Home Hiểu Vai trò của người khuyết tật trong xã hội Ai Cập cổ đại

Vai trò của người khuyết tật trong xã hội Ai Cập cổ đại

Minh Hiền

18/01/2025

Trong Tháng Lịch sử Người Khuyết Tật này, chúng ta sẽ khám phá một phần đời sống của người khuyết tật ở Ai Cập cổ đại cũng như xem xem đời sống ấy của họ đã hòa vào mọi khía cạnh của xã hội cổ đại, kể cả khía cạnh thần thánh, như thế nào.

Khuyết tật là thực tế đã tồn tại trong suốt lịch sử loài người trên toàn thế giới, và Ai Cập cổ đại cũng không phải là ngoại lệ. Môi trường sa mạc khô cằn của Ai Cập cổ đại giúp cho nhiều di tích của thời đại này được bảo tồn ở những cấp độ đáng kinh ngạc, nhất là là các vật liệu hữu cơ. Nghệ thuật, các đồ vật và văn bản, cũng như hài cốt của chính những người dân thời cổ đại cho chúng ta biết nhiều điều về đời sống của người khuyết tật ở Ai Cập thời kỳ này. Các đồ vật và hài cốt được thảo luận dưới đây hé mở cho chúng ta bức tranh sơ lược về đời sống ấy, đồng thời cũng là một phần trong chủ đề về sinh kế và việc làm của Tháng Lịch sử Người Khuyết tật năm nay. Chúng cho thấy người khuyết tật được xã hội đón nhận ở mọi khía cạnh và theo vô số cách, thậm chí ngay từ những giai đoạn đầu của lịch sử Ai Cập.

Hiểu biết về người khuyết tật của chúng ta ngày nay không phản ánh trực tiếp cách nhìn nhận của thế giới cổ đại về tình trạng này. Nhiều đồ vật và hài cốt người trong bộ sưu tập của Bảo tàng Anh cho thấy mối liên hệ với tình trạng khuyết tật thể chất, nhưng cho đến nay chúng ta chưa đọc ra được từ chúng nhiều thông tin về lịch sử của người khuyết tật. Bài viết sau đây đánh giá một số đồ vật và hài cốt trong bộ sưu tập này theo một góc nhìn mới, từ đó hé mở những câu chuyện mới về người khuyết tật ở Ai Cập cổ đại.

Chứng lùn: bằng chứng cổ đại về mức độ hòa nhập và ảnh hưởng của người lùn trong xã hội Ai Cập cổ đại

Một trong những khắc họa phổ biến nhất về khuyết tật thể chất trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại là tình trạng được gọi là bệnh lùn, thường biểu hiện ở sự phát triển hạn chế các chi và tầm vóc. Mặc dù theo các quy ước của nghệ thuật Ai Cập, cơ thể con người được mô tả với các tỷ lệ và đặc điểm theo chuẩn mực thông thường, song chúng ta thấy một số cá nhân vẫn được mô tả với những khác biệt về thể chất. Một số hình ảnh khắc họa chứng lùn thậm chí còn có trước cả hình ảnh về các pharaoh, chẳng hạn các bức tượng nhỏ bằng ngà voi hoặc xương mô tả những người đàn ông và phụ nữ mắc bệnh lùn có niên đại từ những thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Bức tượng bằng ngà voi dưới đây là một ví dụ khác. Bức tượng thể hiện một người phụ nữ mắc bệnh lùn này có niên đại khoảng năm 4000 –3500 trước Công nguyên, và hiện đang được trưng bày trong phòng trưng bày Ai Cập Thời Sơ Khai (Phòng 64).

(Ảnh 1: Tượng người phụ nữ bị bệnh lùn bằng ngà voi, Ai Cập, Naqada I, khoảng năm 4000 – 3500 trước Công nguyên.)

Thường được tìm thấy trong các ngôi mộ cũng như trong những di vật được cho là mang tính nghi lễ, những bức tượng nhỏ như vậy dường như là hiện thân của những vị thần bảo vệ cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Một số bức tượng còn ở tư thế đang bế trẻ sơ sinh. Chúng cho thấy người lùn thời ấy là những thành viên được coi trọng trong cộng đồng và có thể họ đã đảm nhận việc chăm sóc trẻ em.

Người lùn còn xuất hiện trong nghệ thuật và các văn bản Ai Cập cổ đại với tư cách là một bộ phận của giới thượng lưu, thầy tư tế hoặc người giữ những vai trò quan trọng trong triều đình của pharaoh, chẳng hạn như ‘Quan cai quản gia súc’ và ‘Quan coi sóc vải lanh của nhà vua’. Chức vụ thứ hai nghe có vẻ không to tát lắm, nhưng được ở cận kề pharaoh là việc có ý nghĩa quan trọng. Một nghiên cứu gần đây về nghệ thuật của Vương quốc Cổ đại (2686 – 2181 TCN) cũng xác định được hơn 115 hình ảnh miêu tả người lùn đang tích cực tham gia vào nhiều vai trò khác nhau trong xã hội, như lao động phổ thông, thợ kim hoàn, người chăm sóc động vật, người giải trí và thuyền trưởng.

Người lùn ở Ai Cập cổ đại cùng với những khác biệt ngoại hình của họ đôi khi còn xuất hiện trong cả nghệ thuật và ngôn ngữ. Tấm bia stela (một phiến đá hoặc gỗ khắc chữ và/hoặc hình ảnh, thường được đặt tại các đền thờ hoặc lăng mộ) cũng được trưng bày tại Phòng 64 dưới đây mang tên một vị cận thần: một người đàn ông tên là Nefer (có nghĩa là ‘xinh đẹp’). Hình khắc ở phía trên đầu tấm bia dường như thể hiện vóc dáng của một người đàn ông mắc chứng lùn. Về sau, đây là ký hiệu tượng hình được sử dụng để chỉ người mắc bệnh này trong suốt lịch sử Ai Cập.

(Ảnh 2: Bia đá vôi, Abydos, Ai Cập, Vương triều thứ nhất, 3000 – 2890 trước Công nguyên.)

Bes: Một vị thần bảo vệ xuất hiện ở nhiều nơi

Đền thờ Ai Cập là nơi thờ phụng nhiều vị thần khác nhau, trong đó có hình thần Bes trông rất bắt mắt. Vị thần này thường được khắc họa là một người đàn ông lùn, và cũng giống như các vị thần khác, có thêm các đặc điểm của động vật. Ngài thường được miêu tả với các đặc điểm giống với đặc điểm của sư tử, thể hiện rõ nhất ở tai, mũi và đuôi. Là vị thần chuyên phò trợ cho việc sinh nở và mái ấm gia đình, ngài vận dụng những đặc điểm cơ thể này của loài mèo để xua nhanh bệnh tật và những cảm xúc tiêu cực, mà đôi khi được miêu tả thành rắn hoặc sâu bọ – là những loài mà mèo thuần hóa ở Ai Cập được cho là bắt rất giỏi. Khi không phải sử dụng những phản xạ của loài mèo để bảo vệ con người, thần sẽ nhảy múa và giải trí.

(Ảnh 3: Tượng một thần Bes đang nhảy múa bằng gỗ, Ai Cập, khoảng năm 1300 trước Công nguyên.)

Bes không có đền thờ riêng; ngài là vị thần của quần chúng, được thờ trong các gia đình. Bes không chỉ xuất hiện như một tượng thần riêng lẻ – như mẫu tượng một vị thần đang nhảy múa vui vẻ đầy màu sắc bên trên – mà còn hiện diện trên nhiều đồ vật và vật dụng hằng ngày với tác dụng bảo vệ. Chúng ta thấy khuôn mặt của ông trên bình sữa trẻ em, cột giường, tựa đầu, khung cửa, lục lạc, đồ trang sức và đồ mỹ phẩm, chẳng hạn như lọ mỹ phẩm được trưng bày trong Phòng 61 dưới đây. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy một số phụ nữ có thể đã xăm hình vị thần này lên cơ thể! Như vậy có thể thấy Bes là một người mắc chứng lùn nhưng lại rất quen thuộc với người Ai Cập cổ đại và và hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của họ.

(Ảnh 4: Lọ đựng mỹ phẩm bằng gỗ hình thần Bes, Ai Cập, thời Tân Vương quốc (1550 – 1070 TCN).)

Chứng mù và thị lực kém ở thời Ai Cập cổ đại

Có nhiều hình ảnh mô tả người mù và người thị lực kém ở Ai Cập cổ đại, chẳng hạn như hình ảnh trên bức phù điêu bằng đá vôi từ el-Amarna, có niên đại khoảng năm 1340 trước Công nguyên, hiện đang được trưng bày tại phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc Ai Cập (Phòng 4). Bức phù điêu này khắc họa hình ảnh năm nữ nhạc công bịt mắt, được cho là ba ca sĩ và hai nghệ sĩ đàn hạc đang ngồi. Ở Ai Cập cổ đại, chứng mù thường gắn liền với các nhạc công, đặc biệt là các nghệ sĩ đàn hạc. Mắt của những người này thường chỉ được mô tả bằng một đường thẳng thay vì một đôi mắt mở to hết cỡ như bình thường, hoặc như trường hợp ở đây, bị bịt lại. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn tranh luận về hình ảnh này: chúng có thực sự phản ánh chứng mù hay chỉ mang tính biểu tượng? Dù hình ảnh ấy có phản ánh thực tế thể chất hay không thì những gì chúng ta thấy trong những ví dụ này là người mù hoặc có thị lực kém được chấp nhận và coi trọng trong xã hội thời đó, và có thể là những người khuyết tật đã được tuyển dụng vào những vị trí giúp họ phát huy năng lực của mình.

(Ảnh 5: Phù điêu bằng đá vôi mô tả hình ảnh phụ nữ bị bịt mắt, el-Amarna, Ai Cập, Vương triều thứ 18, khoảng năm 1340 trước Công nguyên.)

Một vật thể khác khắc họa một phần đời sống của người mù và người thị lực kém ở Ai Cập cổ đại là một tấm bia đá vôi thuộc về Neferabu. Có lẽ được dựng lên làm lễ vật tại Thebes và có niên đại từ năm 1292 đến 1189 trước Công nguyên, tấm bia này thể hiện lời cầu xin thần Ptah phục hồi thị lực. Tấm bia kể rằng Neferabu thú nhận việc ông đã thề dối thần linh và phải nhận hình phạt là “chỉ được nhìn thấy bóng tối vào ban ngày”. Neferabu cầu xin thần Ptah thương xót và khôi phục thị lực cho mình. Một số học giả cho rằng sự “mù lòa” này chỉ là ẩn dụ, song nếu nó thực sự phản ánh tình trạng thể chất thì tấm bia này cùng một số tấm bia khác tương tự cho ta thấy một niềm tin của người thời đó: suy giảm thị lực có thể là một hình phạt của các vị thần và thần thánh có thể chữa lành. Từ lăng mộ của Neferabu chúng ta biết rằng ông là một nghệ nhân và rất có thể đã làm việc trong các lăng mộ, nên mất thị lực tức là ông khó có thể tiếp tục công việc này và do đó có thể mất đi kế sinh nhai.

(Ảnh 6: Bia đá vôi khắc họa hình ảnh Neferabu, Deir el-Medina, Ai Cập, Vương triều thứ 19, triều đại của Ramesses II (1279–1213 trước Công nguyên).)

Harpocrates: Vị thần mang bệnh bại não?

Harpocrates là một vị thần trẻ em được thờ chủ yếu vào Thời kỳ Ptolemaic ở Ai Cập cổ đại (khi Ai Cập chịu sự cai trị của người Hy Lạp), rồi sau đó lan rộng ra ngoài thế giới Địa Trung Hải (năm 664 trước Công nguyên – thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên). Là con trai của Isis và là người thừa kế của Osiris, thần là hiện thân của thần Horus khi còn nhỏ. Ngài được coi là vị thần phò trợ cho những bí mật, sự bảo mật, sự im lặng và là hiện thân của hy vọng. Harpocrates cũng được coi là thần bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em, cho sự sung túc và khả năng sinh sản. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Plutarch mô tả vị thần này là ‘sinh non và có đôi chân bị què [yếu]’. Hiện có rất nhiều bức tượng, hình và bùa hộ mệnh khắc họa thần Harpocrates, chẳng hạn như bức tượng từ hợp kim đồng này. Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Morris, trong đó có kết hợp với những kinh nghiệm sống của chính bà, đã khám phá ra rằng vị thần này có những dấu hiệu của chứng bại não.

(Ảnh 7: Tượng Harpocrates bằng hợp kim đồng, Ai Cập, Thời kỳ cuối (664–332 TCN) hoặc Thời kỳ Ptolemaic (332–30 TCN).

Trong một số bức tượng Harpocrates, vị trí của đôi chân và đôi tay của thần – vốn trước nay được cho là khắc họa tư thế ngồi – khác với các hình ảnh khác về các vị thần và con người ở tư thế ngồi. Ví dụ, hai cánh tay và bàn tay của thần dường như song song với hai cẳng chân và thân mình, mặc dù hai chân của thần thì lại đang trong tư thế gập lại, và đôi khi hai cẳng chân của thần được đặt ra phía ngoài hoặc xoắn lại phía sau thân người. Từ trước đến nay chưa có ý kiến nào cho rằng tư thế cơ thể này của thần có liên quan đến bệnh bại não. Tuy nhiên, tư thế của Harpocrates trong những ví dụ như vậy giống với dáng đi khom lưng thường thấy ở những người mắc một số loại bại não. Ngoài ra vị thần này còn xuất hiện trong tư thế nửa bò hoặc nửa ngồi, hoặc đang cho trẻ bú một cách uể oải. Thêm vào đó, còn có những bức tượng mô tả thần đang ngồi hoặc cưỡi trên lưng các loài động vật như ngỗng, ngựa và voi, vốn có lẽ đóng vai trò tượng trưng cho vật hỗ trợ di chuyển. Harpocrates đôi khi còn được khắc họa cùng với những người thờ phượng hoặc các thầy tế của mình, và trong một số trường hợp những người này cũng xuất hiện ở tư thế cơ thể có thể liên quan đến bệnh bại não, chẳng hạn như tư thế bàn tay của bức tượng một thầy tế bên dưới.

(Ảnh 8: Tượng một thầy tế bằng đất nung, Ai Cập, Thời kỳ Ptolemaic (332–30 TCN).)

Thần Harpocrates và thần Bes có điểm tương đồng đặc biệt ở chỗ có thể là cả hai đều đại diện cho người khuyết tật trong đền thờ các vị thần Ai Cập. Cả hai đều đóng vai trò chữa bệnh hoặc bảo vệ, đặc biệt là với các bà mẹ và trẻ em, và đều có thêm một phiên bản ở giới đối ngược – Harpocrates có Harpocratis; Bes có Beset.

Gãy xương và sự chăm sóc của xã hội

Trong những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng có cả các hài cốt của con người. Những hiện vật này cung cấp cho chúng ta những hiểu biết không thể thu được từ nguồn nào khác: ta biết đôi điều về con người trong quá khứ, cách họ sống và những xã hội mà họ thuộc về. Trong số những hiện vật ở Phòng 63 có một xương đùi, tức phần xương chân dài nối với hông. Những hài cốt này được khai quật từ Abydos và có thể có niên đại từ Thời kỳ Hậu kỳ (664 – 332 TCN). Các cuộc kiểm tra gần đây cho thấy đây có thể là hài cốt của một người ở độ tuổi cuối thời vị thành niên hoặc đầu thời kỳ trưởng thành. Trên chiếc xương đùi này có một vết gãy không thẳng đã lành lại, khiến cho một chân của người đó ngắn hơn chân còn lại – thể hiện ở hai nửa xương chồng lên nhau. Ngày nay, dạng gãy xương như vậy mất khoảng 3 – 6 tháng mới lành nếu phẫu thuật. Còn ở Ai Cập cổ đại, không có cách nào căn chỉnh lại hai bên xương và quá trình phục hồi và chữa lành hẳn khó khăn hơn nhiều, do đó thường dẫn đến tình trạng xương không cân xứng và chân tay ngắn lại.

Việc một bên chân bị ngắn lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người này. Họ cũng có thể đã phải chịu những cơn đau mãn tính quanh vết gãy và ở các bộ phận khác của cơ thể như lưng dưới, hông, đầu gối và mắt cá chân, căn cứ vào vị trí của chi bị gãy. Như chúng ta đã biết từ các ví dụ khác, chẳng hạn như đôi xăng-đan của Tutankhamun được thêm quai để giúp ổn định và bảo vệ bàn chân của ông, người Ai Cập cổ đại đã điều chỉnh giày dép cho thích ứng với tình trạng của cơ thể và có các phương tiện hỗ trợ di chuyển khác. Những phương tiện hỗ trợ và thích ứng này đã được sử dụng trong suốt cuộc đời của chủ nhân của chúng và còn được chôn cùng họ để họ sử dụng ở thế giới bên kia. Điều đó cho thấy người khuyết tật được xã hội thời đó thừa nhận và được mai táng chu tất khi chết. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những hài cốt như thế này cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng về chăm sóc xã hội thời cổ đại, vì – mặc dù khó có thể nói chắc chắn khi không có bộ xương hoàn chỉnh hoặc đồ tùy táng của người đó – nhưng có khả năng cá nhân này đã được chăm sóc chu đáo.

Ngón chân cartonnage: sải bước qua sự sống và cái chết

Vật thể đáng chú ý này là bản sao của nửa đầu bàn chân gắn thêm một ngón chân cái. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó được tạo ra muộn nhất vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Nó giống như một ngón chân ‘giả’ làm bằng cartonnage (một kỹ thuật tương tự như giấy bồi), vật liệu thường được dùng để bao ngoài thi hài trong

các đám tang. Việc bị mất ngón chân cái hẳn đã khiến người đó [người sở hữu ngón chân giả này thời cổ đại] bị mất thăng bằng, và gặp nhiều khó khan trong các hoạt động hằng ngày cũng như sinh kế. Người Ai Cập thời ấy đã phát triển kiến ​​thức y khoa sâu rộng và có lẽ đây là lý do tại sao họ tạo ra ngón chân thay thế. Trên ngón chân giả bằng cartonnage có vài cái lỗ để gắn nó vào bàn chân của người bị tật, và mặc dù chúng ta không biết chắc ngón chân này có được họ sử dụng khi còn sống hay không, nhưng việc nó được làm bằng cartonnage cho thấy có thể nó đã được sử dụng trong các thực hành tang lễ.

(Ảnh 9: Ngón chân bằng cartonnage, Ai Cập, trước năm 600 trước Công nguyên.)

Trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, một người muốn sang được thế giới bên kia sau khi chết thì điều quan trọng là cơ thể của họ phải được coi là toàn vẹn. Trong thần thoại Ai Cập, cơ thể của thần Osiris phải được lắp ráp lại sau khi thần bị người anh trai phản bội Seth sát hại. Osiris đã được hồi sinh và trở thành người cai trị thế giới bên kia. Người Ai Cập ai ai cũng mong muốn được tái sinh sau khi chết như Osiris. Và như thế, ngón chân bằng cartonnage này là sự thay thế cho ngón chân xác thịt thì ít mà đúng hơn có thể được coi là sự tôn vinh quá trình sống, chết và đổi mới này, một quá trình vốn là trọng tâm trong thế giới quan của người Ai Cập. Có thể chiêm ngưỡng hiện vật này tại Phòng 63.

Kết luận

Những câu chuyện được kể lại ở trên chỉ là một vài ví dụ chứng minh cho chúng ta thấy rằng, đối với người Ai Cập cổ đại, người khuyết tật là một bộ phận không thể thiếu trong xã hội: họ được xã hội Ai Cập đón nhận ở mọi cấp độ và thậm chí cả các vị thần cũng có thể mang những đặc điểm đặc thù của họ. Cũng thông qua những di vật này, chúng ta có thể thoáng nhận ra tầm quan trọng của chăm sóc xã hội trong các cộng đồng và quan trọng hơn là một phần đời sống của người khuyết tật ở Ai Cập cổ đại.

Từ bao đời nay người khuyết tật vẫn luôn hiện diện và hoạt động trong xã hội. Nhiều chuyên gia trên khắp thế giới đã bắt đầu nghiên cứu các biểu hiện và đời sống của họ cũng như sự chăm sóc dành cho họ trong quá khứ thông qua khảo cổ học cũng như các bộ sưu tập của các bảo tàng. Các di vật được mô tả ở đây minh họa một số câu chuyện mà chúng tôi đang khám phá và là gợi ý cho những khám phá khả dĩ trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng những câu chuyện này sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng người khuyết tật luôn tồn tại trong toàn chiều dài lịch sử và là một phần của câu chuyện về nhân loại, đồng thời tiếp thêm cho người khuyết tật sức mạnh để họ nhìn thấy chính mình trong lịch sử, và tiếp tục tạo thêm hàng ngàn năm lịch sử mới trong tương lai.

Những người cộng tác cho bài viết này

Tiến sĩ Alexandra F Morris và Kyle Lewis Jordan là những nhà Ai Cập học có mối quan tâm đặc biệt đến người khuyết tật trong thế giới cổ đại. Họ đang làm việc với các đồng nghiệp của mình tại Bảo tàng Anh trong một dự án rộng hơn nhằm phác họa rõ nét hơn lịch sử người khuyết tật ở Ai Cập cổ đại và hơn thế nữa.

Tiến sĩ Morris là Giảng viên Nghiên cứu Cổ điển tại Đại học Lincoln và Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Bảo tàng. Bà cũng là nhà đồng sáng lập Trung tâm Lịch sử và Di sản Khuyết tật Vương quốc Anh, là đồng chủ tịch của CripAntiquity và có mặt trong nhiều ban cố vấn và nhóm nghiên cứu chuyên về khuyết-tật. Bà bị bại não và mắc chứng khó điều khiển vận động.

Kyle là một nhà khảo cổ học và giám tuyển, chuyên nghiên cứu về khuyết-tật trong thời cổ đại, và cũng bị bại não bẩm sinh. Ông đã giám tuyển các triển lãm về khuyết tật tại Bảo tàng Ashmolean và Bảo tàng Pitt Rivers ở Oxford, vốn là một phần của chương trình Giám tuyển Để Thay đổi và hiện là giám tuyển khách mời cho Bảo tàng Verulamium ở St Albans.

Phạm Minh Hiền dịch

Bài gốc: Eight histories of disabled people in ancient Egypt | British Museum

TỬ THƯ – CUỐN SÁCH VỀ CÁI CHẾT CỦA AI CẬP

Định nghĩa Tử Thư Ai Cập là tập hợp các thần chú giúp đỡ những linh hồn đã qua đời định hướng cuộc sống sau cái chết. Chính các học giả phương Tây đã đặt cái tựa đề nổi tiếng cho tài liệu này; tựa đề thực sự của nó có lẽ nên được dịch là “Cuốn sách về Giải thoát trong Ánh sáng” hoặc “Thần chú về Giải thoát trong Ánh sáng” và có một cách dịch dễ hơn sang tiếng Anh có thể