Lê Thương (1914 – 1996) là một trong những nhạc sĩ đi đầu của nền Tân nhạc Việt Nam (từ 1928 đến nay). Ông tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc ở Hà Nội. Theo như Hồi ký của Phạm Duy thì ông là một thầy tu nhà dòng hoàn tục.
Ông mở đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng việc tham gia nhóm các nhạc sĩ Hoàng Qúy, Tô Vũ, Phạm Ngữ, Canh Thân đảm nhiệm sáng tác nhạc cho các vở kịch mà nhóm kịch của Thế Lữ trình diễn. Khi này, ông đang làm nghề dậy học để kiếm sống. Mặc dù là nhạc sĩ tài năng nhưng ông chủ yếu sống bằng nghề dậy học. Sau năm 1941, khi ông vào Sài Gòn, ông vẫn tiếp tục công việc dạy học. Ban đầu, ông là nhà giáo Sử Địa, sau đó là dậy Pháp Ngữ, làm công chức của Trung tâm học liệu bộ Quốc gia giáo dục (Việt Nam Cộng Hòa) và cuối cùng là giảng viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ (Việt Nam Cộng Hòa).
Lê Thương là nhạc sĩ tiên phong cho nhiều thể loại âm nhạc của nền Tân nhạc Việt Nam. Không chỉ là một trong các nhạc sĩ đi đầu của nền Tân Nhạc, ông còn là người đầu tiên viết các bản truyện ca, người đầu tiên viết nhạc hài hước (có lẽ ông ảnh hưởng lớn các ca khúc hài hước của Phạm Duy). Ngoài ra, ông còn đặt lời cho rất nhiều bản nhạc ngoại quốc ngắn và phổ thơ nhiều bài thơ hay của Thơ Mới. Cùng với Nguyễn Xuân Khoát, ông cũng mở đầu dòng nhạc tuổi thơ với các ca khúc như “Con mèo trèo cây cau”, “Thằng bé tí non”, “Ông Nhang bà Nhang”, “Truyền kỳ Việt sử”, “Học sinh hành khúc”.
Ca khúc Học sinh hành khúc:
Thế nhưng, những bản nhạc thật sự làm nên danh tiếng của Lê Thương lại là những ca khúc trữ tình ông sáng tác trước năm 1941, khi ông đang ở miền Bắc. Nổi bật có ca khúc “Bản đàn xuân” với ca từ nhẹ nhàng bay bổng, kết hợp giữa tình yêu tự do của thời đại mới và không khí cổ xưa của thơ cổ Á Đông.
Một ca khúc cũng xuất sắc không kém và nhiều tính thơ là “Thu trên đảo Kinh Châu”. Ca khúc như một bài thơ mang nỗi sầu nghìn xưa:
“Sông Kinh Châu có con buồm trắng
Gió thu mang người biệt ly vào cảnh sầu đó chăng
Hồn thu theo gió đến ngọn núi chót cao cạnh mây
Gió đưa hồn thu xuống cây
Bao lá rơi để gió thu cuốn đi.”
Như đã đề cập ở trên, Lê Thương phổ thơ rất nhiều các bài thơ của phong trào Thơ Mới như “Bông hoa rừng” (Thế Lữ), “Tiếng thùy dương” (phổ thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận)… thế nhưng chúng tôi không tìm được bản thu trên mạng. Chúng tôi chỉ tìm thấy bản thu âm bản nhạc của ông phổ thơ bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư với hình ảnh kinh điển:
“Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô”
Với thể loại truyện ca, ông đóng góp cho nền Tân nhạc Việt Nam bộ trường ca xuất sắc có tên “Hòn vọng phu”. Tác phẩm mượn các tích xưa và thơ cổ để tái hiện hình ảnh người chinh phụ chờ chồng đi chiến chinh trong thời tao loạn. Truyện ca này là sự thử thách cho các ca sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, chỉ có bản thu của Thái Thanh trước năm 1975 với phần ngâm thơ của Hoàng Oanh là đạt đến độ hoàn hảo, thể hiện được tất cả những phức tạp của kỹ thuật âm nhạc, tinh thần Á Đông và sự day dứt trong các đoạn có cảm xúc sâu lắng.
Sau năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và chính quyền Cộng Sản ở miền Bắc tiếp quản miền Nam, Lê Thương không sáng tác thêm nữa và cũng không tham gia bất cứ hoạt động văn hóa nghệ thuật nào. Năm 1990, ông mất trí dần và qua đời vào năm 1996. Cuộc đời sáng tác âm nhạc và hoạt động văn hóa nghê thuật của ông rất vĩ đại, có thể sánh ngang với các đại thụ của nhạc tiền chiến như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát… nhưng có lẽ do ông đã sớm vào Nam và tham gia hệ thống của Việt Nam Cộng Hòa, lại không đóng góp sáng tác nào sau năm 1975 thế nên đến nay ông chưa có được sự kính ngưỡng xứng đáng.
Cáo Hà Thành