Dương Thiệu Tước (1915 – 1995) là nhạc sĩ tiền chiến tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông xuất thân từ một gia đình Nho học truyền thống, cháu nội của nhà Nho tài tử Dương Khuê (tác giả của khúc ca trù nổi tiếng “Hồng hồng tuyết tuyết”), nên ca từ trong ca khúc của ông có màu sắc bảng lảng và thủ pháp ước lệ thường thấy trong thơ ca của các nhà Nho tài tử. Trong thập niên 30s của thế kỷ 20, ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) với sáng kiến “bài Tây theo điệu ta”. Thế nhưng tác phẩm đầu tiên của ông lại là một ca khúc tiếng Pháp.
Năm 1954, Dương Thiệu Tước di cư vào miền Nam. Trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tại Sài Gòn, ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm/Tây Ban cầm tại trường Quốc gia Âm nhạc. Vì lý do này, sau năm 1975, nhạc ông bị cấm và ông cũng bị mất chỗ dạy học tại trường.
Dương Thiệu Tước có thể nói là nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của thế hệ các nhạc sĩ tiên phong của nhạc tiền chiến. Ông có khả năng sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau mà nổi tiếng nhất (có người cho rằng không ai sánh bằng) là đàn Hạ uy cầm. Ông đã sáng tác một bản không lời có tựa đề tiếng Pháp là Ton Doux Sourire dành riêng cho loại đàn này. Các thính giả của Đài phát thanh Sài Gòn trước 75 vẫn còn rất ấn tượng với tiếng Hạ uy cầm của Dương Thiệu Tước hằng đêm với các ca khúc như “Bến xuân”, “Suối mơ” của Văn Cao và bản “Ngọc Lan” của chính ông.
Trong một ấn phẩm viết tay, ông bày tỏ: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”. Hai ca khúc xuất sắc nhất trong xu hướng “nhạc tây điệu ta” của ông là “Tiếng xưa” và “Đêm tàn bến ngự”. Ca khúc “Tiếng xưa” được viết năm 1939 với ca từ buồn hiu hắt:
“Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường
Phải tàn một thời liệt oanh xa đưa gió mây lạnh lùng
Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi dòng Châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng man mác khói hương Bay dịu dàng như tóc mây vương
Dáng liễu mơ màng cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương ai đó tri âm biết cùng.”
Ca khúc “Đêm tàn bến ngự” được ông viết trong một lần đến Huế, trước cảnh đẹp trên dòng Hương giang và không khí điệu Nam ai buồn man mác, đã gợi cảm hứng cho ông viết tuyệt phẩm này. Nhận xét về “Đêm tàn bến ngự”, Phạm Duy nhận xét: “Dương Thiệu Tước ít khi chịu rời khỏi lĩnh vực nhạc tình tứ và cao sang đặc biệt của ông. Về sau, khi nhạc dân ca được coi như phản ánh đúng tâm hồn dân tộc, Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến những bài hát bất hủ như “Tiếng xưa”, “Đêm tàn Bến Ngự”… “
Những năm đầu của thập niên 40s, lúc đó ông 25 tuổi, ông mở cửa hiệu bán và sửa chữa đàn tại 57 Hàng Gai, Hà Nội. Cửa hàng sau đó phải đóng vì chiến tranh. Đây chính là khoảng thời gian ông sáng tác “Ngọc lan” (đã nhắc tới ở trên) và hai ca khúc đặc biệt là “Chiều” và “Bóng chiều xưa”. “Chiều” là ca khúc được nhiều người yêu thích bởi được phổ thơ từ bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hồ Dzếnh.
“Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ,
Chất trong hồn chiều nay
Chất trong hồn chiều nay.
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ lòng mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây.”
Ca khúc “Bóng chiều xưa” được sáng tác vào đầu thập niên 40s, là ca khúc hoàn toàn theo điệu Tây. Đây là ca khúc đầu tiên của Dương Thiệu Tước khi in tại NXB Tinh Hoa năm 1951 ghi danh: “Nhạc và lời: Dương Thiệu Tước – Minh Trang”. Minh Trang là ca sĩ Huế nổi tiếng trước năm 45, có xuất thân từ dòng dõi hoàng gia nhà Nguyễn. Một lần khi Minh Trang ra Hà Nội vào năm 1949, bà đã gặp Dương Thiệu Tước, họ yêu nhau và tạo nên mối tình huyền thoại. Bà còn kể lại ấn tượng đầu tiên này: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… lăng xăng, líu lo, rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này”. Ca khúc có đoạn:
“Một chiều ái ân
Say hồn ta bao lần
Một trời đắm duyên thơ
Cho đời bao phút ơ thờ.
Ngạt ngào sắc hương
Tay cầm tay luyến thương
Ðôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng
Nào thấy đâu sầu vương.”
Là một nhạc sĩ vào Sài Gòn từ năm 1954, ông không ủng hộ cuộc chiến tranh. Trong tác phẩm “Ôi quê xưa”, ông đã viết:
“Rồi một chiều thu
Tôi về chốn xưa
Nhìn cảnh làng quê
Vết tro tàn đìu hiu gió sương
Nhìn mái nhà xác xơ
Mơ chốn đây năm nào
Chiều chiều bao người hẹn nhau
Đến bên nhịp cầu…”
Sau năm 1975, khi âm nhạc của ông bị cấm và ông không được dậy tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, ông đã phải chịu một cảnh sống chật vật. Người vợ đầu của ông cùng các con chạy sang Đức còn ca sĩ Minh Trang và con bà di cư sang Mỹ. Ông vẫn ở lại Sài Gòn. Đến năm 1980, ông kết hôn với người vợ thứ ba, bà Nguyễn Thị Nga, vốn là học trò của ông tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Bà đã chăm sóc ông suốt phần đời còn lại, vào những năm tháng khó khăn nhất. Vào cuối năm 1993 khi ca sĩ Ánh Tuyết hát và thu âm ca khúc của ông, bà đã tìm ông để trả tiền bản quyền. Khi gặp ông, bà đã kể về phong thái của ông giữa hoàn cảnh sống khó khăn: “Ở tuổi 82 nhưng ông là con người rất cốt cách, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách đối nhân xử thế. Ánh Tuyết bất ngờ là căn nhà của ông không có một cái gì, ngoài tài sản lớn nhất là chiếc tivi 14 inch trắng đen được ông bảo quản rất kỹ bằng cách lấy thùng các-tông úp lên”. Chỉ hai năm sau đó, ông qua đời.
Cuộc đời Dương Thiệu Tước đã trải qua những năm tháng say mê nhất, huy hoàng nhất, lãng mạn nhất và cũng đau thương nhất. Nhưng dù giữa biến chuyển của cuộc đời, âm nhạc luôn là một điều cao quý với ông. Ông say đắm trong âm nhạc và đi theo cảm hứng mặc cho bị đưa đẩy tới hoàn cảnh gian khó. Sau tất cả, âm nhạc của ông vẫn để lại nét đẹp hoàn mỹ nhất cho nền nghệ thuật Việt Nam mà nhiều thế hệ sau sẽ còn nhớ mãi như ông đã từng khẳng định “Âm nhạc cải cách đã trỗi dậy và đã gieo vào tâm hồn ta những ý niệm tươi đẹp của một nền âm nhạc Việt Nam tương lai, cái ảnh hưởng mãnh liệt sâu xa của nó đan xen với mạch sống hằng ngày của mỗi người”.
Cáo Hà Thành