Home Xem JOKER – KHI SIÊU PHẢN DIỆN TRÀN ĐẦY NHÂN TÍNH
Xem

JOKER – KHI SIÊU PHẢN DIỆN TRÀN ĐẦY NHÂN TÍNH

JOKER – KHI SIÊU PHẢN DIỆN TRÀN ĐẦY NHÂN TÍNH
(Hay một sự thất bại về mặt nội dung của các nhân vật DC)

9.5/10 trên IMDB, 70% trên Metacritic, 77% trên Rotten Tomatoes, hàng trăm đánh giá tích cực khác từ hàng triệu người xem trên thế giới. Với kết quả đánh giá đó, “Joker” thực sự hấp dẫn những khán giả còn đang háo hức đón chờ một siêu phẩm phim về một siêu ác nhân trong lịch sử điện ảnh.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra đúng như mỗi người kỳ vọng. Đầu tiên, hãy cùng nói qua một chút về nội dung phim:

“Joker” có nhân vật chính là Arthur Fleck. Anh chàng có mơ ước trở thành diễn viên hài độc thoại, nhưng cuộc sống lại không được dễ dàng cho lắm với Arthur khi anh phải nuôi bà mẹ bệnh tật, bị bắt nạt khi làm việc, bị đồng nghiệp chơi xỏ, bị đẩy vào đường cùng, thậm chí, còn mắc bệnh mất kiểm soát nụ cười. Và đó là lý do khiến thỉnh thoảng Arthur lại cười, cười, cười như muốn khóc. Bộ phim xoay quanh hành trình Arthur xoay sở với cuộc sống và dần dần trở thành Joker. Vì phim mới ra, nên tôi sẽ không tiết lộ nội dung phim làm gì. Nhưng tôi có thể so sánh “Joker” với “Chí Phèo”, vì cả hai nhân vật đều được xây dựng tâm lý theo chiều hướng: Xã hội này quá vô cảm, quá tàn ác, “ai cho tao lương thiện?”

Với nội dung đầy tính nhân văn như vậy, “Joker” chắc chắn là sẽ được giới phê bình khen ngợi, đồng thời, cũng dễ hiểu khi bộ phim “qua mặt” được ban kiểm duyệt ở Việt Nam.

Thế nhưng, nhân vật Joker trong “Joker” có thật sự xuất sắc?

Tôi nghĩ là không.

Bỏ qua diễn xuất đầy ấn tượng của Joaquin Phoenix, bỏ qua những bản nhạc phim kịch tính đầy cảm xúc, hãy nhìn thẳng vào nhân vật Joker.

Trong các nguyên gốc và các phiên bản chuyển thể trước đây, Joker được đánh giá là siêu ác nhân vì ý tưởng cái ác thuần túy, vì hắn chủ động biến bản thân thành hoá thân của cái ác và coi cái ác như một đối trọng cần thiết để cái thiện tồn tại và được tôn vinh; và cả vì việc hắn chẳng thèm quan tâm người đời nghĩ gì, chẳng thèm quan tâm bản thân bị hành hạ ra sao. Mục đích của Joker là chủ động tạo ra sự hỗn loạn, kích động con người quay về với vô thức, mất tự chủ. Và hắn được quan tâm vì ai cũng tò mò muốn biết khi rơi vào vô thức, khi hoà vào đám đông hỗn loạn và mất tự chủ, con người còn có thể hành động kỳ quái đến mức nào, bệnh hoạn đến mức nào?

Tóm lại, Joker được quan tâm vì hắn kích động được bản năng ác trong mỗi người. Hắn chủ động, vui vẻ trước hành động đó. Vì thế, Joker trở thành một siêu ác nhân, một ý tưởng vĩnh viễn đồng hành bên cạnh những siêu anh hùng bảo vệ công lý, bảo vệ nhân tính, bảo vệ những giá trị tốt đẹp như Batman.

Còn “Joker” 2019 thì sao?

Toàn bộ lựa chọn hành động của Arthur đều chỉ đơn giản là sự phản kháng lại một cá nhân hoặc một cộng đồng nào đó, đôi khi, anh ta còn hành động vì tư thù cá nhân. Trong “Joker” 2019, Arthur trở thành nạn nhân của một xã hội Gotham vô cảm đầy rẫy tội ác, với sự nắm quyền của giới kinh doanh giàu có và nắm quyền lực chính trị. Tự nhiên, đạo diễn Todd Phillips đã biến Arthur/ Joker thành người đại diện cho tầng lớp dân chúng thấp cổ bé họng trong xã hội, tầng lớp bị chà đạp, bị coi thường, bị đánh đập. Arthur giết người chỉ đơn giản là vì tự vệ, và sau đó là vì muốn trút giận lên đầu người khác.

Trong “Joker” 2019, Arthur cũng có tuyên ngôn, nhưng chỉ là thứ tuyên ngôn không đủ sức nặng của một kẻ bị áp bức đang muốn đứng lên đấu tranh, một thứ tuyên ngôn rẻ tiền của một gã hề diễn không tới vai siêu ác nhân, và là một thứ tuyên ngôn đầy yếm thế chỉ biết phản kháng bằng giết chóc.

Và bằng việc đưa nhân tính, đưa đau buồn vào Joker/ Arthur, biến động cơ giết chóc thành sự phản kháng bị động của một kẻ bị đẩy ra ngoài xã hội, Todd Phillips đã kéo siêu ác nhân xuống vị trí của một phản diện bình thường đến mức tầm thường. Kẻ phản diện này chỉ đơn giản là được tô vẽ cho cái mặt nạ hề, và khoác bộ cánh màu mè, nhảy nhót để cho giống với Joker. Còn nếu Arthur là Joker, thì quả thực đây là một Joker “yếu sinh lý”.

Không thể phủ nhận “Joker” 2019 là một tuyệt tác điện ảnh với diễn xuất xuất thần của Joaquin Phoenix, với màu sắc nghệ thuật và những góc quay biết nói, song tất cả những xuất sắc về hình thức đó vẫn không thể nào che đậy được thiếu sót về nội dung phim. Nhiều người chê DC khi hãng này dần xa rời những bộ phim mang nội dung đen tối, phản tỉnh, và thấy mừng khi xuất hiện “Joker” bức bối, “dark deep”. Tuy nhiên, hãy nhớ lại sự đen tối, phản tỉnh của DC trong “Watchmen”, “Gotham”, “The Dark Knight”,… để thấy rằng, sự đen tối của thế giới DC đến từ việc các nhân vật, sự kiện, hành động diễn ra khiến chúng ta phải đối mặt với những mặt trái trong suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, từ đó tự hỏi bản thân những câu hỏi mang tính bản thể, siêu hình, luân lý về giới hạn của con người, xã hội, niềm tin, chính trị, sự lựa chọn, đúng và sai, cái thiện và cái ác…

Còn “Joker”, có gì hơn ngoài một chút xót thương giả tạm một chiều lý giải cho sự cùng quẫn?

Và theo tôi, bộ phim đã không thể làm nên chiến thắng cho nhân vật của DC, hay hãng phim Warner Bros.

Nguyễn Hoàng Dương

COMIC – CÓ GÌ NGOÀI SIÊU ANH HÙNG?

Nhắc đến “comic”, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các bộ truyện tranh siêu anh hùng của Mỹ, DC, Marvel và các bộ phim bom tấn chuyển thể trong suốt 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, comic không chỉ có siêu anh hùng, cũng như siêu anh hùng, dù cực kỳ nổi bật và được đông đảo công chúng đón nhận, nhưng cũng không phải là tất cả của comic. Vậy, trong suốt lịch sử phát triển của mình, comic có những gì?

Tiết lộ về thiên tài xấu xa thực sự – Sự nguy hiểm của sáng tạo

Book Hunter: Đây là một góc nhìn khác về tính sáng tạo dưới quan điểm của những người thiết lập và bảo vệ hệ thống xã hội, để cho chúng ta có thể nhận ra rằng sự thúc đẩy tính sáng tạo không phải lúc nào cũng tốt trong việc duy trì hệ thống. Những người sáng tạo  những thường giỏi hơn trong việc hợp lý hóa những ràng buộc về đạo đức nhỏ mọn đến mức có thể thoát khỏi mọi sự kiểm soát

Pinocchio nguyên bản thật sự nói gì về dối trá

Bài viết này được trích từ "Tình yêu và Dối trá: Một tiểu luận về Sự Trung thực, Lừa gạt và Sự khởi phát và Nuôi dưỡng của Ái tính" ở FSG vào 3/2. Clancy Martin Trong series truyện "Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio" (1881-1883) của Carlo Collodi, nguyên bản của bộ phim "Pinocchio" do Walt Disney sản xuất, cậu bé Pinocchio không giống chút nào đứa trẻ lý tưởng của Rousseau, mà được tạo ra một cách ngỗ nghịch. Trên thực tế, cậu

Watchmen – Sự xung đột của các nhận thức thế giới

“Watchmen” (2009) là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất trong chùm chủ đề “hot” của truyện tranh và phim ảnh Holywood từ năm 1960 đến nay: siêu anh hùng cứu thế giới. “Watchmen” được chuyển thể từ bộ truyện tranh 12 tập do Alan Moore sáng tác. Bối cảnh xã hội trong “Watchmen” rất đặc biệt bởi vì nó phản ánh thực trạng chính trị của nước Mỹ sau thất bại của chiến tranh Việt Nam.  Nhưng tôi sẽ không bàn về thực
Xem

WONDER WOMAN – HÒA BÌNH KHÔNG ĐẾN TỪ NGỒI YÊN

“Wonder woman” là một trong các bộ phim thú vị nhất của hè năm 2017. Một sản phẩm của DC luôn làm thỏa mãn người xem bởi những màn hành động, tính lãng mạn, và những suy nghĩ mang tính triết học về bản chất con người. “Wonder woman”, dù mang nhiều tính giải trí, nhưng cũng tiếp nối dòng cảm hứng này của DC. Ý tưởng của “Wonder woman” được phát triển từ hình ảnh của bộ tộc Amazon và cuộc chiến của các
le-nam

Lê Nam

02/06/2017