Home Chuyên đề tháng Nhìn lại Paris – Edward Glaeser

Nhìn lại Paris – Edward Glaeser

Book Hunter

12/07/2019

Book Hunter: Chúng ta yêu thích Paris, nhưng chúng ta lại ít khi quan tâm về cách Paris đã được quy hoạch như thế nào. Nếu hiểu về cách quy hoạch của Paris, có lẽ chúng ta sẽ xem xét lại mong muốn “Paris hóa” Hà Nội của nhiều người mơ mông.

“Nhìn lại Paris” là một tiểu mục trong Chương 6: “Nhà chọc trời có gì mà tốt đẹp thế?” của sách “Chiến thắng của đô thị”(tác giả Edward Glaeser)

Một thế kỷ trước, Paris và New York có những tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về phát triển đô thị. Paris được xây dựng theo chỉ thị. Hoàng đế có tầm nhìn của riêng mình và yêu cầu các quý tộc công tước biến nó thành hiện thực. New York được làm nên từ hàng nghìn nhà thầu, ông chủ, xây lên bất kỳ thứ gì có thể đáp ứng được thị trường. New York là một nhóm chơi nhạc tự do, huyên náo nhưng sôi động rực rỡ, nơi những nhạc công xuất chúng nhất không buồn quan tâm tí gì tới những chuyện đang diễn ra xung quanh, còn Paris là dàn nhạc giao hưởng được biên soạn và diễn tấu cẩn thận. Sự huyên náo, hỗn độn của New York đem lại bầu không khí năng động hơn, còn trật tự kiểu Pháp xây nên những tòa nhà an toàn hơn. Năm 1900, New York bị nhiều hỏa hoạn hơn bất kỳ thành phố nào ở châu Âu. Ngày nay, thật khó mà phản bác được ý kiến rằng chính các tòa nhà chọc trời là thứ đem lại hào quang chói lọi và đặc trưng của New York. Nhưng những người phản đối sự thay đổi ở Paris có lý lẽ hay hơn nhiều.

Paris không phải lúc nào cũng gọn gàng, cũng hoa lệ như vậy. Trước năm 1850, hàng trăm nghìn người Paris nghèo khổ phải chen chúc trong những con phố chật hẹp và những tòa nhà cũ kỹ. Các quy định về sử dụng đất của Paris đã tồn tại hàng thế kỷ. Khi vua Henry IV lập nên triều đại Bourbon vào năm 1589, ông cũng cho ban hành bộ luật xây dựng và cho xây công viên và quảng trường Place des Vosges, có lẽ là quảng trường hoàn hảo nhất ở Paris. Nhưng những nỗ lực quy hoạch ít ỏi ban đầu của thành phố dần bị lạc trong một mê cung đô thị. Sự hỗn loạn của một Paris đông đúc trở thành lá chắn cho bọn tội phạm và những kẻ nổi loạn, những nhà cách mạng sẽ lật đổ 3 vương triều trong vòng 60 năm sau đó, bắt đầu từ năm 1789. Jane Jacobs có lẽ sẽ thích Paris vào thế kỷ XIX nhưng Hoàng đế Napoleon III thì không, đó là lý do tại sao ông nhờ đến Nam tước Haussmann.

Karl Marx miêu tả vương triều của Napoleon III như một bản sao lố bịch của thảm kịch vào thời người bác của ông ta, Napoleon I, nhưng những chính sách cải tổ đô thị của Đệ nhị Đế chế không phải là chuyện đùa. Vị thế của anh chàng Bonaparte trẻ tuổi trong giới xây dựng đô thị cũng sôi động và nổi tiếng, năng nổ không kém gì vị thế của Napoleon trong vai trò nhà chiến lược quân sự. Có rất nhiều điều có thể giải thích cho khát vọng xây dựng lại Paris của Napoleon III. Ông muốn dọn quang thành phố, phá bỏ những con phố chật chội và lắm ngõ ngách lắt léo, nơi che giấu cho những kẻ muốn làm cách mạng và tạo ra những đại lộ rộng lớn để kỵ binh của mình đàn áp những kẻ phản kháng ở đô thị. Tuy nhiên, vị hoàng đế không chỉ xây nên những không gian để phòng thủ. Ông còn hy vọng những công trình vì dân chúng này sẽ đem lại cho ông sự ủng hộ của dân chúng lẫn một vị trí trong dòng lịch sử.

Hoàng đế là một người đàn ông bận rộn, không thiếu những cuộc chiến phải tham gia và những bà hoàng, công chúa phải gây ấn tượng. Ông cần một quý tộc cực kỳ xuất chúng, tuyệt đối trung thành và sẵn sàng cống hiến để ông có thể đầu tư tiền của, ý tưởng xây dựng nên thủ đô của mình. Nam tước Haussmann chính là người như thế. Sinh năm 1809 ở Paris, chỉ vài tháng trước khi Napoleon đệ nhất đánh bại người Áo ở Wagram, Haussmann đến từ một gia đình ngoài cuộc, theo đạo Tin Lành từ Đức, những người nổi bật trong một chính quyền đầy nhân tài và lắm cạnh tranh của nước Pháp dưới thời Napoleon. Ông của Haussmann là một đại tướng, đã giới thiệu con trai mình với hoàng đế. Cha của Haussmann đã phục vụ trong quân đội của Napoleon.

Haussmann theo học tại ngôi trường quý tộc Lycée Henri-IV, giờ vẫn là một trong những ngôi trường tốt nhất thế giới, và sau đó học luật và âm nhạc. Năm 1830, khi cuộc cách mạng đưa ông vua xuất thân từ tầng lớp tư sản Louis-Philippe lên ngôi, Haussmann gia nhập quân đội và được cử đến Nérac, một thị trấn nhỏ ngoại ô Bordeaux. Ông lao động khổ cực trong nhiều năm ở những tỉnh khác nhau, cho đến khi lại có một hoàng đế họ Bonaparte lên ngôi và đem cho ông cơ hội. Khi tỉnh trưởng của Seine[1] bị bãi nhiệm vì cố phản đối kế hoạch xây dựng đô thị xa hoa hào nhoáng của Napoleon III, vị Nam tước tham vọng nhanh chóng chớp lấy cơ hội và thế chỗ ông ta.

Khi bạn muốn xây lại một thành phố, có một quý tộc chống lưng cũng là điều hết sức hữu ích, và Haussmann đã làm một việc mà trong một kỷ nguyên dân chủ hơn, ắt hẳn là không thể ngờ được. Ông trục xuất vô số những người nghèo khổ, biến nhà của họ thành những đại lộ rộng lớn khiến Paris như trải ra bát ngát. Ông chặt bỏ một cây gỗ tốt trong Vườn Luxembourg để lấy chỗ cho các con phố. Ông dỡ bỏ các di tích cổ xưa của thành phố, như nhà tù Abbey của Saint-Germain-des-Prés. Tất cả  những nỗ lực này tiêu tốn 2,5 tỉ franc, gấp 44 lần tổng ngân sách cho Paris năm 1851. Tất cả những chi tiêu đó và công cuộc đại tu đã biến Paris từ một thành phố cũ kỹ và có phần xập xệ của cái nghèo không dứt, trở thành một đô thị hiện đại nơi phục vụ tầng lớp tư sản ngày đang càng lớn mạnh. 

Một vài sáng tạo của Haussmann, như Bois de Boulogne, là những không gian công cộng để khiến Paris vừa đẹp hơn vừa lành mạnh hơn. Một số những sáng tạo khác có thể kể đến như nỗ lực điều chỉnh thành phố đi bộ này thích ứng với những phương tiện giao thông mới như xe điện và xe buýt hai tầng. Haussmann cũng giúp Paris cao thêm một chút. Vào năm 1859, giới hạn chiều cao của thành phố này tăng từ 54 feet lên 62 feet. Tuy vậy, so với những thành phố được xây dựng trong thế kỷ XX khi thang máy đã trở nên phổ biến, Paris của Haussmann vẫn khá thấp vì người Paris vẫn cần leo cầu thang. Ngày đó, tầng mái luôn được giảm giá, đó cũng là lý do tại sao những nghệ sĩ vật vã đang mòn mỏi vì chủ nghĩa tiêu dùng trong các căn gác xép ở Paris lại có tầm nhìn đẹp đến vậy.  

Haussmann bắt đầu việc xây dựng trước thời có thang máy nhưng sau thời có xe buýt hai tầng và tàu chạy hơi nước. Ông đã cố gắng giúp Paris thích ứng với những phương tiện nhanh hơn đó bằng những con phố lớn hơn, thẳng hơn. Khi Haussmann cắt bỏ những đại lộ, ông đang tạo điều kiện cho những công nghệ mới đó, dự báo trước về những con đường cao tốc mà Jane Jacobs phản đối ở vùng hạ Manhattan. Giống những người xây dựng sau, Haussmann cũng bị chỉ trích bởi những người cố gắng phủ nhận công trình của ông bằng cách buộc tội ông tham ô và khai khống. Có rất nhiều lý do chính đáng để phán đối việc Paris bị Haussmann hóa (Haussmannization) nhưng nhà quý tộc điềm đạm đến từ Alsace này có thể là người cực kỳ trung thực. Các khoản chi của ông tuy rất lớn nhưng đều đúng luật. 

Bức tranh nổi tiếng của Gustave Caillebotte năm 1877 vẽ cảnh một con phố Paris dưới mưa do Haussmann xây dựng, hiện lưu tại Viện Nghệ thuật Chicago, thể hiện một thành phố vô danh nhưng rộng lớn choáng ngợp nơi những con người đơn độc sống không mục đích trong sự xa hoa vô hồn. Bức tranh này sẽ là một minh họa chuẩn xác cho những miêu tả của Jane Jacobs về sự đứt gãy trong đời sống đô thị do sự tiêu chuẩn hóa và những chuỗi căn hộ dài lê thê gây ra. Những nhà phê bình khác thì không thích màu xám đơn điệu của tất cả những tòa nhà đó. Một số lên tiếng phản đối vì những khổ sở do việc trục xuất quá nhiều gia đình Paris. Những người chống chủ nghĩa đế quốc coi các tượng đài của Napoleon III như một sự phô trương, khoe khoang ngớ ngẩn của một kẻ tự phong ngạo mạn.

Tuy nhiên, nếu mục đích của kiến trúc là để đem lại niềm vui cho những người trải nghiệm nó, thì sự tái tạo của Haussmann là một thành công vang dội. Trước ông, những nhà quan sát chỉ viết về sự xấu xí của Paris. Sau ông, nói tới Paris là nói tới vẻ đẹp của đô thị. Hàng triệu du khách tới Paris hàng năm để chiêm ngưỡng di sản của ông. Hàng triệu người Paris trả cả gia tài để được sống ở thành phố ông đã xây nên. Haussmann không chỉ giải quyết được vấn đề kỹ thuật, như làm thế nào để nước sạch và tàu điện vào được nội đô Paris, mà ông còn để lại một thành phố được cả nhân loại ca tụng, ngưỡng mộ. 

Haussmann đem lại cho Paris nhiều thay đổi hơn bất kỳ thành phố cổ xưa nào trên thế giới từng trải qua, và kết quả là một kiệt tác quy hoạch đô thị hài hòa, đồng nhất. Nhưng đến thế kỷ XX, công trình của Haussmann trở thành một biểu tượng kiến trúc mà không được phép cải tạo. Ông được phép thêm một tầng với quy định về chiều cao tối đa năm 1859, nhưng năm 1902, chiều cao tối đa bị giới hạn ở mức 98 feet đối với các phố lớn và thậm chí còn thấp hơn trên các con phố nhỏ, một sự hạn chế còn để lại hậu quả cho tới hơn nửa thế kỷ.

Trong bốn thập kỷ kinh hoàng bắt đầu với vụ ám sát hoàng tử Áo-Hung Franz Ferdinand vào năm 1914, những quy định này của Paris không gây tác động nhiều. Dân số và sự thịnh vượng của Pháp lụi tàn thảm hại bởi cuộc xâm lược của quân Đức cùng năm đó, Paris gần như bị thôn tính. Chẳng có đâu hứng khởi để tái thiết thành phố trong suốt thập niên 1920 khi dân số thưa thớt hay thập niên 1930 khốn khổ vì cuộc Đại Suy thoái. Thập niên 1940 đem lại một cuộc chiến tranh nữa khiến nước Pháp rơi vào nghèo đói. Chỉ đến thập niên 1950, khi nền kinh tế Pháp hồi phục được và cùng với nó là khao khát hiện đại hóa thủ đô đã trì trệ bấy lâu của đất nước. Năm 1967, Hội đồng thành phố Paris dỡ bỏ những giới hạn về chiều cao công trình xây dựng. Những nhà kỹ trị, giờ đây với quyền hành trong tay, muốn xây những tòa nhà mới hơn, cao hơn và cũng muốn xóa bỏ những công trình gây nhức mắt như khu chợ trung tâm cũ kỹ Les Halles.

Dưới thời chính quyền de Gaulle và Pompidou, Paris có xây dựng thêm chút ít. Paris những năm 1960 không giống New York những năm 1920, nhưng thành phố này cuối cùng vẫn quyết định xây một tòa nhà chọc trời đúng nghĩa. Tòa nhà Maine-Montparnasse cao 689 feet được khởi công năm 1969. Hai năm sau đó, Les Halles bị dỡ bỏ và một bảo tàng hiện đại mang tên Pompidou Centre được xây dựng cùng năm. Nhưng những thay đổi này khiến người Paris vốn quen với một thành phố yên bình thấy khó chịu. Tòa nhà Mont bị người người căm ghét và bài học rút ra ở đây là những tòa nhà cao tầng không bao giờ được phép làm xấu trung tâm Paris như vậy lần nào nữa. Người dân thương tiếc Les Halles, hệt như nhiều người New York hoài niệm về sự biến mất của Nhà ga Penn. Pháp là một đất nước quy tắc hơn Mỹ rất nhiều, và khi nhà cầm quyền quyết định rằng họ không muốn thay đổi, thì thay đổi sẽ không thể xảy ra. Một quy định ban hành vào năm 1974 đã ấn định giới hạn chiều cao 83 feet lên các công trình xây ở trung tâm Paris, và có hiệu lực đến năm 2010.

Dù nhà cao tầng bị hạn chế ở khu vực Paris cổ nhưng chúng lại được cho phép ở các vùng lân cận. Ngày nay, phần lớn nhà chọc trời ở Paris nằm ở những khu phức hợp khá đông đúc nhưng xa xôi như La Défense. Trung tâm Paris “phẳng” như thế nào thì La Défense cao như vậy. Nó có tới gần 40 triệu feet vuông diện tích dùng cho thương mại và cho người ta cảm giác của một khu văn phòng kiểu Mỹ. Trừ việc quang cảnh phía xa là Khải Hoàn Môn, những nhân viên hỗ trợ hành chính uống latte của Starbucks ở La Défense dễ dàng cảm thấy rằng mình đang ở trong một phiên bản lớn hơn của thành phố Crystal, Virginia.

La Défense đáp ứng nhu cầu cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bằng cách phân tách những tòa nhà chọc trời. Theo cách nào đó, đây đúng là một giải pháp hay. Những ai làm việc ở đây vẫn có thể vào trung tâm Paris chỉ với nửa giờ đi tàu điện ngầm hoặc một giờ đi bộ. Tuyến tàu điện ngầm đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp ở La Défense có thể kết nối với khu vực hành chính quan trọng hàng đầu mà vẫn nằm trong trung tâm của thành phố cổ kính. La Défense là một trong những trung tâm thương mại đông đúc nhất của châu Âu, và dường như nó có được tất cả những sôi động kinh tế mà chúng ta có thể mong đợi từ những nhân viên chuyên nghiệp. Khu vực này giúp Paris phát triển mà vẫn không ảnh hưởng tới sự nguyên vẹn của thành phố cổ xưa. 

Nhưng việc xây dựng ở La Défense không phải là một giải pháp hoàn hảo để thay cho việc xây mới ở những khu trung tâm hấp dẫn của Paris, nơi nguồn cung ít ỏi đang khiến giá cả tăng vọt. Lẽ tự nhiên là người ta phải xây cao ốc ở trung tâm thành phố, nơi nhu cầu lớn nhất, chứ không phải ở vùng ven hay vùng ngoại ô. Việc thiếu hụt nhà ở mới tại trung tâm Paris đồng nghĩa với việc các căn hộ nhỏ được bán với giá hàng triệu đô la hoặc hơn. Giá thuê khách sạn tốn hơn 500 đô la/đêm. Nếu bạn muốn ở trung tâm thành phố, bạn phải sẵn sàng chi trả cho nó. Người ta sẵn sàng trả giá cao như vậy vì Paris quá hấp dẫn, nhưng họ buộc phải trả giá cao như vậy vì chính quyền thành phố đã quyết định giới hạn chiều cao của những công trình có thể xây trong khu vực đó. Những người có thu nhập trung bình không thể sống trong trung tâm thành phố cũng như thể chính quyền đã dựng lên một chiếc cổng và thông báo ai có mức thu nhập trên trung bình mới được vào.

Đối với những đô thị cổ xưa nhất, đẹp đẽ nhất trên thế giới, La Défense đã tự chứng minh là một hình mẫu khả thi. Bảo tồn được vùng cốt lõi lịch sử, nhưng hàng triệu mét vuông không gian vẫn được phép xây dựng xung quanh. Miễn rằng việc xây dựng trong các khu vực được phép xây nhà cao tầng được có đủ tự do, khu vực này sẽ đóng vai trò như chiếc van an toàn cho cả vùng. Vấn đề chính với La Défense là nó ở quá xa. Khoảng cách của nó giúp nội đô Paris được bảo tồn nguyên vẹn nhưng lại khiến quá nhiều người mất niềm vui tản bộ đến một quán cà phê cổ kính để ăn trưa. 

Thật không may, không có cách nào dễ dàng để cân bằng giữa những lợi ích của việc cung cấp thêm không gian như mong ước với khát khao bảo tồn được vẻ đẹp của một thành phố cổ kính. Thiên kiến cá nhân khiến tôi mong ước rằng những sự phát triển như La Défense sẽ được xây dựng gần nội đô Paris hơn, nơi Pompidou muốn xây có lẽ ngay gần Gare Montparnasse. Nhưng tôi cũng thông cảm với những ai cho rằng Paris quý giá đến mức nên có thêm không gian giữa họ với những đại lộ của Haussmann. Dù gì, Paris vẫn là một trường hợp đặc biệt. Ở những nơi còn lại trên thế giới này, cuộc tranh luận về giới hạn phát triển vẫn còn rất mờ nhạt, và không ở đâu mà những giới hạn về sự phát triển lại gây tai hại nhiều như ở một siêu đô thị của Ấn Độ: Mumbai. 


[1] Tỉnh cũ bao gồm cả thành phố Paris – từ 23 tháng 6 năm 1853 tới 5 tháng 1 năm 1870.

Bản dịch hai cuốn sách “Chiến thắng của đô thị” và “Sinh tồn của đô thị” của Edward Glaeser đã được Book Hunter công bố. Mời các bạn tham khảo link mua sách tại ĐÂY.


Nước Pháp không như bạn nghĩ (1): Con người Pháp & tinh thần Pháp

Điều đầu tiên cần khẳng định về nước Pháp và con người Pháp: Nước Pháp và người Pháp không thể nào tách rời quá khứ ra khỏi hiện tại. Ở Pháp, những cái cổ xưa tồn tại song song cùng với những yếu tố thuộc về con người hiện đại. Người Pháp sống trong quá khứ và hiện tại cùng một lúc. Thẻ smart cards sử dụng chip vi xử lý mang thông tin cá nhân và mã số ID hoạt động tốt ở các

Nước Pháp không như bạn nghĩ (3): Không gian riêng tư

Nói đến sự riêng tư, tôi không muốn đề cập tới vấn đề bảo vệ hợp pháp thông tin cá nhân. Thậm chí, cũng không nói về ý tưởng về không gian cá nhân. Bàn đến tính riêng tư ở đây là bàn đến cảm giác của mỗi nền văn hóa: về những gì thân mật và những gì công khai. Ví dụ: người Bắc Mỹ tự do trao đổi tên và nghề nghiệp một cách công khai, nhưng những điều này được coi là

Nước Pháp không như bạn nghĩ (5): Nghệ thuật hùng biện

Nghệ thuật hùng biện, hay nghệ thuật tu từ là nghệ thuật quý giá của người Pháp, cũng như kịch nghệ đối với người Anh, ca hát đối với người Ý, và violin đối với người Đức. Tu từ không chỉ là môn khoa học của sự thuyết phục và tính hùng hồn. Đó là nghệ thuật hùng biện, dù bằng bài viết hay phát biểu. Người Pháp học cách đánh giá cao và thực hành hùng biện từ khi còn nhỏ. Gần như kể

Nước Pháp không như bạn nghĩ (2): “Đất nước” trong tâm trí mỗi người Pháp

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nước Pháp một sự kết hợp các đặc điểm vật lý giúp Pháp giành được lợi thế tự nhiên trong sự sành ăn: Khí hậu ồn hòa nhờ hải lưu Gulf Stream, những nơi duy nhất chịu thời tiết lạnh chỉ nằm ở phía nam, trong những dải núi cao của dãy Alps và Pyrenees. Không có dãy núi nào ở phía tây, có nghĩa là gió mậu dịch cho mưa xuống đều trên khắp cả nước.

Nước Pháp không như bạn nghĩ (6): Tính ăn thua đủ

Người Pháp có một sở thích đặc biệt đối với việc chia rẽ trên mọi vấn đề - một thái độ có thể bắt nguồn từ tình yên vĩ đại của họ với quyền lực. Tính bảo thủ như một lực ly tâm mạnh lan tỏa đến từng ngóc ngách của xã hội Pháp. Khi đã hiểu được sự tồn tại của nó, tôi thấy nó ở mọi nơi: trong tin tức, những cuộc đàm thoại của mọi người, lịch sử, chính trị, kinh doanh,