Trường phái Ấn tượng được biết đến rộng rãi như là trào lưu đầu tiên của nghệ thuật hiện đại, và nó vẫn là một trong những hình thức nghệ thuật phổ biến, thịnh hành nhất cho đến ngày nay. Phần nhiều những thể loại có tính đột phá thường mang chất nguyên bản đặc biệt, nhưng những người – Ấn tượng, cũng như hầu hết các nghệ sĩ, lại tìm thấy nguồn cảm hứng từ hình thức nghệ thuật khác, mà cụ thể ở đây là bản in khắc gỗ Nhật Bản.
Tại bài viết này, chúng ta sẽ khám phá ra cách thức Ukiyo-e, hay “các bức tranh về thế giới phù du” của Nhật Bản (tranh phù thế) truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ Ấn tượng về nội dung, phong cách, hướng tiếp cận, và cuối cùng tạo nên một mối quan hệ nghệ thuật sáng tạo vượt thời gian.
“Japonism” là gì?
Japonism là từ dùng để chỉ ngành nghiên cứu nghệ thuật Nhật Bản, và cụ thể hơn, là sức ảnh hưởng Nhật Bản tới các tác phẩm châu Âu. Dù hiện tượng ảnh hưởng này sẽ còn được thấy ở nhiều trào lưu nữa – gồm cả Tân nghệ thuật (Art Nouveau) và Hậu Ấ tượng (Post-Impressionism) – nhưng nó gắn bó gần gũi nhất với trường phái Ấn tượng, bởi các nghệ sĩ như Claude Monet hay Edgar Degas đặc biệt tâm đắc với chủ đề, phối cảnh và bố cục của các bản in khắc gỗ Nhật Bản.
Lịch sử
Vào năm 1874, cùng năm trường phái Ấn tượng chính thức nổi lên với bức vẽ “Impression, Sunrise” của Claude Monet, nhà phê bình và sưu tầm người Pháp Philippe Burty đã tạo nên thuật ngữ Japonisme, dịch ra tiếng Anh là Japonism. Ngày nay, khái niệm này dùng để chỉ ảnh hưởng của tất cả mọi hình thức nghệ thuật Nhật Bản tới mọi trào lưu nghệ thuật, nhưng ban đầu, nó chỉ thường được dùng để miêu tả vai trò nổi bật của bản khắc gỗ vào trường phái Ấn tượng mà thôi.
Dù các bản khắc gỗ tranh phù thế (Ukiyo-e) chỉ vừa mới gây được chút chú ý trong nhận thức của người Phương Tây vài thập kỷ trước đó, nhưng chúng đã trở nên vô cùng quen thuộc trong giới nghệ sĩ hay người yêu hội họa châu Âu. Chẳng hạn, Claude Monet đã nhặt nhạnh gom góp thành một bộ sưu tập bản khắc gốc ấn tượng, hầu hết trong số đó cho đến nay vẫn đang được treo tại căn nhà của ông ở Giverny.
Ưa thích tranh phù thế đến vậy, không ngạc nhiên gì khi ta thấy các nghệ sĩ Ấn tượng trộn lẫn những yếu tố từ hình thức nghệ thuật này vào trong tác phẩm của chính mình.
Sức ảnh hưởng
Đề tài
Nghệ sĩ Ấn tượng vốn có tiếng là có cách chọn đề tài đặc biệt, gồm cả biểu tượng đời thường như khung cảnh thiên nhiên hay chân dung tả thực. Hướng tiếp cận này là đăc trưng tinh túy của cả trào lưu, nhưng thực ra nó bắt nguồn từ các bản in của Nhật.
Bỏ qua chuyện cái tên nói lên tất cả, thì ta vẫn thấy bộ sưu tập những bức vẽ mẫu mực miêu tả cầu Nhật Bản của Monet là có tham khảo từ những tranh phù thế đời thường. Còn loạt tranh phụ nữ trong phòng tắm đặc trưng của Edgar Degas thì chắc chắn là được gợi hứng từ những miêu tả dòm ngó riêng tư phụ nữ nơi dục phòng, vồn thường thấy trong tranh Nhật.
Phối cảnh
Không chỉ sẻ chia các đề tài chung, các bức tranh Ấn tượng và bản khắc gỗ Nhật Bản còn cùng trưng ra một hướng tiếp cận đặc trưng về phối cảnh. Thường điểm nhìn thuận lợi của người xem là từ trên cao và được định vào một góc hơi nghiêng.
Điều này cho ta thấy cảnh một cách tổng thể, gần như là chúng được sắp đặt trên sân khấu và chúng ta quan sát từ vị trí khan giả.
Bố cục phẳng
Dù có vẻ như sử dụng một phối cảnh hấp dẫn như vậy sẽ mang lại hiệu quả trong việc tạo khối, nhưng bố cục điển hình của bản khắc gỗ thì lại tương đối phẳng, với những mảng thuần màu và đường nét đậm di đè lên hiện thực. Một số nghệ sĩ Ấn tượng đã không đi theo lối ấy, mà chọn lựa cảm giác chiều sâu, nhưng một số khác, Mary Cassatt chẳng hạn, thì chấp nhận lối thẩm mỹ này.
Đi kèm với sự tương đồng về chủ đề và sự tương tự trong lối chọn phối cảnh, lối thẩm mỹ phẳng đầy hấp dẫn này đã hoàn toàn thu lại cái nhìn và cảm quan đặc trưng của những bản khắc gỗ Nhật Bản.
Nguồn: mymodernmet.com
Dịch: Minh Hùng