn tồi tàn, rẻ tiền. Cô tiến gần hơn đến vòng quẩn quanh của lũ tội phạm cắc ké và sống cuộc sống phức tạp về đêm, sự yêu quý các chủ nhà chứa và những tên du côn đường phố đã giúp cô có thể kiếm sống như một nghệ sĩ đường phố. Năm 1932, tình yêu giữa cô và chàng trai chuyển phát Louis Dupont đã nảy nở, kết tinh của tình yêu đó là một bé gái. Tuy nhiên, dường như cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời vẫn bám chặt lấy Edith, cô cảm thấy mệt mỏi với mối quan hệ này, dối lừa và cuối cùng là dấu chấm hết trước khi Louis Dupont kịp làm điều tương tự. Cũng giống như mẹ mình, Edith gặp khó khăn trong việc cùng một lúc vừa phải chăm sóc con vừa phải làm việc trên hè phố, thường thì cô để con lại một mình. Rốt cuộc thì Dupont tự mình giành lấy đứa trẻ, nhưng cô bé đã chết sau đó vài tháng vì bệnh viêm màng não. Người bạn trai kế tiếp là một tay chủ nhà chứa, gã đã ăn chặn tiền công của nữ ca sĩ để đổi lại việc không bắt cô đi bán dâm; khi phát hiện ra chuyện này, Edith đã suýt bị gã bắn.
Cuộc sống có quá nhiều góc tối khiến Edith Gassion chắc đã đi đến một kết thúc tệ hại nếu tài năng của cô không được chủ một hộp đêm – Louis Leplée phát hiện ra, khi cô đang ca hát trên góc phố ở khu Piaglle vào năm 1935. Bị thu hút bởi chất giọng của Edith, Leplée đã bao bọc cho cô gái trẻ và chuẩn bị chu đáo để cô trở thành một ngôi sao dưới trướng. Ông gọi cô là “La Môme Piaf” (tiếng lóng của dân Paris có nghĩa là “Chim sẻ bé bỏng” hay “Con sẻ non”), bồi dưỡng vốn tiết mục bài hát, dạy cô nền tảng biểu diễn trên sân khấu và cho cô mặc chiếc đầm trơn màu đen mà sau này trở thành thương hiệu riêng của nữ ca sĩ. Leplée đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, đưa rất nhiều các ngôi sao đang được chú ý tới đêm ra mắt của Piaf, trong đó có cả Maurice Chevalier; cô đã thành công rực rỡ và vào tháng 1 năm 1936,  “Les Mones de la Cloche” cũng như “L’Etranger” là những bản ghi âm đầu tiên của cô cho Polydor; ca khúc tiếp đó được Marguerite Monnot chấp bút, đây cũng là người sáng tác cho Piaf trong sự nghiệp về sau.
Tai họa ập xuống vào tháng 4 năm 1936, khi Leplée bị bắn chết tại nhà. Cảnh sát nghi ngờ Piaf có dính líu tới vụ ám sát và những tai tiếng bất hảo trước kia cũng như tranh cãi của truyền thông thời gian sau đó đã đe dọa tới sự nghiệp của giọng ca kể cả khi cô được tuyên bố vô can. Vụ tai tiếng xảy ra ngay trước khi Piaf lưu diễn mùa hè ở các tỉnh ngoài Paris và cô nhận ra mình cần được giúp đỡ để khôi phục sự nghiệp cùng hình tượng. Thời điểm quay trở lại Paris, nữ ca sĩ tìm đến Raymond Asso, một nhạc sĩ, doanh nhân kiêm cựu lính lê dương; cô đã từng từ chối bài hát “Mon Légionnaire” của người bạn này, nhưng sau đó nó lại được Marie Dubas, một trong những người ảnh hưởng rất nhiều tới Piaf, thu âm. Bị quyến rũ mãnh liệt bởi Piaf, Asso bắt đầu cộng tác với nữ ca sĩ và đem đến sự thay đổi trong sự nghiệp của cô. Ông lấy lại một phần tên thật của cô và gọi cô là Edith Piaf;  ông cũng ngăn cấm cô giao du với những người quen có thể đem đến rắc rối không mong muốn; ông tạo cho cô một nền tảng giáo dục cơ bản mà cả Edith lẫn Simone đều chưa bao giờ có được. Quan trọng nhất là ông đã trò chuyện với Piaf về tuổi thơ đường phố của cô cũng như cộng tác với nhạc sĩ “L’Etranger’ Marguerite Monnot để có được những tiết mục gốc nhằm cho Piaf nhiều trải nghiệm độc nhất. Tháng 1 năm 1937, Piaf ghi âm “Mon Légionnaire” đã tạo ra cơn sốt và tiếp đó là các sản phẩm hợp tác giữa Asso với Monnot như “Le Fanion de la Légion,” “C’est Lui Que Mon Coeur a Choisi” (một bản hit tuyệt vời vào cuối năm 1938), “Le Petit Monsieur Triste,” “Elle Frequentait la Rue Pigalle,” “Je N’en Connais Pas la Fin,” cùng nhiều ca khúc khác. Cuối năm đó, Piaf xuất hiện trong các buổi hòa nhạc tại nhà hát ABC (nơi cô mở mà cho Charles Trenet) và Bobino (với tư cách của một ngôi sao); các buổi diễn thu được thành công vang dội và biến cô trở thành ngôi sao mới trên bầu trời ca nhạc Paris.
Mùa thu năm 1939, Asso tham gia Thế chiến thứ hai. Đầu năm sau, Piaf thu âm một trong những bài hát làm lên tên tuổi của mình, “L’Accordéoniste”, chỉ ngay khi tác giả Michel Emer nhập ngũ; sau này nữ ca sĩ đã giúp cho nhạc sĩ người Do Thái Emer trốn được sự truy lùng của quân phát xít trong suốt thời gian Pháp bị chiếm đóng. Trong thời gian Asso vắng mặt, Edith cộng tác với nam diễn viên/ca sĩ Paul Meurisse, người đã dạy cô cách phép lịch sự và văn hóa của tầng lớp thượng lưu trong xã hội Pháp. Họ thường biểu diễn cùng nhau và cũng là bạn diễn trong vở kịch Le Bel Indifférent của Jean Cocteau; tuy nhiên, mối quan hệ này nhanh chóng xấu đi và Piaf chuyển về sống trong căn hộ phía trên một nhà thổ cao cấp cùng với Simone. Thời điểm này, quân Nazi đã tiếp quản Paris, và khách quen của nhà thổ thường có cả đám cảnh sát mật Gestapo. Piaf bị tình nghi hợp tác hay, ít nhất, là thân mật thái quá với người Đức, khi nhiều người xuất hiện tại nhà của bà và biểu diễn tại các sự kiện riêng tư. Edith đáp trả theo cách riêng của mình, cô hẹn hò với nghệ sĩ dương cầm người Do Thái Norbert Glanzberg cũng như đồng sáng tác ca khúc mang âm hưởng phản kháng “Où Sont-Iis Mes Petits Copains?” cùng Marguerite Monnot vào năm 1943, bất chấp việc Nazi yêu cầu loại bỏ bài hát ra khỏi các tiết mục biểu diễn trong buổi hòa nhạc của cô. Chuyện kể lại rằng, Piaf đã chụp một bức ảnh tại trại tù; các bức hình về tù nhân Pháp sau đó đã được phóng to và dùng trong các tài liệu giả đã giúp nhiều người trốn thoát được.
Trước khi chiến tranh kết thúc, Piaf tìm đến phóng viên Henri Contet và thuyết phục ông hợp tác viết lời với Marguerite Monnot. Sự kết hợp này trở thành mối quan hệ cộng tác tích cực nhất kể từ sau những năm tháng có Asso, Piaf được trao giải thưởng với một loạt ca khúc như “Coup de Grisou,” “Monsieur Saint-Pierre,” “Le Brun et le Blond,” “Histoire du Coeur,” “Y’a Pas D’Printemps,” và các ca khúc khác. Cuộc tình với Content trôi qua chóng vánh, dẫu vậy ông vẫn tiếp tục viết nhạc cho danh ca sau khi họ chia tay; cùng lúc này, Piaf bị thu hút bởi chàng ca sĩ trẻ tuổi Yves Montand vào năm 1944. Dưới sự dạy dỗ khắt khe của Piaf, Montand vươn lên thành một trong những ngôi sao nhạc pop lớn của Pháp trong vòng một năm và họ chấm dứt quan hệ khi sự nổi tiêng của Montand bắt đầu cạnh tranh với Piaf. Người tiếp theo mà danh ca đỡ đầu là nhóm hát chín thành viên Les Compagnons de la Chanson, những người này đã tham gia lưu diễn và thu âm với Piaf trong vài năm sau đó (một trong số các thành viên cũng trở thành  tình nhân của nữ ca sĩ). Thu âm cho hãng Pathe, Piaf đã tạo ra bản hit lớn vào năm 1946 với ca khúc “Les Trois Cloches,” ca khúc này sau đó trở thành bản nhạc tiếng Anh tuyệt vồ của The Browns khi được chuyển ngữ với tựa đề “The Three Bells.” Cuối năm đó Piaf thu âm sáng tác của chính mình, ca khú “La Vie en Rose,” một bản hit khác được người nghe nhạc khắp thế giới xem như dấu ấn của cô.
Piaf bắt đầu chuyến lưu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ cuối năm 1947 và bước đầu gặt hái được thành công nho nhỏ; những ngươi nghe nhạc đang mong chờ đượ thấy một Paris hoa lệ, nhập tràn ánh sáng đã bị thất vọng trước cách trình diễn mộc mạc cùng những bài ca u buồn của Piaf. Ngay khi cô định về nước thì một nhà phê bình có tiếng ở New York đã viết một bài khen ngợi buổi biểu diễn, khuyến khích người nghe nhạc không nên để vuột mất cô gái này; vậy là Piaf được giữ lại ở Versailles Café và để tri ân với công chúng, cô đã ở lại hơn năm tháng. Quãng thời gian này, cô gặp gỡ tay đấm bốc người Pháp Marcel Cerdan. Mặc dù đã kết hôn nhưng Cerden và Piaf vẫn bắt đầu bị cuốn vào một mối tình, không lâu trước khi Cerdan thắng giải thế giới rồi trở thành người hùng của nước Pháp. Bất hạnh thay, tai họa lại đổ ập tới vào tháng 11 năm 1949, khi Cerdan lên kế hoạch thăm Piaf ở New York, vì muốn sớm được gặp người tình, nữ danh ca đã thuyết phục anh đi máy bay thay vì tàu thủy. Cerdan tử nạn trong vụ rơi máy bay ở Azores. Cảm giác tội lỗi lẫn đau khổ khiến Piaf đắm mình trong thuốc và rượu, cô bắt đầu dùng thử morphine. Đầu năm 1950, Piaf thu âm ca khúc “L’Hymne à I’Amour,” như một món quà tưởng niệm cho người tình mà cô không bao giờ có thể quên được; ca khúc đồng sáng tác với Marguerite Monnot này đã trở thành một trong số các bài hát được nổi tiếng cũng như chân thành nhất của cô.
Năm 1951, Piaf gặp ca sĩ kiêm nhạc sĩ trẻ tuổi Charles Aznavour, một giọng ca lớn trong tương lai của nước Pháp và cũng là người tiếp theo được cô đỡ đầu; không như nhưng người khác, quan hệ giữa họ luôn luôn trong sáng, không kể đến sự gắn bó bền bỉ và trung thành giữa những người bạn. Aznavour phụ trách nhiều công việc cho Piaf – thư ký, tài xế v.v… còn Piaf giúp anh ta lên sân khấu, đưa anh ta theo trong các chuyến lưu diễn và cùng thu âm một số ca khúc đầu tay, gồm có các bản hit như “Plus Bleu Que Tes Yeux” và “Jézébel.”Tình bạn của họ gần như kết thúc sớm khi cả hai gặp tai nạn xe ô tô nghiêm trọng; Piaf bị gãy tay và hai xương sườn. Việc bác sĩ của cô chỉ định dùng morphine giảm đau đã khiến danh ca sớm bị lệ thuộc vào thuốc và cuối cùng dẫn đến các vấn đề trầm trọng hơn với rượu. Năm 1952, Piaf bắt đầu mối quan hệ lãng mạn và tiến tơi hôn nhân với ca sĩ Jacques Pills, người đồng sáng tác ca khúc “Je T’ai Dans la Peau” với nghệ sĩ dương cầm của mình, Gilbert Bécaud; Bécaud sau này cũng nhanh chóng trở thành một ngôi sao nhạc pop nhờ vào sự giúp đỡ của Piaf. Trong khi đó, Pills nhanh chóng biết được mức độ nghiêm trọng của việc vợ mình việc lạm dụng chất cồn và buộc cô tham gia ba khóa cai nghiện độc lập. Dẫu vậy, Piaf vẫn tiếp tục thu âm và biểu diễn với những thành công lớn, bao gồm được biểu diễn ở Carneige Hall và nhà hát Olympia huyền thoại tại Paris. Piaf và Pills ly hôn năm 1955; không lâu sau đó, danh ca rơi vào trạng thái hôn mê và phải nhập viện.
Piaf ở đỉnh cao quyền lực vào giữa những năm 50, dù sức khỏe sa sút. Các chuyến lưu diễn nước ngoài của cô vẫn rất thành công và đem đến cho nữ danh ca sự hâm mộ cuồng nhiệt chỉ đứng sau tôn giáo ở Pháp. Piaf tiếp tục có những bản hit trong giai đoạn 1956-1958, trong số đó có “La Foule,” “Les Amants D’un Jour,” “L’homme à la Moto,” và tuyệt vời nhất là “Mon Manège à Mori.”Trong suốt giai đoạn này, Piaf cũng kết thúc một đợt cai nghiện khác; đây là thời điểm minh chứng cho sự thành công của cô song những năm tháng lạm dụng thuốc và rượu đã làm sức khỏe của cô mất ổn định. Cuối năm 1958, Piaf gặp một nhạc sĩ đầy triển vọng, Georges Moustaki, và biến người này thành tình nhân muộn màng của mình cũng như tạo bước tiến nữa trong sự nghiệp. Nhóm cộng tác quay trở lại một lần nữa với sản phẩm âm nhạc cộng tác giữa Marguerite Monnot và Moustaki, “Milord,” một bản hit đứng đầu các bản xếp hạng tại Châu Âu vào đầu năm 1959 cũng như trở thành đĩa đơn đầu tiên của Piaf thành công ở thị trường UK.Cuối năm đó, Piaf và Moustaki bị tai nạn ô tô, vụ tai nạn đã khiến khuôn mặt của nữ danh ca bị tổn thương nặng; đầu năm 1960, trong lúc biểu diễn cho Waldort Astoria tại New York, cô ngã gục và nôn ra máu ngay trên sân khấu trước khi được chuyển tới cấp cứu ở bệnh viện để làm phẫu thuật dạ dày. Thế nhưng, nữ ca sĩ vẫn ương bướng tiếp tục chuyến lưu diễn và lại ngã gục một lần nữa ở Stockholm; lần này cô đã được đưa về Paris để thực hiện phẫu thuật thêm.
Piaf nhanh chóng quay trở lại phòng thu, nôn nóng thu âm một sáng tác của nhạc sĩ huyền thoại nước Pháp là Charles Dumont. “Non, Je Ne Regrette Rien’ đã trở thảnh một trong những ca khúc kinh điển mọi thời đại và bản hit lớn trên thị trường quốc tế trong năm 1960, tương đương với “My Way” của Frank Sinatra. Piaf tiếp tục biến thêm nhiều ca khúc của Dumont thành hit, trong đó có Mon Dieu,” “Les Flons-Flons du Bal,” and “Les Mots D’Amour.” Cô trình diễn một chương trình dài ở Olympia vào năm 1961 và cuối năm đó, Piaf gặp giọng ca đầy tham vọng người Hy Lạp, Théo Sarapo (tên thật là Theophanis Lamboukis), người cộng tác trong dự án cuối cùng và đồng thời cũng là người chồng thứ hai. Piaf lớn tuổi gấp đôi Sarapo và vì sức khỏe của cô mà giới truyền thông Pháp đã mô tả Sarapo như một kẻ đào mỏ. Dù vậy, họ vẫn cho ra đời ca khúc “À Quoi Ca Sert I’Amour” vào năm 1962 và biểu diễn cùng nhau trong suốt thời gian Piaf hát ở Olympia năm ấy. Piaf không mất quá nhiều sức cho việc ca hát, mặc dù thể chất yếu ớt không cho phép cô đứng nổi trong một số đêm diễn.
Piaf và Sarapo song ca tại Bobino vào đầu năm 1963, nữ danh ca đã thực hiện bản thu cuối cùng của mình, ca khúc “L’Homme de Berlin.” Không lâu sau đó, Piaf rơi vào trạng thái hôn mê do căn bệnh ung thư. Sarapo và Simone Berteaut đưa Piaf trở về biệt thự ở Plascassier trên French Riviera, để chăm sóc cho cô. Danh ca đã mất dần ý thức trong vài tháng trước khi qua đời vào ngày 11 tháng 11 năm 1963 — cùng ngày với biên kịch kiêm nhà sản xuất phim huyền thoại Jean Cocteau. Thi thể của Piaf được bí mật đưa trở về Paris, nên người hâm mộ tin rằng ca sĩ đã qua đời ở quê nhà của mình. Thông tin về cái chết của Piaf đã khiến cả nước đau buồn, hàng chục ngàn người hâm mộ đã tụ    tập trên đường phố Paris, giao thông ngưng trệ để người ta theo dõi đám tang. Piaf trở thành tượng đài khó có thể sánh được trong giới âm nhạc Pháp nhiều năm sau đó; ngôi mộ tại Père-Lachaise là một trong những nơi tưởng niệm được đến thăm nhiều nhất, và các bài hát của Piaf vẫn tiếp tục được hát lại bởi vô số các nghệ sĩ nhạc pop theo phong cách cổ điển cả ở Pháp lẫn nước ngoai.

Buổi chiếu phim về cuộc đời Edith Piaf “La vie en Rose” được đăng tải tại đây https://bookhunter.vn/chieu-phim-la-vie-en-rose-bo-phim-ve-cuoc-doi-nu-danh-ca-edith-piaf/

Leica Green chuyển ngữ
Nguồn: https://www.allmusic.com/artist/%C3dith-piaf-mn0000150629/biography

Về tác giả H. E. Marshall và cuốn “Nước Pháp qua các thời đại – Từ Gaul đến vinh quang”

Là một tác giả người Anh hoạt động trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, H. E. Marshall đã mang kiến thức lịch sử đến gần hơn với độc giả phổ thông, đặc biệt là những bạn đọc nhỏ tuổi, thông qua nhiều tác phẩm best-seller, trong đó có cuốn A History of France (Nước Pháp qua các thời đại). Với văn phong giản dị, lối kể chuyện hấp dẫn, cách trình bày mạch

Nước Pháp không như bạn nghĩ (4): Tôn sùng sự vĩ đại

Grandeur là một khái niệm khó dịch. Những từ gần nghĩa nhất, "sự vĩ đại", khiến tâm trí ta liên tưởng đến "sự đáng kính", "sự khác biệt" và "sự xuất sắc". Nhưng sự grandeur là còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Nó gợi lên quyền lực, vinh quang, và sự nâng tầm của đạo đức cũng như trí tuệ. Không có một thành phố nào trên thế giới cạnh tranh được với sự tráng lệ của Paris. Những bức tượng mạ vàng tô

Nước Pháp không như bạn nghĩ (2): “Đất nước” trong tâm trí mỗi người Pháp

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nước Pháp một sự kết hợp các đặc điểm vật lý giúp Pháp giành được lợi thế tự nhiên trong sự sành ăn: Khí hậu ồn hòa nhờ hải lưu Gulf Stream, những nơi duy nhất chịu thời tiết lạnh chỉ nằm ở phía nam, trong những dải núi cao của dãy Alps và Pyrenees. Không có dãy núi nào ở phía tây, có nghĩa là gió mậu dịch cho mưa xuống đều trên khắp cả nước.

“La Vie En Rose” – Niềm đam mê của Edith Piaf

Mỗi  đoạn thoại hay của một bộ phim đều có tác động gợi mở cho chúng ta. Tôi thích những đoạn đối thoại mang đến cho tôi nhiều câu hỏi. Một trong những đoạn đối thoại như vậy là từ phim « La Vie En Rose », bộ phim về cuộc đời của nữ danh ca người Pháp Edith Piaf. “Nhà báo: Nếu bà muốn đưa ra lời khuyên cho một phụ nữ, nó sẽ là gì? Edith Piaf: Yêu. Nhà báo: Còn với một thiếu nữ?

Tô Lông

26/04/2017

Nước Pháp không như bạn nghĩ (6): Tính ăn thua đủ

Người Pháp có một sở thích đặc biệt đối với việc chia rẽ trên mọi vấn đề - một thái độ có thể bắt nguồn từ tình yên vĩ đại của họ với quyền lực. Tính bảo thủ như một lực ly tâm mạnh lan tỏa đến từng ngóc ngách của xã hội Pháp. Khi đã hiểu được sự tồn tại của nó, tôi thấy nó ở mọi nơi: trong tin tức, những cuộc đàm thoại của mọi người, lịch sử, chính trị, kinh doanh,