Home Học XÂY DỰNG KHẢ NĂNG THẤU CẢM CÓ NÊN LÀ NHIỆM VỤ CỦA VĂN CHƯƠNG (PHẢN BIỆN BÀI CỦA TRẦN NGỌC HIẾU TRÊN TIA SÁNG)

XÂY DỰNG KHẢ NĂNG THẤU CẢM CÓ NÊN LÀ NHIỆM VỤ CỦA VĂN CHƯƠNG (PHẢN BIỆN BÀI CỦA TRẦN NGỌC HIẾU TRÊN TIA SÁNG)

Rất nhiều tranh cãi về “thấu cảm” dần trở nên yên ắng sau khi các trí thức gạo cội như GS Trần Đình Sử, GS La Khắc Hòa, nhà thơ Hoàng Hưng chỉ ra một loạt những lỗi sai về văn phạm tiếng Việt của khái niệm này. Tuy nhiên các bên báo chí chính thống vẫn không ngớt lời ca ngợi việc sử dụng khái niệm này như một bước đột phá của Bộ giáo dục. Mới đây, trên tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học Công nghệ, tạp chí vốn rất được giới trí thức ưa chuộng cũng đăng tải một bài của Trần Ngọc Hiếu về vấn đề này. Trần Ngọc Hiếu không bàn về vấn đề tiếng Việt mà phân tích khía cạnh “nhân văn”  trong hành vi trích dẫn đoạn bàn “thấu cảm” ở đề thi tốt nghiệp cấp 3. Sau khi đọc bài của Trần Ngọc Hiếu, tôi nhận thấy có một số vấn đề sau muốn được đặt ra để phản biện cũng như để chất vấn, mà phần nào cũng để lo ngại.
Đề thi năm nay có thật sự là “đổi mới”
Các dư luận phản đối đề thi văn năm nay đều tập trung vào vấn đề khái niệm “thấu cảm” là một khái niệm sai chứ không lên án nội hàm ý nghĩa của khái niệm. Tức là, từ việc hình thành khái niệm “thấu cảm” này đã sai ngay từ đầu, sai từ lần đầu nó được sử dụng cũng như việc nó được đưa vào cuốn từ điển của GS Hoàng Phê như một sự chính thống hóa.
Cuốn Từ điển tiếng Việt của giáo sư Hoàng Phê do Trung tâm Từ Điển Học sử dụng vốn dĩ là một cuốn từ điển rất có uy tín. Tuy nhiên, ít người biết, trong cách làm từ điển của Trung tâm này có điểm đặc biệt. Khác với các từ điển khác, cuốn này ứng dụng công nghệ trong xây dựng hệ thống từ. Nhờ vậy, việc dàn trang của từ điển cũng đơn giản và đặc biệt, dữ liệu của từ điển này dễ dàng được các hệ thống nước ngoài sử dụng. Oxford đã mua bộ dữ liệu này đồng thời Trung tâm Từ điển học có nhiệm vụ hàng năm cập nhật từ mới bao gồm những thuật ngữ khoa học, những lối sử dụng từ mới…v…v… Từ “thấu cảm” cũng nằm trong quá trình cập nhật ấy. Đó là lý do mà một số người sở hữu cuốn Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học bản cũ hơn sẽ không tìm thấy khái niệm này trong ấy trong khi những người sở hữu cuốn mới lại có thể thấy.
Nếu bạn đọc cuốn từ điển này sẽ thấy rằng, các khái niệm hoặc các từ đã được chính thống hóa bên cạnh việc được giải nghĩa sẽ có những câu trích dẫn văn chương, thơ ca, văn bản nghị luận, văn bản hành chính, như các ví dụ. Đoạn trích được trích dẫn trong từ điển là từ một văn bản của nhà văn Bùi Hiển – tác phẩm “Nằm vạ” (1941). Bên cạnh đó, không có nhiều người viết sử dụng khái niệm này, trong số các nhà văn nổi tiếng khác chỉ còn có Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”. Trong các văn bản trước đó chưa bao giờ nhắc tới từ này, như thế có thể xem xét rằng khái niệm “thấu cảm” là một từ do nhà văn Bùi Hiển đột nhiên sáng tạo ra và được người khác bắt chước sử dụng. Thế nhưng, một điều kỳ lạ là từ “thấu cảm” trong đoạn trích của Bùi Hiển và từ “thấu cảm” được giải nghĩa trong từ điển lại khác xa nhau. Từ điển định nghĩa rằng “thấu cảm” là “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”, trong khi đó đoạn trích của Bùi Hiển lại là: “Tôi sống chăm chú, vểnh tai và giương mắt như con nai rừng rậm, tôi muốn cho linh giác thẳng căng, để mà THẤU CẢM, một cách lẹ làng tế nhị, sự thầm kín ủ trong những nỗi lòng”. Theo như nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng thì theo đúng văn bản của Bùi Hiển, từ “thấu cảm” nên được hiểu là “cảm nhận một cách thấu đáo” chứ không phải là ghép từ theo lối “thấu hiểu + cảm thông” thành “thấu cảm” (Đến đây làm tôi nhớ đến khái niệm “lồng ghép phối kết hợp” hay thấy trong các băng rôn, khẩu hiệu và báo chí Cách mạng như một sự lố bịch của những kẻ sính chữ). Như vậy, Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học đã sai về nguyên tắc định nghĩa từ, họ tự gán nghĩa cho từ mà không xem xét đến văn cảnh. Còn đoạn trích trong “Thiện, ác và smartphone” chỉ là một tham vọng tạo ra định nghĩa mới cho một khái niệm vẫn còn mơ hồ này”.
Việc Bộ giáo dục đưa khái niệm “thấu cảm”, một từ ít thông dụng và bị định nghĩa sai bởi Từ điển vào đề thi là một sự tắc trách không thể phủ nhận. Đó là còn chưa kể đoạn trích dẫn này sai ngữ pháp tiếng Việt. Điều này đã được chứng minh ở bài “Qua trường hợp “thấu cảm” để suy nghĩ về trình độ tiếng Việt của Bộ giáo dục” đăng trên website Kiểm Dịch. Không bàn tới ý nghĩa “nhân văn” xa xôi nào đó, việc người ra đề làm việc tắc trách, không nắm vững kiến thức và không đủ năng lực nhưng vẫn nhận trách nhiệm vì tiền tài và danh vọng, đã là một hành vi “kém nhân văn”, không thể biện minh bằng một mục đích mỹ miều nào khác để che lấp được.
Thế nhưng, Trần Ngọc Hiếu lại cho rằng: “Chữ “thấu cảm” ít xuất hiện trong xã hội hiện nay, ít hơn nhiều so với những chữ như “kỹ năng”, “tài năng”, “quyết tâm” hay “chăm chỉ”. Đây là một điều đáng tiếc, bởi thấu cảm là nền tảng để trên đó xây dựng sự khoan dung, lòng trắc ẩn và sự tử tế.” Thế nhưng, một nghịch lý là chính việc thiếu “kỹ năng”, “tài năng”, “chăm chỉ” hay “quyết tâm” làm điều đúng lại là điều dẫn đến sự hủ bại trong Bộ giáo dục nói riêng và xã hội Việt Nam hiện nay nói chung. Hơn nữa “lòng trắc ẩn”, “sự khoan dung” và “sự tử tế” có cần phải “thấu cảm” hay không? Một đứa bé sơ sinh không cần “thấu cảm” vẫn có thể hiểu được nỗi buồn của mẹ nó khi mẹ nó gặp chuyện đau lòng. Một con chó không cần “thấu cảm” vẫn có thể hiểu được chủ đó đang vui hay đang buồn. Một học sinh không cần “thấu cảm”, chỉ cần biết đến công bằng cũng có thể hiểu được rằng một em bé nhà nghèo nên được hưởng các quyền lợi ngang bằng như những học sinh nhà giàu khác. Lê Lợi khoan dung cho những người lính thua trận của triều Minh không phải vì thấu cảm mà vì hiểu rằng nếu “truy cùng diệt tận” thì chỉ kết thêm thù oán, không có lợi gì cho quyền lực mới xây dựng của nhà Lê. Thế nên “lòng trắc ẩn”, “sự tử tế”, “sự khoan dung” cũng có thể được xây dựng dựa trên rất nhiều nền tảng khác nhau. Việc đặt nền tảng đạo đức xã hội mà dựa trên một khái niệm lỏng lẻo, không chắc chắn thì e rằng đạo đức ấy cũng mong manh, mang đậm tính giáo lý và chẳng mấy chốc mà sụp đổ.
Nhiệm vụ của môn văn có phải là tuyên truyền về nhân đạo?
Bài viết của Trần Ngọc Hiếu cũng gợi cho tôi nghĩ về chức năng của văn chương mà cụ thể ở đây là môn văn trong nhà trường. Trần Ngọc Hiếu khẳng định như sau:  “Sự thấu cảm, có lẽ không cần bàn cãi nhiều, là năng lực mà giáo dục cần thiết phải vun đắp… Nhận thức được điều ấy, trong chương trình ngữ văn mới, thay vì chỉ khai thác những tác phẩm có thể giúp ích cho việc hình thành con người công dân, rất cần chọn lựa những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, dần dần đưa học sinh tiệm cận sự phức tạp, sự bí ẩn khôn cùng của thế giới và con người, từ đó trân trọng, bảo vệ chính điều ấy. Tác phẩm văn chương luôn có tiềm năng khơi dậy khả năng thấu cảm, trắc ẩn nhưng cần phải tìm được góc độ và phương pháp khai thác.” Nghe thì rất hợp lý, thế nhưng nếu xem xét kỹ sẽ thấy nhận định của Trần Ngọc Hiếu chỉ là đang làm thao tác đổ rượu cũ vào bình mới trong việc thúc đẩy xu hướng “nghệ thuật vị nhân sinh” mà thôi. Bởi vì, ở đây, Trần Ngọc Hiếu vẫn xem văn chương như một thứ công cụ để xây dựng đạo đức xã hội và đặt ra yêu cầu cần nâng cao phương thức nhồi nhét những thứ đạo đức và luân lý này vào những đứa trẻ. 
Thế nhưng, văn chương không phải chỉ có chức năng ấy. Văn chương, ngoài giúp con người tăng khả năng đồng cảm và thấu hiểu các số phận, còn giúp xây dựng các quy chuẩn thẩm mỹ từ việc sáng tạo nghệ thuật ngôn từ (thứ rất thiếu ở Việt Nam), truyền tải tri thức (cũng vô cùng thiếu), kích thích trí tuệ bằng việc đặt ra các câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời và chất vấn về bản chất của xã hội (gần như là không có), thậm chí còn cổ vũ ý chí tự do của con người (không chắc ở Việt Nam có người có ý chí tự do)… Như thế, văn chương còn phải gánh vác rất nhiều các sứ mệnh quan trọng khác mà loài người áp đặt lên, mà trong đó nhiệm vụ “nhân đạo” chỉ là một phần (Phải chăng, Trần Ngọc Hiếu muốn quy tất cả các nhiệm vụ này vào chung những khái niệm chung chung như “nhân đạo”, “nhân văn” hay “nhân sinh”?). Môn văn trong nhà trường cũng vì thế, không thể chỉ hướng văn chương về với sự “nhân đạo”. Cùng chức năng rao giảng về sự “nhân đạo” như Trần Ngọc Hiếu mong muốn, nên chăng Bộ giáo dục cần phải cải thiện môn “Giáo dục công dân” thay vì môn văn? Nên chăng cởi bỏ gánh nặng bớt cho văn chương để văn chương trở thành thế giới cho những đứa trẻ có thể bay bổng và hướng tới cái đẹp, tới sự tự do cá nhân, tới việc khẳng định bản thân với thế giới?
Cứ cho là những gì văn chương có thể mang lại (ngoài giá trị nhân đạo) là quá xa vời so với tình trạng Việt Nam hiện nay, thế thì ở một nhiệm vụ đơn giản nhất của môn văn đó là hướng dẫn học sinh cách sử dụng ngôn từ như tìm từ, hiểu nghĩa từ, cách lắp các từ thành câu có nghĩa, đúng với ngữ pháp, nói ngắn gọn là diễn đạt sao cho mạch lạc để người đọc có thể hiểu được, không phải là quá tầm với. Nhiệm vụ này đến nay, thậm chí còn chưa thực hiện được tốt, mà cụ thể là bộ phận ra đề đã chọn một câu văn sai ngữ pháp làm đoạn mẫu cho bài thi đọc hiểu. Nếu môn văn trong nhà trường còn không thể hướng dẫn học sinh cách viết sao cho đúng thì làm sao có thể đủ tư cách bàn về sứ mệnh nhân đạo của văn chương?
Qua những ý kiến tranh luận bảo vệ cho khái niệm “thấu cảm” và đề thi này, tôi không khỏi lo ngại cho tương lai văn chương Việt Nam nói riêng và nhận thức của một thế hệ tương lai nói chung. Khi bộ giáo dục không biết cách ra đề thi cho đúng, không biết cách dạy tiếng Việt đúng đắn cho học sinh, không hiểu được các sứ mệnh của văn chương thì không thể tạo ra được những đứa trẻ biết sử dụng tiếng Việt cho chuẩn cũng như có khả năng hiểu văn chương (cho dù nó có được học cách diễn kịch để minh họa tác phẩm truyện đi chăng nữa, bởi văn chương không chỉ là những cốt truyện, những số phận). Những đứa trẻ người Việt không biết cách sử dụng tiếng Việt cho đúng đắn thật sự là một điều lố bịch, những con người không thể thông qua tương tác rồi nảy sinh lòng trắc ẩn mà phải bị dẫn hướng bởi một tầng lớp trí thức nào đó cũng là một điều nhảm nhí. Và như thế thì tính nhân văn, nhân đạo hay nhân sinh nào đó đâu còn ý nghĩa gì nữa mà chỉ là những phần mềm được cài đặt vào não trạng non nớt của học sinh. 
Hơn thế nữa, tôi còn lo ngại khi một khái niệm tối nghĩa như “thấu cảm” được chính thức hóa, được nhồi nhét vào đó những sứ mệnh đạo đức cao cả, với những ý định mang tính chính trị lý tưởng thì khái niệm này lại trở thành một thứ cản trở lòng trắc ẩn, sự khoan dung và sự tử tế tự nhiên của con người. Người ta sẽ lấy nó làm quy chuẩn (vì nó được nhấn mạnh trong chương trình học chính thống của bộ giáo dục), từ quy chuẩn ấy người ta sẽ lại phán xét người khác để rồi nhân danh “thấu cảm” người ta có thể làm đủ trò khác trên đời. Có tôn giáo nào, có tư tưởng nào, có xu hướng nào mà không quăng ra xã hội những ngôn từ mỹ miều như những “miếng mồi”? Bởi thế, từ “thấu cảm” trong văn chương của Bùi Hiển, của Bảo Ninh, người ta đọc lên thấy hay hay; khi được sử dụng trong báo chí và cuốn sách thị trường “Thiện, Ác và Smartphone” của Đặng Hoàng Giang thì nó trở nên khập khiễng khiến ta cảm thấy “sai sai”; nhưng đến bài viết đầy tính giáo lý và lý luận của Trần Ngọc Hiếu thì khái niệm này trở thành một từ rỗng tuếch giống như khái niệm “thiên đường Xã hội chủ nghĩa” hay “thế giới đại đồng” vậy.
Hà Thủy Nguyên