Từng đấy chi tiêu cho World Cup vẫn không thể cải thiện đời sống của những người dân đều đặn nộp thuế .
Gần đây, tin tức đã hé lộ rằng Sân vận động Arrowhead là một trong những nơi Hoa Kỳ chọn để tổ chức các trận đấu của giải FIFA Men’s World Cup vào năm 2026.
Là một nhà kinh tế học và một người yêu mến thành phố Kansas, tôi không khỏi thất vọng trước tin này.
Trong khi các chính trị gia và quan chức quảng cáo liền tay về lợi ích của việc tổ chức những sự kiện lớn như World Cup thì các nhà kinh tế lại bi quan hơn nhiều. Bất chấp những lời tuyên bố hùng hồn về chuyện những việc làm mới sẽ được tạo ra và rồi nguồn thu sẽ tăng lên thế nào, thì trên thực tế, chi phí tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy rất khó mà xác định và thường vượt xa ngoài dự kiến. Điều tệ hơn ư? Những lợi ích được nói ra rả kia sẽ chẳng bao giờ đến tay dân thường.
Ví dụ, một nghiên cứu về tác động kinh tế của FIFA World Cup 2002 ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy các quốc gia này đã bị thiệt hại 5,5-9,3 tỷ USD, thay vì nguồn thu 4 tỷ USD theo dự tính. Vì vậy, nghiên cứu cho Liên đoàn bóng đá Hoa Kỳ của một nhóm tư vấn ở Boston ước tính khoản lợi nhuận tiềm năng lên đến 620 triệu đô la cho Thành phố Kansas cũng không khiến tôi phấn khích.
Trong cuốn sách “Kinh tế thể thao” của mình, Michael Leeds tóm tắt kết quả của các “sự kiện lớn” như World Cup và mô hình rất rõ ràng: Các dự đoán về doanh thu và tăng việc làm luôn lạc quan quá mức.
Ví dụ, World Cup 2006 ở Đức được dự đoán sẽ tạo ra 60.000 việc làm mới. Còn trong thực tế, số việc làm ròng được tạo ra thêm ư? Bằng 0.
Tại sao World Cup cứ mãi gây thất vọng? Tin hay không thì tùy, câu trả lời đã có sẵn từ thế kỷ 19 bởi một nhà kinh tế học người Pháp thế kỷ 19. Năm 1850, Frederic Bastiat đã viết một bài luận gọi là “ngụy biện cửa sổ vỡ” làm sáng tỏ một sai lầm phổ biến, bằng cách sử dụng một câu chuyện ngụ ngôn.
Hãy tưởng tượng một kẻ phá làng phá xóm đã đập vỡ kính của một cửa hàng. Chủ cửa hàng phải thuê một thợ kính với giá 100 đô để thay cái mới. Bạn thì thấy ông chủ này quá là xui xẻo nhưng người khác lại bảo “trong cái rủi, có cái may”. Chủ cửa hàng chi tiền để ông thợ sửa kính có việc làm, rồi ông thợ lại dùng khoản tiền công đó để mua những thứ khác. Khi người thợ mua sắm, ông ấy sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho những người khác. Vậy là nền kinh tế xóm làng được cải thiện. Đúng không?
Bastiat chỉ ra lối suy nghĩ này là ngụy biện. Mặc dù người thợ sửa kính có thêm tiền nhưng chủ cửa hàng vẫn mất của. Có lẽ ông chủ đó đang để dành số tiền nọ cho một bộ đồ mới. Hoặc có thể ngân hàng mà ông gửi tiết kiệm nay mất đi khoản vốn tương đương để cho vay.
Thật khó để biết 100 đô la sẽ được sử dụng như thế nào và đó chính là vấn đề. Người ta thấy được lợi ích của ông thợ kính nhưng khó mà thấy người thợ may không bán được bộ đồ hay người cho vay mất một khoản vay tiềm năng.
Vấn đề tương tự cũng tồn tại với World Cup. Các thành phố phải sử dụng các nguồn lực thu được từ người nộp thuế để giành quyền đăng cai World Cup. Báo cáo nói trên của U.S. Soccer ước tính mỗi thành phố cần bỏ ra đến hàng trăm triệu, mặc dù Thị trưởng thành phố Kansas Quinton Lucas tuyên bố chi phí hiện tại là 50 triệu đô la để cải tạo Sân vận động Arrowhead. Nhưng nếu lịch sử lặp lại, thì con số này hẳn là quá thấp.
Những người đóng thuế ở Thành phố Kansas sẽ sử dụng tiền của họ vào việc gì không phải là điều mà chúng ta muốn là biết được. Nhưng điều dễ thấy là, ví dụ, các khách sạn có thể hưởng lợi như thế nào từ World Cup.
Tuy nhiên, giống như ông chủ cửa hàng nọ, những người dân chăm chỉ đóng thuế không được lợi lộc mấy nhờ chi tiêu cho World Cup. Mọi thứ đều có giá của nó. Và theo như các nghiên cứu thì cái giá này thường bị bỏ lơ khi ta mải miết theo đuổi những lợi ích hão huyền.
Peter Jacobsen
Người dịch: Yến Nhi