Home Đọc THE PROMISED NEVERLAND – KHI CHẲNG CÓ MIỀN ĐẤT HỨA TRÊN ĐỜI

THE PROMISED NEVERLAND – KHI CHẲNG CÓ MIỀN ĐẤT HỨA TRÊN ĐỜI

Tôi đọc liền một mạch 36 chương “The Promised Neverland” trong một buổi chiều. Ấn tượng đầu tiên đến từ nét vẽ của họa sĩ

Thư Sinh

25/02/2019

Tôi đọc liền một mạch 36 chương “The Promised Neverland” trong một buổi chiều. Ấn tượng đầu tiên đến từ nét vẽ của họa sĩ Posuka Demizu. Đường nét đậm nhưng không làm mất đi sự thông thoáng, phần phông nền cũng được khắc họa khá chi tiết. Trại mồ côi nơi những đứa trẻ sinh sống tràn ngập ánh sáng, tiếng cười và niềm vui. Từ góc nhìn của nhân vật chính Emma, nơi đó chính là Thiên Đường, là nhà, là gia đình của cô bé. Cũng ở nơi này, những đứa trẻ được nuôi dưỡng và phát triển bản thân cả về thể chất và tinh thần trong một môi trường hoàn hảo. Nụ cười luôn thường trực trên môi chúng, tình yêu thương của Mama (người trông trẻ) luôn hiện diện xung quanh, ôm ấp, vỗ về, quan tâm, dạy dỗ chúng. Nếu nhìn theo góc độ của giáo dục hiện nay, thì trại trẻ đó quả thực là nơi đáng mơ ước nhất, và đáng để người ta bỏ công sức và tiền bạc ra để xây dựng, thực hiện nhất.
Viết đến đây, tôi bỗng dưng nhớ đến mô hình giáo dục được nhắc đến trong “Tottochan bên cửa sổ”: Cũng chú trọng đến cảm xúc của những đứa trẻ, cũng tạo điều kiện để chúng được học tập cũng như được vui chơi thực sự. Thế nhưng nếu “The Promised Neverland” cũng là một câu chuyện như vậy thì thật là chẳng có gì đáng nói. Giống như cuộc sống, điều bất ngờ của bộ truyện LUÔN LUÔN nằm ở phía sau.
Khi ngôi nhà chỉ là một cái lồng
Bí mật động trời nhất trong “The Promised Neverland” được tiết lộ ngay trong chương đầu tiên, khi Emma và Norman “tình cờ” nhận ra một sự thật: Không có bất cứ trại trẻ mồ côi nào ở đây hết. Những đứa trẻ được nuôi tại “trại mồ côi” thực chất là nguồn dinh dưỡng sẽ xuất ra bên ngoài theo kỳ hạn được thông báo trước. Mama hằng yêu thương và bảo vệ chúng thực chất là tay giám sát giữ nhiệm vụ canh giữ nguồn thức ăn. Bọn trẻ con (từ sơ sinh đến 12 tuổi) không được coi là người, mà chỉ được nuôi, được “vỗ béo” để có thể có được nguồn hàng tốt nhất cung cấp ra bên ngoài. Trong khi được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, sự nhẹ nhàng, không đứa trẻ nào có thể hình dung được một ngày nào đó chúng sẽ bị giết chết, ngâm trong lọ, trở thành thức ăn cho ai/ cái gì đó ở thế giới bên ngoài. Và đó chính là ngày chúng nó được “nhận nuôi”.
Nghe có vẻ kỳ dị, ảo tưởng, và có nhiều người sẽ chung một quan điểm rằng đây chẳng qua chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của một tay tác giả điên rồ bệnh hoạn, chỉ là những thứ vô lí vốn không bao giờ có thể xảy ra được trong thế giới loài người chúng ta đang sống hiện nay. Tuy nhiên, ý kiến của tôi lại hoàn toàn ngược lại. Câu chuyện về lũ trẻ trong “The Promised Neverland” là một câu chuyện có thật, đang diễn ra trong đời sống này, và vẫn tiếp tục diễn ra từng ngày, từng giờ.
Hãy nhìn vào hoàn cảnh sống của những đứa trẻ, nó không khác gì hoàn cảnh của chúng ta. Trường học được mở ra, từ cấp mẫu giáo cho đến bậc đại học, với hi vọng và nhiệm vụ đào tạo ra những “chủ nhân tương lai của đất nước”. Những người cha, người mẹ chăm sóc con cái họ, cho chúng ăn ngon, mặc đẹp, được vui đùa thỏa thích, được đọc sách, xem phim, được chơi thể thao, nghe nhạc,… với kỳ vọng đứa trẻ lớn lên sẽ trở nên xuất chúng, nhưng cũng phải biết nghe lời. Không có chỗ cho sự nổi loạn. Thực ra, những đứa trẻ cũng vẫn sẽ luôn ngoan ngoãn, cho đến khi nào chính bản thân chúng nhận ra chúng chỉ là thức ăn cho một đối tượng nào đó mà chúng không hề hay biết. Còn chúng ta, những con người được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến, được sống trong vòng tay bao bọc, chăm sóc của gia đình, bạn bè, chúng ta sẽ lớn lên, sinh sống như bao mô hình người khác trong xã hội: Học – Đi làm – Lấy chồng/ vợ – Nuôi con – Già, chết. Chúng ta là “thức ăn” cho một quy trình được đa số công nhận (hoặc đa số không dám phản kháng); chúng ta là “thức ăn” cho những con người yêu cầu ta phải sống theo ý họ bởi họ đã cung cấp cho ta những gì tốt nhất – chỉ trừ tự do.
Có những người nhận ra sự thật ấy ngay từ khi mới sinh, có những người đến chết vẫn không nhận ra, cũng có những người nửa chừng đã bàng hoàng nhận ra rằng đôi khi, thực tại mà họ đang sống dù có yên bình và bằng phẳng đến mấy thì thực chất vẫn chỉ là một cái lồng son đẹp đẽ được thiết kế riêng để nhốt họ. Và khi ấy, họ buộc phải lựa chọn.
Chạy trốn hay phá hủy?
Ray, Emma, Norman là ba đứa trẻ biết sự thật về trại trẻ và Mama trước tiên. Chúng đã lên kế hoạch để chạy trốn. Một kế hoạch có nhiều mạo hiểm bởi Emma muốn đưa tất cả đám trẻ con đi theo. Trong khi bị kiểm soát bởi một con chíp định vị được gắn trong người, sẽ rất khó để có thể tẩu thoát, chứ đừng nói đến việc đưa một lũ trẻ con nheo nhóc theo. Thế nhưng chúng vẫn làm. Kế hoạch được đề ra nhanh chóng và cũng nhanh chóng được chuẩn bị. Tuy nhiên, chúng không hề lường trước được đến việc Mama có thể trở mặt và phá hủy kế hoạch đó. Không thể chạy trốn khỏi bức tường dày với bờ bên kia là vực thẳm. Công trình trại trẻ đó đã được thiết kế vô cùng cẩn trọng để kể cả khi có leo lên được bức tường thành thì bọn trẻ cũng không thể thoát ra ngoài.
Cũng giống như câu nói quen thuộc trong series phim “Final Destination”: “Chúng mày có thể chạy chứ không thể trốn”, đến cuối cùng, lũ trẻ mới nhận ra nếu chỉ lập kế hoạch chạy trốn thì chúng sẽ chẳng bao giờ thoát được. Cách duy nhất để sống sót không phải là chạy trốn, mà là phá hủy toàn bộ khu trại cũng như khu trung tâm. Chừng nào bọn trẻ còn muốn chạy, chừng đó chúng càng dễ bị bắt lại.
Hoàn cảnh bắt buộc tất cả những đứa trẻ phải đối mặt với vấn đề không thể trốn và không thể trốn đi hết được. Cuộc chiến một mất một còn này không diễn ra trong ngày một ngày hai mà dài hơn thế. Trong truyện, tác giả khắc họa nó trong vài trang giấy. Ở ngoài, chúng ta sẽ phải khắc họa nó trong cả đời. Để không bị biến thành “thức ăn”, cái mỗi người cần làm không phải là trốn chui trốn lủi. Người ta cần “giết” kẻ muốn “làm thịt” mình, đạp đổ hệ thống muốn nhốt mình. Tuy nhiên, tất cả điều đó chỉ có thể xảy ra khi người ta ý thức rõ rệt được việc bản thân đang bị chăn nuôi như một loài động vật, chờ đến ngày thích hợp là có thể đem ra xẻ thịt. Chỉ khi biết mình là gì và đang đứng ở đâu, ta mới có thể tìm cách thoát ra được.
“The Promised Neverland” có hai thế giới: Thế giới bên trong trại chăn nuôi, và thế giới bên ngoài. Không ai biết thế giới bên ngoài tồn tại những gì, liệu có gì giả dối, có gì nguy hiểm hay không; hay đó sẽ là một nơi ngập tràn ánh sáng của sự tự do? Chúng ta chỉ có thể khẳng định được rằng thế giới bên trong là một nơi giả dối. Đó không phải một vùng đất hạnh phúc, càng không phải miền đất Hứa, nhưng rõ ràng, thực tại mà nó tạo ra lại tươi đẹp vô cùng. Những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, được sống trong môi trường không có thứ gì đe dọa được đến chúng. Thể chất chúng khỏe mạnh, tinh thần chúng thoải mái. Điều duy nhất không giả ở đây là thế giới tươi đẹp ấy không có thật. Và sự thật thì lại không hề ngọt ngào. Như vậy, thực ra mọi điều tốt đẹp đôi khi chỉ là sản phẩm được dàn dựng, còn hai thế giới bên trong và bên ngoài thực chất có khác nhau không?
Đến giờ, khi câu chuyện vẫn còn đang dang dở, tôi không thể trả lời được câu hỏi ấy. Chỉ biết rằng giữa hai thế giới này, một nơi ta đã biết, đã nhận ra; còn một nơi ta chỉ vừa mới bước chân vào tìm hiểu. Mọi bất ngờ vẫn luôn ở phía sau, nhưng có thông tin thì vẫn tốt hơn là không có gì.
Nguyễn Hoàng Dương

“Tam Quốc diễn nghĩa”: từ lịch sử đến tiểu thuyết

Gia Cát Lượng tiên phong đạo cốt, Trương Phi mặt đen dữ dằn, Thục tốt Ngụy xấu… Tất cả những nhận định dựa trên các ấn tượng ấy ở người đọc “Tam quốc diễn nghĩa” đã định hình nên thái độ của chúng ta đối với các nhân vật lịch sử thời Tam Quốc. Hiện nay, không phải chỉ ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu và phê bình phương Tây vẫn dựa trên “Tam Quốc diễn nghĩa” để tìm hiểu về thời Tam Quốc.
le-nam

Lê Nam

29/11/2022

Paulo Coelho bàn về nhảy múa và cầu nguyện theo lối Sufi

Tôi đã kể những câu chuyện Sufi trong nhiều bài viết, một vài câu chuyện có nhân vật chính là Nasrudin, một gã khở luôn cố gắng để thông minh hơn cả những người khôn ngoan, và hành động của gã có thể làm độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hôm nay tôi muốn đặt những câu chuyện ấy sang một bên và thử viết một chút về chủ đề này. Bách khoa thư định nghĩa về Sufi là một

Minh Hùng

11/09/2019

“NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

Nhà giả kim phát hành năm 1988 với tên gốc là “O Alquimista”, được Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và do NXB Editora Rocco Ltd chịu trách nhiệm xuất bản. Hành trình khám phá bản thân và giải mã giấc mơ của cậu bé Santiago được kể lại bằng sự pha trộn văn phong hiện thực – lãng mạn – huyền ảo đã thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Cho đến nay, sức hấp dẫn

Thư Sinh

31/07/2019

SÁCH HỌC THUẬT TRONG NƯỚC THÁNG 1 NĂM 2022: CHÚNG TA SỐNG BẰNG ẨN DỤ, KHẢO CỨU VỀ TIỀN CỔ Ở AN NAM, NGHIÊN CỨU PHÂN TÂM HỌC, LÊ QUÝ DẬT SỬ,…

Để tìm hiểu và đúc kết một vấn đề nào đó còn là một dấu hỏi trên thế giới này hay trong  chính bản thân mỗi người luôn tốn rất nhiều thời gian, có thể là hàng chục năm, có thể là một đời người hoặc là tới cả hàng trăm thế hệ. Một cách thức phổ biến và ngắn nhất để tìm hiểu, nghiên cứu về một vấn đề là tìm về những tri thức, kinh nghiệm của những người đi trước được lưu

Trần Cúc

02/02/2022

Trí tuệ của tế bào : Niềm tin có thể biến đổi gene chúng ta ra sao?

"Trí tuệ của tế bào" là cuốn sách của Bruce Lipton, một trong những nhà khoa học tiên phong trong một lĩnh vực sinh học mới (epigenetics); nói rằng chúng ta không phải là tù nhân của bộ gene có trong người chúng ta, rằng chúng ta không phải là một cỗ máy sinh học chỉ biết tuân theo các quá trình sinh hóa của cơ thể. Chúng ta có thể ảnh hưởng đến các quá trình đó, hay thậm chí là thay đổi các