Home Chơi NHẠC TIỀN CHIẾN (7): ĐẶNG THẾ PHONG – MỘT THIÊN BẠC MỆNH

NHẠC TIỀN CHIẾN (7): ĐẶNG THẾ PHONG – MỘT THIÊN BẠC MỆNH

Nếu để phong nhạc sĩ nào tài hoa nhất trong số các nhạc sĩ Việt Nam tiền chiến thì tôi có thể nói ngay mà không cần phải cân nhắc suy nghĩ, đó là Đặng Thế Phong (1918-1942). Tài năng của ông không phải chỉ được vun đắp bằng các kỹ năng âm nhạc mà bằng cái tình sâu lắng luôn hiển diện bên trong linh hồn người nghệ sĩ. Câu thơ của Nguyễn Du “tài tình chi lắm cho trời đất ghen” đúng ra phải dùng để ám chỉ nhạc sĩ Đặng Thế Phong mới phải. Ông mất sớm, chỉ để lại 3 trước tác nhưng tác phẩm nào cũng đạt tới đỉnh cao của âm nhạc và có độ ảnh hưởng lớn tới các nhạc sĩ đương thời của ông. Cái tình của ông, thông qua âm nhạc đã ảnh hưởng cả một thời đại.

Cuộc đời ngắn ngủi của Đặng Thế Phong là một chuỗi long đong. Cha mất sớm, gia đình túng quẫn, ông buộc phải thôi học khi đang theo học năm thứ 2 bậc thành chung tại trường trung học Saint Thomas d’Aquin, Nam Định. Sau đó, ông lên Hà Nội học dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lúc bấy giờ, ông đã vẽ một bức tranh tuyệt đẹp về một thân cây cụt. Họa sư người Pháp Victor Tardieu đã đưa ra dự cảm khi chấm bài của ông: “E rằng Đặng Thế Phong không sống lâu được”. Dự cảm ấy thế mà thành hiện thực.  Trước khi mất, ông phải lang bạt nhiều nơi, từ Hà Nội vào Sài Gòn, rồi sang tận Phnôm Pênh. Tại Phnôm Pênh, ông dậy nhạc để kiếm sống và hoàn thiện ca khúc đang dang dở “Con thuyền không bến”. Đến năm 1941, lần đầu ông trình diễn nhạc phẩm “Con thuyền không bến” tại rạp hát Olympia (Hà Nội).

Nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã cho biết nhiều chi tiết về “Con thuyền không bến” như sau:

“Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết (người yêu của ông khi đó) để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông bơi. Đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục trong rõ rệt! Ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra đưa cho Đặng Thế Phong một bao thư. Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con thuyền không bến buồn não ruột…

Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng dạt dào tình cảm như rót vào tai cô bài Con thuyền không bến mà ông vừa sáng tác trong một đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô…”

“Con thuyền không bến” là một ca khúc có khúc thức rất đặc biệt. Nhạc sĩ Phạm Duy đã chỉ ra rằng: “Bài Con thuyền không bến còn có một ưu điểm là được soạn với một giai điệu ngũ cung, dạng 2 (Ré Fa Sol La Do – nốt Mi trong bài chỉ là nốt thoáng qua) nghe như hát sa mạc hay ngâm Kiều. Nhạc sĩ Pháp Debussy, khi đi tìm chất liệu mới trong nhạc ngũ cung, đã có một câu nhạc tương tự như nét nhạc của câu hát mở đầu:

Đêm nay Thu sang cùng heo may…

Ngoài ra, trong Con thuyền không bến còn có những đoạn hát với “nhịp chỏi” (syncope), một thứ nhịp ta thường thấy trong những bản hát Chèo:

Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền (syncope) mơ (syncope) buông xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha (syncope)
Thuyền ơi, đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu”

“Đêm thu” là ca khúc đầu tiên của Đặng Thế Phong. Đây là ca khúc ông viết cho đêm lửa trại của học sinh Hà Nội năm 1940. Ca khúc được viết theo điệu Valse nên khá dễ hát và lời ca cũng vừa đẹp vừa trong sáng. Phạm Duy đã nhận xét về “Đêm thu” như sau: “Với một nét nhạc mineure rất đẹp, Đặng Thế Phong dẫn ta vào một vườn trăng để, cũng như Lê Thương trong Bản đàn xuân, tình tự với các loài hoa. Nhưng có lẽ Đặng Thế Phong thấy trước được mệnh yểu của mình nên muốn mở lòng ra thật rộng để thâu tóm vào đó tất cả cảnh vật chung quanh, từ tiếng côn trùng trong gió tới ánh sao trong vũ trụ. Ca khúc có hai phần, một phần theo âm hưởng mineure của Tây Phương, một phần nghiêng hẳn về nhạc ngũ cung Việt Nam (Ré Mi Sol La Si)”

Nhiều nhạc sĩ khác cho rằng số lượng trước tác của Đặng Thế Phong nhiều hơn 3, còn bao gồm các bài “Sáng trong rừng”, “Sầm Sơn”, “Sáng trăng”… nhưng những ca khúc này vẫn chưa tìm được dấu vết có độ khả tín.

Cho đến nay, ca khúc tuyệt đẹp nhất của Đặng Thế Phong chính là “Giọt mưa thu”. “Giọt mưa thu” ban đầu có tên “Vạn cổ sầu”, được ông viết trên giường bệnh trước khi qua đời. Khi ấy, dường như ông đã dự cảm được cái chết đang đến gần mình. Ca khúc này đã có ảnh hưởng lớn đến không khí mùa thu trong các bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương,Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… và vẫn được tôn vinh là ca khúc đầu tiên của dòng nhạc thu Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Hoàng Long kể lại về sự ra đời của “Giọt mưa thu”:

“Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn cổ sầu. Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt mưa thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là dòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng? Đến một ngày cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về.”

Còn nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ta thấy những phức tạp và tinh vi cũng như vẻ đẹp tuyệt mỹ trong ca từ của ca khúc “Giọt mưa thu”:

“Từ khu vườn nhỏ ra tới sông dài, sông rộng, bây giờ Đặng Thế Phong còn đi xa hơn nữa, đi tới cuối cuộc đời của mình qua một ca khúc mà mới đầu anh định đặt tên là Vạn cổ sầu. Đó là bài Giọt mưa thu:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ…
Bây giờ mùa thu đối với anh là một sự chia ly, sự chết chóc. Dương thế trong mùa thu bao la sầu, gió xa xôi vẫn về, mưa giăng mù lê thê và lũ chim non chiêm chiếp kêu trên cành hay vợ chồng Ngâu sẽ mãi mãi khóc vì thu…

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi, mưa buồn chi
Cho cõi đời lâm ly
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về
Ai nức nở thương, đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu.
Giọt mưa thu nghe như bản Nhạc sầu trong thơ Huy Cận:

Ai chết đó, nhạc buồn chi lắm thế
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường

Từng tiếng lệ, ấy mộng sầu lá úa
Chim vui đâu, cây đã gãy vài cành…
Trong bài Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa thu ngoài đời và trong đời mình. Với Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài Giọt mưa thu chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Đông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng.”

Ba ca khúc của Đặng Thế Phong như thể Tam vị nhất thể của buồn – đẹp – thu. Một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng để lại được những tuyệt tác dường ấy kể cũng đáng. Mỗi khi thu về, trong những lúc đơn độc, chìm đắm trong không gian cô liêu… buồn thế, sâu thế… nhưng cũng bay thế…

Cáo Hà Thành

NHẠC TIỀN CHIẾN (8): CUNG TIẾN VÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẾN THÁNH ĐƯỜNG ÂM NHẠC

Có lẽ hiếm hoi có cuộc dạo chơi nào lại thú vị như Cung Tiến (sinh năm 1938) vào thánh đường của âm nhạc Việt Nam. Khi ông vào độ tuổi thiếu niên thì thời kỳ hoàng kim của âm nhạc lãng mạn ở miền bắc Việt Nam đã thoái trào và chuẩn bị bước vào giai đoạn âm nhạc phục vụ chính trị và chiến tranh, thế nhưng, ông vẫn tiếp tục sáng tác theo lối trữ tình tiền chiến, thậm chí còn đi

NHẠC TIỀN CHIẾN (3): HOÀNG QUÝ – NHẠC SĨ CỦA NHỮNG BẢN ANH HÙNG CA

Hoàng Qúy (1920 – 1946) là một trong các nhạc sĩ tiên phong của nền Tân nhạc Việt Nam. Tuổi đời của ông tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp cho nền Tân nhạc lại mang tính chất nền tảng. Hoàng Qúy sinh ra tại Hải Phòng, ông theo học nhạc sĩ Lê Thương trong thời kỳ Lê Thương dậy học ở Hải Phòng (theo Phạm Duy). Ngoài ra, ông còn theo học một cách bài bản Tây nhạc với nữ giáo sư âm nhạc

Văn Cao – Chông chênh giữa tiêu dao và trách nhiệm

Người ta oán trách Văn Cao vì đã từng làm sát thủ, từng viết những ca khúc đầy ngôn từ bạo lực; người ta cũng từng đấu tố Văn Cao vì tư tưởng lung lạc của ông dưới thời Cách mạng; và cũng có rất nhiều người phải nghiêng mình thán phục tài năng âm nhạc của ông cho dù ông viết các ca khúc cổ động hay các ca khúc trữ tình. Tôi cho rằng Văn Cao là một người bị giằng xé giữa

NHẠC TIỀN CHIẾN (5): ĐOÀN CHUẨN – CHÀNG CÔNG TỬ HÀO HOA ĐẤT BẮC

Nhắc đến nhạc tiền chiến, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001) . Nét nhạc của ông mang đậm hồn cốt của không khí đô thị xứ Bắc nửa đầu thế kỷ 20. Nhạc của ông nhẹ nhàng và sang trọng, tựa hồ như bụi bặm của cuộc đời không bén gót. Không “mang mang thiên cổ sầu” như Dương Thiệu Tước, Lê Thương…v…v…, không cảm xúc dạt dào như Nguyễn Văn Thương, không thoát tục như Văn Cao, không

NHẠC TIỀN CHIẾN (4): DƯƠNG THIỆU TƯỚC – NHẠC SĨ CỦA TÀI TỬ LÃNG DU

Dương Thiệu Tước (1915 – 1995) là nhạc sĩ tiền chiến tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông xuất thân từ một gia đình Nho học truyền thống, cháu nội của nhà Nho tài tử Dương Khuê (tác giả của khúc ca trù nổi tiếng “Hồng hồng tuyết tuyết”), nên ca từ trong ca khúc của ông có màu sắc bảng lảng và thủ pháp ước lệ thường thấy trong thơ ca của các nhà Nho tài tử. Trong thập niên 30s của