Có lẽ hiếm hoi có cuộc dạo chơi nào lại thú vị như Cung Tiến (sinh năm 1938) vào thánh đường của âm nhạc Việt Nam. Khi ông vào độ tuổi thiếu niên thì thời kỳ hoàng kim của âm nhạc lãng mạn ở miền bắc Việt Nam đã thoái trào và chuẩn bị bước vào giai đoạn âm nhạc phục vụ chính trị và chiến tranh, thế nhưng, ông vẫn tiếp tục sáng tác theo lối trữ tình tiền chiến, thậm chí còn đi xa hơn các nhạc sĩ tiền bối ở tính tượng trưng trong ca từ.
Ngay từ năm 14,15 tuổi, Cung Tiến (tên thật là Cung Thúc Tiến) đã nổi tiếng với hai ca khúc là “Thu vàng” và “Hoài cảm”. Với hai ca khúc này, ngay lập tức ông đạt tới vị trí sánh ngang với các cây đại thụ như Văn Cao, Đặng Thế Phong… Trong một lần trả lời phỏng vấn, Cung Tiến cho biết với ông ca khúc “Thu Vàng” là một bài tập khi ông mới bước vào lâu đài âm nhạc. Tiết lộ này của ông đã gây khá nhiều tranh luận trái chiều, nhưng bài hát vẫn có một vị trí không thể lay đổ trong nền âm nhạc Việt Nam.
Ca khúc “Thu Vàng”
Trong một bài phỏng vấn về ca khúc “Hoài cảm”, Cung Tiến đã kể lại cảm hứng thuở 14,15 tuổi ấy của ông như sau:
“Hoài Cảm” không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu.
Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.
Âm nhạc hay bất cứ sáng tác nghệ thuật nào, cũng là sự tưởng tượng cả. Tưởng tượng về cái này, tưởng tượng về cái kia, gây lên một mối sầu, mối buồn hay mối vui hay mối khoan thai, hoàn toàn là tưởng tượng của người sáng tác.(Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Thanh Lan)
Ca khúc “Hoài cảm”
Sau “Hoài cảm” là “Hương xưa”. “Hương xưa” là một ca khúc có sự kết hợp tuyệt vời giữa thanh nhạc phương tây và các nét nhạc Á Đông. Ca từ của “Hương xưa” như một bài thơ tượng trưng với các hình ảnh ẩn dụ, ước lệ lấy cảm hứng từ Đường thi.
Ôi, những đêm dài
hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ
tiếng đàn đợi chờ mơ hồ.
Vẫn thương muôn đời
nàng Quỳnh Như thuở đóÔi, những đêm dài
hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người
Ca khúc “Hương xưa”
Từ năm 1957 đến 1963, ông du học ở Úc ngành Kinh tế học, và từ đây các sáng tác của Cung Tiến có phần thưa thớt hơn, cũng như có ít người biết đến hơn. Ông phổ thơ nhiều bài thơ tuyệt phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là ca khúc “Nguyệt cầm”, phổ thơ Xuân Diệu. Trong ca khúc, ông đã biến tấu “Nguyệt cầm” thành những câu thơ cũng tuyệt tác chẳng kém nguyên tác:
Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta…
Ngập ngừng xa…suối thu dồn lá úa trôi qua
Sầu thu, sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa thu
Trăng Tầm Dương lung linh bóng sáng, từng thoáng lệ ngân, mà hồn phân vân cuồng điên nhớ
Long lanh tiếng Nguyệt Cầm, tiếng đàn trầm
Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát… chết theo nước xanh…Chết theo nước xanh…
Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh…
Ca khúc “Nguyệt cầm”
Cung Tiến còn phổ thơ nhiều bài thơ phản chiến của Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, nhưng hiện nay chúng tôi chưa tìm được bản thu. Thậm chí, chương trình hòa nhạc diễn tấu bản “Chinh phụ ngâm” do Cung Tiến biên soạn cũng không thể tìm thấy, mà dù chương trình ấy được tổ chức năm 1988 tại San Jose và được trao giải Văn học nghệ thuật quốc khánh trong năm ấy . Chúng tôi tìm được một bản thu bài “Vết chim bay” mà Cung Tiến phổ thơ Phạm Thiên Thư, một ca khúc nhuốm màu Phật giáo.
Ngày xưa tôi đón em
Trên gác chuông chùa nọ
Bây giờ tôi qua đó
Còn thấy chữ trong chuông
Tôi khoác áo nâu sồng
Em chân trời biền biệt
Tên ai còn tha thiết
trong tiếng chuông chiều đưa
Ca khúc “Vết chim bay”
Năm 1993, Saint Paul Companies đã tài trợ cho ông để nghiên cứu về quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác. Ông đã soạn “Tổ khúc Bắc Ninh” cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 2003, ông sáng tác một bản nhạc đương đại có tên “Lơ thơ tơ liễu buông mành” với điệu dân ca quan họ. Đến nay, các khán giả Việt Nam vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với bản nhạc này của ông cũng như “Tổ khúc Bắc Ninh”.
Mặc dù là dạo chơi qua thánh đường âm nhạc nhưng những ca khúc của ông thực sự đã được xếp vào hàng tuyệt phẩm. Và cho dù ông tự nhận mình là “nghiệp dư” hay không thì mỗi ca khúc của ông đều thể hiện cho sự điêu luyện và chuyên nghiệp vào bấc nhất ở Việt Nam.
Cáo Hà Thành