Home Ngẫm Sự suy tàn của cái đẹp

Sự suy tàn của cái đẹp

Có một thứ được gọi là lý tưởng. Lý tưởng thường hoàn hảo, đẹp đẽ và dường như không thể chạm tới. Lý tưởng không thể chạm tới sở dĩ bởi nó không được biểu hiện bằng vật chất. Người nghệ sĩ luôn tìm cách tạo ra từ vật chất hiện hữu những tạo tác hoàn hảo nhưng dường như bất lực.
Như một kẻ điên, người nghệ sĩ vung búa đập tan mọi tạo tác hiện hữu. À không, nghệ sĩ điên thật! Chỉ có kẻ điên mới nhìn thấy lý tưởng, còn người bình thường dễ dàng cúi đầu trước sự bất toàn của các tạo tác. Những kẻ bình thường mới biết cúi đầu, những kẻ điên thì nhớ mãi cái cảm giác được bay vút lên cao và vươn tới sự vô cùng.
Đó là một bản bi hùng ca đánh thức mọi khát khao trong con người, của chàng Ikaros muốn vươn tới Mặt trời, của Lý Bạch lao xuống đáy nước để vớt bóng Trăng, của Pharaoh muốn với tay chạm đến sao Bắc Đẩu… Sự điên rồ lý tưởng đã khiến họ từ bỏ thế giới vật chất để đạt tới tuyệt đích.
Nhưng bản bi hùng ấy cũng dần bị lãng quên. Người ta dễ dàng quỳ lạy trước những tượng đài không hoàn hảo mà vẫn được gọi là cấu trúc, các chủ nghĩa, các chuẩn mực. Sự biểu hiện không hoàn hảo của lý tưởng nay lại trở thành lý tưởng của các linh hồn thiếu vắng sự điên rồ.
Một linh hồn thiếu vắng sự điên rồ, linh hồn ấy không sống, linh hồn ấy đã bị cấu trúc, bị định hình, linh hồn ấy bị điều khiển. Với những chuẩn mực có sẵn về cái đẹp, một quyền lực vô hình đã được thiết lập và bao trùm nhân loại một cách tinh vi. Không lộ liễu như chính trị, không mê muội như tôn giáo, không thô thiển như kinh tế, chuẩn mực nghệ thuật giam hãm linh hồn con người trong cái lồng dát mạ vàng của những nàng Muses… Nhưng mọi sự giam hãm đều độc ác, kể cả bằng sự dễ chịu…
Những nàng Muses luôn sợ Dionysus, bằng vòng xoáy men say của mình, Dionysus khiến các Muses loạn trí. Những chiếc lồng mạ vàng bong đi lớp sơn lấp lánh giả dối, trơ ra những khung thép gai ứa máu.
Hỡi người nghệ sĩ thức tỉnh! Bẻ gẫy từng sợi thép gai! Hãy đối mặt với sự sụp đổ của thứ lý tưởng giả dối. Trái tim nghệ sĩ không thể bị giam hãm, dù cho đó là cái đẹp.
Hãy nhìn kìa, đám Muses đang giận dữ! Họ đã đánh rơi chiếc mặt nạ mạ vàng của cái đẹp. Họ bắt đầu đẻ ra thứ chuẩn mực kỳ quái, một thứ cấu trúc phá vỡ cấu trúc, một loại chất thơ phi thơ, thứ người ta gọi là hậu hiện đại.
Nhưng trái tim của người nghệ sĩ đích thực là một trái tim nồng men rượu. Lý tưởng trở nên vỡ vụn. Mọi cấu trúc của các nàng Muses chỉ là thứ hư ảnh tầm thường. Với Dionysus, cái đẹp chỉ là bãi hoang tàn của ngày tận thế. Với Dionysus, cái đẹp đến tự nhiên như ánh mặt trời rực rỡ buổi hoàng hôn, đến từ giọt mưa đọng trên cánh hoa vàng, đến từ nụ hôn ngọt ngào của thiếu nữ tuổi trăng rằm…và đến từ giai điệu sâu thẳm xuyên thấu trùng trùng duyên kiếp…
Thức dậy tinh thần Dionysus trong mỗi nghệ sĩ… Đã đến lúc mọi cấu trúc suy tàn, cái đẹp suy tàn… Đã đến lúc thức dậy thứ nghệ thuật của con tim. Chỉ nghệ thuật từ con tim mới vĩnh cửu với thời gian.
Và người nghệ sĩ Dionysus không quan tâm đến lý tưởng hay cái đẹp. Họ chỉ viết nên những gì tới từ sâu thẳm bên trong: mọi niềm vui, nỗi đau, sự điên rồ hay hoan lạc … tất cả đều bùng cháy. Và dù cho tất cả đều quay lưng, dù cho thế gian cười nhạo hay sợ hãi, thì người nghệ sĩ cũng đã bùng cháy và thiêu rụi tất cả những cái lồng.

Hà Thủy Nguyên

Xem

“HUYỀN THOẠI 1900” – KHI CÁI ĐẸP KHÔNG MUỐN HẠ PHÀM

Bạn có nhớ bộ phim được giải Oscar nổi tiếng “The pianist” (2002) với hình ảnh anh chàng nhạc công piano phải lưu lạc trong chiến tranh và chơi những phím đàn tưởng tượng? Cảnh ấy có làm bạn cả thấy cảm động và thốt lên vì sự sáng tạo tuyệt vời của đạo diễn? Bạn có biết, từ trước đó, chi tiết giống như vậy đã xuất hiện trong bộ phim “Huyền thoại 1900” (1998). 1900 là tên của một anh chàng chơi piano

Suy giảm khả năng cảm thụ văn chương, có đáng lo?

Một thực tế không thể chối cãi, số lượng đọc văn chương ở Việt Nam hiện nay ngày một ít đi. Văn chương thậm chí còn không được xếp vào loại hình văn hóa “xa xỉ”. Hiện trạng này có thực sự là một vấn đề đáng lo ngại? Có phải chỉ đáng lo ngại với những nhà văn, nhà thơ? Hay vấn đề cần phải đặt ra ở bình diện xã hội? Đương nhiên, nếu vấn đề cảm thụ văn chương được đặt ra,

Tô Lông

17/10/2016

Văn chương tồn tại vì điều gì?

Một trong những điều khó chịu hơn cả, nhưng lại rất căn bản, về con người đó là chúng ta không hiểu lắm về bản thân mình. Một khía cạnh của tâm trí chúng ta thường không thấu rõ về những gì đang diễn ra của phần còn lại vốn đang giận dữ, lo âu hay tìm kiếm điều gì đó. Chúng ta mắc phải rất nhiều lỗi lầm bởi mặc cảm vô minh này bủa vây. Đây chính là điều văn chương có thể

Vũ Minh

30/03/2017
Xem

Bi kịch của cái đẹp trong phim “Bá Vương Biệt Cơ”

Tôi xem “Bá Vương Biệt Cơ” của Trần Khải Ca không ít lần. Lần đầu xem bộ phim, khi ấy tôi mới học năm thứ nhất đại học, tôi đã khóc vì thương cảm cho số phận của anh chàng diễn viên Trình Đắc Di. Thế rồi tôi tìm hiểu thêm về Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, tôi đọc thêm về một thời đại đen tối kéo dài trong các nước nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản, lúc đó tôi mới

Giải mã “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân: Nghi lễ hiến thân cho nghệ thuật

“Chùa Đàn” có thể nói là tập tiểu thuyết ngắn đỉnh cao của Nguyễn Tuân (nếu bỏ đi phần cuối truyện nhà văn viết những câu cưỡng ép để phù hợp với thời thế). “Chùa Đàn” là kết tinh của những truyện ngắn trong “Vang bóng một thời”, từ cái chí khí của ông Huấn Cao ở “Chữ người tử tù”, cái mê đắm ở “Thả thơ” hay “Đánh thơ”, cái rùng rợn ở “Bữa tiệc máu”, cái tiếc nuối ở “Chén trà trong sương