Home Học Làm thế nào để phát triển chương trình đào tạo đạo đức hiệu quả cho nhân viên

Làm thế nào để phát triển chương trình đào tạo đạo đức hiệu quả cho nhân viên

Book Hunter

30/12/2022
lam-the-nao-de-phat-trien-chuong-trinh-dao-tao-dao-duc-hieu-qua-cho-nhan-vien

82% các chuyên gia nói rằng họ muốn nhận một công việc trả lương thấp hơn để làm việc cho một tổ chức với các hoạt động kinh doanh có đạo đức hơn. Đây chỉ là một trong những lý do để cung cấp chương trình đào tạo đạo đức cho nhân viên.

Một bài học lớn mà nhiều nhà lãnh đạo đã học được từ đại dịch COVID-19 và việc ngày càng chú trọng đến trách nhiệm xã hội là các tổ chức sẽ tồn tại và phát triển khi họ làm điều đúng đắn. Ngoài ra, điều gì là hợp pháp và điều gì là đúng hoặc có đạo đức không nhất thiết phải giống nhau.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng người tiêu dùng đang chú ý nhiều hơn đến các hoạt động của các công ty mà họ có mối quan hệ kinh doanh. Họ ít có xu hướng mua từ những thương hiệu mà họ tin là phi đạo đức, và họ nhiều khả năng cân nhắc các giá trị của tổ chức trong các quyết định mua hàng hơn. Đây chỉ là một vài lý do để suy xét việc phát triển đào tạo đạo đức cho nhân viên.

Lợi ích của chương trình đào tạo đạo đức cho nhân viên và tổ chức

Đạo đức liên quan đến việc đưa ra các quyết định dựa trên sự chính trực, hay các quyết định dựa trên các giá trị được duy trì chặt chẽ.

Theo Christopher Adkins, giám đốc điều hành của Trung tâm Lãnh đạo Đạo đức Notre Dame Deloitte, “Việc đơn giản chỉ nắm bắt các quy tắc và cách gọi đường dây trợ giúp về đạo đức không nhất thiết có nghĩa là nhân viên sẽ lên tiếng khi họ thấy các vấn đề đạo đức tại nơi làm việc.”

Nói cách khác, các tổ chức mà thiết lập quy tắc ứng xử nhưng không cung cấp đào tạo về đạo đức sẽ khó có thể nhận thấy nhiều thay đổi trong hành vi. Việc chỉ đọc quy tắc, mà không có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về cách áp dụng quy tắc vào công việc của họ, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc xây dựng văn hóa chính trực.

Đây là lý do tại sao việc đào tạo đạo đức cho nhân viên lại mang đến lợi ích. Ưu điểm có thể bao gồm:

  • Sự tin tưởng và tinh thần đồng đội giữa các nhân viên được nâng cao
  • Ý thức trách nhiệm về đối xử công bằng với khách hàng, nhà cung cấp và nhà cung cấp dịch vụ mạnh mẽ hơn và diễn ra trong toàn bộ tổ chức
  • Văn hóa tổ chức tích cực với tinh thần làm việc của nhân viên được nâng cao
  • Sự trung thành từ những người tiêu dùng coi trọng và tán dương các hoạt động kinh doanh có đạo đức
  • Danh tiếng thương hiệu tốt hơn và tránh được các vụ bê bối hoặc kiện tụng tốn kém

Có một tác động tài chính rất thực tế mà hành vi phi đạo đức có thể gây ra cho một tổ chức. Theo báo cáo, hơn nửa số vụ công ty phá sản lớn nhất là kết quả của các hoạt động kinh doanh phi đạo đức.

Ngoài ra, việc có danh tiếng về hoạt động kinh doanh phi đạo đức có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của một tổ chức. Một cuộc khảo sát năm 2019 của Glassdoor cho thấy, đối với nhiều người tìm việc, đạo đức quan trọng hơn tiền lương: 82% chuyên gia cho biết họ sẽ nhận một công việc được trả lương thấp hơn để làm việc cho một tổ chức có các hoạt động kinh doanh đạo đức hơn.

Tăng cường đào tạo đạo đức cho nhân viên

Đạo đức tổ chức liên quan đến việc đưa ra các quyết định cá nhân và nhóm nằm trong ranh giới các giá trị và cẩm nang của tổ chức. Nhiều tổ chức đã phát triển “quy tắc ứng xử” để giúp chuyển đổi các giá trị của họ thành các tiêu chuẩn hướng dẫn hành vi. Một số cũng hoạt động trong bối cảnh lớn hơn của khuôn khổ pháp lý và quy định, chẳng hạn như khuôn khổ do HIPAA (Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế năm 1996), OSHA (Cơ quan An toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Hoa Kỳ) hoặc SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ) cung cấp.

Một bộ quy tắc ứng xử có thể giải quyết các vấn đề như:

  • Đối xử tôn trọng với đồng nghiệp, khách hàng và công chúng
  • Sử dụng hợp lý và bảo vệ thông tin mật, độc quyền hoặc cá nhân
  • Tặng quà và nhận quà từ khách hàng, nhà cung cấp…
  • Cách thức làm việc
  • Được phép sử dụng tài sản của công ty
  • Tránh xung đột lợi ích
  • Tuân thủ pháp luật hiện hành và các yêu cầu quy định

Trong nội bộ, quy tắc ứng xử hướng dẫn việc ra quyết định hàng ngày, đồng thời nói với những người khác về tổ chức đại diện cho điều gì. Nhưng ngay cả khi đã có quy tắc ứng xử ở đây, không phải lúc nào người ta cũng dễ dàng biết được điều đúng đắn cần làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải đào tạo đạo đức cho nhân viên ở tất cả các cấp, để giúp họ phát triển khả năng đánh giá tình huống và hành động một cách chính trực.

Đào tạo đạo đức thường bao gồm các chủ đề sau:

  • Quy tắc ứng xử và các giá trị văn hóa doanh nghiệp của tổ chức
  • Những tình huống đạo đức khó xử thường gặp
  • Đạo đức trong quan hệ khách hàng
  • Các chủ đề đào tạo về sự đa dạng
  • Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu
  • Các yêu cầu về quy định và tuân thủ
  • Thực thi lao động có đạo đức

Thực hành đào tạo đạo đức tốt nhất

Nhân viên ở tất cả các cấp của một tổ chức có thể được hưởng lợi từ đào tạo đạo đức, nhưng trước tiên và quan trọng nhất, đạo đức phải được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo. Đào tạo đạo đức có thể giúp các nhà lãnh đạo trở nên cởi mở hơn và dễ tiếp thu những mối quan tâm của nhân viên, cũng như có thể đào tạo họ để:

  • Lãnh đạo theo cách tạo ra niềm tin và mô hình hóa trách nhiệm giải trình
  • Giúp nhân viên thấy được mối liên hệ giữa đạo đức và công việc họ làm
  • Nuôi dưỡng văn hóa chính trực và ứng xử có đạo đức
  • Truyền đạt các giá trị của công ty
  • Lưu ý các dấu hiệu của một nơi làm việc độc hại, chẳng hạn như bắt nạt và quấy rối

Tuy nhiên, những chủ đề này không nên dành riêng cho quản lý cấp cao nhất trong doanh nghiệp. Các lãnh đạo ở tất cả các cấp của một tổ chức nên mô hình hóa các hành vi đạo đức và giúp thúc đẩy tư duy mang lại thay đổi văn hóa doanh nghiệp.

Sẽ không bao giờ có những hậu quả tiêu cực đối với việc soi sáng các vấn đề đạo đức hoặc nghi vấn về các hoạt động kinh doanh có thể gây hại.

SHRM (Hiệp hội quản lý nguồn nhân lực) đã xác định ba yêu cầu đối với việc ra quyết định có đạo đức: (i) “khả năng nhận ra các vấn đề đạo đức và suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của giải pháp thay thế, (ii) sự tự tin để tìm ra các quan điểm khác nhau và sau đó quyết định điều đúng tại một thời điểm và địa điểm nhất định trong một mối tương quan và hoàn cảnh cụ thể, và (iii) sự cứng rắn để sẵn sàng đưa ra quyết định khi không thể biết tất cả những gì cần biết và trước những câu hỏi thúc ép tìm câu trả lời mà không có giải pháp chắc chắn và không thể chối cãi.”

Đào tạo hiệu quả giúp người học củng cố các kỹ năng này trong các kịch bản đóng vai, nghiên cứu tình huống và thảo luận nhóm. Ví dụ, nhân viên có thể tham gia đóng vai xung quanh các tình huống như:

  • Một nhân viên chứng kiến ​​một vụ bắt nạt, trong khi những nhân chứng khác không làm gì để can thiệp
  • Một nhân viên nhận thấy một đồng nghiệp chơi trò chơi điện tử trên điện thoại di động tại nơi làm việc
  • Một nhân viên phát hiện ra một đồng nghiệp đang biển thủ quỹ của tổ chức

Mục tiêu trong bất kỳ kịch bản đóng vai nào trong số này đều là học cách tương tác phù hợp với nhân viên có hành vi đáng lo ngại. Adkins nói: “Đào tạo đạo đức cần phải vượt ra ngoài các quy tắc và phân tích, đồng thời trở nên mang tính xã hội và phản ánh kinh nghiệm hơn, khai thác kinh nghiệm trong quá khứ của các cá nhân và cung cấp các mô hình xã hội mà họ có thể bắt chước.”

Đào tạo đạo đức đòi hỏi thực hành thực tế khi đưa ra quyết định mang tính đạo đức. Trong một hoạt động khác, nhân viên trong các nhóm nhỏ có thể suy nghĩ về danh sách các tình huống đạo đức khó xử phổ biến nhất của tổ chức, sau đó chọn một vấn đề để thảo luận. Nhân viên xem xét tình thế tiến thoái lưỡng nan từ nhiều khía cạnh khác nhau và chia sẻ ý tưởng để giải quyết một cách hiệu quả.

Cũng cần phải nhận ra rằng mặc dù triển khai một lần chương trình đào tạo đạo đức vẫn tốt hơn là không có gì, nhưng nó không đủ để xây dựng văn hóa chính trực. Việc đào tạo đạo đức nên được tiến hành liên tục và có thể diễn ra thông qua nhiều phương thức khác nhau.

Lưu ý cuối cùng

Khi thiết kế chương trình đào tạo đạo đức cho nhân viên, nên xây dựng thông điệp rằng làm điều đúng đắn sẽ luôn ổn thôi. Sẽ không bao giờ có những hậu quả tiêu cực đối với việc soi sáng các vấn đề đạo đức hoặc đặt câu hỏi về các hoạt động kinh doanh có thể gây hại cho các bên nội bộ hoặc bên ngoài. Khi thông điệp này được truyền tải và thực sự được cảm nhận trong toàn tổ chức, việc lựa chọn những gì đúng đắn thay vì những gì đơn giản là thuận tiện hoặc mang lại lợi nhuận sẽ trở thành tiêu chuẩn.

Nguồn: Big Think – Joanne Willard

Dịch: Hải Anh

Ngân sách dịch bài được trích từ doanh thu Combo SUY NGHĨ ĐÚNG – QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG, gồm 3 cuốn sách kinh điển “Luân Lý học” của Aristotle, “Bhagavad Gita – Những đối thoại siêu hình thiêng liêng” (Kinh sách Ấn Độ cổ đại) và “Bàn về nền tảng đạo đức” của Athur Schopenhauer.

>> Tìm hiểu thêm: Combo sách Suy nghĩ đúng quyết định đúng – Book Hunter Lyceum

 

Tại sao bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu

Bất kỳ ai muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học nên tự nghiên cứu trước. Nghiên cứu khoa học liên quan đến việc khám phá những sự thật về thế giới tự nhiên và, ở mức độ lớn nhất có thể, đưa chúng vào sử dụng tốt đẹp cho nhân loại. Nó có vẻ giống như một nỗ lực cao quý, phải không? Bạn có thể chọn xem bạn muốn học bất kỳ ngành nào trong bốn ngành chính của STEM: khoa học,

Huyễn tưởng về người tốt, kẻ xấu

Văn hóa đại chúng ngày nay bị ám ảnh với cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, trong khi những câu chuyện dân gian lại không như vậy? Điều gì đã thay đổi? Lần đầu tiên chúng ta thấy Darth Vader làm gì đó hơn là chỉ thở một cách khó nhọc trong phim Star Wars (1977), anh ta bóp cổ một người đàn ông đến chết. Sau đó một vài cảnh, anh ta cho nổ tung một hành tinh. Anh ta giết chết các thuộc