Home Ngẫm Nghệ thuật yêu – Erich Fromm (3): Tình yêu giữa cha mẹ và con cái

Nghệ thuật yêu – Erich Fromm (3): Tình yêu giữa cha mẹ và con cái

Vũ Văn Duy

15/06/2018

  Nếu như không phải do số phận nhân từ bảo vệ đứa trẻ, không làm nó cảm thấy sợ hãi khi rời khỏi cơ thể người mẹ, thì trong khoảnh khắc ra đời ấy, đứa trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nhưng trong một khoảng thời gian sau khi ra đời, nó không khác gì mấy so với trước đây: nó vẫn chưa thể nhận biết sự vật, chưa ý thức được sự tồn tại của mình và thế giới tồn tại bên ngoài nó. Nó chỉ cần cái ăn và hơi ấm, nhưng cũng không biết phân biệt hơi ấm, thức ăn và người mẹ cho nó hơi ấm cũng như thức ăn. Đối với đứa trẻ, người mẹ chính là hơi ấm, thức ăn, là giai đoạn đứa trẻ cảm thấy sự vui vẻ trong sự thoải mái và an toàn. Giai đoạn này trong khái niệm của Freud là giai đoạn tự thỏa mãn. Phàm những hiện thực, con người và sự vật xung quanh làm cho đứa trẻ thỏa mãn hoặc thất vọng mới có ý nghĩa đối với nó. Đứa trẻ chỉ ý thức được nhu cầu bên trong của nó; chỉ những nhu cầu của nó mới là thế giới hiện thực, còn cái hay dở của thế giới bên ngoài không liên quan tới nó đều không có bất cứ ý nghĩa gì.
   Nếu như đứa trẻ không ngừng lớn lên, phát dục, nó mới có khẳ năng tiếp nhận bản lai diện mục của sự vật. Bầu vú của người mẹ không còn là nguồn thức ăn duy nhất nữa. Cuối cùng nó có thể phân biệt cái khát của mình, sữa, bầu vú và người mẹ có thể làm nó no bụng. Nó bắt đầu biết được sự tồn tại của sự vật khác không liên quan tới nó. Ở giai đoạn này đứa trẻ học phân biệt tên vật thể, đồng thời biết đối xử thế nào với những vật thể đó; nó bắt đầu hiểu lửa thì nóng, gây bỏng người, gỗ thì cứng, và rất nặng, giấy thì nhẹ và có thể xé rách. Nó cũng bắt đầu học cách giao tiếp với người khác: nó thấy nếu như nó ăn gì đó, người mẹ sẽ mỉm cười; nếu nó khóc, người mẹ sẽ ôm nó vào lòng; nếu nó tiêu hóa tốt, người mẹ sẽ khen ngợi nó. Tất cả những kinh nghiệm này ngưng đọng lại và  bổ sung cho nhau trở thành một loại trải nghiệm: đó chính là được yêu. Tôi được yêu bởi tôi là con của mẹ. Tôi được yêu bởi tôi đơn cô thế cô. Tôi được yêu bởi tôi đáng yêu và lấy được cảm tình của người khác. Tóm lại, tôi được yêu bởi tôi có thứ được người ta yêu – nói chính xác là: tôi được yêu bởi tôi là tôi. Tôi không làm gì cả cũng có được tình yêu của mẹ, bởi tình yêu của người mẹ là vô điều kiện, tôi chỉ cần là con của mẹ. Tình mẫu tử là một lời chúc phúc, là hòa bình, không cần phải giành được nó, cũng không phải cố gắng vì nó. Nhưng tình mẫu tử có mặt thiếu hụt. Tình yêu này không chỉ không cần phải nỗ lực để đổi lấy, mà căn bản nó cũng không có cách nào thắng được. Nếu như có tình mẫu tử thì có chúc phúc; không có tình mẫu tử, cuộc sống sẽ biến thành trống rỗng – mà tôi thì không có khả năng đánh thức thứ tình mẫu tử này.
   Vấn đề của phần lớn đứa trẻ từ 8 tới 10 tuổi vẫn là cần được yêu, được yêu vô điều kiện. Đứa trẻ dưới 8 tuổi vẫn chưa biết yêu, phản ứng của nó với việc được yêu là cảm ơn và sung sướng. Đứa trẻ phát triển tới giai đoạn này sẽ xuất hiện một nhân tố mới – một tình cảm mới, đó là thông qua nỗ lực của mình để đánh thức tình yêu. Lần đầu tiên đứa trẻ cảm thấy cần tặng cho mẹ (hoặc cha) một thứ gì đó – viết một bài thơ, vẽ một bức tranh hay làm một cái gì đó. Quan niệm về tình yêu của nó trong cuộc sống – lần đầu tiên, từ chỗ “được yêu” biến thành “yêu người khác”, biết “tạo ra tình yêu”. Nhưng từ giai đoạn sớm nhất của tình yêu đến giai đoạn chín muồi của tình yêu vẫn sẽ còn kéo dài nhiều năm. Cuối cùng, khi đứa trẻ bước vào tuổi thiếu niên mới khắc phục được việc coi mình là trung tâm vũ trụ, tha nhân giờ không còn là công cụ thực hiện nguyện vọng cá nhân, nhu cầu của người khác quan trọng như nhu cầu của mình – trên thực tế có lẽ còn quan trọng hơn. Việc cho có thể làm mình thỏa mãn hơn việc nhận, yêu quan trọng hơn được yêu. Thông qua tình yêu, hắn giải thoát mình khỏi sự cô độc từ sự yêu bản thân của hắn, hắn bắt đầu quan tâm đến tha nhân và sự thống nhất của tha nhân, ngoài ra hắn còn cảm thấy sức mạnh đánh thức tình yêu. Hắn không còn ỷ lại vào việc đón nhận tình yêu và để gây thiện cảm, hắn phải làm cho mình nhỏ bé, cô lập, trở nên yếu ớt hoặc nghe lời. Tình yêu ngây thơ, tình yêu non nớt tuân theo nguyên tắc: “Tôi yêu, bởi tôi được yêu.”, nguyên tắc tình yêu trưởng thành: “Tôi được yêu, bởi tôi yêu người.” Tình yêu không trưởng thành, ấu trĩ là: “Tôi yêu bạn, bởi tôi cần bạn.”, còn tình yêu trưởng thành là: “Tôi cần bạn, bởi tôi yêu bạn.”
   Liên quan mật thiết với sự phát triển năng lực yêu là sự phát triển đối tượng yêu. Vài tháng sau khy sinh và mấy năm đầu đời của đứa trẻ, mối quan hệ với người mẹ là mật thiết nhất. Mối quan hệ này bắt đầu từ khi chưa sinh ra, đó là người phụ nữ mang thai với đứa trẻ vừa là nhất thể vừa là lưỡng thể. Ở một nghĩa nào đó, sự ra đời thay đổi tình trạng này, nhưng quyết không giống như có sự thay đổi rất lớn. Đứa trẻ sống ngoài cơ thể người mẹ dường như phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Sau này đứa bé bắt đầu học đi, học nói và nhận thức thế giới. Lúc này mối quan hệ với người mẹ bắt đầu mất đi một phần tính quan trọng, và mối quan hệ với người cha bắt đầu trở nên quan trọng.
   Để giải thích cho sự thay đổi này, buộc phải tìm hiểu sự khác biệt căn bản giữa tình mẫu tử và tình phụ tử. Ở trên chúng ta đã nói đến tình mẫu tử. Bản chất của tình mẫu tử là vô điều kiện. Người mẹ yêu tha thiết đứa con mới chào đời, dù không phải bởi đứa trẻ thỏa mãn nguyện vọng đặc biệt nào đó của bà, phù hợp tưởng tượng của bà, mà bởi đây là đứa trẻ do bà sinh ra. (Ở đây chúng ta đang nói đến “điển hình lý tưởng” như Max Weber đề cập đến, hay điển hình lý tưởng trong ý nghĩa nguyên hình của Jung, chứ không phải bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng yêu con theo cách đó. Tôi ám chỉ cái bản chất thể hiện thấy được trên các ông bố bà mẹ.) Tình mẫu tử vô điều kiện không chỉ là đứa bé, cũng là mong muốn sâu sa nhất mỗi chúng ta. Từ góc độ khác, tình yêu thông qua sự nỗ lực để đổi lấy luôn làm cho người ta nghi ngờ. Mọi người sẽ nghĩ: có lẽ tôi không đem tới niềm vui cho người đáng ra phải yêu tôi, có lẽ chỉ là hoa lá cành – tóm lại, mọi người sợ hãi loại tình yêu này sẽ biến mất. Ngoài ra, dựa vào nỗ lực để đổi lấy tình yêu thường làm cho con người cảm thấy một cách đau khổ: tôi được yêu là bởi vì tôi làm cho người đó vui vẻ, chứ không phải xuất phát từ ý nguyện của chính tôi – suy cho cùng, không  phải tôi được yêu, mà bởi người đó cần mà thôi. Do vậy mà tất cả chúng ta, bất luận là đứa trẻ hay người trưởng thành, đều giữ cho mình khát khao đối với tình mẫu tử, điều này không lấy gì làm khó hiểu. Số đông đứa trẻ may mắn có được tình yêu của mẹ (chúng ta sẽ nói tới đạt đến mức nào mới gọi là tình mẫu tử). Còn khát vọng này ở người trưởng thành khó đạt được hơn. Trong quá trình phát triển làm người ta cảm thấy vừa ý, trước sau khát vọng này là một phần của tình dục; nhưng cũng thường xuất hiện ở hình thức tôn giáo, hoặc xuất hiện nhiều hơn kẻ mắc bệnh thần kinh.
   So với quan hệ của người cha thì hoàn toàn khác. Mẹ là cố hương của chúng ta, là tự nhiên, mặt đất và đại dương. Còn người cha không thể hiện bất cứ cội nguồn tự nhiên nào. Trong vài năm đầu đời, đứa trẻ dường như không có mối liên hệ gì với người cha, tác dụng của người cha trong giai đoạn này dường như không thể so sánh với người mẹ. Mặc dù cha không đại diện cho thế giới tự nhiên, nhưng lại đại diện cho một cực đoan khác trong sự tồn tại của nhân loại: đó là đại diện cho thế giới của tư tưởng, pháp luật mà con người tạo ra, trật tự và kỷ luật, v.v… Người cha dạy dỗ đứa trẻ, chỉ cho đứa trẻ con đường vươn tới thế giới.
   Tác dụng của người cha quan hệ mật thiết với tác dụng liên quan tới sự phát triển kinh tế xã hội. Cùng với sự xuất hiện chế độ tư hữu và hiện tượng tài sản do con trai kế thừa, người cha rất có hứng thú với người mà trong tương lai sẽ kế thừa tài sản của mình. Người cha luôn lựa chọn đứa con trai mà ông ta cảm thấy phù hợp nhất làm người thừa kế, cũng chính là người giống ông ta nhất, do vậy cũng là người con trai làm cho ông ta vừa ý nhất. Tình yêu của người cha là có điều kiện. Nguyên tắc của người cha: “Ta yêu con, bởi con phù hợp yêu cầu của ta, bởi con thực hiện chức trách của con, bởi con giống như ta.” Cũng giống như tình yêu vô điều kiện của người mẹ, tình yêu có điều kiện của người cha vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực. Mặt tiêu cực là tình yêu của cha phải dựa vào nỗ lực mới có được, trong trường hợp phụ sự kỳ vọng của cha, sẽ mất đi tình yêu của cha. Bản chất của tình phụ tử: phục tùng là đức hạnh lớn nhất, không phục tùng là tội lớn nhất, kẻ không phục tùng sẽ nhận được sự trừng phạt là mất đi tình phụ tử. Mặt tích cực của tình phụ tử cũng rất quan trọng. Bởi tình phụ tử là có điều kiện, vì vậy tôi có thể giành lấy tình yêu này thông qua sự nỗ lực của bản thân. Khác với tình mẫu tử, tình phụ tử có thể bị chi phối bởi sự chế ngự và nỗ lực của tôi.
   Thái độ của cha mẹ đối với đứa trẻ phù hợp với yêu cầu của nó. Bất luận là thân thể hay tâm lý, đứa trẻ đều cần tình yêu và sự quan tâm của người mẹ. Khoảng 6 tuổi, đứa trẻ cần sự quyền uy và sự dẫn dắt của người cha. Tác dụng của người mẹ là cho đứa trẻ một cuộc sống an toàn, còn nhiệm vụ người cha là chỉ bảo cho đứa trẻ nhìn nhận đúng đắn những khó khăn mà nó sẽ đối mặt trong tương lai. Một người mẹ tốt không cản trở đứa trẻ trưởng thành, cũng không ủng hộ việc đứa trẻ cầu cứu sự giúp đỡ. Người mẹ nên tin tưởng vào cuộc sống, không nên lo lắng bất an và để lây lan cảm xúc này sang đứa trẻ. Bà nên hy vọng đứa trẻ độc lập và cuối cùng thoát ly khỏi mình. Tình phụ tử nên có nguyên tắc chi phối, đồng thời đưa ra yêu cầu nhất định, nên khoan dung, nhẫn nại, không nên chuyên quyền và áp đặt. Tình phụ tử nên làm cho đứa trẻ càng ngày càng tự tin với năng lực và sức mạnh tự thân, cuối cùng làm cho đứa trẻ trở thành người chủ nhân của chính mình, từ đó thoát ly khỏi quyền uy của người cha. Một người trưởng thành cuối cùng có thể đạt tới độ cao của cả người mẹ lẫn người cha. Hắn phát triển tới lương tri của người mẹ và lương tri của người cha. Lương tri của người mẹ nói với hắn: “Bất cứ tội lỗi nào của con, bất cứ tội lỗi nào cũng không làm mất đi tình yêu của ta đối với con, lời chúc phúc của ta dành cho sự sống và hạnh phúc của con.” Lương tri người cha nói với hắn: “Con làm sai, con không thể không chịu trách nhiệm; quan trọng nhất là con phải thay đổi bản thân, có như vậy con mới nhận được tình yêu của ta.” Người trưởng thành làm cho mình thoát ly khỏi hình ảnh bên ngoài của cha mẹ, nhưng lại dựng lên trong lòng mình hai hình tượng này. Ngược lại với lý luận “siêu ngã” của Freud, con người không phải thông qua sự kết hợp cha và mẹ, từ đó dựng lên hai hình tượng này, mà lấy lương tri của người mẹ xây dựng lên năng lực yêu của hắn, lấy lương tri của người cha xây dựng lên lý trí và khả năng phán đoán của hắn. Con người trưởng thành sống đồng thời với lương tri của người mẹ, và lương tri của người cha, dù thoạt tưởng chúng mâu thuẫn nhau. Nếu như một người chỉ phát triển lương tri của người cha, hắn sẽ trở nên nghiêm khắc và không có tính người; nếu một người chỉ phát triển lương tri của người mẹ, hắn sẽ mất đi khả năng phán đoán, cản trở sự phát triển của mình và tha nhân.
   Con người đi từ mối quan hệ mật thiết của tình mẫu tử phát triển tới mối quan hệ mật thiết với tình phụ tử, cuối cùng đạt được sự tổng hòa, đây là cơ sở để con người có linh hồn khỏe mạnh và đạt được sự trưởng thành. Nếu như con người không phát triển theo chiều hướng này, sẽ dẫn tới các bệnh liên quan tới thần kinh. Do giới hạn của bài viết, tôi không thể giải thích cặn kẽ, tôi chỉ có thể đề cập một vài trọng điểm.
   Tỉ như, nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan tới thần kinh có thể là một cậu bé với một người mẹ rất nhân từ, nhưng lại quá chiều chuộng cậu, đồng thời có một người cha với tính cách yếu đuối hoặc không có hứng thú với cậu. Trong trường hợp này, cậu bé sẽ dựa dẫm vào mối quan hệ với người mẹ, dần trở nên ỷ lại vào người mẹ. Người này luôn luôn bị cô lập không ai giúp đỡ, cần được bảo vệ, mà không thể có được một số đặc điểm tính cách của người cha, như: kỷ luật, tính độc lập và khả năng chèo lái cuộc sống. Cậu ta sẽ cố gắng tìm kiếm hình ảnh “người mẹ” ở tất cả mọi người, khi thì ở người phụ nữ, khi thì ở người đàn ông quyền uy. Ngược lại, nếu tính tình người mẹ lạnh nhạt, mê muội bất nhân hoặc rất chuyên quyền, đứa bé sẽ chuyển nhu cầu tình cảm sang người cha, cậu sẽ phát triển theo hướng đơn nhất như ở người cha. Người này sẽ luôn luôn phục tùng nguyên tắc kỷ luật, trật tự và quyền uy, nhưng không có khả năng hy vọng hoặc đạt được tình yêu vô điều kiện. Nếu như cha anh ta là người rất có uy quyền, đồng thời lại có quan hệ rất mật thiết với ông ta, như thế chỉ làm cho anh ta càng phát triển mạnh theo xu hướng này. Những điều tra khác cũng đưa ra cùng kết luận: một số loại bệnh thần kinh như chứng thần kinh cưỡng bức có liên quan tới mối quan hệ đơn nhất với người cha; còn một số bệnh khác như hysteria, nghiện rượu, bất mãn với cuộc sống lại do mối quan hệ đơn nhất với người mẹ.
Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung
Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Erich Fromm

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (6): TÌNH YÊU THƯỢNG ĐẾ

Ở trên chúng ta đã khẳng định, chúng ta theo đuổi tình yêu bởi chúng ta thấy được khoảng cách giữa con người với con người, bởi vậy chúng ta muốn xóa đi khoảng cách này bằng sự gắn kết giữa người với người. Hình thức của tình yêu tôn giáo, tình yêu đối với Thượng đế nhìn từ góc độ tâm lý học không có gì khác, cũng xuất phát từ việc xóa bỏ khoảng cách này, theo đuổi sự thống nhất. Trên thực

Vũ Văn Duy

14/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (4): ĐỐI TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Trước tiên, tình yêu không đơn thuần là mối quan hệ với một người nào đó, mà là một thái độ, một khuynh hướng trong tính cách. Thái độ này quyết định mối quan hệ của người đó với thế giới, chứ không chỉ “đối tượng” duy nhất của tình yêu. Nếu một người chỉ yêu đối tượng của anh ta, còn thờ ơ với người khác, tình yêu của anh ta không phải là tình yêu nữa, mà là một mối quan hệ thể

Vũ Văn Duy

25/06/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (5): YÊU BẢN THÂN

Mọi người coi khái niệm yêu người khác là việc hiển nhiên, cũng thừa nhận nó, nhưng lại thừa nhận phổ biến rằng yêu người khác là một đức hạnh, ngược lại yêu bản thân lại là xấu. Mọi người cho rằng, không thể yêu người khác giống như yêu bản thân mình, bởi vậy yêu bản thân chính là sự tự tư tự lợi. Trong tư tưởng phương Tây, quan điểm này đã tồn tại lâu đời. Calvin (John Calvin, tác giả của Nguyên

Vũ Văn Duy

07/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (7): Tình yêu và sự suy vong của nó trong xã hội phương Tây

Nếu như yêu là khả năng của những người có tính sáng tạo và tính cách trưởng thành, ta có thể đưa ra kết luận: Năng lực tình yêu của mỗi người sống trong một xã hội nhất định quyết định bởi sự ảnh hưởng tới tính cách của người đó của xã hội đó. Khi nói tới tình yêu trong xã hội phương Tây, chúng ta cần phải đưa ra một loạt vấn đề, đó là kết cấu xã hội của văn minh phương

Vũ Văn Duy

18/07/2018

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội