Grandeur là một khái niệm khó dịch. Những từ gần nghĩa nhất, “sự vĩ đại”, khiến tâm trí ta liên tưởng đến “sự đáng kính”, “sự khác biệt” và “sự xuất sắc”. Nhưng sự grandeur là còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Nó gợi lên quyền lực, vinh quang, và sự nâng tầm của đạo đức cũng như trí tuệ.
Không có một thành phố nào trên thế giới cạnh tranh được với sự tráng lệ của Paris. Những bức tượng mạ vàng tô điểm cho mọi thứ từ cầu, đài phun nước và nhà thờ đến các tòa nhà công cộng và mạng lưới giao thông. Louvre lộng lẫy dài không dưới một cây số. Tổng thống Pháp sống trong một cung điện được bao quanh bởi một hàng rào sắt với những cột có đỉnh bằng vàng. Mái vòm của nhà thờ Hôtel des Invalides, nơi chứa ngôi mộ của Napoleon, được bao phủ bởi những chiếc lá làm từ vàng kim loại. Và tất nhiên là cả Nhà thờ Đức Bà và Versailles.
Tình yêu với grandeur là một trong những đặc điểm cơ bản của văn hóa Pháp. Họ đã không có vua trong hơn một trăm năm, nhưng họ vẫn khao khát sở hữu những vật dụng của hoàng tộc.
Người Pháp cũng sẵn sàng trả giá, bất kể tốn bao nhiêu tiền của để xây dựng nhà hát opera mới với sàn đá cẩm thạch hoặc trang trí các tòa nhà công cộng với những hàng dài tranh sơn dầu và đồ cổ vô giá.
Khi tổng thống Pháp mời 5,000 nhà báo đến dự yến tiệc trong vườn của mình tại cung điện Elysée để kỷ niệm Ngày Bastille hàng năm, ông ta cho họ uống champagne và ăn foie gras, và không ai than phiền về chuyện những người dân phải nộp thuế để chi trả cho những chi phí đó. Đây là những thuộc tính của grandeur, và hầu như là mọi người ở Pháp đều ủng hộ chúng, dù là cánh hữu hay cánh tả, truyền thống hay hiện đại, già hay trẻ. Các bộ trưởng thuộc đảng cộng sản và xã hội không dè dặt hơn chút nào trong khi khoe đồ nội thất thời Louis XV và thảm trang trí Hà Lan của thế kỷ 16 trong văn phòng của họ so với các đối thủ cánh hữu.
Trong tác phẩm Democracy in America, được viết vào đầu thế kỷ XIX, Alexis de Tocqueville ca ngợi Hoa Kỳ vì họ đi theo những lý tưởng của tự do và dân chủ. Nhưng ông chê trách sự biến mất của grandeur trong hệ thống của người Mỹ. Người Pháp cũng tin vào bình đẳng, nhưng họ không đi theo đến mức tối giản của nó.
Grandeur là một giá trị được xã hội chấp nhận và được săn đón nhiều nhất tại nước Pháp. Toàn xã hội hợp tác để tách ra những những cá nhân xuất chúng trong chính trị, nghệ thuật, đời sống học thuật, thể thao và hơn thế nữa. Đến một mức nào đó, những người này thay thế cho tầng lớp quý tộc Pháp.
Nền văn hóa notables (các nhân vật quan trọng) của người Pháp: Những người này thường là chủ sở hữu của các lâu đài hoặc công ty địa phương được công nhận tại nơi họ sống như những chuyên gia có đạo đức, trí tuệ và tài quản lý hành chính (nhiều người thực sự xuất thân từ tầng lớp quý tộc).
Những nhân vật quan trọng, những người thường xuyên gây dựng các triều đại địa phương, không nhất thiết phải giữ chức vụ được bầu ra, nhưng họ thường tìm một chỗ đứng trong chính trị địa phương. Pháp có 36,000 xã và nửa triệu thành viên hội đồng thành phố, vì vậy có rất nhiều vị trí cho họ nắm giữ.
Báo chí Pháp giúp thỏa mãn khát khao grandeur này của đất nước bằng việc lọc ra các ngôi sao trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các nhà báo Pháp có một phản xạ độc đáo là gán những phẩm chất cao thượng cho các nhân vật văn hóa và làm họ trở thành hiện thân của chính lĩnh vực của họ. Nghệ sĩ hoặc nhà tư tưởng đạt được địa vị này sẽ được gọi tên với chỉ một họ duy nhất (“Sartre”) hoặc bằng tên viết tắt của họ (tác giả Bernard-Henri Lévy chỉ được gọi đơn giản là “BHL”).
Người Pháp cảm thấy yên tâm khi nhận ra các nhân tài lãnh đạo không thể phủ nhận trong các lĩnh vực, và họ liên tục tìm kiếm “những người vĩ đại” của mọi lĩnh vực khoa học hoặc trí tuệ:
- Abbé Pierre, người sáng lập Disciples d’Émaüs, là Ông Nghèo đói.
- Jacques-Yves Cousteau là Ông Biển cả.
- Haroun Tazieff trở thành Ông Núi lửa.
- Spelunker Michel Siffre là Ông Hang động.
- Yves Saint Laurent là Ông Thời trang.
- Các hoàng tử và công chúa thường xuyên thay đổi, nhưng việc không có ai để trao vương miện mới khiến người Pháp bực bội. Điều này dường như cũng đúng với chính trị hiện nay. Rất nhiều người cho rằng giới chính trị không có gì hay ho bởi vì không có “người vĩ đại” điều hành nó.
Pháp đã tạo ra và duy trì nhiều cấu trúc để thúc đẩy và khẳng định grandeur giữa các công dân của nó.
- Académie Française, nơi giám sát ngôn ngữ Pháp, được điều hành bởi bốn mươi người “Bất tử” được bầu lên, chọn trong số những cá nhân tinh hoa nhất của giới văn chương Pháp. (Voltaire; Charles, baron de Montesquieu; Victor Hugo; Alexandre Dumas, fils; Émile Littré; Louis Pasteur; Louis de Broglie; Henri Poincaré…)
- Collège de France được dựng lên để chọn ra khoảng 50 giáo sư hàng đầu của đất nước để cung cấp các bài giảng miễn phí về chuyên môn của họ.
- Panthéon, tòa nhà mái vòm giống như tòa Quốc hội Hoa Kỳ nằm ở trung tâm của Saint-Germain-des-Prés nắm giữ di sản của các tác giả, chính trị gia, chiến sĩ và nhà khoa học vĩ đại nhất của Pháp. Khẩu hiệu phía trên các cột tân cổ điển ở mặt trước của tòa nhà tự giải thích nhiệm vụ của mình: Aux Grands Hommes la Patrie Reconnaissante (Vinh danh những con người vĩ đại của Tổ quốc). Chính phủ quyết định tro hoặc các bộ phận cơ thể (thường là trái tim) của những ai sẽ được chuyển đến đó. Chỉ mới có 300 người đạt được thứ hạng này.
- Đối với những người khác còn sống, đó là Légion d’Honneur, một giải thưởng được trao cho 3000 cá nhân mỗi năm, có nghĩa là nước Pháp có 116.000 légionnaires đang sống.
- ÉNA là trường nổi tiếng nhất của khoảng 500 grandes écoles (trường lớn), tất cả đều mang một sứ mệnh công khai là đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính trị, quản lý và trí thức cho nước Pháp. Kể từ khi thành lập vào năm 1945, 6,000 người đã học tại các lớp của ÉNA, và 80% những người tốt nghiệp nắm giữ những vị trí trọng yếu trong chính quyền Pháp. Một nửa số bộ trưởng của bất kỳ nội các, 6 trong tổng số 9 thủ tướng, và 2 trong số 3 tổng thống gần đây nhất đã từng học tập tại ÉNA.
Người nước ngoài thường chỉ trích hệ thống grandes écoles đã trở nên thiên vị giới tinh hoa, nhưng tạo ra một élite chính là mục đích của trường. Các grandes écoles cung cấp élite để vận hành hầu như mọi hoạt động của con người ở Pháp: kỹ thuật, hóa học, giảng dạy, quản trị kinh doanh, luật pháp, lịch sử, hệ thống hình phạt, và hơn thế nữa.
Ở Pháp, không có bằng đại học nào có thể bì được với độ danh giá của tấm bằng tốt nghiệp từ École Polytechnique (dành cho các kỹ sư), les Hautes Études Commerciales (quản trị kinh doanh), hoặc École Normale Supérieure (cho các giáo sư).
Câu hỏi: tại sao người Pháp cảm thấy họ cần cố ý “tạo ra” một élite?
Ý tưởng này có vẻ giống như một hệ thống đẳng cấp. Bắc Mỹ có hệ thống của riêng họ để chọn ra một élite (các trường Ivy Leagues), nhưng họ không công khai xác nhận élite của họ theo cách người Pháp vẫn làm. Một lý do là từ này không hoàn toàn mang nghĩa giống như vậy đối với người Pháp.
Ở Pháp – và phần lớn châu Âu – thuật ngữ “élite” không chỉ là quyền lợi, mà còn là nhiệm vụ. Trở thành một công chức élite ở Pháp có nghĩa là chấp nhận làm trong ngành dịch vụ công cộng. Một sinh viên tốt nghiệp ÉNA sau đó rời bỏ dịch vụ công để làm việc trong khu vực tư nhân được gọi là một pantouflard (một gã đi dép).
Mọi người trong tất cả các nền dân chủ chấp nhận ý tưởng rằng quân đội cần những sĩ quan cao cấp để chỉ huy trận chiến. Người Pháp cũng tin tưởng vào điều tương tự đối với người dân. Họ xem xét élite như một tầng lớp sĩ quan của xã hội. Nghe có vẻ phản dân chủ, nhưng đó là cách chế độ dân chủ của Pháp hoạt động.
Toàn bộ hệ thống được thiết lập để tìm và nuôi dưỡng một élite. Để được nhận vào các grandes écoles, học sinh phải trải qua một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt bao gồm cả các kì thi viết và vấn đáp. Nó không phải là một chế độ trọng dụng nhân tài thuần khiết, vì những người được vào học thường xuất thân từ tầng lớp trung lưu trở lên. Nhưng nó không hề giống một chế độ quý tộc.
Việc người Pháp tôn vinh élite của họ chưa bao giờ ngăn cản việc họ chỉ trích dữ dội những khi élite làm họ thất vọng – nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn loại bỏ tầng lớp này.
Trong lịch sử, khi élite Pháp có tan vỡ hoặc thất bại, người Pháp đã thay thế nhóm này bằng nhóm khác hoặc đã phát minh ra các tổ chức để làm chọn lựa lại.
Mười hai năm sau Cách mạng Pháp, khi mà giới quý tộc Pháp gần như đã bị xóa sổ, Napoléon thay thế tầng lớp quý tộc cũ với một giới gọi là noblesse d’empire, một tầng lớp quý tộc hoàn toàn mới được tạo ra từ các thường dân cao cấp.
Năm 1871, khi nước Pháp bị tấn công bạo lực bởi người Phổ, họ đã lập ra Fondation des Sciences Politiques để đào tạo lại đội ngũ quản lý chính phủ. Năm 1945, sau 4 năm chiếm đóng của Đức Quốc Xã, Tướng de Gaulle thành lập ÉNA để đào tạo công chức cấp cao.
Một lý do khiến người Pháp rất cởi mở về việc khẳng định élite của họ là họ ưa quyền lực. Quyền lực là thứ bạn sử dụng và phô trương ở Pháp. Điều này trở nên dễ hình dung khi xem lễ diễu hành ngày 14/7 dọc đại lộ Champs Elysées ở Paris:
Cuộc diễu hành bắt đầu lúc 10 giờ với kị binh, tiếp theo là những người lính bộ binh, lực lượng không quân, cảnh sát, và lính cứu hỏa mang súng và lưỡi lê (ở Pháp, họ là một phần của quân đội). Sau đó, máy bay chiến đấu Mirage, máy bay trực thăng, và máy bay chở hàng bay qua ngay trên đầu. Tiếp đến, máy móc được tung ra: bệ phóng tên lửa và xe tăng hạng nặng, xe ủi đất ngụy trang và cầu di động. Cuộc diễu hành Ngày Bastille là thực sự là một thánh lễ lớn của nước Cộng hòa Pháp, một màn phô trương sức mạnh Pháp được dàn dựng công phu cho niềm vui của công dân cũng như tổng thống.
Người Pháp đơn giản là không trông chờ sự khiêm tốn từ những người quyền lực, cho dù họ được bầu làm quan chức, trí thức hay lãnh đạo doanh nghiệp. Những người nắm quyền lực được mong đợi phải thể hiện nó ra và sử dụng nó. Một trong những quyền hạn Tổng thống Pháp nhận được khi ông nhậm chức là quyền được ban ân xá cho các tội phạm, bất chấp tội ác của họ.
- Tổng thống Mitterrand thả 6.233 tù nhân khi ông lên nắm quyền năm 1981.
- Jacques Chirac tuyên bố ân xá chung cho tất cả các vé phạt lỗi giao thông và chạy quá tốc độ. Chirac đã có chọn lọc hơn trong việc trả tự do cho các phạm nhân, nhưng người Pháp vẫn mong đợi Tổng thống của họ sử dụng những quyền hạn này.
- Họ thấy sự hiện diện của cảnh sát công khai trong các thành phố của họ là dans l’ordre des choses (tự nhiên) và không thèm chớp mắt khi thấy những chiếc xe bus chở cảnh sát chống bạo động trong khu vực các tòa nhà cao tầng của arrondissement thứ 7.
Sự đam mê grandeur và quyền lực ở Pháp dẫn đến xu hướng tham quyền cố vị. Cao trọng và có động cơ tốt là vậy, nhưng người Pháp thường xem những chức vụ họ được giao phó như thể các sở hữu cá nhân.
- Có một truyền thống chính trị thậm chí cho phép họ tham quyền cố vị: cumul des mandats (có nghĩa là, sự tích lũy ủy thác).
- Không có luật nào thật sự cấm việc làm này trong bất kỳ nền dân chủ tự do nào, nhưng các chính trị gia ở khắp mọi nơi khác đều không làm như vậy.
- Tại Pháp, một con số khổng lồ chiếm 89% tổng số député và 60 thượng nghị sĩ giữ một chức vụ khác trong cùng thời gian. Một nửa trong số họ giữ đến ba chức vụ!
- Các chính trị gia Pháp tận dụng tối đa quyền tích lũy chức vụ của mình. Họ có thể tăng lương lên đến tối đa tám nghìn dollar mỗi tháng. Quan trọng hơn, việc giữ nhiều chức vụ khiến cho họ trở nên không thể mất việc làm chính trị của mình. Một député hoặc thượng nghị sĩ đồng thời là thị trưởng hoặc chủ tịch Hội đồng Vùng của ông (hoặc cả hai) có tiếng nói trong hầu hết các quyết định của địa phương, việc phân chia tiền trợ cấp, việc ủy thác các hợp đồng và việc phân bổ đất đai cho các địa điểm chăm sóc trẻ em hoặc người già ban ngày— đặt ông ta hoặc bà ta ở trung tâm của một mạng lưới bảo trợ khổng lồ. Ảnh hưởng ở cấp quốc gia cũng làm tăng thêm vào sự hấp dẫn của député với tư cách là thị trưởng. Giữ một lúc hai, ba hoặc bốn chức vụ là tương đương với một chính sách bảo hiểm tốt cho một tầng lớp chính khách coi chức vụ của họ là nghề nghiệp.
Grandeur có những lợi thế riêng – nó vĩ đại thật – nhưng nó cũng có nhược điểm: nó đã kéo dài sự tồn tại của một nền văn hóa chính trị của các quyền lợi và sự cố chấp ở Pháp. Điều này không chỉ áp dụng cho các chính trị gia, mà cho tất cả những cá nhân giữ quyền lực — các quan chức, học giả và các nhà quản lý thuộc mọi thành phần trong các hiệp hội, vị trí của chính phủ và công đoàn. Một bộ cơ chế và các giá trị phức tạp cho phép người Pháp tự khóa chính mình trong vị trí của họ và ở đó mãi mãi, theo nghĩa đen. Mô hình này, vì thế, khiến cho bất kỳ nhóm nhỏ nào muốn nắm giữ quyền lực cũng gặp khó khăn – dù là những người Xã hội trong quá khứ hay người nhập cư và phụ nữ trong hiện tại.
Nguyễn Thế Anh
Còn nữa