Sinh ra làm thiên tử mà tâm lại đặt ở chỗ cửa Thiền – đây là điểm đặc biệt của vua Thái Tông Trần Cảnh. Trần Thái Tông ít được nhắc tới như một ông vua có Phật tính cao mà thường được nhắc tới như vị vua mở đầu nhà Trần. Nhưng những gì ông để tại trong lịch sử lại cho chúng ta thấy rằng ông không chỉ đặt nền móng cho dòng họ Đông A mà còn đặt nền móng cho Thiền tông triều Trần, mà Trần Nhân Tông là người đã kế thừa và hoàn thiện. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm Thiền luận xuất sắc mà trong đó phải kể đến “Khóa hư lục”.
Là một người được đưa lên ngôi vua từ khi còn bé, nhưng chứng kiến cảnh quyền mưu tranh đoạt chốn triều đình, Trần Thái Tông sớm chán nản. Câu chuyện về vị hoàng đế trẻ tuổi trốn lên núi Yên Tử cầu học đạo đã được ghi lại trong bài tựa “Thiền tông chỉ nam” của ông:
Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1236), Trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung, bảo tả hữu rằng: “Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ.” Bấy giờ tả hữu theo Trẫm không quá bảy tám người. Giờ hợi đêm ấy, Trẫm cỡi một ngựa lặng lẽ ra đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thật lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, Trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; Trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá mà lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, Trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:
“Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?”
“Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.”
Bấy giờ ông chú Trần Công, người em họ mà tiên quân gởi gắm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chính. Nghe tin Trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích, rồi cùng người trong nước lên đến núi này. Gặp Trẫm, ông thống thiết nói:
“Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nấm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghĩ, bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.”
Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo:
“Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng.”
Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa… đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. (1)
“Khóa Hư Lục” được Trần Thái Tông viết khi ông nhường ngôi cho thái tử, lui về làm Thái thượng hoàng. Phan Huy Chú khi đọc tác phẩm này đã thốt lên: “ý văn tỏ rõ niềm yêu thích cảnh đẹp núi rừng, coi ngang lẽ sống chết, chí thú khoáng đạt”. (2)
“Khóa Hư Lục” có thể được hiểu là những ghi chép chiêm nghiệm về lẽ hư vô. Trong tác phẩm này, Trần Thái Tông thể hiện sự đắc ngộ của bản thân về bản thể chân như. Qua những chiêm nghiệm, ta có thể cảm nhận được sự tĩnh tại tinh thần của ông và sự thấu rõ mọi lẽ hư ảo, thịnh suy trôi qua. Những luận giải của ông có thể sánh ngang với các bậc thiền sư bậc nhất.
Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tính. Tuy thọ được tất cả tịnh giới, mà không tọa thiền thì định lực chẳng sinh; định lực chẳng sinh thì vọng niệm không diệt, muốn được kiến tính, thật là khó vậy. Đức Phật Thích-ca vào núi Tuyết, ngồi ngay thẳng sáu năm, chim Cáp làm tổ trên đầu, cỏ tranh mọc xuyên qua bắp vế, mà thân tâm thản nhiên. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, tâm tựa tro tàn. Nhan Hồi ngồi quên, tay chân rời rã. Đuổi thông minh, lìa ngu trí, đồng với đại đạo. Đó là các bậc Thánh Hiền trong tam giáo ngày xưa, đã từng ngồi định.
Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi. Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sinh, nghĩ sinh thì niệm khởi. Muốn dứt các niệm, nên tập ngồi thiền định. Nếu khi ngồi không dứt các niệm, tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong, hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tính. Tựa giường, dựa vách, nhắm mắt che tròng ngủ gục, nước miếng chảy, đầu cúi, xương sống cong. Tuy giả danh là tọa thiền, mà ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ. Cho nên Thiền sư Hoài Nhượng nói: “mài gạch muốn làm gương” là nói về người này vậy. (3)
Không chỉ những luận giải về Thiền, tâm hồn thơ ca đã khiến cho “Khóa Hư lục” có một tinh thần bay bổng và thoát tục, vượt khỏi các chấp niệm của lý thuyết Phật học. Thơ Thiền của Trần Thái Tông có được khí phách thanh cao của các thiền sư Viên Chiếu, Mãn Giác ở đời Lý; lại có phần tĩnh tại hơn:
“Điêu tường tuấn vũ dĩ hề vi,
Tích ngọc đôi kim nhi hà dụng.
Dạ đài u yểm, không văn sóc xúy sưu sưu;
Truyền hộ trường quynh, đãn kiến sầu vân thảm thảm”.
Dịch:
“Tường hoa nhà rộng có làm chi,
Kho ngọc đống vàng vô dụng hết
Dạ đài khép kín, luống nghe gió bấc vì vèo,
Tuyền hộ đóng tràn, chỉ thấy mây sầu ngùn ngụt.”
Hay
“Mật lâm mậu thụ, kim phong nhất phiến kỉ phù sơ;
Thanh chướng thủy phong, ngọc lộ sơ thùy tăng lãnh lạc”.
Dịch:
“Cây xanh rừng rậm, gió vàng một trận thấy lơ thơ;
Ngàn biếc non xanh, móc ngọc vừa sa thêm lạnh lẽo.” (4)
Người hiểu thấu lẽ hư vô hành sự luôn khoáng đạt. Vua hiểu thấu lẽ hư vô thì không bị lòng tham và nỗi sợ ảnh hưởng đến vương quyền. Cuộc đời của Trần Thái Tông là biểu hiện cho quan điểm thiền nhập thế của Thiền tông cõi Việt. Mặc dù tâm trí đặt ở chốn Thiền, nhưng vạn sự trị quốc ông đều hơn người. Định lại quan chế và pháp chế, nâng cao giáo dục, mở rộng giao thương và sản xuất, ngăn chặn phương Bắc đánh dẹp phương Nam… tất cả đều rất chỉn chu, xuất sắc. Có tích còn kể lại rằng, khi đã nắm quyền trong tay, ông dám ẩn thân xông pha đất Bắc, dùng kế thắng địch, coi nhẹ sống chết.
Khi đối diện trước cái chết, Trần Thái Tông cũng thấu rõ vạn sự hư không. Theo sử sách ghi lại, Thái Tông dự đoán trước được cái chết của mình. Trước khi qua đời, ông đã lý giải về cái chết như sau: “Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sinh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao?” (5) Trước đó, trong “Khóa Hư Lục”, ông cũng để lại lời bàn về sự vô nghĩa của nhục thân:
Hết thảy các người! Giống hệt con rối, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi, thật là đáng chết. Tự khởi muôn việc tính toán… Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt… Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn… Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương… Quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen. Khi mưa lệ rơi thì mây sầu thê thảm, lúc gió buồn thổi thì trăng sáng hắt hiu. Đêm vắng thì quỉ khóc thần sầu, năm dài thì ngựa giày trâu đạp. Lửa đom đóm lập lòe trong đám cỏ xanh, tiếng dế ngâm nỉ non cạnh hàng dương liễu. Bia ghi nửa chìm, rêu xanh phủ, tiều phu giậm mãi thành lối mòn. Dầu cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng cũng chỉ một lối đi. (6)
Thấu rõ lẽ hư vô là con đường cởi bỏ các chấp niệm để thấu rõ bản thể. Đây là con đường được ghi rõ trong kinh Kim Cương mà Trần Thái Tông đã lấy làm tâm đắc khi ông viết “Chú giải kinh Kim Cương tam muội”. Kinh Kim Cương có thể nói là cốt yếu của Thiền tông. Hoằng Nhẫn, vị tổ thứ 5 của Thiền tông đã từng đúc rút lại bằng bài kệ có ảnh hưởng lớn đến các Thiền giả đời sau, trong đó có Trần Thái Tông.
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.”
Tất cả các pháp hữu vi
Như là mộng huyễn, như là điện sương,
Như bóng nước, như ảnh tượng,
Xét suy như thế cho tường chớ quên.
Bản dịch “Khóa hư lục” đến nay chưa bản nào được gọi là hoàn hảo. Bản dịch của Thích Thanh Từ quá nghiêng về luận giải mà làm mất đi vẻ đẹp thơ ca, bản dịch của Đào Duy Anh lại không ra được tinh thần Phật học, bản dịch của Thiều Chửu được đánh giá cao nhất, “vừa nhã vừa tín” (chữ dùng của Đào Duy Anh), nhưng vì quá lệ thuộc vào nhạc tính mà kém đi phần khoáng đạt. Thôi thì, lời cũng hư vô, người đọc lời bàn về lẽ hư vô mà còn chấp nệ vào ngôn từ thì chẳng phải là cách đọc của phàm phu hay sao?
Lê Duy Nam giới thiệu
(1) Bản dịch Lời Tựa “Thiền tông chỉ nam “của Thích Thanh Từ
(2) Lịch triều hiến chương loại chí, q. XLV Văn tịch chí, Bản dịch Viện sử học, Nxb. KHXH, H. 1992. tập III, tr.16
(3) Bản dịch của Thích Thanh Từ chương “Luận tọa thiền” trong “Khóa Hư Lục”
(4) Bản dịch của Thiều Chửu
(5) Trích “Thánh đăng ngữ lục”, bản dịch Thích Thanh Từ
(6) Bản dịch của Thích Thanh Từ chương “Phổ thuyết sắc thân” trong “Khóa Hư Lục”