Kỹ thuật thanh nhạc hiện đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của khán thính giả của cả Việt Nam và trên khắp thế giới, trong bối cảnh sức hút của nghề ca hát ngày càng lớn mạnh, và điều kiện để tập luyện cũng có nhiều thuận lợi hơn trước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng trong lĩnh vực này, dẫn tới còn nhiều bất đồng, tranh cãi có khi tới mức nảy lửa nhưng vẫn không đưa ra được một câu trả lời rốt ráo, và các cuộc tranh luận thường bị lái ra khỏi chủ đề chính sang các vấn đề như danh tiếng, tên tuổi, giai thoại, thông tin cá nhân… của nhân vật. Trong bài viết ngắn này, bằng những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế và kiến thức trong lĩnh vực, người viết cố gắng làm rõ hơn phần nào những khúc mắc cố hữu, nhằm giúp các bạn trẻ và bất cứ độc giả nào quan tâm đến lĩnh vực ca hát có một hiểu biết nền tảng để bảo vệ và phát huy được tiếng hát của mình. Bài viết có thể không tránh khỏi ý kiến gây tranh cãi.
1. Kỹ thuật thanh nhạc được giảng dạy phổ biến bắt nguồn từ đâu?
Kỹ thuật thanh nhạc được giảng dạy phổ biến nhất trên khắp thế giới và cả tại Việt Nam có tên là Bel Canto. Đây là trường phái kỹ thuật bắt nguồn từ Italia khoảng giữa thế kỷ XIX, và được du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XX. Trường phái này có ưu điểm vượt trội là đã có sự nghiên cứu tương đối đầy đủ về cơ chế phát âm ở con người, như hơi thở, khẩu hình (cách mở miệng), khoảng vang (resonance),… và xây dựng các bài tập luyện thanh thuận tiện dựa theo cao độ (pitch) trên đàn piano. Trước khi trường phái này ra đời, chỉ có các trường phái dân gian của các dân tộc với đặc trưng là mang nặng tính truyền khẩu, không có phương pháp bài bản để rèn luyện cho giọng hát phát triển giới hạn.
2. Bel Canto có nhược điểm gì không?
Với các ưu điểm như đã liệt kê phía trên, Bel Canto nhanh chóng được công nhận là một phương pháp khoa học để phát triển giọng hát. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có nhiều nhược điểm.
Qua quan sát của những người sáng lập đầu tiên, họ ghi nhận rằng việc mở miệng rộng hơn theo chiều dọc sẽ làm âm thanh phát ra có âm lượng lớn hơn, giúp âm thanh vang xa hơn và có sức nặng hơn. Tuy nhiên, một yếu tố không được tính đến khi mở miệng, đó là việc phát âm tự nhiên cũng có sự biến đổi. Khi mở miệng theo chiều dọc, các âm phát ra có xu hướng lai với âm Ô (ký hiệu IPA: /o/). Và hiện tượng này được coi là phát âm “chuẩn mực”, do đó ta có thể nhận ra âm thanh của người hát Bel Canto luôn lai với âm Ô, hoặc sẽ gồng cổ họng để gò thành âm Ô, bất kể người đó có mở miệng rộng hay không. Cách phát âm này ban đầu có thể tạo hiệu ứng “lạ” tai (thường được miêu tả là âm thanh “dày”, “ấm”), bởi nó khác hoàn toàn với cách phát âm và các âm tự nhiên trong ngôn ngữ. Dẫn tới sự ngộ nhận rằng đây là cách hát “chuẩn”.
Do sự bóp méo phát âm này, nên âm vực của người hát Bel Canto thường bị hạn chế. Mức độ hạn chế được phân theo từng loại giọng. Chẳng hạn giọng nam cao (tenor) thường chỉ tập và hát đến G4, A4, giọng nam trung (baritone) đến D4 hoặc E4. Những trường hợp hát cao hơn sẽ được/bị coi là không phải âm thanh “đẹp”, hoặc là chất giọng ngoại lệ, do đó vùng âm vực này sẽ gần như bị “bỏ hoang” cho người luyện tự khám phá mà không có sự công nhận chính thức nào. Việc này dẫn tới hai khả năng, nếu lên cao hơn mà vẫn cố gò vào âm Ô, âm thanh sẽ bị nghẹt, bí, thậm chí là tổn thương bên trong cổ họng và sai cao độ (còn gọi là bị phô (faux, tiếng Pháp, nghĩa là “sai”)). Khả năng thứ hai, nếu không gò hoặc chỉ gò ít, thì sẽ quay lại việc bị nhìn nhận là không phải âm thanh “đẹp”. Và cách hát này gần như không phát huy tác dụng ở khoảng âm trầm. Thường những người hát trầm sẽ là do giọng tự nhiên đã hát được ở khoảng âm này, chứ không phải do luyện tập. Do đó ta thường thấy các giọng cao thường không hát ở khoảng thấp của giọng, do đó không phải khoảng âm thuận lợi, đồng thời cũng không có bài bản phát triển ở khoảng âm này.
Nhược điểm tiếp theo, là Bel Canto mang nặng tính phân biệt giới tính. Ngoài việc giới hạn âm vực, tùy theo giới tính của người học mà Bel Canto sẽ chỉ phát triển một loại giọng nhất định. Ở giọng nam sẽ chủ yếu chỉ tập giọng thật (còn gọi là giọng ngực, chest voice), ở giọng nữ sẽ chỉ được phép phát triển giọng giả (hoặc giọng gió, falsetto). Khiến cho phần giọng giả của nam, và giọng thật của nữ cũng sẽ bị “bỏ hoang”, việc phát triển sẽ bị ngăn cấm, hoặc chỉ do người học tự luyện tập mà không được sự công nhận chính thức từ phía các nhà chuyên môn.
Sang thời kỳ hiện đại, khi các khả năng của giọng người được thể hiện tự do hơn thông qua các dòng nhạc mới như pop, jazz, rock,… thì việc phân biệt như trên càng lộ rõ sự giới hạn khả năng biểu đạt của giọng hát, dẫn tới chỉ còn những ca sĩ đi theo dòng nhạc “cổ điển” mới chính thức hát bằng phương pháp trên. Tuy nhiên, do duy nhất Bel Canto xây dựng các phương pháp luyện giọng, nên các ca sĩ ở dòng nhạc khác khi muốn nghiên cứu hoặc tập luyện kỹ thuật thanh nhạc gần như cũng phải tuân theo thẩm mỹ âm thanh như đã miêu tả phía trên. Ngoài ra, mặc dù có thể không “luyện tập”, nhưng khi nghĩ đến “kỹ thuật”, tự khắc nhiều người sẽ nghĩ đến động tác gò giọng. Cách gò giọng như vậy sẽ gây tổn thương tỷ lệ thuận theo mức độ cao dần của nốt nhạc, và khiến cho tiếng hát bị mất tự nhiên, đồng thời triệt tiêu âm sắc riêng của giọng nguyên bản. Do vậy ta cũng thường có thiện cảm và cảm xúc với những giọng hát không hoặc ít bị bóp méo hơn.
3. Ta nên chọn hướng luyện tập như thế nào?
Từ những kiến giải trên, dễ nảy sinh một suy nghĩ, rằng như vậy không có phương pháp tập thanh nhạc toàn diện nào, ta chỉ có thể chọn hoặc chấp nhận đi theo phương pháp kinh điển và chấp nhận cả những nhược điểm của nó, hoặc là không tập gì cả, chỉ hát theo đúng bản năng, cảm nhận, hoặc nếu như không có “năng khiếu” hoặc “chất giọng” sẵn có thì ta nên bằng lòng với việc hát là một kỹ năng ta không thể học được.
Giải pháp người viết đưa ra, đó là ta sẽ sử dụng những điểm ưu việt của Bel Canto và khắc phục những nhược điểm của nó, như cách hít hơi sâu bằng cơ hoành, các mẫu âm luyện thanh của Bel Canto trên đàn piano để luyện tập âm ngắn, âm dài, cách mở miệng để tăng khoảng vang và âm lượng, hát liền tiếng (legato), nảy tiếng (staccato), mở rộng âm vực ở cả hai phía. Đồng thời ta phải giữ các âm gốc i, a, ê, e, o, (ô,) ơ, u, ư khi phát âm (tùy theo mỗi ngôn ngữ sẽ có số nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, nguyên âm ba khác nhau nhưng các âm chính sẽ đều nằm trong 5 âm a ê i ô u) mà không pha trộn hay lai với âm khác ở tất cả các khoảng cao, trung, trầm. Việc luyện tập đúng sẽ giúp cảm giác trong họng khi hát rất dễ chịu, không có chấn thương và tăng độ bền cho sức hát cũng như tuổi thọ của các cơ quan phát âm.
Tuy nhiên, do bản chất của việc ca hát là một môn thực hành, và cần kiểm soát những ba yếu tố hơi thở, khẩu hình, và phát âm như trên, nên việc tự luyện tập dựa trên lý thuyết không phải lúc nào cũng có tác dụng triệt để, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược, do việc kiểm soát cả ba yếu tố trên là không đơn giản khi chưa có thời gian tập luyện đủ lâu. Vai trò của một người hướng dẫn có kinh nghiệm, biết lắng nghe và thận trọng là rất quan trọng. Bởi cùng một mẫu âm luyện thanh, nhưng mỗi người có thể cần chỉnh sửa ở các yếu tố khác nhau, bắt đầu ở âm vực khác nhau, và quãng giọng khác nhau. Nên nếu áp dụng lý thuyết một cách máy móc đôi khi sẽ không có kết quả như ý, hoặc trầm trọng hơn có thể gây ra chấn thương ngoài mong muốn trong cổ họng, chưa kể tới yếu tố tổn thương tâm lý khi không có sự tiến bộ như mong muốn.
Trên đây là gợi mở sơ lược của người viết về một phương pháp luyện tập thanh nhạc mới, có thể áp dụng cho tất cả các dòng nhạc, kể cả giai điệu “cổ điển”, bởi phương pháp này giúp phát triển bản thân giọng hát, còn các dòng nhạc là sự thể hiện của giọng hát lên các giai điệu (melody), quãng (interval), âm giai (scale), tiết tấu (rhythm),… đặc trưng của dòng nhạc đó, nên phương pháp này sẽ không giới hạn người tập chỉ có thể hát được một dòng nhạc nhất định nào đó. Còn lựa chọn dòng nhạc nào lại tùy thuộc vào mức độ yêu thích và ưu tiên của người hát, do đó đây sẽ là khoảng tự do của người tập sau khi đã thành thạo việc kiểm soát các yếu tố tạo nên âm thanh hát.
Phạm Danh Việt