Home Xem NẾU LOÀI MÈO BIẾN MẤT KHỎI THẾ GIỚI?
Xem

NẾU LOÀI MÈO BIẾN MẤT KHỎI THẾ GIỚI?

“Nếu như loài mèo biến mất, thì thế giới này sẽ thay đổi như thế nào?
”Nếu tôi biến mất khỏi thế giới, liệu có ai đau lòng hay không?”

Nếu chỉ còn 24 giờ để sống, người ta sẽ làm gì?

Trong thế giới của “Ikigami” (một bộ manga của Motoro Mase), con người phải đối mặt với câu hỏi ấy hàng ngày, hàng giờ, và mỗi người lại có những câu trả lời khác nhau, những hành động khác nhau. Nếu chỉ còn 1 ngày để sống, có người chọn sống hết mình cho đam mê ca hát, có người nghĩ về gia đình, nhưng cũng có những người chọn đi trừng phạt những kẻ từng bắt nạt mình. Đối mặt với cái chết được báo trước, người ta có đủ dũng khí để làm mọi thứ, kể cả những hành vi vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm luân thường đạo lí.

Sống – chết, tồn tại – biến mất vốn vẫn là một đề tài quen thuộc được nhiều tác giả Nhật Bản khai thác. Sống có ý nghĩa gì? Sự tồn tại của tôi/ một sự vật là gì trong thế giới rộng lớn này? Những câu hỏi đó trở đi trở lại trong biết bao nhiêu tác phẩm. Và cái chết, sự biến mất liệu có phải kết thúc? Hay đó chỉ là chuyến khởi hành cho một hành trình mới? Vài năm trước, “Departure” của đạo diễn Yōjirō Takita đã đặt ra tất cả những câu hỏi ấy trong đầu tôi. Hôm nay, những câu hỏi ấy một lần nữa được lặp lại trong “Nếu loài mèo biến mất khỏi thế giới”, theo một cách khác.

“Nếu loài mèo biến mất khỏi thế giới” là bộ phim tâm lí xã hội của đạo diễn Akira Nagai. Kể về một chàng trai sắp chết vì ung thư não. Để có thể sống thêm một ngày, cậu chỉ cần đồng ý để cho ác quỷ làm biến mất một thứ gì đó trên thế giới. Mỗi ngày qua đi, một thứ bất kỳ sẽ biến mất, và chàng trai được sống đến hôm sau. 142 phút cứ thế qua đi, từ chiếc điện thoại cho đến các bộ phim, cái đồng hồ, lần lượt biến mất trên thế giới, kèm theo đó là tất cả những mối quan hệ liên quan cũng biến mất theo. Cuối cùng, con quỷ chọn loài mèo sẽ không tồn tại nữa.


Trung thực mà nói, đây là một bộ phim đơn giản. Đối với khán giả trung thành của điện ảnh Nhật Bản, hẳn sẽ đoán ra được cái kết của phim. Tuy nhiên, cái kết dễ đoán là một chuyện, làm thế nào để đưa đến cái kết dễ đoán đó lại là chuyện khác, khó hơn rất nhiều. Riêng đối với tôi, cái kết vẫn có phần hơi “nhẹ” so với toàn bộ phần đầu phim. Nó giải quyết được tâm lí của nhân vật, nhưng chưa thể làm thỏa mãn được khoái cảm của người xem, cũng như chưa thể đem ra làm đối trọng cho cả đoạn gần như hoàn hảo trước đó. Trong phần viết này, tôi sẽ không tiết lộ cái kết, song tiếc rằng đạo diễn Akira Nagai đã chưa thể làm ra một phần kết tốt hơn những gì bộ phim đã đem lại.


Một trong những phần thú vị nhất của bộ phim đó là việc theo dõi tay ác quỷ, xem hắn sẽ chọn cái gì tiếp theo để hủy diệt. Chiếc điện thoại được lựa chọn đầu tiên bởi nhiều lí do. Đáng nhẽ chỉ nên là một phương tiện liên lạc, thì chiệc điện thoại lại đang sở hữu ngược lại con người. Ai ai cũng cắm mặt vào điện thoại, trên xe bus, khi đi mua hàng, thậm chí, cả khi ngồi với người yêu. Những con người luôn cho rằng bản thân bận rộn, lưu hàng loạt số điện thoại trong danh bạ nhưng đến khi cần nói chuyện lại chẳng biết phải gọi cho ai. Đó đã thành tình trạng chung đối với tất cả chúng ta, chứ không riêng gì nhân vật trong phim. Khi phải đứng trước một thực tế rằng ngày mai chiếc điện thoại sẽ biến mất, nhân vật chính vẫn không biết phải làm gì với con di động của mình. Với những người ta yêu thương, thay vì gọi điện, lại đã đánh đổi hẳn một ngày để sống thêm, tại sao lại không hẹn gặp trực tiếp? Cho đến khi đứng trước bờ vực của sự lãng quên, chiếc điện thoại vẫn không phát huy được công dụng của nó. Điện thoại là thứ đã đem hai người xa lạ đến với nhau, nhưng chính nó cũng là thứ đẩy hai con người ra xa nhau. Thế nhưng, thực tế là con người vẫn không thể sống được tốt nhất nếu không có chúng. Khi ngày – điện – thoại – không – còn đến, mọi sợi dây liên kết bắt đầu từ nó đều bị xóa sạch. Mối quan hệ từng thân thiết nay lại không hề tồn tại. Trong trường hợp này, vai trò của điện thoại được đặt ra, vừa lên án, vừa biện hộ. Chỉ là trên thực tế, trước khi chết, có lẽ chẳng ai muốn cầm đến điện thoại làm gì. Nó chỉ là công cụ liên lạc, chứ không phải là người mà người ta muốn liên lạc.


Tiếp theo là điện ảnh. Điện ảnh, hay nghệ thuật nói chung, dường như không còn giữ vai trò quan trọng khi ai đó phải lựa chọn giữa nó và cuộc sống. Tên quỷ tinh ranh chọn xóa bỏ điện ảnh, xóa bỏ toàn bộ cuộc sống trong những cuộn phim, xóa bỏ cả tình bạn giữa cậu bạn mê phim và anh chàng nhân vật chính. “Trước khi chết, tôi nên xem phim gì?”. Bới tung cả quầy đĩa lên cũng không thể tìm được một bộ phim phù hợp cho câu hỏi ấy. “Điện ảnh là vô hạn”, cũng như cuộc sống này là vô hạn. Nhưng nếu điện ảnh bị xóa sổ như chưa từng tồn tại, thì sẽ chẳng còn có “Metropolis”, “Underground” hay “1900” trên thế giới này, nghệ thuật vĩnh viễn mất đi một phương thức tồn tại, và đời người lại nhàm chán thêm ra. Điện ảnh là gì? Nếu không phải là những hình ảnh được sắp xếp liên tiếp với nhau, theo một mạch truyện nhất định? Điện ảnh là gì? Nếu những bộ phim không còn được ai xem, bụi phủ mòn trên kệ? Khi điện ảnh không còn, rạp chiếu phim để lại một khoảng đất trống trơn, một lỗ hổng lớn không gì có thể bù đắp. 


Cuối cùng, nếu loài mèo biến mất, thế giới sẽ thế nào? Một con mèo Bắp Cải của chàng trai có giữ bao nhiêu kỉ niệm và bao nhiêu mối liên hệ đối với những người thân thiết xung quanh. Nó không còn là con mèo bình thường nữa, mà đã trở thành một người bạn, sau cùng là một biểu tượng về những gì gần gũi nhất, thân thuộc nhất đối với con người. Thế giới khi loài mèo biến mất, không phải là giả định về một thế giới không còn loài mèo, mà là giả định về một thế giới thiếu vắng tất cả mọi mối dây liên hệ, xa lạ với tất cả những gì ta từng thấy thân quen và từng thấy yêu thương. Thế giới ấy sẽ như thế nào? Liệu người ta có đánh đối cái thế giới ấy, chỉ để thêm MỘT ngày để sống? Một ngày để sống mà không biết làm gì, không nhận ra ý nghĩa sự tồn tại của bản thân, thì có đáng để đánh đổi?


“Tôi đang sống đây” là một câu thoại ám ảnh. Trong tiếng thác nước đổ ào ào tứ phía, tiếng nói của con người cất lên nhỏ bé, vô vọng biết chừng nào! Con người, so với tự nhiên, quả thật chỉ là một tạo vật nhỏ nhoi, yếu ớt, có thể biến mất bất cứ lúc nào. Thế nhưng con người vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu, vẫn kiên cường với câu khẳng định: “Tôi đang sống đây.”


Một điểm thú vị khác là tạo hình của tay ác quỷ. Ác quỷ có ngoại hình giống y hệt với nhân vật chính. Với cách tạo hình như vậy, có thể đặt ra một giả định khác rằng tay ác quỷ này thực chất chỉ là một idea trong đầu nhân vật chính, và những thứ anh ta nghĩ đến (làm biến mất thứ gì đó để đổi lấy một ngày sống) chẳng qua chỉ là phút suy nghĩ điên khùng của một kẻ biết mình sắp chết mà không thể thay đổi được vận mệnh, một người vừa mới mua một đống dầu gội đầu mới và sắp sửa có cái thẻ giặt miễn phí của tiệm giặt là. 


Xem đến cuối phim, tôi vẫn phải hỏi đi hỏi lại, cuối cùng thì ý tưởng chính của bộ phim này là gì? Cuộc sống có đáng sống tiếp nếu thiếu đi sự cảm thông, tình yêu thương, nghệ thuật và vô vàn những mối quan hệ khác? Câu trả lời của tôi là, thước đo của cuộc sống không tính bằng ngày, bằng giờ, mà tính bằng những gì người ta làm được, những gì đã trải qua, những gì đang làm trong chính hiện tại này. Ý tưởng này vốn không mới, khi mà ta có thể bắt gặp nó trong rất nhiều bộ phim gần đây như “About Time”, như “Age of Adaline”. Vậy nhưng, thật sự thì “Nếu loài mèo biến mất khỏi thế giới” vẫn là một thể nghiệm thú vị, nếu ai đó còn hứng thú với ý tưởng đó.

Nguyễn Hoàng Dương

Xem

“NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH

Ra rạp từ tháng 7 năm 2019, bộ phim "Na Tra - Ma đồng giáng thế" đã nhận được vô số lời khen từ khán giả. Sau "Đại ngư hải đường", "Na Tra" một lần nữa đã đem đến cho người xem một trải nghiệm đầy bất ngờ về thế giới thần thoại Trung Hoa, với những Nguyên thủy thiên tôn, Thái ất chân nhân, Na Tra, Ngao Bính,... Câu chuyện của "Na Tra - Ma đồng giáng thế" xoay quanh Na Tra, cậu bé
Xem

Xem “Ratatouille” và nghĩ về ngành phê bình ẩm thực

Người ta xem “Ratatouille” (Tên tiếng Việt là  “Chú chuột đầu bếp”) thường thích thú với không khí nhà hàng và các món ăn tinh tế, ngon lành của Pháp. Tôi đoán rằng không ai thích chú chuột vì nhìn con chuột chạy đi chạy lại trên màn hình thường nghĩ đến những gian bếp đầy chuột ở Việt Nam, dù rằng chú chuột trong phim có một khẩu vị rất ư tinh tế. Còn tôi, tôi đặc biệt để ý đến vấn đề phê
Xem

“V for Vendetta” – Cuộc nổi dậy của lý tưởng

“V for Vendetta” là một bộ truyện tranh nổi tiếng vào thập niên 80-90 của thế kỷ 20 (Alan Moore & David Loyld) kể về một giả tưởng đen tối dự báo về sự cầm quyền độc tài ở nước Anh trong tương lai và cách thức con người phản kháng chống lại hệ thống. Nhân vật chính là V và Evey, những nạn nhân của hệ thống, đã tổ chức một cuộc đánh bom tòa nhà quốc hội vào ngày 5-11, kỷ niệm 400 năm
Xem

Đầu xuân xem “Long thành cầm giả ca”

Lần đầu tiên biết đến “Long thành cầm giả ca” là năm 2010. Năm đó, tôi mới vào lớp 10, bắt đầu học thơ Nguyễn Du. Đó cũng là năm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, trên TV có nhiều chương trình kỉ niệm đại lễ ấy. Cùng năm ấy, tôi xem trên TV được một đoạn giới thiệu phim “Long thành cầm giả ca”, và nghe Nhật Kim Anh đọc bài thơ cùng tên của Nguyễn Du. Tôi vẫn luôn ghi nhớ ấn tượng
Xem

Xem “Arrival”, nghĩ vài điều về thời gian và ngôn ngữ

Mới đầu năm 2017, các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời hai bộ phim “siêu ảo” về dòng thời gian và những thông tin lưu chuyển tương ứng, đó là “Assassin’s creed” và “Arrival”. Tôi thích thú với “Assassin’s creed” hơn nhưng tôi sẽ không viết về nó bởi nó dường như vẫn đang dang dở. Tôi sẽ viết về “Arrival” không phải vì tôi thích nó mà vì những gì tôi thấy nực cười ở bộ phim này, và những lý giải