Họa sĩ Lý Trực Sơn đến với sơn mài để chạm tới những đường cong siêu thực của thực tại, một giai đoạn của sự tròn đầy. Nhưng viên mãn không phải là điều một nghệ sĩ đeo đuổi, ông đã “nở trong hư không” với giấy dó và màu nước, kết hợp giữa những vết loang tự nhiên của vật liệu đầy biến ảo với những xuất thần của cái nhìn thế giới: trừu tượng. Trừu tượng luôn biểu hiện những cái ẩn tối giản bên trong hình hài muôn màu muôn vẻ của tự nhiên, đồng thời, tự nhiên trong tính ngẫu nhiên cũng biểu hiện sự trừu tượng của mình. Bắt đầu từ những bức dó trừu tượng, họa sĩ Lý Trực Sơn đã bắt đầu tương tác với trừu tượng của tự nhiên bằng cái nhìn của mình về thực tại. Nhưng với những bức tranh trong triển lãm “ĐẤT”, không còn sự tương tác nữa, ông đã đi vào cái trừu tượng của tự nhiên.
Đất – Sắc màu nguyên sơ
Từ thượng cổ, con người tạo ra màu bằng cách nghiền đất đá hoặc thực vật để tạo những sắc màu phong phú. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của công nghệ, con người tìm đến những vật liệu hóa học để dễ dàng phối màu, có thể chống thấm nước, chống mốc… Khi sử dụng chất liệu màu càng xa với tự nhiên, họa sĩ càng khao khát tìm kiếm cách mô phỏng tự nhiên. Màu của tự nhiên luôn có một vẻ rất riêng, sự kết hợp của vạn vật và ánh sáng mặt trời, luôn mang tính ngẫu nhiên, chỉ hiển lộ nhất thời. Sự hoàn hảo ngẫu nhiên ấy vốn không thể nào mô phỏng được.
Theo những gì tôi được biết, họa sĩ Lý Trực Sơn đã tìm thấy cảm hứng cho “Đất” trong một lần đi thăm mộ, ông nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của đất. Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng đã từng gặp được vẻ đẹp ấy, cảm xúc ấy: những mấp mô tạo thành đường nét không thể nắm bắt quy luật, những sắc độ tự nhiên dưới ánh nắng, sự pha trộn của quá khứ hàng tỉ năm với hiện hữu nhất thời và cả những hình hài sắp sửa của tương lai. Sự biến chuyển của “Đất” kỳ ảo là thế! Và có lẽ, với cảm hứng “Đất”, tự nhiên đã tuôn chảy trong ông. Ông chưa từng vẽ nhiều như thế trong cuộc đời hội họa của mình. Tôi không biết ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh từ cảm hứng “Đất”, nhưng triển lãm “Đất” tại VCCA đã trưng bày 50 bức tranh của ông. Một triển lãm đồ sộ!
Trong rất nhiều bức được tạo tác từ cảm hứng “Đất”, màu nâu chiếm chủ đạo và cũng biến ảo dị thường. Màu nâu của đất trong thế giới này vô vàn sắc độ, lúc pha cam, lúc pha đỏ, lúc pha vàng, lúc pha xanh, lúc pha xám… ngôn từ không thể biểu lộ hết biến ảo của sắc độ. Màu của đất tự nhiên trong tranh Lý Trực Sơn gợi cho tôi nhớ đến màu của những hang động Đôn Hoàng hay những hoang mạc miền Tây nước Mỹ. Đôi khi thật bình lặng, một vạt tường đất khô dưới ánh nắng hè chốn thôn dã chỉ còn trong quá vãng ở đồng quê xứ Việt. “Đất”, bởi thế, vừa vượt ra khỏi tính địa phương, nhưng vừa sáng lên vẻ thân thuộc của quê hương.
Trong triển lãm, ở giữa sắc nâu nguyên bản, ta sẽ thấy những bức xanh lá, xanh lam… Đó là những biến thể của đất, với nước và cây, mà cũng có thể là của sắc nắng dần tàn trên mặt đất, hay màu của đá ẩn sâu dưới lòng đất. Không cần thiết phải phân định rõ rệt, ghi nhớ và chờ đợi một tình cờ ta bắt gặp giữa tự nhiên, chỉ vậy thôi!
Trừu tượng của Đất
Ta có thể dễ dàng biểu lộ tính trừu tượng của nước, lửa hay khí, biểu lộ vẻ đẹp của cây, nhưng không dễ để nắm bắt hình của đất. Hình của đất không phải một mặt phẳng mà là những gồ ghề, không phải vuông vắn mà là những vết nứt loang, không phải cái tĩnh mà luôn biến dịch để sinh sôi và tàn lụi. Nhìn vào những biến dịch của đất, ta nhận ra thời gian đang trôi không lặp lại trong sự muôn màu muôn vẻ. Một cách tự nhiên, những bức tranh của Lý Trực Sơn đã biểu đạt tính trừu tượng tự nhiên này của đất.
Vấn đề lớn nhất của một họa sĩ đeo đuổi biểu đạt cái tự nhiên, chính là “cái tôi” trong tác phẩm. Phát hiện ra sự tuyệt diệu của tự nhiên đồng thời cũng tự ý thức về sự biến mất của chính mình. Vậy “Tôi là ai giữa tự nhiên vô cùng vô tận này?” Lý Trực Sơn là ai giữa ý niệm về “Đất” vừa mênh mông vừa sâu thẳm?
Hãy nhìn vào những đường nét. Có những đường nét nổi bật như “lam và trắng”, có những đường nét chìm vào đất như “cửa thiền”. Đường nét là một dạng ranh giới, giữa mênh mông và giới hạn, giữa vô thức và ý thức, giữa cái tự nhiên và cái tạo tác. Cái duyên của đường nét thể hiện cái tài của họa sĩ, cái gợi của đường nét thể hiện cho tư tưởng của họa sĩ. Tại đây, giao cảm giữa họa sĩ và tự nhiên diễn ra.
Thật khó để phác nên chân dung của một họa sĩ bằng ngôn từ, lại càng khó phác nên hình thái của tự nhiên bằng ngôn từ. Bài viết này đơn giản là một sự cảm ứng của tôi với “Đất” của Lý Trực Sơn, đương nhiên cũng ẩn chứa nhiều cái “tôi” trong đó, bởi tôi có những ký ức về “Đất” của riêng mình. Càng nhiều lời, càng xa với trừu tượng, cũng càng xa với tự nhiên, thế nên, những lời này chỉ như thoáng chạm để vào cõi “Đất”.
Hà Thủy Nguyên
*Ảnh chủ đề: Niềm vui của họa sĩ Lý Trực Sơn. Nguồn ảnh: Facebook Lý Nguyên Như.