Như một kết quả từ Thế Chiến II, phe thắng cuộc đã thiết lập các thể chế là cơ sở của trật tự thế giới cho đến hiện nay. Dù các thể chế này thường gây ra nhiều tranh cãi, thì chúng vẫn chứng tỏ được sự vững chắc của mình. Nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng không thể bị tổn hại. Trái lại, tính hiệu quả của chúng có thể dần suy giảm, nhất là khi chúng được sử dụng như là những quân tốt địa chính trị.
Việc nghiên cứu chuyên sâu đem lại một phân tích sâu rộng các yếu tố củng cố sức mạnh, cũng như các yếu tố có xu hướng thúc đẩy sự sụp đổ của thể chế. Thông điệp trọng yếu duy nhất – mà với kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Thế giới và Liên minh Âu châu, tôi xác nhận thông điệp này – chính là các thể chế phát triển mạnh khi chúng nhận được sự tin tưởng. Tuy nhiên, thật lạ lùng, bởi sau đó những sắp đặt thể chế của trật tự quốc tế bị đe dọa.
Chính phủ của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khiến cho việc thiếu hụt niềm tin vào thể chế trở nên rõ ràng. Chỉ trong bốn năm, Trump hoặc đã ngăn cản hoặc đã cắt đứt sự liên hệ với các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc và các hiệp ước đa phương, làm tê liệt Tổ chức Thương mại Thế giới, và đưa Hoa Kỳ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.
Hệ thống đa phương đã vượt qua được các bài kiểm tra căng thẳng từ những đợt công kích của Trump – nhưng chỉ chút ít mà thôi. Hơn nữa, việc Trump rời khỏi Nhà Trắng đã không mang lại sự thương tiếc nào, huống chi là phục hồi, những gì từng được mong đợi. Thay vào đó, theo nghiên cứu của Edelman Trust Barometer năm 2021, sự tin tưởng của thế giới nơi các thể chế vẫn tiếp tục suy giảm.
Đại dịch COVID-19 đóng vai trò quan trọng. Dù cho đã có một số thành quả, nhưng các thể chế đa phương vẫn không đạt được sự cộng tác cần thiết giữa các bên để giải quyết cách hiệu quả cuộc khủng hoảng hiện nay. Tình trạng bất đồng đều cao trong việc phân phối các liều vaccine chính là vấn đề cốt lõi.
Một vài quốc gia đã rút ra khỏi các thể chế hậu Thế Chiến II vì cho rằng, chúng không còn hữu ích nữa. Đối với những nhà phê bình này, cuộc bàn thảo về việc canh tân các bộ máy như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ đang cố tránh né nhiệm vụ quan trọng hơn: đó là “tìm ra được dáng vẻ cần có của một trật tự mới.” Chẳng hạn, có phải trật tự mới này cần phụ thuộc nhiều hơn vào các cơ cấu đặc thù, giống như những cơ cấu đang phát triển mạnh trong những năm gần đây?
Câu trả lời cho vấn đề này rõ ràng là không. Sau hết, những cơ cấu đó đã không mang lại được bất kỳ điều gì giống với các kiểu thức hợp tác đa phương mà thế giới cần.
Để chắc chắn, cơ cấu tổ chức chính quyền theo truyền thống thực sự đã được tinh gọn. Chẳng hạn, như Mark Leonard thuộc Hội đồng Âu châu về Các Quan hệ Đối ngoại gần đây đã nhận thấy, Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc đã “thất bại trong việc tạo ra một khuôn mẫu quản trị toàn cầu có thể kiềm hãm các quyền lực chính trị, huống chi là tạo ra một cảm thức về mục tiêu chung giữa các quốc gia.” Hội nghị COP26 vừa mới bế mạc tại Glasgow đã làm tăng thêm sự ủng hộ cho kết luận này.
Nhưng trong khi các thể chế quốc tế hậu Thế Chiến II vẫn chưa được hoàn thiện, thì ghi chép chung của các tổ chức này đều chỉ ra rằng, chúng vẫn còn là niềm hy vọng tốt nhất của thế giới trong việc giải quyết các thách thức phức tạp trước mắt. Giáo sư Joseph S. Nye từ Đại học Harvard gần đây cũng chỉ ra, các thể chế đã được thành lập hiện đang bảo tồn “các mẫu hình ứng xử quan trọng,” vì chúng củng cố một “chế độ các quy tắc, ý niệm, mạng lưới, và những kỳ vọng về việc thiết tạo các vai trò xã hội cần đến những đòi buộc luân lý.”
Dĩ nhiên, duy sự tồn tại của các thế chế vẫn không đủ để mang lại giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Như Nye lưu ý, các thể chế phải được sử dụng theo cách có thể “ràng buộc các thể chế khác nuôi dưỡng các lợi ích chung toàn cầu” vốn thúc đẩy các lợi ích dài hạn và phổ quát.
Đó không phải là điều mà EU đã làm vào tuần trước, khi cuộc tranh luận về sự phân loại đầu tư xanh được ủy thác cho một cuộc trao đổi chua chát trong tổ chức này, giữa một bên ủng hộ các cốt liệu nặng có thể hồi phục với một bên xem gas và hạt nhân là những yếu tố không thể thiếu với bất kỳ sự chuyển đổi xanh nào. Cuộc tranh luận này chắc chắn sẽ gây sứt mẻ cho danh tiếng được xây dựng bằng mồ hôi nước mắt của EU như là một người lãnh đạo xuất chúng toàn cầu để đạt được sự bền vững.
Nếu sự chia rẽ như thế tồn tại trong EU, thì thật khó để hình dung được bằng cách nào mà sự đồng lòng có thể đạt được giữa các tổ chức toàn cầu, nhất là vào thời điểm sự cạnh tranh quyền lực lớn ngày càng lớn. Thực ra, ngày nay, các thể chế quốc tế đang dần trở thành sân khấu – và thường sẽ kèm thêm sự hủy hoại – của xung đột địa chính trị.
Trong những năm gần đây, Trung Hoa đã tiến hành những bước mở rộng sự ảnh hưởng của họ trong các thể chế đa phương. Hiện nay, họ đang lãnh đạo bốn trong số mười lăm cơ quan của Liên Hợp Quốc – đây quả là một lợi ích có thể giúp bảo vệ Trung Hoa trước sự săm soi của quốc tế.
Trung Hoa cũng là quốc gia giữ vai trò quan yếu trong vụ tai tiếng rò rỉ dữ liệu gần đây tại Ngân hàng Thế giới. Một cuộc điều tra độc lập được thực hiện bởi WilmerHale, một công ty luật ở Hoa Kỳ đã phát hiện ra những vi phạm trong dữ liệu được dùng để xác định thứ bậc của Trung Hoa trong ấn bản 2018 và 2020 của bảng chỉ số Doing Business.
Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, người vào năm 2018 là tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, đã bị cáo buộc đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực kéo tăng thứ hạng của Trung Hoa. Trong nhiều tuần, Doing Business bị đình chỉ, và Georgieva có khả năng bị mất việc tại IMF.
Cuối cùng, ban điều hành IMF đã chống lưng cho Georgieva. Hơn nữa, cuộc điều tra của WilmerHale đã đối mặt với sự phê bình nặng nề vì nó thiếu chứng cứ vững chắc và vì nó thể hiện rõ ràng thành kiến của mình. Joseph E. Stiglitz đã khéo léo so sánh toàn bộ sự vụ này với một “nỗ lực đảo chính,” nhằm đến việc vô hiệu hóa những nỗ lực của Georgieva trong việc thúc đẩy các canh tân táo bạo. Georgive cũng đã được khen ngợi cách công tâm vì vai trò lãnh đạo của bà trong suốt đại dịch, bao gồm cả việc IMF dùng đến những quyền đặc biệt chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, vụ tai tiếng Doing Business có thể đã gây ra những tác hại lâu dài đến một hệ thống quốc tế vốn đang gặp nhiều khó khăn. Còn hơn cả việc làm suy giảm niềm tin nơi Ngân hàng Thế giới và tổ chức IMF, sự thất bại này đã làm nổi bật cách mà những căng thẳng song phương có thể định hình – và bóp méo – các hoạt động của các thể chế đa phương.
Trong khi dịch bệnh COVID-19 đã làm lộ ra các thiếu sót của các thể chế quốc tế, thì một lần nữa, nó cũng cho thấy rõ, hiện nay các thách thức lớn nhất tự bản chất đều mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc bảo vệ các thể chế đa phương hầu như không phải là việc thể hiện “sự hoài niệm.” Thay vì vậy, đó là một hành động của hiện thực. Rất ít quốc gia có được lợi ích từ phá tung trật tự đang tồn tại như hiện nay. Vấn đề là liệu niềm tin tưởng chung có thể được phục hồi trước khi mọi việc quá trễ không.
Quốc Trọng dịch