Home Ngẫm TẠO NGHIỆP (KARMA) THÌ SAO?

TẠO NGHIỆP (KARMA) THÌ SAO?

Những bạn bắt đầu tu theo Phật giáo hoặc các trường phái tương tự như vậy thường bàn về “nghiệp” và rao giảng về tránh “tạo nghiệp”. Vậy là họ nhìn trước nhìn sau không biết như thế nào để tránh tạo nghiệp. Thậm chí, khi chứng kiến mọi hành vi trái mắt họ, họ đều phán xét rằng người khác đang “tạo nghiệp”. Vậy thì “nghiệp” là cái gì?

“Nghiệp” là khái niệm xuất phát từ Hindu giáo và đạo Phật, tiếng Sankrit là “Karma” – có nghĩa là “việc làm”. Trong đạo Hindu, “karma” bao gồm các việc làm, kết quả trong kiếp sống này hoặc rất nhiều kiếp sống trước và toàn bộ chuỗi nhân quả. Có 3 loại karma: agami karma – nhân quả hiện tại gây ảnh hưởng đến vị lai; prarabdha karma – đã tạo nhân rồi và đang trong quá trình tạo quản; sanchita karma – những việc làm đã được tích lũy và dẫn đến quả. Mỗi cá nhân chịu trách nhiệm với chuỗi hành động của mình, và mỗi hành động không tự nhiên có, mà đến từ các suy nghĩ được tích lũy trong suốt đời hoặc từ kiếp trước. Bởi thế, nếu bạn nói rằng “cá tính tôi là…” hoặc “tôi thích thì tôi làm thôi…”, tức là bạn hoàn toàn đang hành động dựa trên vô thức, vì cá tính không tự có mà nó được xây dựng dựa trên chuỗi thói quen của quá khứ. Trong đạo Phật, “karma” được chia thành các tầng bậc như do thể xác (hành động), miệng (lời nói), tinh thần (suy nghĩ) tạo ra. Đạo Phật tin rằng chỉ cần đi theo “Bát chánh đạo” là được. Tuy nhiên “Bát chánh đạo” thực sự là gì thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Như vậy, cho dù là Hindu giáo hay đạo Phật đều thống nhất rằng “karma” được xây dựng từ chuỗi thói quen trong cuộc đời và cuộc đời trước đó. Nếu đơn thuần “karma” là nhân quả thì chúng ta cũng không nên hiểu khái niệm này theo nghĩa tiêu cực. Một cách cực đoan, chúng ta làm việc gì cũng sợ tạo nghiệp xấu. Trên thực tế, mỗi hành vi của chúng ta (dù là hành động, suy nghĩ hay lời nói) đều tạo ra các tác động cả xấu cả tốt, hoặc xấu với người này nhưng tốt với người kia. Hành vi đơn thuần chỉ là hành vi mà thôi, xấu tốt phụ thuộc và hệ tiêu chuẩn của mỗi chúng ta.

Thế giới của chúng ta được vận hành dựa trên các chuỗi nhân quả. Nếu chuỗi nhân quả chấm dứt thì thế giới cũng không tồn tại. Người tu luyện không phải là ngừng không tạo nghiệp mà cần phải giải thoát khỏi các “nghiệp”. Tức là mọi hành động, suy nghĩ, lời nói của chúng ta không bị chi phối bởi các thói quen quá khứ do chúng ta vô thức tạo nên, mà chúng ta cần có ý thức trong từng hành vi của mình và biết rõ mọi hành vi ấy từ đâu mà có. Phân tích các cơ chế bên trong bản thân mình là một quá trình khó để đối mặt hơn bất cứ trò tu luyện quyền năng nào. Đây là quá trình mà các thần Phật không giúp được chúng ta, thậm chí còn cản trở chúng ta, bởi vì một khi chúng ta cầu thần Phật giúp đỡ thì chúng ta cũng đang tự tạo cho mình cái thói quen nhờ vả mà thôi.

Suy cho cùng, nghiệp là do chúng ta tạo ra, là quá khứ và hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều ấy không phải là điều “trói buộc” chúng ta mà chúng ta tự trói buộc mình mà thôi. Khi ý niệm muốn giải thoát càng mãnh liệt thì cùng với đó chúng ta càng bị trói buộc nặng nề hơn. Những người bị ám ánh bởi sự giải thoát hay vươn lên những điều kỳ vĩ là bởi vì họ sợ hãi khi đối mặt với sự tầm thường của bản thân mình. Thế thì chi bằng cứ buông bỏ cả nỗi ám ảnh giải thoát chẳng hơn sao. Đến đây, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Nhân Tông và cũng muốn lấy mấy câu này để kết lại:

“Thuỳ phọc cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.”

Tức là: “Ai trói buộc mà cầu giải thoát/ Không tầm thường thì đâu cần cầu đến thần tiên/Vượn nhàn ngựa mỏi ta thì đã già/Vẫn một chiếc giường thiền ở am mây cũ thôi”.

Hà Thủy Nguyên