Home Đọc TẢN ĐÀ VỚI “CẢM THU, TIỄN THU” VÀ THÂN PHẬN THU

TẢN ĐÀ VỚI “CẢM THU, TIỄN THU” VÀ THÂN PHẬN THU

Minh Hùng

17/12/2019

Nói đến thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ XX, không thể không nhắc tới Tản Đà. Trước khi làn sóng thơ mới của thế hệ Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu… tràn đến trên xứ sở này, Tản Đà có lẽ là người xứng với hai chữ thi sĩ nhất ở nước Nam. Người nổi danh về thi phú văn chương từ khi còn nhỏ tuổi, sớm đã có ý thức chỉ dựa vào cây bút mà nên nghiệp cả đời. Những năm 1920 đang là lúc người anh hoa phát tiết, đang thời đắc ý, bút lực dồi dào nhất. “Cảm thu – Tiễn thu” ra đời khi đó, là một trong những bài thơ hay nhất của người thi sĩ núi Tản sông Đà.

Từ vào thu đến nay 
Gió thu hiu hắt 
Sương thu lạnh 
Giăng thu bạch 
Khói thu xây thành

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh một mùa thu thanh sạch lạnh lùng. Gió thu hiu hắt thổi, lòng thêm một chút lẻ vắng cô đơn. Sương thu buông lạnh. Trăng thu màu bạc thật trong, xa xôi quạnh quẽ, và “khói thu xây thành”. Không gian bảng lảng trong sương khói, lớp khói dày càng làm khí thu thêm lạnh, cũng thêm sạch, thêm trong. Bốn nét phác thảo 4 cảnh thiên nhiên, họa nhau thành một bức tranh thu, một ấn tượng thu vừa đơn giản mà vừa in sâu trong lòng người đọc.

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh 
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly 
Nhạn về én lại bay đi 
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm 
Lá sen tàn tạ trong đầm 
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa 
Sắc đâu nhuộm ố quan hà 
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương 
Nào người cố lý tha hương 
Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?

Nếu khổ đầu chỉ là phác thảo thu, thì đây, người thơ vẽ lên mùa thu rõ từng chi tiết. Mùa thu ấy đượm buồn, người vẽ cảnh nào cũng là cảnh tàn tạ chia biệt: lá rụng đầu ghềnh, một dòng chảy lạnh lẽo, vùi cuốn chiếc lá rụng ra xa khỏi cội nguồn, lá sen tàn tạ trong đầm/nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa. Lá mới đây còn xanh, nay đã phải dập vùi nơi sóng nước, hoa mới còn tươi, nhưng nay đã vào mùa tàn lụi, những gì tươi đẹp rực rỡ mới đây giờ đều vào mùa lịm tắt. Như một quy luật, sau mùa hạ khi cỏ cây vạn vật sinh trưởng đến đỉnh điểm, mùa thu là mùa của sự lụi tàn, hoa phai sắc, cây rụng lá, quả chín rụng xuống, và chờ đợi mùa đông. Một nỗi buồn nhẹ giăng giăng khắp mùa thu, cái mùa thu đơn sắc thanh sạch trong khổ trước đến nay bỗng ngả sang một sắc vàng đỏ tàn úa: đó là màu cỏ vàng, màu lá cây đỏ, màu mặt trời khuất lặn. Nỗi buồn từ cỏ cây đã trở thành nỗi buồn của con người khi đứng trước quan hà mà nhớ về quê cũ. Những người “cố lý tha hương” là những người đã đành lòng rời bỏ bản quán thân thuộc, đã sẵn sàng cho cuộc hành trình về miền xa xôi, đối diện với thu, với cảnh tàn lụi, họ suy tính gì, họ cảm những gì?

Nào những ai
Bảy thước thân nam tử 
Bốn bể chí tang bồng 
Đường mây chưa bổng cánh hồng 
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my

Đây người anh hùng ôm chí lớn, những muốn chọc trời khuấy nước, tung hoành thiên hạ cho phỉ chí, thế nhưng lại chỉ chuốc thất bại, chẳng thỏa được ý nguyện, đành phải phí hoài năm tháng, thẹn với thân nam tử của mình.

Nào những ai 
Sinh trưởng nơi khuê các 
Khuya sớm phận nữ nhi 
Song the ngày tháng thoi đi 
Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa

Đây người khuê nữ duyên phận éo le, tình duyên lỡ làng, nhìn thời gian thấm thoắt mà thầm tiếc mình đã uổng mất tuổi thanh xuân.

Nào những ai 
Tha phương khách thổ 
Hải giác thiên nha 
Ruột tầm héo, tóc sương pha 
Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn

Đây những người ôm nặng nỗi buồn lữ thứ, đã lang bạt góc bể chân trời, lòng đã phai bạc. tuổi đã về già mà không về quê cũ, không về được nguồn cội, chỉ còn biết thầm nhớ thương trong lòng.

Nào những ai 
Cù lao báo đức 
Sinh dưỡng đền ơn 
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn 
Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!

Đây những người khổ công lao động, nhân đức hiền lành nhưng nghèo đói, sương mỏng chỉ có mền đơn che thân, chợt thấy đời vô nghĩa bất công, cay đắng nhường nào.

Nào những ai 
Tóc xanh mây cuốn 
Má đỏ huê ghen 
Làng chơi duyên đã hết duyên 
Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi

Đây những nàng từng đẹp xinh nức tiếng thời son trẻ, nhưng nay hết thời xuân sắc vui chơi, khách phong lưu tản mát, nay chỉ còn riêng lại một mình bơ vơ.

Nào những ai 
Dọc ngang giời rộng 
Vùng vẫy bể khơi 
Đội giời đạp đất ở đời 
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân

Đây nỗi lòng khách anh hùng từng tung hoành ngang dọc nay gặp cảnh bại vong lưu lạc.

Nào những ai 
Kê vàng tỉnh mộng 
Tóc bạc thương thân 
Vèo trông lá rụng đầy sân 
Công danh phù thế có ngần ấy thôi

Đây những người chợt ngộ ra công danh cũng chỉ là một giấc mộng phù phiếm của đời người, chỉ nhẹ như cái lá rụng bên sân.

Thôi nghĩ cho 
Thu tự giời 
Cảm tự người 
Người đời ai cảm ta không biết 
Ta cảm thay ai, viết mấy lời

Thôi thời 
Cùng thu tạm biệt 
Thu hãy tạm lui 
Chi để khách đa tình đa cảm 
Một mình thay cảm những ai ai!

Nhìn lại trường đoạn này thấy tác giả đã rung cảm bởi nhiều nỗi buồn số kiếp thân phận: từ người anh hùng mạt vận, tiểu thư khuê các lương duyên trắc trở, người tha phương không đường quay về, đến cả khách má hồng phong lưu luống tuổi hết duyên. Đó đều là những nỗi buồn gặp phải khi tuổi đã vào thu, người ta ở bên kia đỉnh dốc, không thỏa nguyện mộng ước ban đầu, nên tiếc nhớ xót xa. Mùa thu gắn liền với thu hoạch, cũng là lúc người ta đếm đong được mất, nhìn tiếc quá khứ. Bài thơ nhân mùa thu thiên nhiên trước mắt mà cảm mùa thu của nhân sinh đời người. Không rõ những nỗi lòng đây là tác giả nhìn được từ người khác, hay người nhìn thấy nó trong chính bản thân mình, thấy trong mình bỗng như nổi lên muôn ngàn thân phận, muôn ngàn nỗi lòng buồn tiếc. Người còn muốn thu hãy tạm lui, để người thôi tiếc nuối, thôi tính toán được mất thiệt hơn. Rồi người muốn tiễn thu đi, như muốn những xáo động tinh thần ấy khép lại trong một cái nhìn: tất cả đều như mộng, rồi cũng rời ta rụng xuống như lá ngoài sân.

Vèo trông lá rụng đầy sân 
Công danh phù thế có ngần ấy thôi

Minh Hùng

“Mê hồn ca”, “Lạc Hồn ca”, “Sông núi giao thần” – Ba trải nghiệm nhập định của Đinh Hùng

Thơ Đinh Hùng là một thế giới kỳ quặc, bởi thơ ông không dừng ở cảm xúc, tư tưởng hay thủ pháp. Ông đi xa hơn những cơn điên tinh thần của trường phái thơ Loạn trước 1945 với những Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Ông đi xa hơn cả cơn say của người bạn thân Vũ Hoàng Chương. Vậy điểm đến của thơ Đinh Hùng ở đâu? Tôi xin được định vị: cõi siêu nhiên. Cõi siêu nhiên ấy được thể

Văn chương đích thực và tiểu thuyết hạ cấp ở Việt Nam

Nếu bạn là người thích đọc tiểu thuyết, bạn đi vào hiệu sách và dạo quanh một vòng, bạn sẽ thấy lẫn lộn những cuốn tiểu thuyết hạ cấp với văn chương đích thực. Thậm chí các tác phẩm văn chương sẽ bị để trong xó xỉnh, còn những cuốn tiểu thuyết thị trường lại nghiễm nhiên chiếm vị trí đẹp đẽ nhất trên giá sách. Đó là cách sắp xếp sách ở các trung tâm phát hành Việt Nam, từ nhà sách lớn như

Lời cảm ơn của tác giả sách Hồi âm từ phương Nam (Tiểu luận phê bình, NXB Đà Nẵng – Book Hunter, 2023)

Xin kính chào quý thầy cô, quý anh chị đến dự buổi họp mặt hôm nay. Đây đơn giản là một buổi gặp gỡ trong vòng thân hữu để giới thiệu cuốn sách mới của chúng tôi là tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam do NXB Đà Nẵng và Công ty Truyền thông và Giáo dục Lyceum (Book Hunter) liên kết thực hiện. Hồi âm từ phương Nam là cuốn sách in riêng thứ 15 của chúng tôi, trong đó có

Book Hunter

24/03/2024

“Mê hồn ca” của Đinh Hùng: cõi chiêm bao của thức tỉnh tinh thần

Hà Thủy Nguyên Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Hùng, khi ấy tôi vẫn còn ngồi trên ghế trường trung học, đó là bài thơ “Khi mới nhớn”. Bài thơ nằm trong một tuyển tập ở thư viện Hà Nội. Tôi đọc bài thơ với sự khoái chí khi tưởng tượng đến cậu học trò trốn học bởi nhận thức được những sự ngớ ngẩn của trường lớp và muốn giữ mãi sự mơ mộng nguyên thủy của bản thân. Thời ấy, tôi tâm đắc

“CÔ LIÊU” CỦA HÀN MẶC TỬ VÀ TRẠNG THÁI TỘT ĐỈNH CỦA CẢM XÚC

Cô liêu là một tính từ miêu tả sự lẻ loi và hoang vắng. Hãy hình dung một người đơn độc đứng giữa một khu vực hoang sơ, không có dấu hiệu của con người. Đó chính là tình trạng cô liêu. Cô đơn chưa chắc đã là cô liêu. Con người hiện đại cô đơn ngay trong cuộc sống đô thị, đông đúc dân cư.  Cô liêu cho phép bạn thoát khỏi sự ảnh hưởng của mọi thứ liên quan tới con người. Bạn
le-nam

Lê Nam

01/03/2018