Book Hunter: Chúng ta thường biết đến ca khúc “Một mình” của Thanh Tùng, nhưng ít ai biết đến ca khúc “Một mình” của Trần Tiến. Có lẽ, vì tâm trạng quá “một mình”, đến mức chúng ta đã bỏ qua nỗi cô đơn tuyệt đẹp của nhạc sĩ chăng?
“Rượu một mình với ngọn đèn đêm…”
Chén rượu đầu tiên, người bạn đầu tiên, là “chú ve sầu, nằm chết bên thềm cửa sổ”… Một ám ảnh ngay từ những lời ca mở đầu, khiến tim ta thắt lại. Chú ve sầu đáng thương nằm chết… Lại là cái chết giữa gió thu se, giữa đêm vắng lặng, giữa hơi lạnh của mùa sắp chuyển buồn. Là Trần Tiến đương kể về cái chết của chú ve, hay đương kể nỗi lo sợ về kết cục của chính mình? Một kết cục cô đơn. Cô đơn đến đớn đau. Đến hiu quạnh. Đến chết.
Sau xác ve tội nghiệp ấy, một loạt các hình ảnh thiên nhiên xuất hiện liên tiếp “núi cao”, “suối sâu”, “rừng già”. Dường như cái rộng dài của không gian chẳng che lấp nổi cái quanh quẩn cô đơn âm ỉ lòng người.
“Cùng ta cạn với núi cao, năm nào đôi chân chưa mòn
Cùng ta cạn với suối sâu, với người xôn xao qua cầu
Cùng ta cạn với rừng già, bạn ta yên nghỉ
Biết có bao giờ về uống cùng ta.”
Từng ca từ lắng đọng hương kỷ niệm. Trần Tiến phải chăng đang hồi tưởng về những gì đã qua, những người đã cũ, cố gắng tìm kiếm bóng hình của cố nhân, để xua đi nỗi buồn đơn độc. “Đôi chân chưa mỏi”, “người sốt rét qua cầu”, “bạn ta yên nghỉ”… tới đây ta bỗng cuốn sâu hơn vào tâm tư của nhạc sỹ, lạc vào những năm tháng cũ của chính ông, giữa bom đạn chiến tranh và những người bạn đã vùi mình chốn rừng thiêng nước độc, hay bản thân ông đã bị căn bệnh sốt rét ác tính hành hạ suốt nhiều năm… Ôi những ngày quá vãng, những ngày đôi chân còn mải miết chinh phục những núi đồi, mang muôn vạn lời ca khắp mọi miền tổ quốc. Giữa đêm thu vắng tịch liêu, tháng ngày ấy bỗng về gần rồii thoảng chốc hóa xa xôi.
Những câu hỏi tự vấn cất lên dày đặc, đầy men rượu, rượu mà chẳng ấm nóng, mà lạnh ngắt nỗi đơn côi. Những câu hỏi ấy, vọng đến rừng sâu, dội về rồi hun hút rơi vào thinh lặng.
“Cùng ta cạn với lửa hồng, trong ta giá lạnh
Ngọn lửa lay lay như có ai về”
Hình ảnh “ai về”, có ai về thật chăng? Hay nỗi cô đơn đang lừa gạt chính tâm tưởng của nhạc sỹ.Người ta đôi khi thích tự lừa dối chính mình.
Sự trùng điệp trong câu từ và giai điệu chính là sự trùng điệp của nỗi buồn dẳng dai không dứt. Tiến trình Giai điệu của ca khúc đi từ chậm nhẹ, đôi khi hụt hẫng như hơi thở của người ngấm rượu, nhanh dần hơn về sau và bứt lên ở đoạn điệp khúc. Cô đơn đã biến thành nỗi đớn đau vây bủa. Ai về? Không ai cả. Không có ai và không có gì ngoài thực tại tiêu tàn và những yên vui đã đi qua.
Thế rồi, ta nhận ra ngay sau nỗi tuyệt vọng ấy là một sự giật mình tỉnh thức. Là cả một sự trỗi dậy của sức mạnh nội tại. Một nỗ lực vượt qua nỗi cô đơn, hay vượt qua sự mềm yếu của chính mình. Vượt qua để đứng dậy, để bước tiếp, để cuối cùng tìm đến một chân lý sống riêng, một chiêm nghiệm rất thực, rất đời, rằng thể xác con người có thể lớn lên từ hạt cơm, nhưng tâm hồn này sẽ chỉ trưởng thành, sau tất thảy những cô đơn.
“Rót cho đầy mãi, đớn đau rồi sẽ thành kỷ niệm
Rót cho đầy mãi, đắng cay rồi sẽ thành tiếng hát
Con người, con người
Chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”.
Vân Dưỡng
Học viên khóa học “Viết để biểu hiện bản thân” (Click vào đây để biết thông tin về khóa học: https://bookhunter.vn/khoa-hoc-viet-de-bieu-hien-ban-thang-8-2016/ )
Nghe ca khúc:
https://youtu.be/6TxcPBAiEK4