Chekhov và Sholokhov
Chekhov và Sholokhov là hai cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Nga. Trong thể loại này, nếu như Chekhov là “người phá vỡ chủ nghĩa hiện thực” trong văn học thì Sholokhov là hiện thân của truyện ngắn sử thi. Dưới góc nhìn so sánh về hai truyện ngắn tiêu biểu của hai tác giả: “Người trong bao” và “Số phận con người”, bài viết này sẽ góp phần chỉ ra những đặc trưng riêng biệt của mỗi tác giả.
Người trong bao của Chekhov
Trước hết, về vấn đề biến cố và cốt truyện, truyện ngắn “Người trong bao” kể về cuộc nói chuyện giữa Burkin và Ivanuch sau khi đi săn về muộn và nghỉ đêm trong gian nhà kho của ông trưởng xóm. Bằng việc miêu tả bà Mavra – vợ ông trưởng xóm cả đời không ra khỏi cửa, Burkin đã kể cho Ivanuch nghe về cuộc đời của vị đồng nghiệp Belikov – giáo viên dạy tiếng Hy Lạp, một con người luôn sợ hãi mọi thứ, sống thu mình vào bao cả về vật chất và tinh thần. Chất liệu cơ bản để tạo thành cốt truyện là sự kiện, ở cấp độ cao hơn là biến cố được xây dựng từ những sự kiện lớn tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Biến cố duy nhất trong cuộc đời Belikov là khi mọi người mai mối cho anh ta một cô vợ (Varenca). Vốn là một “người trong bao” Belikov trái ngược hoàn toàn với con người bộc trực và phóng khoáng như Varenca. Khi lâm vào cảnh trái ngược với bản tính của chính mình, nhân vật mới bộc lộ một cách rõ rệt. Belikol không thể hòa nhập với đời sống tự nhiên, hắn không thể tồn tại khi không có vỏ bọc của riêng mình. Khi bị ngã xuống cầu thang, không phải tiếng cười của Varenca đã giết chết hắn mà chính cuộc sống thực tế đã giết chết hắn.Theo lẽ thường, trong tác phẩm tự sự, khi nhân vật chính chết đi hay bị giết, sẽ đẩy tình huống ấy thành biến cố .Tuy nhiên, trong “Người trong bao”, Belikov chết đi, cả thành phố đưa ma với “cảm giác khoan khoái”. Những tưởng cuộc sống sau đó là cuộc sống của tự do, nhưng không, con người vẫn trôi trong không khí nặng nề, mệt nhọc vô vị của cuộc sống như trước. Chekov đã rất thành công khi khắc họa một biến cố giả để tái hiện một cách xuất sắc về hiện thực xã hội.
Số phận con người của Sholokhov
“Số phận con người” là câu chuyện về mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, trong một chuyến công tác, khi đi qua bến phà, nhân vật “tôi” làm quen với một người lái xe A. Sokolov và cậu con trai. Người lái xe đã kể cho cậu nghe về câu chuyện thăm trầm của cuộc đời mình. Cả cuộc đời A.Sokolov được khắc họa thông qua hàng loạt các sự kiện gắn với những mốc thời gian cụ thể. Nhân vật chính được đặt vào một hệ thống các tình huống thử thách với mật độ dày đặc. Tác giả đặt Sokolov vào hoàn cảnh với những mối quan hệ phức tạp, chồng chéo. Hàng loạt các sự kiện như có ba biến cố tiêu biểu nhất: Chiến tranh bắt đầu, Sokolov lên đường nhập ngũ; Gia đình và đứa con trai bị giết; gặp gỡ Vanhia và nhận em bé làm con nuôi. Những biến cố này đã làm thay đổi hoàn toàn số phận của người lái xe Sokolov.
Kết cấu truyện
Về vấn đề kết cấu, cả hai truyện ngắn trên đều có kết cấu truyện lồng truyện. Trong truyện ”Người trong bao”, Belikov được lồng trong câu chuyện về thầy giáo Burkin và Ivanuch. Bên cạnh đó, kết cấu vòng tròn, đầu cuối tương ứng được thấy rõ khi mở đầu tác phẩm, hoàn cảnh người kể chuyện Burkin “nằm trên đống cỏ khô, trong bóng tối không nhìn rõ mặt”, bác sĩ Ivan “ngồi ngoài cửa ngậm tẩu thuốc lá”. Họ kể cho nhau nghe về bà Mavra – vợ người trưởng xóm, suốt ngày “ru rú bên bệ lò”. Đên phần kết thúc, hình ảnh đó lại xuất hiện: “cả hai người đi vào nhà kho và nằm trên đống cỏ khô”, tiếng bước chân bà Mavra dừng lại rồi bước tiếp. Hình ảnh cuối cùng của truyện ngắn là vị bác sĩ Ivannuch “ngồi xuống bên cửa rồi lại lấy thuốc ra hút”. Sự lặp lại này như chính sự bức bối của hoàn cảnh đồng thời thôi thúc con người hướng đến tự do, rộng lớn. Còn đối với truyện ngắn “Số phận con người”, cũng với kết cấu truyện lồng truyện nhưng ở đây, Sholokhov xây dựng câu chuyện về A.Sokolov bên trong câu chuyện về cuộc đối thoại giữa anh ta và nhân vật tôi. Để câu chuyện được bộc lộ từ chính nhân vật, tạo được sự khách quan, chân thật. Người lái xe Sokolov tự kể về cuộc đời thăng trầm của mình như giúp người đọc quên đi vai trò của tác giả mà trực tiếp đối thoại với nhân vật.
Người kể chuyện
Trong truyện ngắn ”Người trong bao”, có hai hình tượng người kể chuyện: một là người kể chuyện vô hình dẫn dắt câu chuyện, kể về cuộc nói chuyện giữa người thầy giáo Burkin và bác sĩ Ivanuch và người kể thứ hai là Burkin kể lại câu chuyện về Belikov. Nhưng các đánh giá, phát biểu tư tưởng lại giao cho bác sĩ Ivan- một nhân vật nghe lại câu chuyện và là người đứng ngoài câu chuyện về Belikov. Về điểm nhìn trần thuật, khi tái hiện bức chân dung Belikov, dường như người kể chuyện đã lùi ở phía sau mà lặng lẽ ghi chép lại các tình tiết, sự kiện theo quan điểm của mình. Sau đó gần như người kể nhập vai vào nhân vật tôi cùng tồn tại khách quan bên cạnh Belikov như hai chủ thể độc lập. Nhân vật Burkin khi kể về Belikov đã chen vào những câu nói thể hiện tính chân thực, xác nhận câu chuyện của mình: ”Belikov ở ngay cùng một nhà với tôi,… cùng một tầng, cửa đối diện nhau. Tôi với hắn thường xuyên giáp mặt nhau và tôi biết rõ nếp sinh hoạt ở nhà của hắn”. Điều này giúp người đọc mặc nhiên thừa nhận niềm tin tuyệt đối vào nhân vật xưng tôi. Tuy nhiên, điểm nhìn ở đây không hẳn chỉ là nhân vật xưng “tôi”, chúng ta thấy một số câu miêu tả một cách tường tận về chính suy nghĩ của Belikov mà nếu đối chứng với nhân vật xưng tôi – Burkin – một đồng nghiệp và là một người hàng xóm thì anh ta không thể biết hết những chi tiết cũng như cách nghĩ của Belikov được, bởi như chính nhân vật xưng tôi đã nhận xét “ngay cả suy nghĩ hắn cũng để trong bao”. Điều này cho thấy sự đa điểm nhìn trong tác phẩm của Chekhov.
Đối với “Số phận con người” Sholokhov để cho câu chuyện nằm trọn trong cuộc đối thoại giữa nhân vật tôi và Sokolov. Ở đây, điểm nhìn trần thuật mang tính chủ quan của người kể nhưng mang tính khách quan cho người đọc, bởi anh ta là người trong chính câu chuyện anh ta đang kể. Chính điều này đã mang đến tính chân thực, dường như buộc người đọc phải tham gia vào câu chuyện với tư cách là đối tượng tham gia lắng nghe câu chuyện trực tiếp chứ không phải một người đọc thông qua văn bản.
Không gian
Đối với một tác phẩm tự sự, không gian là hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng nghệ thuật. “Người trong bao” theo bước chân tác giả đưa người đọc đi khắp nơi, mọi ngóc ngách sinh hoạt đời thường của Belikov nhưng vẫn không thể tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, bức bối ngay cả khi trời nóng, hắn cũng đi giày cao su, cầm ô và mặc áo ấm cốt bông, ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ cũng để trong bao… hay cả suy nghĩ cũng để trong bao. Các căn phòng trở thành không gian nghệ thuật chủ đạo khi hàng loạt các căn phòng được miêu tả. Nhưng điều đáng chú ý là dẫu là phòng riêng, các nhân vật tự khép mình nhưng vẫn không phải là một không gian riêng tư mà là không gian của sự rời rạc, không có sợi dây kết nối con người – con người, bầu không khí ngột ngạt. Ngay cả không gian nhà kho, trong cuộc đối thoại của Burkin và Ivanuch dường như cũng vậy, căn phòng chìm trong bóng tối, chỉ có ánh trăng chiếu sáng. Dường như vị bác sĩ Ivanuch không tìm được một tiếng nói chung bởi chính người đã kể câu chuyện “người trong bao” với anh ta khi Burkin chỉ liên tiếp khuyên Ivanuch đi ngủ. Cả không gian bao la rộng lớn ở bên ngoài với “cánh đồng rộng dưới cánh trăng mênh mông,” “con đường làng quê thoáng đãng” càng khắc họa sự tĩnh lặng, im lìm. Sự tương phản không gian: chật hẹp – thoáng rộng, bóng tối – ánh sáng, âm thanh bức bối- sự tĩnh lặng thanh thản,… góp phần xác định dòng chảy cho mạch ngầm tâm trạng của hai nhân vật Burkin và Ivanuch. Khác với Chekov, Solokhov trong “Số phận con người” miêu tả một không gian “mùa xuân thanh bình” đầu tiên sau chiến tranh với cơn gió ấm áp để bắt đầu cho câu chuyện cuộc đời người lái xe. Đến câu chuyện này, cả một không gian rộng lớn mở ra trước mắt người đọc với hàng loạt các địa danh cụ thể trải dài trên các đất nước khác nhau như: Cuban, Varonher, Poznan, Sacsoxia, Rura, Rurxki, Beclin,… Không gian được mở rộng theo mỗi lời kể của Sokolov với những địa danh có thực mang đến cảm giác tin cậy cho người đọc .Khác với một không gian phiếm chỉ gợi cảm giác khép kín, rời rạc, ngưng đọng của “Người trong bao” thì ở đây, chiều không gian được mở rộng tối đa, gắn với những địa điểm là những mốc thời gian cuộc đời nhân vật cũng chính là mốc thời gian lịch sử, truyện ngắn “Số phận con người” như một sử thi thu nhỏ của dân tộc Nga. Không gian trong tác phẩm như một biện pháp khắc họa con người, chiều không gian tương ứng với bản chất và tầm vóc, tinh thần của con người: con người nhỏ bé, cam chịu – không gian ngột ngạt, ngưng đọng ; con người mang tầm vóc sử thi – không gian trải dài theo thời gian.
Thời gian
Khi nhận xét về thời gian trong các tác phẩm của Chekhov, một nhà phê bình đã nhận xét “văn học thực sự trở thành nghệ thuật thời gian”. Thời gian của “Người trong bao” với câu chuyện thứ nhất được kể ở thì hiện tại, nhường chỗ cho câu chuyện thứ hai được kể theo quá khứ, như một tấm gương soi vào câu chuyện thứ nhất. Thông qua điều này bác sĩ Ivanuch bộc lộ tư tưởng của tác giả đến người đọc theo một cách ngắn hơn và trọn vẹn hơn. Hàng loạt thời gian phiếm chỉ: “cách đây khoảng hai tháng”, “Dạo ấy”, “khoảng ba ngày sau”, ”chừng độ mười phút”, …Tuy diễn tả hàng loạt khung thời gian ứng với mốc trong cuộc đời của Belikov nhưng người đọc dường như cảm thấy một thời gian ngưng đọng, đóng khung trong hiện tại. Những từ ngữ miêu tả thời gian triền miên, liên tục như một hiện tại cứ tiếp diễn mãi. Còn trong “Số phận con người” mỗi giai đoạn và sự kiện dù nhỏ bé trong cuộc đời Sokolov ứng với một giai đoạn và sự kiện lớn lao trong lịch sử. Cả một khoảng thời gian lịch sử trong cuộc đời người lái xe từ trước chiến tranh xảy ra, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến tranh đều khắc họa bằng các mốc thời gian cụ thể, rõ nét. Cõ lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu gọi “Số phận con người” là “tiểu anh hùng ca” còn “Người trong bao” đóng khung hiện tại, là sự phá vỡ nguyên tắc và thi pháp của chủ nghĩa hiện thực.
Nhân vật
Khi đặc tả nhân vật trung tâm, Chekov để cho người đồng nghiệp Burkin miêu tả về Belikov với hàng loạt các nét khắc họa về ngoại hình cũng như thông qua hành động, cử chỉ và mối quan hệ với các nhân vật khác. Với điểm nhìn từ Burkin và sự nghịch dị khi miêu tả Belikov, câu chuyện về Belikov dường như là một câu chuyện huyền thoại. Khi miêu tả nhân vật trung tâm Sokolov, Sholokhov thông qua nét đặc tả chân dung, chú ý vào một vài đặc điểm nổi bật để lột tả được cả diện mạo của nhân vật, đó là những nét tinh anh nhất, ấn tượng nhất: đôi bàn tay “to lớn đen sạm”, cặp mắt”như bị phủ tro, chan chứa một nỗi buồn thê thảm, chết chóc”. Nhân vật trung tâm tự miêu tả chính mình và bộc lộ nhân cách thông qua các cuộc đối thoại cũng như trong chính cách cư xử với sự việc được chính anh ta kể lại. Khoan hãy nói cách đặc tả nhân vật nào xuất sắc hơn bởi mỗi nhân vật mang nét tính cách và hình thái khác nhau, bởi vậy mà so sánh thủ pháp là một điều khiên cưỡng. Khi Belikov chết, hắn được chui vào đúng trong bao như hẳn mong ước với vẻ mặt “hiền lành, dễ chịu, thậm chí có vẻ tươi tỉnh”. Belikov là đại diện cho con người trong cuộc sống đời thường tẻ nhạt. Truyện ngắn “ Người trong bao” đã khơi gợi khát vọng tự do đổi thay cuộc sống với kết luận của Ivan: ”Không, không thể sống như thế mãi được!” chính là thông điệp thôi thúc nhân vật và cả người đọc đổi thay cuộc sống của chính mình sao cho xứng đáng với cuộc sống của Con người. Đối với Sholokhov, người lái xe A.Sokolov là hiện thân của sự kiên cường, hình mẫu anh hùng trong thời đại mới. Tuy vậy câu chuyện của anh kết lại ở một nốt trầm đau xót:hầu như đêm nào anh cũng chiêm bao thấy người thân quá cố, …, “đầm đìa nước mắt”. Nhưng chuyện ngắn không dừng lại ở bi kịch ấy. Cuối tác phẩm, nhân vật tôi tái hiện lại khung cảnh mùa xuân, con đường, dòng sông và lời nhận xét: “Tự nhiên tôi muốn nghĩ rằng con người Nga đó là người có ý chí kiên cường không gì bẻ gãy được, và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi đã lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại vật trên đường, nếu như Tổ quốc kêu gọi.”
Kết luận
Trong nền văn học Nga, Chekov và Sholokhov đều có chỗ đứng vững chắc với những đặc trưng riêng biệt. Nếu như Chekov lên án, phê phán cách sống “Người trong bao” thì Sholokhov hướng người đọc đến những phẩm chất kiên cường của dân tộc Nga. Cả hai nhà văn đều mong muốn hướng người đọc đến sự vận động đi lên của cuộc sống.Bởi bản thân mỗi cá nhân không được xác định bằng một tính cách cụ thể. Họ mang trong mình mầm mống tất cả tính cách của xã hội loài người. Ví như L.Tolstoy từng nói” Con người là một dòng sông”. Dòng sông không thể ngừng chảy. Hướng người đọc đến sự vận động đi lên cũng là xu hướng chung của các nhà văn, trải dài từ thế kỉ XIX đến thế kỉ XX. Chúng ta sẽ bắt gặp sự vận động này qua hàng loạt các sáng tác nổi tiếng của L.Tolsoy, Dostoevsky,… đến Maxim Gorky, Kataev,…
Phạm Ngọc Lan
Học viên lớp “Viết để biểu hiện bản thân”
www.bookhunter.vn/khoa-hoc-viet-de-bieu-hien-ban/