Bức tranh Cái chết khải hoàn của Pieter Bruegel là một tác phẩm đáng sợ, một “Waldo ở đâu” về thảm họa thế kỷ XIV. Không dễ nhầm lẫn với việc nhân loại chiến thắng cái chết, đây là chiến thắng của Cái Chết trên nhân loại. Một đội quân xương thiêu đốt Trái đất một cách tàn bạo và bừa bãi, gây ô nhiễm và phá hoại rừng, đồng thời vây ráp và tàn sát dân làng.
Bức Cái Chết Khải Hoàn của Bruegel là một bản Danse Macabre (Vũ điệu thần chết), một phong cách nghệ thuật cuối thời Trung cổ, là phương thức biểu đạt cho sự mong manh của cuộc sống và cho điều chắc chắn ngay trước mắt là một cái chết sớm và ghê rợn theo quy luật không nhân nhượng của tự nhiên. Bản Danse Macabre này phản ánh thực tế được chấp nhận vào thời điểm đó: tình trạng tiền công nghiệp của con người thật “đơn độc, nghèo nàn, thối tha, tàn bạo và thấp bé” – một thực tế được phản ánh một cách chuẩn xác trong bức Khải Hoàn của Bruegel.
Tuy nhiên, tác phẩm của Bruegel lại nói lên một điều gì đó hoàn toàn rộng lớn hơn sự thăng trầm không ngừng và tiêu chuẩn sống khắc nghiệt của nền văn minh tiền công nghiệp. Cái Chết Khải Hoàn có lẽ đã khắc họa lại sự kiện lớn nhất mà toàn bộ nhân loại đã trải qua trong dòng lịch sử văn minh: Cái chết đen (1346 – 1353).
Các đợt đại dịch đã tàn phá châu Âu cách rải rác ít nhất là từ năm 430 đến 1750; tuy nhiên, chính thời kỳ Cái chết đen mới gây ra những đau khổ khủng khiếp nhất, cướp đi nhiều sinh mạng nhất, và đặt nền tảng cho sự chuyển đổi quan trọng của hệ thống kinh tế và xã hội thế giới.
Trong tác phẩm đầy ám ảnh của Bruegel, vừa tiến về phía trước, các bộ xương vừa làm ô uế cảnh quan và tàn sát con người. Dân làng không thể nào kháng cự. Khi vụ thảm sát ập tới, một người mẹ gục xuống, đứa con nhỏ của bà không thể chống lại con chó xương đang kéo tấm chăn của em. Một bộ xương đứng trên một cái bốt đánh trống trong khi hai bộ xương khác rung chuông trên cây. Ở phần trung tâm bức tranh, các bộ xương chiếm lấy nhà thờ, nơi không hề có Chúa, những lời cầu nguyện và la hét trong tuyệt vọng của dân làng không được đáp lại. Trong bức thảm họa của Bruegel, cơn thịnh nộ của thần chết đã cướp đi sự giàu có của vương quốc và quyền hành của ông vua hết thời. Đội quân hủy diệt không thể ngăn cản đó lôi theo đàn đông, đàn bà và trẻ em, và trong khung cảnh tự nhiên nơi họ cư ngụ, không một ai được tha mạng.
Bức Cái Chết Khải Hoàn miêu tả một thời kỳ mà nhân loại chỉ có chút hiểu biết mong manh về bệnh dịch, nguyên nhân gây ra nó và những gì có thể làm để ngăn ngừa, điều trị và giảm thiểu sự lây lan và tác động của dịch bệnh; và bức tranh này đã được vẽ vào chính thời kỳ ấy. Bạn có thể cho rằng khung cảnh ấy là một bức tranh tưởng tượng, nhưng tranh của Brueghel lại gợi lên một thực tế chắc chắn về bệnh dịch. Các bộ xương dĩ nhiên chỉ là tưởng tượng, nhưng quy mô và phạm vi của thảm họa được truyền tải theo cách có thể khiến người xem cảm nhận được cuộc sống trong những năm tháng đó như thế nào.
Ian Mortimer, trong cuốn sách “Centuries of Change” (Tạm dịch: Những thế kỉ đổi thay) của ông, đã xem xét quy mô của cảnh tượng này trong hoàn cảnh thực tế của nó:
“Cái chết đen đã giết chết khoảng 45% dân số nước Anh trong khoảng bảy tháng khi nó quét qua đất nước này như một làn sóng: tỷ lệ tử vong hằng năm là 77%,” Mortimer viết.
Nói cách khác, Mortimer cho rằng, tỷ lệ tử vong vào cuối những năm 1340 gấp gần 200 lần so với số người chết trong Thế chiến I. Ông cũng so sánh với số người chết trong Thế chiến II.
“Để mô phỏng mức độ gây tử vong của bệnh dịch, bạn sẽ phải thả không chỉ hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản (mỗi quả giết chết khoảng 70.000 người tức 0,1% dân số thế giới) mà tận 450 quả bom như vậy,” ông viết thêm. “Nó tương đương hai quả bom được thả mỗi ngày vào mỗi thành phố khác nhau trong suốt bảy tháng.”
Các hệ quả về mặt xã hội và kinh tế của việc thiệt hại mạng người như thế, và sự sụp đổ của xã hội như thế rất khó để truyền đạt. Nhiều thị trấn và làng mạc không chỉ mất các hộ gia đình mà còn mất toàn bộ dân số của họ.
Sự lây lan vi khuẩn Yersinia pestis gây ra dịch Bubonic cũng khiến tỷ lệ tử vong ở mức nguy hiểm cao, và nếu không có phương pháp điều trị hiện đại, khoảng 30% đến 90% những người nhiễm bệnh sẽ mất mạng.
Bệnh dịch tiếp tục lây lan với “khoảng 30-50% dân số châu Âu, từ năm 1347 đến 1352”, và gây ra vô số nỗi đau khổ cho con người và làm thiệt hại kinh tế. Nếu bạn lường được một vụ bùng phát không thể kiểm soát tương tự ở thời hiện đại này, thì có lẽ nó sẽ cướp đi sinh mạng của 2 tỷ người. Trong một cộng đồng thiếu sự hiểu biết về vi trùng, vệ sinh thiết thực, hay về rác thải sạch và việc tự chôn cất, các xác chết chồng chất trên đường hoặc bị ném xuống biển, nơi chúng bị phân hủy tại chỗ hay trôi dạt vào bờ và làm thức ăn cho các loài chim và động vật ăn xác thối. Cuối cùng, các xác chết được dọn bằng xe ngựa kéo bởi những người còn đủ khỏe để đi làm, chuyện này lại càng khiến dịch bệnh và đau khổ lây lan thêm.
Cái chết đen đã khiến cho mức sống, tuổi thọ, thương mại, hiệu suất kinh tế và sản lượng nông nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Tai họa đó đã làm cho tốc độ tiến bộ vốn chậm của loài người ngày càng thêm chậm đến mức bế tắc.
Gần như không thể hiểu rõ được tình cảnh của sự bùng phát bệnh dịch ở thời tiền công nghiệp. Cái chết, sự nghèo nàn, nỗi sợ, sự cô lập, bẩn thỉu, đói rét và đau khổ ở quy mô có thể khiến bất kỳ nhà quan sát hiện đại nào sợ hãi và hoang mang.
Hãy đặt mình vào trong đôi giày da rách nát của một người nông dân nghèo lúc đại dịch bùng phát. Người con trai lớn của bạn, chưa phải là một người đàn ông, là người đầu tiên chống chọi với căn bệnh truyền nhiễm đó, ngay sau đó là đứa thứ hai trong hai đứa con trai của bạn. Chín ngày sau, vợ bạn, vẫn còn yếu sau hai tháng sinh con và đang hồi phục, đổ bệnh nhanh chóng và mất trong đêm. Đứa con gái hai tháng tuổi của bạn ngừng khóc và chết trên cánh tay bạn vì mất nước, đói và kiệt sức sau đó hai ngày. Tối hôm sau, Chúa đã thắp sáng ngôi nhà bạn như một ngọn đuốc bởi hành động khử trùng được hội đồng bảo trợ. Vừa đói, vừa rét và vừa suy nhược, bạn nhìn xung quanh – thi thể xếp đầy đường và các xe kéo thì chất đầy xác chết; mùi hôi thối của xác người và động vật thối rữa dày đặc không gian. Lũ chim, chó với chuột sục sạo dưới những cái xác không mảnh vải che thân, và bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến bạn phải buồn nôn.
Khi bắt đầu ho, bạn chợt thấy mình không được khỏe. Bất kỳ sự chăm sóc y tế nào mà bạn có thể nhận được hầu như chắc chắn có hại hơn là lợi, và các dịch vụ chăm sóc nhỏ sẵn có thì lại quá đắt đỏ và giới hạn trong khả năng cung cấp. Thức ăn trở nên khan hiếm và lúc nào bạn cũng thấy đói. Trộm cắp và bạo lực giờ đây lộng hành hơn bình thường, vì những người còn sống phải vật lộn với việc nuôi sống gia đình và bản thân.
Những chuyện như thế này đã là quy luật, không còn là ngoại lệ nữa, đó là số phận của hàng triệu người sống tại châu Âu trong suốt thế kỷ 14.
Thế giới tiền công nghiệp trong Cái Chết Khải Hoàn thực sự hiện hữu, không thêm không bớt, và đối với hơn 99% dân số, cuộc sống của họ chỉ đủ ăn, và không có bất kì một mạng lưới an toàn nào. Những trận đại dịch của thời kỳ tiền công nghiệp – và phải nhớ đó là đại dịch ở số nhiều, bởi nó có rất nhiều – không có bất cứ một gói “kích thích” kinh tế nào, không có nhóm các nhà khoa học nào làm việc nhiệt thành để tìm ra cách chữa trị và vaccine, không có các dịch vụ chăm sóc y tế cao cấp hay do chính phủ tài trợ nào, không có thiết bị bảo vệ cá nhân, không thực phẩm và không năng lượng dự trữ, sự liên lạc thì chậm chạp và chập chờn, thông tin ít chính xác, không có dược phẩm hay kháng sinh và chắc chắn không có giường chăm sóc đặc biệt. Đây là một thế giới nơi bạn cầu nguyện xin đừng mắc bệnh, nhưng cũng là nơi bạn biết mình có thể sẽ chết cách khủng khiếp dưới bàn tay của bệnh tật nếu bạn mắc phải.
Khi làn sóng bệnh dịch tàn phá châu Âu cuối cùng cũng bắt đầu giảm bớt vào buổi bình minh của cuộc Cách mạng Công nghiệp, thì nền văn minh bắt đầu quá trình lật ngược tình thế đối với dịch bệnh một cách nghiêm túc. Sự phát triển kinh tế và mức sống được cải thiện đã giúp cung cấp các công cụ chống lại bệnh tật, đồng thời giảm thiểu các điều kiện sống cho phép dịch bệnh lan ra nhanh chóng.
Sự ảnh hưởng về mặt kinh tế của Cái chết đen lên nền văn minh thật sự quá đột ngột. Việc quá nhiều người phải bỏ mạng đã tái cấu trúc lực lượng lao động một cách cơ bản và tạo điều kiện giúp đỡ, ít nhất là tạm thời để chuyển cán cân quyền lực và quyền kiểm soát tư liệu sản xuất từ chế độ phong kiến sang tầng lớp nhân dân lớn hơn.
Sự thiếu hụt lao động đã mang lại nhiều tự do hơn cho nông dân, người lao động và giới thương nhân chuyên nghiệp, thúc đẩy họ đổi mới và phấn đấu đạt được nhiều sản lượng hơn. Theo nhiều cách khác nhau, việc tái cơ cấu kinh tế ở châu Âu sau Cái chết đen là động lực thúc đẩy sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản và sự thịnh vượng vô song cho các thế hệ sau.
Ngày nay, và chưa từng xảy ra trước đó, chúng ta toàn quyền sử dụng một kho kiến thức khoa học, công nghệ, thiết bị y tế, vaccine, dược phẩm, năng lượng, thực phẩm và của cải. Không một giai đoạn nào khác trong lịch sử văn minh mà nhân loại có thể phát triển nhanh chóng nhiều vaccine nguyên mẫu và thuốc men, cũng như có khả năng huy động các biện pháp to lớn về năng lượng, thực phẩm, nguyên liệu, của cải, khoa học, công nghệ, thiết bị, hay nhân lực trong trận chiến chống lại dịch bệnh.
Khi Pieter Bruegel bắt đầu vẽ bức Cái Chết Khải Hoàn vào năm 1562, lúc đó châu Âu đang phải trải qua những đợt bùng dịch thường xuyên. Người dân không hề biết họ đang đối mặt với thứ gì, họ không có cách thức thiết thực hay hiệu quả nào để ngừng dịch bệnh, và họ có rất ít hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Cái Chết Khải Hoàn là cánh cửa sổ dẫn tới lịch sử của cuộc chiến đang diễn ra giữa chúng ta và dịch bệnh truyền nhiễm, và là lời nhắc nhở về việc chúng ta đã tiến xa tới đâu trong tư cách một nền văn minh.
Bài báo này là phần thứ 2 trong loạt bài gồm 12 phần có tựa đề “The Art of Progress” (Tạm dịch: Nghệ thuật của sự tiến bộ), khám phá quá trình tiến bộ của con người thông qua các tác phẩm nghệ thuật lịch sử.
Hiền Anh dịch
Quốc Trọng hiệu đính
