Home Xem KLAUS (2019) – MỘT NGHĨA CỬ THIỆN CHÍ LUÔN CÓ CÁCH TỰ LAN RỘNG
Xem

KLAUS (2019) – MỘT NGHĨA CỬ THIỆN CHÍ LUÔN CÓ CÁCH TỰ LAN RỘNG



Đã rất lâu rồi kể từ ngày “Rise of the Guardians” được công chiếu vào năm 2012, đến nay, sau 7 năm, mới có lại một phim hoạt hình cho mùa Noel đi vào lòng người như “Klaus”.

Bộ phim kể về hành trình của cậu thanh niên con ông cháu cha tên Jesper học tại Học viên bưu chính. Cậy gia thế và tiền tài của người bố, Jesper không chịu học hành mà chỉ tập trung cho việc ăn chơi trác táng. Nhìn thấy cậu con trai ngày một dựa dẫm, bố Jesper quyết định ép cậu đến một vùng đất xa xôi hẻo lánh, và giao cho cậu nhiệm vụ gửi đi 6.000 lá thư trong vòng một năm. Nếu không đạt mức này, Jesper sẽ bị cắt quyền thừa kế và phải sống trong nghèo đói đến già. Jesper đến vùng đất xa xôi hẻo lánh kia, và cậu nhận ra nhiệm vụ giao thư gần như bất khả thi, vì ở vùng đất này, chỉ có hai gia tộc chung sống, và hai bên giữ mối thù hằn với nhau từ đời tổ tiên cho đến ngày nay. Giữa những người dân chỉ có sự giận dữ và thù ghét truyền kiếp, và tất nhiên, chẳng ai lại muốn gửi thư đi làm gì!

Jesper phải cố gắng thực hiện thử thách của người bố, xoay sở để những người trong khu phố chịu gửi thư đi. Và sau một lần tình cờ, cậu quyết định chọn những đứa trẻ làm đối tượng để “dụ dỗ” gửi thư. Vậy là từ đây, câu chuyện chính thức bắt đầu…

Cốt truyện của “Klaus” khá đơn giản, nó đưa ra một lí giải mới về nguồn gốc của ông già Noel Santa Claus, về cách gửi quà qua đường ống khói, hình ảnh những con tuần lộc kéo xe trượt tuyết bay dưới ánh trăng, hay tại sao ông già Noel lại mặc áo màu đỏ,… Tất cả đều được nhắc đến trong “Klaus”.

Nếu để ý kĩ, người xem có thể thấy điểm thú vị nhất ở “Klaus” thật ra không phải nhân vật Klaus (tức hình tượng ông già Noel), mà là chàng thanh niên Jesper. Chính Jesper đã nghĩ ra ý tưởng gửi thư cho ông già Noel để nhận quà, cũng chính cậu là người “vẽ” nên huyền thoại chỉ những đứa trẻ ngoan mới có quà, và chính Jesper đã truyền cảm hứng cho Klaus, để Klaus trở thành người được tất cả lũ trẻ yêu thích, còn cậu lui về hậu trường làm một anh chàng đưa thư.

Xuyên suốt bộ phim là những sự thay đổi nhỏ, nhưng mang lại tác động lớn. Những đứa trẻ học cách cùng vui chơi, cùng xây dựng, thay vì thù ghét và trực chờ đánh nhau như trước đây. Chính sự thay đổi của những đứa trẻ đã khiến cho các bậc phụ huynh trong vùng đất ấy đối xử với nhau khác đi: Thay vì coi nhau là kẻ thù, họ nhìn nhau như những người hàng xóm thân thiện. Người với người học cách đối xử với nhau bằng sự quan tâm và niềm vui. Và thế là, chỉ từ một hành động “đòi quà” nho nhỏ do Jesper nghĩ ra, cả thị trấn chuyển mình…

Klaus nói: “Một nghĩa cử thiện chí luôn có cách tự lan rộng.” Lúc đầu, Jesper không tin. Cậu thực dụng nghĩ rằng, ai làm bất cứ điều gì cũng đều phục vụ cho một lợi ích riêng. Thật ra, điều đó đúng. Jesper đi phát quà không phải vì cậu yêu thương trẻ em, càng không phải vì cậu muốn lan tỏa niềm vui, mà là vì muốn thực hiện mục tiêu gửi 6.000 lá thư; nhưng hành động của cậu đã giúp người dân cả thị trấn nhận ra một điều: Có nhiều cách vui vẻ hơn để chung sống, và tại sao lại phải duy trì mãi mối thù truyền kiếp dù những người trong quá khứ đã ngủ yên từ rất lâu rồi?

Đối với tôi, Jesper không phải một người hùng. Cậu không có những lý tưởng cao lớn, không thật sự có sức mạnh phi thường, lại càng có nhiều khiếm khuyết và thực dụng. Nhưng Jesper lại là người đem đến hy vọng cho bọn trẻ, là người thổi một luồng gió mới vào cuộc sống của những người dân sống trong một thị trấn nhàu nát bởi hận thù. Những sự kiện diễn ra trong “Klaus” giống như một chuỗi Domino, mà ở đó, Jesper chỉ cần đẩy miếng gỗ đầu tiên mang đến niềm vui và thiện chí, là tất cả những miếng gỗ còn lại đều thay đổi. Những đứa trẻ thân ái, hòa hợp với nhau ban đầu là vì chúng muốn có được đồ chơi, nhưng về sau, sự hòa hợp ấy biến thành thói quen và lan tỏa đến cả người lớn. Bằng cách nào đó, quả thực những nghĩa cử thiện chí luôn có cách tự lan rộng.

Không giống những câu chuyện kỳ ảo khác về ông già Noel, “Klaus” chỉ đơn giản là hành trình những người bình thường đi phát quà cho lũ trẻ nhân dịp Giáng sinh, mà ở đó, Klaus là một ông già mang nỗi nhớ người vợ quá cố, người gửi quà qua đường ống khói lại là một bưu tá, và chẳng có lũ quỷ hay thế lực siêu nhiên nào để các nhân vật chính chống lại cả.

Trong “Klaus”, phản diện đáng sợ nhất chính là truyền thống. Truyền thống gia đình, dòng tộc đã chia cắt những người dân sống trong cùng một khu vực, ép họ buộc phải chia phe và chiến đấu. Truyền thống này đi sâu vào từng cá nhân từ khi còn bé, để khi chỉ một đứa trẻ cất tiếng hỏi “tại sao?”, là đứa trẻ ấy sẽ phải lắng nghe cả hàng ngàn năm lịch sử thù hận giữa hai gia tộc. Người đứng đầu gia tộc nhận thức rất rõ việc hành vi của những đứa trẻ quan trọng như thế nào: “Mất bao lâu để lũ trẻ quay lại đường cũ nếu không còn đồ chơi hối lộ cho chúng? Mất bao lâu để chúng chống đối lẫn nhau? Và bao lâu để người lớn làm theo?” Thế nên, họ cố gắng gieo vào lòng những đứa trẻ sự thù hận và bất mãn. Với sự thù hận và bất mãn ấy, những đứa trẻ sẽ không có cơ hội để trải nghiệm lòng tốt và niềm vui từ đối phương.

Cuộc chiến trong “Klaus”, nhìn rộng ra, chính là cuộc chiến giữa oán thù và hòa giải, giữa tức giận và niềm vui; và đặc biệt hơn, là cuộc chiến khi hận thù được hóa giải dần dần bởi chia sẻ và yêu thương.

Thú thực, ban đầu, tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào “Klaus”, vì hầu như năm nào cũng từng đợi hoạt hình Giáng sinh, và năm nào cũng từng… thất vọng. Có lẽ vì không có kỳ vọng gì nên khi xem “Klaus”, tôi đã có thể để bản thân lặng thinh và tận hưởng từng khoảnh khắc trong phim. Kịch bản, đồ họa 2D, âm thanh, màu sắc,… tất cả đều đẹp ngoài sức tưởng tượng. Có đôi khi nhìn Klaus, tôi nghĩ đến Santa Claus trong “Rise of the Guardians”, bởi cả hai đều có tạo hình là một ông già to lớn, râu ria xồm xoàm, bạc trắng. Và mỗi khi nghĩ đến những nhân vật có cùng tạo hình ấy, tôi lại tự nhủ thầm rằng nếu có thật, có lẽ ông già Noel đúng là trông giống vậy…

Nhìn chung, “Klaus” là một bộ phim phù hợp cả cho trẻ em và người trưởng thành, và rất thích hợp để xem trong mùa Noel. Thời gian phim chỉ vẻn vẹn 90 phút, tiết tấu nhanh, không nhiều chi tiết thừa. Được biết, teaser của phim đã được tung ra từ năm 2015. Từ đó đến nay, các nhà làm phim đã hoàn thiện để đem đến một “Klaus” hoàn mỹ nhất, cả về nội dung và đồ họa. Giữa tràn lan các phim hoạt hình 3D sản xuất trong suốt những năm vừa qua, “Klaus” là một ngoại lệ hiếm hoi về đồ họa. Bên cạnh nội dung nhẹ nhàng, vừa vặn, chắc chắn là bạn sẽ có được những trải nghiệm thị giác thú vị khó quên khi xem phim.

Xem

Xem “Arrival”, nghĩ vài điều về thời gian và ngôn ngữ

Mới đầu năm 2017, các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời hai bộ phim “siêu ảo” về dòng thời gian và những thông tin lưu chuyển tương ứng, đó là “Assassin’s creed” và “Arrival”. Tôi thích thú với “Assassin’s creed” hơn nhưng tôi sẽ không viết về nó bởi nó dường như vẫn đang dang dở. Tôi sẽ viết về “Arrival” không phải vì tôi thích nó mà vì những gì tôi thấy nực cười ở bộ phim này, và những lý giải
Xem

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (1): MAI TRƯỜNG TÔ

Book Hunter: Mời các bạn đọc chùm bài phân tích về bộ phim truyền hình cổ trang mang tính chính trị xuất chúng của Trung Quốc có tên “Lang Gia Bảng”. Chúng tôi hi vọng rằng, qua đó các bạn có thể đặt cho mình những câu hỏi về tình trạng chính trị Việt Nam hiện nay. Đọc bài trước tại đây: https://bookhunter.vn/tag/lang-gia-bang/   “Lang Gia Bảng”, không còn gì phải bàn cãi, chính là bộ phim truyền hình cổ trang đỉnh cao nhất của Trung

Lì xì sách ngày Tết, chọn quyển nào bây giờ?

Lì xì vốn là một truyền thống của người Á Đông, xuất phát từ Trung Quốc. Tương truyền tục lì xì có vai trò như một lá bùa may mắn xua tan yêu ma đeo đuổi những đứa trẻ, và những đồng xu được đặt vào phong bao đỏ là một phần của lá bùa ấy, bất kể nó có giá trị bao nhiêu. Nhưng dần dần, tại Việt Nam, ý nghĩa này bị thay thế bằng những tờ tiền và những đứa trẻ (đôi

Book Hunter

03/01/2022
Xem

Cái bi và cảm hứng sử thi trong phim ảnh đại chúng đương đại

Thế kỷ 19 và 20, nhân loại liên tiếp ở trong những cuộc chuyển dịch về tâm thức. Bước ra khỏi thời kỳ Trung cổ, được truyền cảm hứng nhân bản từ các nhà Khai Sáng, con người hướng tới các giá trị bình đẳng. Từ đó, thân phận của những người cùng khổ, những tầng lớp thấp, các bi kịch cá nhân trong đời sống bình thường bắt đầu trở thành đề tài của các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn
Xem

9 bộ phim hay khiến mùa đông thêm lạnh

Mùa đông, còn gì hạnh phúc hơn là được nằm dài trên giường, trùm chăn, pha một cốc cacao nóng và xem một bộ phim thú vị! Book Hunter xin giới thiệu đến các bạn 9 bộ phim vô cùng thích hợp khi xem vào mùa đông. Bạn có thể thưởng thức một mình hoặc xem cùng bạn bè. Đây đều là những bộ phim có câu chuyện ấn tượng và mang lại thông điệp ý nghĩa. Sleepless in Seattle https://www.youtube.com/watch?v=-Lj2U-cmyek Một câu chuyện tình

Thư Sinh

03/11/2019