Một trong những nhân vật huyền thoại nhất trong lòng người Ukraina chính là Volodymyr Đại đế. Ông trị vì Kyiv từ năm 980 đến 1015, xây dựng nhiều công trình trọng yếu, kết nối các bộ lạc chia rẽ và truyền bá Cơ Đốc giáo. Ngày nay, ông được tôn vinh với bức tượng kỳ vĩ nhìn xuống dòng sông Dnipro phân đôi thành phố Kyiv.
Thế nhưng Nga cũng lấy ông làm trung tâm của lịch sử tôn giáo và chính trị nước này. Họ gọi tên ông theo phiên bản tiếng Nga: Vladimir Đại đế. Sáu năm trước, Nga còn tạc cả một tượng đài lớn hơn tượng ông ở Kyiv và đặt ngay cạnh điện Kremlin.
Nga cố tình vượt mặt Ukraina với cái tượng to hơn không chỉ là một cuộc so bì vặt vãnh về lịch sử. Mà nó liên quan tới những cách diễn giải quá khứ khác nhau hoàn toàn và cuộc tranh luận về tình trạng độc lập của nước Nga và Ukraina hiện đại trong bối cảnh xung đột đang xảy ra.
“Ukraine đâu chỉ là một nước láng giềng của chúng ta,” Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình ngày 21/02, chỉ ba ngày trước khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. “Nó là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần của nước Nga.”
Bức tượng Volodymyr Đại đế, một tượng đài cao ngất ở Ukraine, được bọc trong vải để tránh hư hại do cuộc tấn công của Nga ở Kiev. Volodymyr đã đưa Cơ đốc giáo đến Kyiv vào năm 988, và rửa tội cho cư dân trên sông của thành phố. Người Nga cũng coi ông là nhân vật trung tâm trong lịch sử của họ, gọi ông là Vladimir Đại đế.
Efrem Lukatsky / AP
Ở thủ đô Kyiv, tượng Volodymyr chỉ cách văn phòng của người đang dẫn dắt quốc gia cũng tên là Volodymyr, tổng thống Ukraine Zelensky, vài bước chân.
Cả hai đều được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Nga. Tổng thống Volodymyr làm việc trong một được khu trại được gia cố vững chắc. Còn bức tượng Volodymyr được phủ bằng vải bạt màu xanh lá, xung quanh là giàn giáo ghi rõ ông đã chiếm giữ vị trí uy quyền này từ năm 1853.
“Đây là thành phố của ông ấy,” George Kovalenko, một linh mục và học giả tôn giáo, nói về Volodymyr đại đế. Anh trò chuyện với NPR dưới bóng đổ của bức tượng Volodymyr.
Volodymyr, anh nói, đã đưa Kyiv lên bản đồ thế giới. Ngoài việc thống nhất vương quốc, ông đã mở cửa giao thương với các khu vực khác của châu Âu và cũng là một nhà ngoại giao tài giỏi. Tuy nhiên, di sản lâu dài nhất của ông, Kovalenko nói, là vào năm 988 khi “ông mang Cơ đốc giáo đến Kiev và đặt nền móng cho nhà nước Cơ đốc giáo này.”
Ông cũng có nhiều danh xưng. Kovalenko cho biết anh vừa gọi tên Volodymyr trong nhà thờ bằng danh xưng “Holy, Equal-to-the-Apostles, Grand Prince Volodymyr.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài Vladimir Đại đế bên ngoài Điện Kremlin năm 2016. Người trị vì thế kỷ 10 của Kyiv chưa từng sống ở Moscow. Nhưng Putin đã tìm cách miêu tả Vladimir Đại đế như một nhân vật chủ chốt trong một nhà nước Nga thống nhất & tập trung bao gồm Ukraina.
Alexander Zemlianichenko / AP
Một cách diễn giải khác ở Nga
Ở Moscow, vị hoàng đế vĩ đại được biết đến như Vladimir Đại đế. Cũng có một Vladimir nổi tiếng không kém, tổng thống Nga Putin, người đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng tượng đài này vào năm 2016.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành bức tượng được bao quanh bởi các linh mục và chính trị gia Chính thống giáo, ông Putin nói rằng việc đại đế Vladimir tiếp nhận Cơ đốc giáo đã tạo tiền đề cho nước Nga hiện đại – khi quyền lực chuyển sang Moscow trong nhiều thế kỷ.
Đại đế Vladimir xuất hiện trong lịch sử với vai trò thống nhất và bảo vệ lãnh thổ Nga, một chính trị gia có tầm nhìn, người đã xây nên nền móng vững vàng, đoàn kết, tập trung để có thể liên kết mọi người từ các sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau thành một đại gia đình,” Putin phát biểu.
Nếu những lời đó tương thích với tầm nhìn như một đấng cứu thế của Putin đối với nước Nga ngày nay thì cũng chẳng phải ngẫu nhiên, Sergei Chapnin, một học giả nghiên cứu về Cơ đốc giáo Chính thống, người trước đây làm việc tại Tòa Thượng phụ Moscow, cho biết.
“Không chỉ Đại đế Vladimir mới có cái tên này. Nên bạn phải tìm xem, Vladimir nào trong số họ mới là yếu nhân?” Chapnin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NPR.
Chapnin nói rằng tượng đài ở Moscow là một phần trong nỗ lực lớn của Điện Kremlin nhằm khẳng định lại nước Nga hiện đại như trung tâm của đời sống chính trị và tinh thần Slavic – một ý tưởng mà Putin ngày càng đồng thuận khi chứng kiến Ukraina nghiêng dần về phía phương Tây.
Chapnin cho biết: “Vì vậy, ông đã dựng tượng đài khổng lồ này ở trung tâm Moscow để cố vật thể hóa ý tưởng rằng di sản của đại đế Vladimir bằng cách nào đó được chuyển từ Kyiv đến Moscow,” Chapnin nói.
Bức tượng Volodymyr Đại đế ở Kyiv vào năm 2019, trước khi tượng đài được phủ lại để bảo vệ trong cuộc giao tranh hiện tại.
Efrem Lukatsky / AP
Người dân Ukraine nhìn thấy những nỗ lực loại bỏ căn tính của họ
Những gì người Ukraine nhìn thấy là một nỗ lực của Nga để chiếm lấy lịch sử của họ, giống như việc Nga ngày nay đang cố gắng chiếm nước của họ.
Kovalenko, học giả tôn giáo, cho biết các nhà lãnh đạo Nga từ thời Peter Đại đế vào đầu những năm 1700 đã và đang cố gắng phá bỏ khái niệm về một Ukraine độc lập.
Ông nói: “Điều quan trọng là phải hiểu rằng cuộc chinh phục đế quốc này vốn có lịch sử lâu đời.”
Ông cho biết Moscow thà chọn cách tiện tay bỏ qua các sự kiện lịch sử quan trọng nếu nó gây bất lợi. Khi Volodymyr cai trị, lãnh thổ của ông bao gồm các phần của Ukraine, Nga và Belarus ngày nay. Thành phố Moscow không tồn tại.
Vào ngày Kovalenko trò chuyện với NPR, Kyiv đang đánh dấu kỷ niệm 1.540 năm thành lập. Moscow, ông nói một cách lạnh lùng, còn chưa đầy 900 năm tuổi.
Một nhà cầm quyền lên đồ đánh trận
Một thiên niên kỷ trước, điện Kremlin gần nơi đại đế Vladimir đang đứng chỉ là một vùng đầm lầy.
Thật vậy, các kế hoạch ban đầu đặt tượng đài trên bờ cao của sông Moscow đã bị bác bỏ vì lo ngại đất có thể sạt lở và dìm Vladimir xuống dòng nước bên dưới.
Khi tượng đài ở Moscow được khánh thành vào năm 2016, Thượng phụ Kirill, người đứng đầu nhà thờ Chính thống giáo Nga, đã bào chữa cho việc xây dựng một bức tượng của một người đàn ông chưa bao giờ sống trong thành phố.
Kirill nói: “Tượng đài một người cha có thể ở bất cứ nơi nào mà các con của ông đang sống. “Nhưng phũ phàng làm sao khi chính những đứa con lại quên rằng chúng có một người cha ngay từ đầu.”
Thật vậy, tại đài tưởng niệm Moscow, một số nhà quan sát đã nhìn thấy những dấu hiệu về chủ nghĩa quân phiệt đang gia tăng bên trong Điện Kremlin.
Nhà sử học người Nga Nikita Sokolov lưu ý rằng trong khi cả hai bức tượng đều tạc hình Đại đế với cây thánh giá, thì Vladimir của Moscow mặc binh phục và còn mang thêm kiếm.
Sokolov nói với NPR: “Đó là một hành động mang tính biểu tượng cho chiến tranh với Ukraine. “Không giống như ‘người anh em’ ở Kyiv, bức tượng ở Moscow mang tính chất quân phiệt và đế quốc.”
Những di sản hiện hữu của Volodymyr ở Kyiv
Tại Kyiv, George Kovalenko cho biết Nga đối với Vladimir của họ như thể ông ấy là một nhân vật trong truyền thuyết. Nhưng ở Ukraine, anh nói thêm, di sản của Volodymyr là rất thực.
Solokov nói: “Người dân ở Moscow coi Volodymyr như một nhân vật thần thoại, vì ý niệm này rất xa vời.” Đối với những người sống ở đây tại Kyiv, ông ấy không phải huyền thoại. Ông đã ở đây, xây dựng những tòa nhà mà chúng tôi đi qua, những nơi mà chúng tôi cầu nguyện và và nhìn thấy hàng ngày.”
Anh nói Volodymyr không phải là một người đàn ông hoàn hảo.
“Ông ấy có lúc là một kẻ thống trị tàn bạo, và tôi phải hiểu bối cảnh mà ông sống và cai trị,” anh nói. “Chúng ta có thể tôn vinh ông, nhưng đồng thời, hiểu rằng ông là một nhân vật thuộc về thời đại đã qua.”
Có vẻ như ông ấy cũng là một nhân vật tiêu biểu cho khoảng thời gian khó khăn này. Một người, hai tên, những bức tượng đấu tay đôi và những cách diễn giải mâu thuẫn là một phần quan trọng của trận chiến ngày nay.
Charles Maynes
Yến Nhi dịch
Nguồn: Volodymyr vs. Vladimir: How rival statues explain the Russia-Ukraine conflict