Home Hiểu Kỳ lân – Sinh vật của tình yêu

Kỳ lân – Sinh vật của tình yêu

Con kỳ lân xinh đẹp, đơn độc và dữ dội vẫn khêu gợi trí tưởng tượng của con người trong nhiều thế kỷ qua. Sinh vật với chiếc sừng hình xoắn độc nhất hiện ra trong các truyền thuyết ở khắp nơi tại châu Âu, và vùng Cận Đông; thậm chí nó xuất hiện cả ở phương đông như Trung Hoa, ở đó nó được gọi là lân. Lân được xem là linh thú của trời, xuất hiện khi có một bậc hiền nhân ra đời. Ở châu Âu thời Trung Cổ, kỳ lân được cho là một loài thú có thật, giống như loài voi, sống ở những nơi xa xôi đến nỗi khó có ai bắt gặp. Dù đối với nhiều người ở thời Trung Cổ, kỳ lân là có thật, thì một hệ thống huyền thoại phức tạp được xây dựng đã đem đến cho quái thú này một tầm ảnh hưởng kỳ vĩ.

Có nhiều khuôn mẫu cho ngoại hình của kỳ lân. Ctesias, một nhà tự nhiên học người Hy Lạp ở thế kỷ 4 TCN, đã mô tả nó giống với con lừa hoang, nhưng có một chiếc sừng, 1/3 dưới cùng của sừng màu trắng, phần giữa màu đen, phần trên cùng của sừng màu đỏ. Tuy nhiên, cho đến thời trung đại, quy ước chung của nghệ thuật lại gán cho kỳ lân là con thú màu trắng bặc, đầu và thân mình của ngựa, bộ râu dễ, đuôi của ngựa hoặc sư tử, bốn chân là của loài linh dương, dưới chân là móng guốc chẻ đôi.

Kỳ lân được nhớ đến nhờ bản tính kiêu hãnh, hoang dại; không thể bắt giữ nó, trừ khi có sự giúp sức của một trinh nữ. Khi một trinh nữ xuất hiện, con quái thú sẽ trở nên nhu mì đến nỗi nó quỳ xuống và ngả đầu vào lòng nàng. Ở tư thế đó, nó sẽ ngủ quên và người ta có thể bắt giữ nó. Các nhà khoa học thời Trung Cổ cảm thấy việc bị hấp dẫn trước các trinh nữ là một đặc trưng riêng biệt của kỳ lân, “giống như các đặc trưng … được gán cho mọi sinh vật khác.”

Tuy thế, kỳ lân không giống mọi sinh vật khác. Chiếc sừng tưởng tượng độc nhất của nó là trung tâm cho nhiều huyền thoại: chiếc sừng đại diện cho “thượng trụ” từ chỗ nhà vu đến tận đỉnh cao của mặt trời; nó có thể vô hiệu hóa chất độc và chữa lành bệnh động kinh cũng như chứng co giật. Bản thân kỳ lân trở thành biểu tượng cho đời sống tu tập, vì bản tính cô độc của nó. Kỳ lân cũng đại diện cho mặt trăng khi nó chống lại kẻ thù, còn sư tử được ví với mặt trời. (Huyền thoại này có thể giải thích cho Quốc huy Vương quốc Anh -The British Arms). Robert Graves đã lần theo huyền thoại về mặt trăng này đến những truyền thuyết về Đại Nữ Thần cổ xưa, bà vừa là nữ thần mặt trăng vừa là nữ thần trí tuệ. Trong bối cảnh này, trinh nữ bắt giữ kỳ lân đại diện cho Đại Nữ Thần “bắt giữ” kẻ theo đuổi sự thật.

Grave có thể đã tìm ra những nguồn gốc của thần thoại về Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân, nhưng cho đến tận Thời Trung Cổ, ý nghĩa của câu chuyện này đã thay đổi rất nhiều. Nó không còn liên quan đến một nữ thần ngoại đạo và kẻ thờ phụng bà. Giờ đây, câu chuyện mang sức nặng của cả thế tục lẫn tính biểu tượng của tôn giáo.

Nếu người ta ao ước bắt được một con kỳ lân, thì người ta tin rằng những thợ săn phải mang theo một thiếu nữ vào rừng và để cô lại đó một mình, tốt nhất là trói cô ta vào cây. Một vài nguồn thông tin cho rằng thợ săn sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu cô gái ấy khỏa thân, hoặc cô ấy thật xinh đẹp, nhưng tất cả các nguồn đều thống nhất ở một điểm – cô gái phải là trinh nữ. Nếu cô ấy là trinh nữ, và trong vùng có một con kỳ lân, nó sẽ đến chỗ cô gái và ngủ quên trong lòng co. Nếu cô gái không phải là trinh nữ, con kỳ lân sẽ không đoái hoài đến cô, hoặc theo một số lời giải thích có từ thời Trung cổ, thì nó sẽ dùng sừng đâm xuyên qua cô.

Các bộ sưu tập truyện ngụ ngôn thời Trung Cổ về loài vật đưa ra những lý do khả quan giải thích vì sao kỳ lân bị hấp dẫn trước những trinh nữ. Một cách giải thích đậm tính nhục dục – phụ nữ khỏa thân xinh đẹp kích thích kỳ lân. Các tác giả ủng hộ giả thuyế này thường nhắc đến chuyện kỳ lân bú những bầu ngực của cô gái và tìm cách có những mơn trớn đầy dục tính khác trước khi ngủ quên với chiếc sừng đặt trong một tư thế đầy tính biểu tượng. Một giả thuyết khác được phát triển bởi nhà văn ở thế kỷ 12 là Alanus de Insulis. Lời giải thích dựa trên giả thuyết đậm chất y học phổ biến vào thời đó về thể dịch đối lập. “Thể dịch” khô, nóng như lửa, hoặc nhu cầu tự nhiên, của kỳ lân bị hút về phía không khí ẩm ướt, mát lạnh do thể dịch lạnh, thuần khiết của trinh nữ tạo ra. Thay đổi về nhiệt độ này khiến nó thoải mái và quyết định chợp mắt một chút.

“Skandar và kẻ trộm kỳ lân” lấy cảm hứng từ biểu tượng kỳ lân và bắt kỳ lân trong truyền thuyết tại các quốc gia Châu Âu.

Lời giải thích phổ biến nhất về Trinh Nữ Bắt Giữ Kỳ Lân lại vốn tồn tại trong chính trinh nữ ấy. Con kỳ lân, như giả thuyết, bị hấp dẫn vì “mùi hương trong trắng.” Vì lý do nào đó – một số nguồn khác hẳn dù cho rằng đó là do tính thuần khiết hoặc dâm đãng của kỳ lân – con kỳ lân bị thu hút về phía mùi hương trong trắng. Lòng tin và tình yêu đối với thiếu nữ trong trắng đã chiến thắng bản tính xa cách của kỳ lân, và nó chìm vào giấc ngủ mê mị.

Câu chuyện dễ thương này có thể bắt nguồn từ một câu chuyện đi săn, trần tục, thậm chí có hơi hướng thô tục. Vào đầu thế kỷ 17, Fray Luis de Urreta, trong cuốn sách của ông, Historia de ló Grandes y Remotos Reyos de la Etiopia, Monarchia del Emperador Preste Juan, đã kể chuyện các thợ săn ở bắc châu Phi tuyên bố bắt giữ được những con tê giác với sự trợ giúp của một con khỉ cái được huấn luyện. Con khỉ sẽ thu hút con tê giác bằng cách cù và xoa bụng của tê giác. Cuối cùng, con tê giấc sẽ nằm xuống và duỗi mình thoải mái để tận hưởng. Lúc đó, các thợ săn có thể bò đến và đâm vào bụng con vật. Trong The Lore of the Unicorn, Odell Shepard cho rằng câu chuyện kể trên đã lan truyền từ Bắc Phi sang đến Trung Đông, và từ đó sang châu Âu. Trong khi được truyền đi, loài tê giác đã được chuyển sang thành kỳ lân – một con vật khá giống với tê giác châu Âu thời đó; con khỉ biến thành một cô gái.

Những tín đồ Cơ-đốc giáo ban đầu hình như đã nhận thấy huyền thoại này là một phương tiện hoàn hảo cho phúng dụ. Với một câu chuyện tương đối đơn giản, họ đã thêm vào các lớp nghĩa, và biểu tượng mới ra đời từ tín ngưỡng. Thực tế, những tín đồ Cơ-đốc không mất nhiều thời gian để chấp nhận kỳ lân là một biểu tượng của chúa Christ.

Thánh Basil, một giáo phụ, đã viết, “tính bất bại của Chúa được liên kết với tính bất bại của kỳ lân.” Thánh Ambrose nói, “Con kỳ lân có thể là ai ngoài Đứa con của Chúa được sinh ra?” Chúa được sinh ra trên đời dưới danh xưng Jesus Christ, thông qua Đức mẹ Đồng trinh Maria. Thực tế, Ngài, giống như con kỳ lân kia, bị một nữ hầu bắt đi. Bản tính xa cách và kiêu ngạo tột cùng của con kỳ lân đã được thuần hóa bởi một trinh nữ, Thiên Chúa trở thành con của Đức Mẹ Đồng Trinh.

Trong khi phép so sành kỳ lân với Chúa được đông đảo chấp nhận, các nhà thần học lại tìm ra các luận điểm khác trong so sánh này. Tertullian, một giáo phụ, đã kết nối câu chuyện trên kia với Cây Thập Giá, phần bên trên của cây thập giá được so với sừng của kỳ lân. Mũi sừng hướng về phía Thượng Đế, như Cây Thập Giá theo đúng nghĩa đen và hình tượng. Một biểu tượng khác, một biểu tượng rõ ràng bắt nguồn từ những văn học dân gian, đó là khả năng điều khiển nước. Thời cổ đại, và suốt thời Trung Đại, người ta tin rằng loài rắn có thể gây nhiễm độc cho nguồn nước trong đêm. Vào buổi sáng, những sinh vật khác sẽ trông thấy nọc độc bập bềnh trên mặt nước. Do đó, chúng không được uống nước, chúng sẽ đợi kỳ lân. Kỳ lân sẽ quỳ xuống và nhúng chiếc sừng xuống dòng nước nhiễm độc; cách này sẽ giải độc cho nguồn nước. Các giáo sĩ giải thích rằng rắn là Cái Ác, và nguồn nước mà nó bỏ độc chính là thế giới. Kỳ lân, do có chiếc sừng thanh khiết, đại diện cho Chúa Cứu Thế, bảo vệ thế giới khỏi chất độc của Cái Ác.

Các lời giải thích thời trung đại về Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân, trinh nữ đều được mô tả là nằm chặt sừng kỳ lân khi nó bị các thợ săn bắt giữ. Một tác giả thời trung đại giải thích rằng Chúa Jesus đã “đưa cao… chiếc sừng cứu rỗi… nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ…” Nhà trung cổ học Margaret Freeman cho rằng, “Sự khuất phục của con vật ấy trước trinh nữ là ẩn dụ cho Lễ Truyền Tin và Sự Hiện Thân.” Đối với tín đồ Công Giáo thời Trung Đại, những người tận hiến cho Đức Mẹ Đồng Trinh, huyền thoại này có sức hấp dẫn đặc biệt. Khi sự tôn sùng Đức Mẹ Đồng Trinh trở nên phổ biến, huyền thoại này đương nhiên cũng được lan rộng theo.

Cuối cùng, chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ lân đã giữ vai trò cho nhiều hoạt động săn bẫy hươu thực thụ. Ẩn dụ phức tạp hơn này được biết đến là Lễ Săn Thiêng, và mọi khía cạnh thực sự của Lễ Săn này đều có ý nghĩa tôn giáo. Các thủ lĩnh thợ săn là Thánh Linh hoạt động thông qua Thiên thần Gabriel; ông ta dâng kỳ lân đến cho trinh nữ, người sẽ thuần hóa chúng. Thiên thần Gabriel là thiên thần của Sự Hiện Thân, và lúc này, huyền thoại thể hiện Lễ Truyền Tin và Sự Hiện Thân. Khi các thợ săn khác giết con kỳ lân, điều này thể hiện sự đóng đinh vào giá chữ thập. Trong huyền thoại này, kỳ lân được mô tả là một con thú nhỏ có kích cỡ bằng đứa bé; kích thước ấy thể hiện sự khiêm nhường của Chúa. Chiếc sừng của nó, thể hiện sự kết hợp của Chúa Cha và Chúa Con, sự giải trừ độc tố, và đây là lý do mà kỳ lân bị giết. Cái chết của Chúa, giống như con kỳ lân, đồng nghĩa với nhiều người có thể “sống”.

Dù câu chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân/ Lễ Săn Thiêng phổ biến như một ẩn dụ về Chúa, thì ý nghĩa gốc về tính dục của huyền thoại này không hề mất đi. Phiên bản câu chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân được kể trong bộ sưu tập truyện ngụ ngôn xứ Provence giống một cuộc đi săn trần tục hơn. Con kỳ lân tìm cách gạ gẫm trinh nữ, và bị các thợ săn xử chết. Trong phiên bản này, câu chuyện là ẩn dụ cho dục bị khuất phục trước tình yêu thiêng liêng, hoặc là chính Cái Ác, dưới dạng một con kỳ lân, bị tính thuần khiết khuất phục.

Vào cuối thời trung đại, khi ý niệm về tình yêu thanh nhã được đông đảo giới thượng lưu chấp nhận, con kỳ lân trở thành biểu tượng của mặt tốt trong tình yêu xác thịt. Richard de Fournival, giữa thế kỷ 13, viết một bài thơ dài lãng mạn mô tả những lời tán tỉnh có sử dụng một loạt những phép so sánh với thế giới động vật. Một ví dụ được sử dụng là câu chuyện kỳ lân và thiếu nữ. Con kỳ lân thể hiện dưới dạng một chàng trai trẻ cầu hôn, bị một quý cô cư xử tệ và phản bội, nhưng cũng thể hiện một chàng trai kiêu ngạo, cuối cùng đã bị tình yêu chinh phục. Cho đến thế kỷ 14, kỳ lân đã trở thành một biểu tượng được chấp nhận về người tình phong nhã, người đã vượt qua nhiều gian nan trắc trở trước khi có được – hoặc thuộc về – người trong mộng.

Con kỳ lân giữ vai trò là biểu tượng của Chúa và là biểu tượng của người yêu trong loạt thảm thêu nổi tiếng Thợ Săn Kỳ Lân. Bộ thảm bảy tấm này có thể được dệt ở/hoặc gần Touraine, Pháp, vào cuối thế kỷ 15 hoặc đầu thế kỷ 16. Trừ tấm thảm thứ nhất và thứ bảy, người ta tin rằng các tấm thảm khác đều được dệt để kỷ niệm lễ cưới của Anne xứ Brittany và vua Louis XII của nước Pháp, diễn ra vào năm 1497; tấm đầu tiên và tấm thứ bảy có vẻ không thuộc về bộ tranh gốc, và có thể được dệt mừng lễ cưới của con gái Anne, bảy năm sau đó.

Không có tài liệu thực chứng đối với thời điểm hoặc chủ nhân ban đầu của bộ thảm, nhưng nhiều bằng chứng hỗ trợ cho giả thuyết: Anne xứ Brittany. Ở tấm thảm thứ sáu, lãnh chúa và công nương của lâu đài trông rất giống các chân dung hiện có của Louis và Anne. Công nương đội khăn trùm đầu kiểu Breton và bộ xiêm y giống với mô tả đương thời về Anne. Ở một số nguồn giải thích, người ta nói bà thích áo dài “bằng vải thêu kim tuyến màu vàng lẫn đỏ, và nâu vàng.”

Bộ thảm, lúc này được xem như một kiệt tác của nghệ thuật trung đại, thực sự đã bị thất lạc nhiều thế kỷ. Trong suốt thời kỳ Cách Mạng Pháp, khi mọi tác phẩm nghệ thuật đại diện cho các biểu tượng của hoàng gia đều bị ra lệnh tiêu hủy, nhiều phần của tấm thảm thứ năm bị cắt ra, thật không may, đó là tấm thảm thực sự mô tả cảnh Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân. Sau Cách Mạng, bộ thảm được các nông dân sử dụng để che cho rau trong thùng chứa, cho đến tận giữa những năm 1850, khi bộ thảm được Bá tước Hippolyte de la Rochefoucauld phát hiện. Chúng được lưu lại trong gia đình de la Rochefoucauld cho đến năm 1923, khi đó chúng được bán lại cho John D. Rockefeller, Jr. Ông đã hiến bộ thảm cho bảo tàng Cloister vào năm 1935, nơi chúng được trưng bày cho đến ngày nay.

Tranh Anne xứ Brittany tại bảo tàng…

Bộ thảm mô tả Lễ Săn Thiêng rất chi tiết. Tấm thảm đầu tiên cho thấy khởi đầu của buổi săn; tấm thứ hai mô tả khả năng điều khiển nước của kỳ lân; tấm thứ ba cho thấy kỳ lân tìm cách trốn thoát khỏi những người săn đuổi bằng cách nhảy xuống một dòng suối. Ở tấm thứ tư, kỳ lân chiến đấu với các thợ săn, nhưng ở tấm thứ năm, trinh nữ đã chinh phục nó. Sang tấm thứ sáu, con kỳ lân đã bị giết và được đưa về cho lãnh chúa và công nương của lâu đài; ở tấm cuối cùng, con vật dựng dậy và được mô tả là đang bị giam giữ.

Tấm thảm thứ năm đã bị phá hủy đến nỗi những gì còn lại của trinh nữ chỉ là bàn tay, và một phần ống tay áo thêu ren, đặt trên cổ con kỳ lân. Phần ren giống với ren màu vàng, đỏ và nâu-vàng của công nương chủ lâu đài, “Anne xứ Brittany”, đang mặc trong mô tả của tấm thảm thứ sáu. Trong khi thật tai hại nếu suy diễn dựa trên bằng chứng mơ hồ như vậy, thường thì người ta vẫn tin trinh nữ ấy là Anne. Vì bà đã là một góa phụ khi bà lấy Louis, nên suy đoán này dường như hơi vô lý. Một số nhà sử học nghệ thuật đưa ra giả thuyết rằng bộ thảm có thể được làm ra một phần để chính thức hóa đám cưới hoàng gia này. Để cưới được Anne, Louis đã hủy bỏ một cuộc hôn nhân kéo dài hai mươi năm mà không có con nối dõi; Anne là góa phụ mới được chín tháng. Thông qua kết hợp với trinh nữ trong huyền thoại, và, bởi thế, với Đức mẹ Đồng Trinh, Anne đã được tuyên bố là một trinh nữ. Cuộc hôn nhân này đã được thánh hóa.

Tấm thảm thứ năm nhấn mạnh sự kết hợp của trinh nữ với Đức mẹ Đồng Trinh Maria bằng cách sử dụng một số biểu tượng. Cuộc bắt kỳ lân rõ ràng diễn ra trong một khu vườn có hàng rào, hoặc “khu vườn kín”. “Khu vườn kín” là một biểu tượng của Maria, và Sự Hiện Thân, cũng như thể hiện lòng trinh bạch nói chung. Cây táo trong vườn biểu trưng cho Thánh Linh tìm đến với Maria tại Lễ Truyền Tin. Miếng táo ngọt ngào là biểu tượng của niềm vui xác thịt – gợi nhắc đến hai ý nghĩa của kỳ lân.

Trong suốt các tấm thảm, kỳ lân rõ ràng là cách thể hiện đầy ẩn dụ về Chúa. Ở tấm thảm mô tả khả năng điều khiển nước, nó chính là Chúa Cứu Thế, bảo vệ thế giới khỏi cái ác. Ở tấm thứ ba và thứ tư, nó đại diện cho Chúa bị kẻ thù hành hạ. Các thợ săn trong bộ thảm này đều có vẻ xấu xa và độc địa vô cùng; mặt của họ thể hiện mình là tín đồ giáo phái Pharisee và là kẻ thù của Chúa. Cả hai đều có trong tấm thảm thứ tư, họ tấn công kỳ lân, và ở tấm thứ sáu, họ giết con kỳ lân, một số thợ săn rõ ràng vui mừng trước nỗi đau đớn ấy.

Người thợ săn thổi tù và trong tấm thứ tư và sau đó là thông báo về cái chết của kỳ lân ở tấm thứ sáu, lại không như vậy. Vẻ mặt ông ta có vẻ thấu hiểu và thương xót, nếu đúng như vậy, thì ông ta đại diện cho Tổng lãnh thiên thần Gabriel, thiên thần của Lễ Truyền Tin. Bao kiếm của ông ta mang hàng chữ “Ave Regina Coelorum”, tức là “Hoan nghênh, Nữ vương Thiên Đàng” (Đức mẹ Maria). Trong khi những lời này không phải lời của Lễ Truyền Tin, chúng là tiêu đề một bản thánh ca nổi tiếng dành cho Đức Mẹ Đồng Trinh. Người ta hẳn đã hiểu rõ ý định này.

Khi con kỳ lân bị giết và bị đưa về lâu đài, nó được trang trí thêm một vòng hoa thiêng và lá sồi. Lá gai của vòng hoa là một liên tưởng đến vòng gai trên đầu, trong khi lá sồi, loại cây sống lâu nhất, đại diện cho sức bền bỉ của lòng tin vào Chúa. Con kỳ lân vì thế chính là chúa Jesus bị đóng đinh. Trong tấm thảm cuối cùng, con kỳ lân, chính là Chúa, bị dựng dậy. Theo lời của Margaret Freeman, bộ thảm này mô tả “dự định thiêng liêng để chuộc tội cho con người.”

Con người kiêu hãnh bị thuần phục bởi tình yêu của một phụ nữ trong trắng là cảm hứng phù hợp cho bộ thảm được dùng với mục đích làm quà cưới, và vì thế cảm hứng của tình yêu phong nhã không bị bỏ qua trong các tấm thảm. Con kỳ lân hoang dại dữ dội bất chấp các thợ săn, trong khi người đàn ông trẻ thách thức xã hội. Con kỳ lân bị khuất phục trước một thiếu nữ giống như người đàn ông – đối mặt với cả xã hội – bị khuất phục trước tình yêu và hôn nhân. Con kỳ lân đã thuần biểu trưng cho hôn nhân cũng như sự thuần khiết của thiếu nữ, bởi thế, cô dâu – góa phụ Anne sắm vai trinh nữ là chuyện không có gì lạ. Bà là một trinh nữ biểu tượng.

Khi tình lang – kỳ lân bị giết, đại chúng đều giải thích rằng tình lang đã bị chính người yêu phản bội. Tuy nhiên, trong các tấm thảm này, kỳ lân lại bị sát hại mà không liên quan đến trinh nữ; nàng dường như chỉ dự phần không khác gì một kẻ đồng mưu. Vẻ mặt buồn bã của công nương trong lâu đài, có thể chính là thiếu nữ kia, ám chỉ con kỳ lân không phải kẻ duy nhất bị phản bội. Trong bối cảnh này, có thể con kỳ lân bị hại kia đại diện cho một người đàn ông bị cả thế giới cản trở trong tình yêu nói chung.

Ý tưởng này dường như đặc biệt có tính thuyết phục đối với ý nghĩa của tấm thảm thứ bảy. Ở đây, con kỳ lân đã chết được dựng dậy một cách kỳ lạ. Dù các vết thương của nó không hoàn toàn lành lặn, nhưng chúng không biến dạng, chúng gần như tôn lên vẻ đẹp của bộ lông màu trắng sữa. Nó là một tình lang bị bắt giữ và say đắm trước người yêu của mình, và được hồi sinh – bởi xã hội – bởi tình yêu trong sáng. Đai cổ và sợi xích bằng vàng nó mang thể hiện những liên kết về hôn nhân; nó bị xích vào một thân cây lựu, đại diện cho sự thụ thai và hoàn mỹ của hôn nhân. Dù có các ràng buộc đó, con kỳ lân vẫn mang vẻ sung sướng.

Vẻ sung sướng đó phù hợp với một người mới kết hôn, nhưng, nếu giải thích theo cách khác, thì biểu hiện đó cũng phù hợp với Chúa phục sinh. “Khu vườn kín” mà con kỳ lân ở lại có thể chính là Địa Đàng. Cây lựu, cũng như biểu tượng của khả năng sinh sản, cũng là biểu tượng của sự sống sau cái chết, trong khi đây có thể giống như sự kết hợp kỳ lạ. Những đứa con có thể là điều gì, ngoài một cách nói khác của sự bất tử?

Tấm thảm thứ bảy là đỉnh điểm cho sự phát triển của hai huyền thoại gần như đối ngược kia. Ý nghĩa của kỳ lân, tuy nhiên, không trái ngược với những gì có thể. Kỳ lân trong Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân/ Lễ Săn Thiêng đều đại diện cho Chúa, sự nhân cách hóa của tình yêu linh thiêng. Trong huyền thoại về tình lang – kỳ lân, con kỳ lân đại diện cho người yêu thanh cao, và về cơ bản là một người chồng biết yêu thương, sự nhân cách hóa của tình yêu con người. Tình yêu con người và tình yêu thiêng liêng là các khái niệm khác biệt lớn, nhưng sự thật vẫn tồn tại: kỳ lân là một biểu trưng cho tình yêu.

Nguyễn Việt Hải dịch

Nguồn: https://daily.jstor.org/the-hunt-of-the-unicorn-tapestries-depict-a-virgin-capture-legend/

THẦN THOẠI HY LẠP – NHỮNG CUỐN SÁCH NỀN TẢNG

Thần thoại Hy Lạp rất quen thuộc không chỉ với độc giả Việt Nam, mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Những câu chuyện xoay quanh sự hình thành thế giới, nguồn gốc các vị thần và thời đại các anh hùng trong thần thoại Hy Lạp đã đi sâu vào văn hóa đại chúng thông qua những bộ phim, những nhãn hiệu thời trang, và cả trong từng cuộc trò chuyện bình thường diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta không nên

Thư Sinh

09/07/2019

Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter Sự ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp tới thần thoại La Mã chuỗi phức tạp khó phân định, dù rằng ta có thể dễ dàng tìm thấy các vị thần ở La Mã tương ứng với thần Hy Lạp. Qua những phần I, II, một  điểm dễ nhận thấy đó là dù là vị thần bản địa hay du nhập thì vẫn đều trải qua sự đồng nhất với các thần

“Lịch sử Châu Âu” – Một cái nhìn tổng quan

Các nhà sử học châu Âu hiện tại đang phải đặt mình ở thế phòng ngự. Chúng ta không những phải đối mặt với khối lượng các bài nghiên cứu khổng lồ trong ngành được viết bằng hơn 24 thứ tiếng, mà còn phải hứng chịu “danh hiệu”: Xã hội Giáo sư Tuyệt chủng. Do đó, việc xuất bản một công trình nghiên cứu đồ sộ gần 1,400 trang bởi một nhà xuất bản uy tín phải được tiếp nhận như một luồng gió mới
Xem

Hercules (2014) – Khi ta tin mình là anh hùng

Phim Hercules (2014) có lẽ là một trong những phim thần thoại ‘người’ nhất là mình từng xem. Hoàn toàn không có sự xuất hiện thật sự của bất kỳ vị thần nào, kể cả quái thú trong truyền thuyết. Chỉ có con người, với trí tưởng tượng không giới hạn. Chính bởi trí tưởng tượng ấy, con người với đầy đủ nhân tính, thiện - ác, tham lam - rộng lượng, vị kỷ và vị tha, sợ hãi - can đảm, nguyên tắc -

Bảo Khanh

28/11/2016

Tiếp cận thần thoại nghiêm túc

Thần thoại (Myth) đến nay vẫn là một hình thức lưu truyền hệ thống tín ngưỡng phức tạp mà các nhà nghiên cứu vẫn không tìm hiểu được cơ chế kiến tạo ra những câu chuyện đậm màu sắc siêu nhiên với tầm vóc kỳ vĩ. Một cách mặc định, thần thoại ở mọi nơi trên thế giới, đều chia tách thực tại thành hai cõi giới: cõi của các lực lượng siêu nhiên (cõi thiêng) và cõi phàm trần (cõi tục). Cõi thiêng ẩn