Home Ngẫm NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (7): Tình yêu và sự suy vong của nó trong xã hội phương Tây

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (7): Tình yêu và sự suy vong của nó trong xã hội phương Tây

Vũ Văn Duy

18/07/2018

Nếu như yêu là khả năng của những người có tính sáng tạo và tính cách trưởng thành, ta có thể đưa ra kết luận: Năng lực tình yêu của mỗi người sống trong một xã hội nhất định quyết định bởi sự ảnh hưởng tới tính cách của người đó của xã hội đó. Khi nói tới tình yêu trong xã hội phương Tây, chúng ta cần phải đưa ra một loạt vấn đề, đó là kết cấu xã hội của văn minh phương Tây và tinh thần nảy sinh bởi kết cấu xã hội này có thúc đẩy sự phát triển tình yêu hay không. Ở đây chúng ta đưa ra đáp án phủ định. Bất cứ một quan sát khách quan nào đối với con người sống trong xã hội phương Tây đều không do dự khi nói rằng – bác ái, tình mẫu tử và tình dục – là hiện tượng hiếm hoi ở phương Tây, chúng được thay thế bởi rất nhiều hình thức tình yêu trá hình khác, và trên thực tế, những hình thức tình yêu trá hình này góp phần làm rõ sự suy vong của tình yêu.
   Xã hội chủ nghĩa tư bản một mặt dựa trên nguyên tắc tự do chính trị, một mặt dựa vào sự điều tiết của thị trường đối với mọi hoạt động kinh tế, bởi vậy cũng là cơ sở điều tiết mọi nguyên tắc trong quan hệ xã hội. Thị trường hàng hóa quyết định điều kiện tiến hành trao đổi hàng hóa. Thị trường lao động điều tiết việc mua bán sức lao động. Vật hữu dụng, tinh lực và kỹ thuật của người hữu dụng đều biến thành giá trị, những giá trị này căn cứ vào điều kiện thị trường tiến hành trao đổi tự nguyện và công bằng. Tỉ dụ, nói tới giày, một khi trên thị trường không có người hỏi tới, mặc dù bản thân đôi giày hữu dụng và cần thiết, cũng sẽ mất đi mọi giá trị kinh tế (giá trị trao đổi). Khả năng và kỹ thuật của con người cũng vậy. Người sở hữu tư bản có thể mua sức lao động, và ra lệnh sức lao động phục vụ cho sự đầu tư có lợi của tư bản đó. Người sở hữu sức lao động phải căn cứ vào điều kiện thị trường lúc đó để bán sức lao động đó mới có thể không bị chết đói. Kết cấu kinh tế này phản ánh trên sự phân cấp cao thấp trong bảng giá trị. Tư bản thống trị sức lao động, vật thể không sự sống có giá trị cao hơn cả sức lao động, tài năng của con người và mọi sự vật có sự sống khác.
   Kết cấu này là cơ sở của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù tới nay, kết cấu xã hội này vẫn là tiêu chí của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhưng một số nhân tố đã thay đổi, những nhân tố này đem tới cho chủ nghĩa tư bản hiện đại đặc điểm mới, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc tới kết cấu tính cách của người hiện đại. Chúng ta nhìn thấy kết quả của sự phát triển chủ nghĩa tư bản đó là sự không ngừng tập trung tư bản. Doanh nghiệp lớn không ngừng mở rộng, còn doanh nghiệp nhỏ ngày càng thu hẹp. Trong doanh nghiệp lớn, quyền sở hữu tư bản ngày càng tách rời khỏi quyền quản lý tư bản. Người sở hữu vài trăm ngàn cổ phiếu là “người chiếm hữu” doanh nghiệp. Người quản lý doanh nghiệp lại là giai tầng quản lý quan liêu, bọn họ tuy được trả lương hậu hĩnh nhưng doanh nghiệp không thuộc về họ. Những kẻ quan liêu này không chỉ hứng thú với việc kiếm được lợi nhuận lớn, mà còn hứng khởi với việc mở rộng doanh nghiệp, từ đó không ngừng mở rộng quyền lực bản thân họ. Sự tập trung của tư bản và sự hình thành lớn mạnh của giai tầng quản lý quan liêu cũng được biểu hiện ở sự phát triển của vận động công nhân. Công đoàn tổ chức lực lượng lao động, làm cho công nhân không phải đơn thương độc mã trên thị trường lao động. Công nhân trở thành thành viên của công đoàn, mà những công đoàn lớn này cũng bị sự quản lý của tầng lớp quan liêu hùng mạnh, song song đại diện cho công nhân trước nhóm tài phiệt. Bất luận trong lĩnh vực tư bản, hay trong lĩnh vực lực lượng lao động, tính chủ động cá nhân được thay thế bởi tầng lớp quan liêu. Ngày càng nhiều người mất đi tính độc lập, phụ thuộc vào tầng lớp quan liêu của đế quốc kinh tế khổng lồ.
   Tập trung tư bản còn dẫn tới một đặc điểm có tính quyết định, đó là hình thức đặc thù của tổ chức lao động, đây cũng là một trong những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Doanh nghiệp tập trung cao độ, phân công nghiêm ngặt dẫn đến hình thức tổ chức lao động mới, trong tổ chức này cá nhân mất đi cá tính, mà trở thành một mắt xích có thể thay thể bất cứ lúc nào trong guồng máy.
   Chủ nghĩa tư bản hiện đại cần một lực lượng hùng hậu có thể hiệp đồng làm việc với nhau. Nhu cầu tiêu dùng của những người này ngày càng cao, nhưng khẩu vị của họ được tiêu chuẩn hóa, vừa dễ bị khống chế, vừa có thể dự báo trước. Chủ nghĩa tư bản hiện đại cần những người, một mặt có thể cảm thấy mình tự do, độc lập và tin tưởng bản thân mình không khuất phục trước bất cứ quyền uy, nguyên tắc và lương tâm nào, một mặt, họ lại chuẩn bị chấp hành mệnh lệnh, hoàn thành nhiệm vụ người khác giao, ngoan ngoãn bước vào xã hội máy móc này, nghe người khác sắp đặt, phục tùng lãnh đạo một cách tự nguyện, mù quáng nghe theo sự chỉ đạo – chỉ có một ngoại lệ, đó là họ làm việc không tiếc sức mình, luôn luôn phát huy tác dụng và tranh giành sự thăng tiến.
   Vậy kết quả sẽ là gì? Kết quả là người hiện đại nảy sinh tính dị hóa đối với mình, với người cùng thời và với tự nhiên. Hắn biến thành một thứ hàng hóa, việc thể nghiệm sinh mệnh của mình thực tế là tư bản, tư bản này trong điều kiện thị trường xác định đem tới lợi nhuộn lớn nhất cho hắn. Nhìn từ bản chất, quan hệ giữa người với người là xa lạ, là mối quan hệ giữa những cái máy tự động, cơ sở cảm giác an toàn của nó là muốn tìm mọi cách để gần một nhóm người, giữ sự đồng nhất với nhóm người này về tư tưởng, tình cảm và hành động. Mặc dù mỗi người đều nỗ lực tiếp cận người khác, nhưng thực tế đều cô độc, đầy cảm giác bất an, sợ hãi và cảm giác tội lỗi. Chỉ cần bức tường ngăn cách giữa người với người không được khắc phục, cảm giác này sẽ không ngừng xuất hiện. Nhưng văn minh của chúng ta cung cấp mọi khả năng, làm cho người ta không cảm giác thấy sự cô độc này. Trước tiên, mỗi người ngày ngày lặp đi lặp lại công việc có tính máy móc, trình tự công việc này làm cho họ không còn cảm thấy nhu cầu cơ bản tìm kiếm sự siêu vượt và thống nhất của con người. Nhưng chỉ dựa vào đó thôi không đủ, bởi vậy con người thông qua hưởng thụ, thông qua âm nhạc, phim ảnh mà ngành công nghiệp giải trí cung cấp, và thông qua mua sắm không ngừng để giảm thiểu sự tuyệt vọng còn chưa ý thức được này. Trên thực tế, người hiện đại giống như hình ảnh nhân vật Huxley được mô tả trong Brave New World: “Dinh dưỡng đầy đủ, ăn mặc tinh tế, thỏa mãn tình dục, nhưng lại không có chút gì là mình, chỉ có sự tiếp xúc hời hợt với con người.” Tôn chỉ của người hiện đại như Huxley tổng kết điểm chính yếu bằng lời ca tụng là “Rượu hôm nay, hôm nay say” hoặc là “Ngày hôm nay, người người hạnh phúc”. Hạnh phúc của người hiện đại là hưởng thụ, đó là sự thỏa mãn mua sắm và nhu cầu đồng hóa với một nhóm người. Họ mua sắm thương phẩm, tranh ảnh, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, người, tạp chí, sách vở, điện ảnh, đúng là không gì không có. Thế giới chỉ để nhét đầy cái bụng của họ, giống như một quả táo khổng lồ, một bình rượu khổng lồ và cái vú khổng lồ, còn chúng ta là đứa trẻ, luôn luôn trong mong đợi, hy vọng, nhưng mãi mãi là kẻ thất bại. Tính cách của chúng ta là nỗ lực thích ứng tiến hành trao đổi, tiếp nhận và nhu cầu mua sắm. Tất cả mọi thứ – vật chất và tinh thần – đều trở thành đối tượng trao đổi và tiêu dùng.
   Còn như tình yêu, đương nhiên cũng hoàn toàn phù hợp với tính cách xã hội của người hiện đại. Cái máy tự động không thể yêu, nó chỉ có thể trao đổi “một mớ đặc tính”, và muốn làm một vụ mua bán có lời. Trong kết cấu đã dị hóa này, nhu cầu cơ bản trong tình yêu của con người là tư tưởng “kết bạn”, biểu hiện này được thể hiện nổi bật trong hôn nhân. Trong vô số những áng văn tuyên truyền về hôn nhân hạnh phúc, một cặp vợ chồng không chút xung đột được coi là sự kết hợp hoàn hảo. Sự tuyên truyền này chẳng khác gì tiêu chuẩn xã hội yêu cầu ở con người là phải nghĩ gì làm được nấy. Người nhân viên này phải “độc lập tương ứng”, là một đối tác tốt, khoan dung, đồng thời lại có chí tiến thủ, yêu cầu rất cao đối với cuộc sống. Giống như cố vấn hôn nhân nói với chúng ta, một người chồng nên hiểu “vợ” của hắn, và là trợ thủ cho cô ta. Hắn nên tán thưởng bộ quần áo mới của vợ hắn, cũng phải khen ngợi bữa cơm cô ta nấu. Còn mỗi khi người chồng trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi, bực tức, người vợ lại nên lượng thứ cho hắn, khi người chồng nói tới khó khăn trong công việc, người vợ nên chú ý lắng nghe hắn nói. Nếu như người chồng quên mất sinh nhật của cô, người vợ không nên giận dỗi, mà phải tỏ ra thấu tình đạt lý. Tất cả những điều này không ngoài việc cho thấy mối quan hệ của hai người này giống như đã được tra dầu mỡ, không chút ma sát, nhưng hai người này cả đời sẽ không bao giờ hiểu nhau, mãi mãi không đạt tới “quan hệ trung tâm”, mà đối đãi với nhau như khách, mỗi người chỉ là cố gắng làm hài lòng đối phương mà thôi. Khái niệm về tình yêu và hôn nhân này trên thực tế nhấn mạnh việc bảo vệ bản thân tránh khỏi sự tấn công của cảm giác cô độc khó chịu. Người ta tìm thấy chỗ trú chân trong “tình yêu”. Hai người trở thành đồng minh chống lại toàn bộ thế giới, nhưng lại coi sự ích kỷ của hai người này là tình yêu và sự tin cậy.
   Nhấn mạnh tinh thần kết bạn, nhấn mạnh sự khoan dung với nhau là một bước phát triển mới mẻ. Tác dụng của giai đoạn sau thế chiến thế giới lần thứ nhất là đưa ra một công thức tình yêu khác. Khi đó, sự thỏa mãn tình dục là mối quan hệ làm người ta hài lòng, đặc biệt có được coi là cơ sở cho hôn nhân hạnh phúc. Mọi người cho rằng nguyên nhân của nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh là do các cặp vợ chồng không “ăn ý” với nhau trong đời sống tình dục, mà căn nguyên của nó là thiếu thái độ chính xác đối với đời sống tình dục, cũng có nghĩa là một bên hoặc cả hai bên đã không nắm bắt tốt những kỹ năng trong đời sống tình dục. Để “giải quyết” sự thiếu hụt này và giúp đỡ những cặp vợ chồng bất hạnh không thể yêu đương, nhiều sách vở cung cấp lời khuyên và nêu rõ các thái độ tình dục đúng đắn. Tư tưởng cơ bản của nó là: tình yêu là sản phẩm của một đời sống tình dục thỏa mãn, nếu như hai bên nam nữ học được cách làm cho đối phương thỏa mãn trong đời sống tình dục, họ sẽ yêu nhau. Điểm này hoàn toàn phù hợp với ảo tưởng phổ biến trong xã hội, đó là kỹ thuật đúng không chỉ giải quyết vấn đề sản xuất công nghiệp, mà cũng giải quyết cả vấn đề của con người. Mọi người không thấy rằng quan điểm ngược lại mới là chính xác.
   Tình yêu không phải là kết quả của sự thỏa mãn tình dục, mà là hạnh phúc của tình dục, thậm chí nắm bắt được cái gọi là kỹ thuật tình dục cũng chỉ là kết quả của tình yêu. Nếu như nhất định phải chứng minh quan điểm này, ngoài quan sát thường ngày, còn có thể mượn nhiều những ví dụ cụ thể khác trong trị liệu phân tích tinh thần. Đối với nghiên cứu vấn đề tình dục thường gặp nhất – lãnh cảm tình dục ở phụ nữ, các loại hình thức yếu sinh lý nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng trong tâm lý người đàn ông – nêu rõ nguyên nhân gây ra những vấn đề này không ở việc thiếu kỹ thuật, mà tâm lý nhút nhát của những người này làm họ mất đi khả năng yêu. Sợ hãi người khác giới, căm ghét người khác giới là nguyên nhân gây ra những khó khăn này, những khó khăn này ngăn cản họ hiến dâng mình và hành động tự phát, làm cho vấn đề sinh lý của họ không thể nào chịu đựng được sự gần gũi của người khác giới. Nếu như một người có trở ngại tình dục có thể thoát ra khỏi sự sợ hãi và căm ghét của hắn, hắn sẽ có được khả năng yêu, vấn đề của hắn cũng được giải quyết. Nếu như không thể thoát ra khỏi đó, dù cho có nhiều kiến thức kỹ thuật làm tình đi chăng nữa cũng không giải quyết được gì.
   Mặc dù kinh nghiệm trong trị liệu phân tích tinh thần đã chứng minh quan điểm rằng nắm được kỹ thuật làm tình có thể nảy sinh hạnh phúc và tình yêu là sai lầm, nhưng tư tưởng cơ bản ở vấn đề này là, tình yêu là sản phẩm của sự thỏa mãn tình dục đôi bên nam nữ, lại chịu ảnh hưởng rất lớn tư tưởng của Freud. Freud cho rằng, nhìn từ căn bản thì tình yêu là một loại hiện tượng tình dục. “Tình dục có thể cho con người sự thỏa mãn lớn nhất, và cho con người một loại mẫu mực của hạnh phúc. Kinh nghiệm này có thể dùng để nói rằng, nên tiếp tục tìm kiếm sự hài lòng của con người đối với hạnh phúc ở phương diện quan hệ tình dục, và coi tình dục là điểm mấu chốt của cuộc sống.” Thể nghiệm bác ái trong mắt Freud cũng là kết quả của nhu cầu tình dục, nhưng ở nhu cầu này bản năng tình dục biến thành một loại “kích động tình dục không mục đích”. “Tình yêu của loại tình dục không mục đích này nhìn từ ngọn nguồn của nó cũng là một thứ tình yêu thuần cảm giác tình dục, và luôn tồn tại trong tiềm thức của con người.” Còn cảm giác thống nhất – loại cảm giác thống nhất cấu thành bản chất thể nghiệm của chủ nghĩa thần bí lại là căn nguyên sự kết hợp mật thiết với một người hoặc người cùng thời đại – lại bị Freud cho rằng là một hiện tượng bệnh thái, được giải thích là muốn “thiết lập sự tự luyến ái vô hạn mới”.
   Ở đây chúng ta tiến thêm một bước nữa để thấy bản chất tình yêu đối với Freud là một loại hiện tượng phi lý tính. Đối với ông ta, không tồn tại sự khác biệt giữa tình yêu phi lý trí và tình yêu được biểu hiện ở người trưởng thành. Trong bài viết Luận về di tình, Freud nói, chuyển dịch tình yêu nhìn từ bản chất không có sự khác biệt với tình yêu “bình thường”. Sự nảy sinh của tình yêu là “hàng xóm” với sự hoang đường, là sự đối đãi mù quáng với hiện thực, là một lần chuyển dịch của đối tượng yêu thời niên thiếu. Là tình yêu hiện tượng lý tính, tình yêu là tiêu chí cho trưởng thành không phải là đối tượng nghiên cứu của Freud, bởi ông ta cho rằng kiểu tình yêu này căn bản không tồn tại.
   Nhưng nếu như chúng ta đánh giá quá cao tư tưởng của Freud ảnh hưởng đối với sự nảy sinh quan niệm “tình yêu là sản phẩm của sự hấp dẫn tình dục” sẽ là sai lầm. Từ căn bản, quan hệ nhân quả đảo ngược lại mới chính xác. Một phần trong tư tưởng của Freud chịu ảnh hưởng của tinh thần thời đại thế kỷ 19, ngoài ra, tư tưởng của ông lại được lan truyền bởi tinh thần thời đại vài năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Nguyên nhân hàng đầu trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới tư tưởng của Freud và làm cho cái nhìn của ông được phổ biến rộng rãi là sự nổi loạn đối với đạo đức luân lý nghiêm khắc cuối thế kỷ 19.
   Nhân tố thứ hai quyết định tới lý luận của Freud là tư tưởng chiếm địa vị chủ đạo của những người liên quan đương thời, tư tưởng này lấy kết cấu của chủ nghĩa tư bản làm nền tảng. Để chứng minh chủ nghĩa tư bản phù hợp với nhu cầu tự nhiên của con người, trước tiên cần phải chứng minh con người – nhìn từ bản chất của nó là một kẻ cạnh tranh, là kẻ thù của người khác. Kinh tế gia căn cứ vào con người có khát vọng theo đuổi lợi nhuận không thể át chế và kẻ theo chủ nghĩa Darwin căn cứ nguyên tắc sinh tồn cá lớn nuốt cá bé của sinh vật để chứng minh cho quan điểm này, còn Freud lại thông qua quan điểm rằng đàn ông bị thúc đẩy bởi ham muốn chiếm hữu tất cả nữ giới, chỉ là áp lực của xã hội làm cho họ thu mình lại, qua đó có kết luận tương tự. Bởi vậy, dựa vào quan điểm của Freud tất cả nam giới đều đố kỵ nhau, song song đó, dù tất cả nguyên nhân từ kinh tế, xã hội tạo nên sự đố kỵ này một khi biến mất thì sự đố kỵ, cạnh tranh này vẫn tồn tại.
   Cuối cùng, tư tưởng của Freud cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật thống trị thế kỷ 19. Mọi người cho rằng trong hiện tượng sinh lý học có thể tìm thấy nền tảng của tất cả hiện tượng tinh thần. Bởi vậy, Freud cho rằng tình yêu, thù hận, công danh và đố kỵ là sản phẩm của các loại biểu hiện của bản năng tình dục. Ông ta không nhìn ra hiện thực cơ bản là điều kiện sinh tồn của con người, đầu tiên là tất cả mọi người đều có hoàn cảnh tương đồng, sau đó thực tiễn cuộc sống tạo nên bởi kết cấu đặc thù của xã hội. (Bước quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật siêu vượt loại hình này do Marx hoàn thành, trong “chủ nghĩa duy vật lịch sử” của Marx, cơ thể, bản năng, nhu cầu thực phẩm hoặc chiếm hữu đều không phải là chìa khóa tìm hiểu con người, điểm mấu chốt là toàn bộ quá trình sống của con người, “thực tiễn cuộc sống” của con người.) Theo quan điểm của Freud, tất cả ham muốn bản năng nếu như được thỏa mãn đầy đủ, sẽ tạo nên sức khỏe tinh thần và đem tới hạnh phúc. Nhưng kinh nghiệm lâm sàng chứng minh, những người được thỏa mãn đầy đủ ở phương diện đời sống tình dục, không phải bởi vậy mà cảm thấy hạnh phúc, họ thậm chí thường xuyên cảm thấy đau khổ bởi những xung đột và dấu hiệu bệnh tinh thần. Tất cả ham muốn bản năng đều được thỏa mãn không chỉ không phải là nền tảng của hạnh phúc, mà còn không thể bảo đảm sức khỏe tinh thần tối thiểu của con người. Mặc dù vậy, tư tưởng của Freud vẫn được phổ biến sau thế chiến thế giới thứ nhất, bởi trong đời sống tinh thần của chủ nghĩa tư bản đương thời có một chút thay đổi: trọng điểm đã chuyển từ tiết kiệm sang tiêu dùng, từ thành công về mặt kinh tế có được nhờ tiết kiệm chuyển sang coi tiêu dùng là nền tảng thị trường không ngừng mở rộng, cùng với tiêu dùng trở thành sự thỏa mãn chủ yếu của con người, con người trở nên tự động hóa, nhút nhát. “Rượu hôm nay, hôm nay say” trở thành nguyên tắc tiêu dùng, đồng thời cũng trở thành nguyên tắc trong phạm trù tình dục.
   Khái niệm của Freud hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa tư bản hoàn chỉnh đầu thế kỷ 20, nếu như chúng ta so sánh khái niệm của ông với khái niệm của một trong những nhà phân tâm học nổi tiếng nhất đương đại đã chết là H.S. Sullivan, nhất định sẽ rất thú vị. Trong hệ thống phân tích tâm lý của Sullivan, chúng ta có thể thấy cách tách biệt nghiêm cẩn giữa tình dục và tình yêu, điều này khác với Freud.
   Vậy thì, lý giải về tình yêu và thân mật của Sullivan là gì đây? “Thân mật là một loại trạng thái nào đó giữa hai người, trạng thái này làm cho mọi phương diện của giá trị cá nhân được phát huy. Điều này yêu cầu quan hệ giữa hai người là một loại mà tôi gọi là quan hệ thông địch, quan hệ theo lý giải của tôi là thái độ của một bên hoàn toàn thích ứng với nhu cầu đối phương biểu đạt ra, nhằm mục đích làm cho hai bên đều có thể đạt được sự hài lòng qua lại như nhau, hiểu cách thông thường là cho đối phương cảm giác an toàn, thủ đoạn sử dụng đều là giống nhau.” Sullivan dùng ngôn ngữ đơn giản hơn nữa mô tả bản chất của tình yêu là một trạng thái thông địch, trong trường hợp này, hai người sẽ có cảm nhận giống nhau: “Chúng ta tuân thủ luật chơi nhằm giữ thể diện cho chúng ta. Và có được cảm nhận tốt hơn người khác, và có chút công lao nào đó.”
   Quan điểm của Freud đối với tình yêu phù hợp với chủ nghĩa nam quyền trong ý nghĩa chủ nghĩa vật chất thế kỷ 19, còn định nghĩa của Sullivan đến từ con người bị dị hóa của thế kỷ 20, đó là miêu tả đối với “chủ nghĩa tự coi mình là trung tâm của hai người”, hai người này đem lợi ích của bản thân ném vào trong một cái nồi, cùng tử thủ để chống lại thế giới bị dị hóa. Trên thực tế, định nghĩa của ông cũng là cảm nhận hướng tới một nhóm người, trong nhóm người này, mỗi người “đều điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với nhu cầu muốn được biểu đạt ra của người khác, để đạt được mục tiêu chung.” (Đáng chú ý là, ở đây Sullivan nói tới nhu cầu “biểu đạt ra”, mà con người khi yêu ít nói nhất, nó là một loại phản ứng với nhu cầu “chưa được nói ra” giữa hai người).
   Coi tình yêu là sản phẩm của sự thỏa mãn tình dục, coi tình yêu là sự kết bạn tư tưởng và là nơi trú chân nhằm chống lại sự cô độc, hai quan điểm này được coi là hai hình thức “bình thường” trong biểu hiện sự suy vong tình yêu trong xã hội phương Tây, là bệnh lý học tình yêu do xã hội quyết định và gây ra. Loại bệnh lý học này có nhiều hình thức cá tính hóa, kết cục của nó đều là sự chịu khổ một cách tự giác. Những hình thức này được nhà phân tâm học và ngày càng nhiều những người ngoài ngành gọi là triệu chứng bệnh thần kinh. Thông qua vài ví dụ dưới đây để nói rõ ràng một số hình thức thường xuất hiện.
   Điều kiện cơ bản gây ra chứng bệnh thần kinh ở tình yêu là một bên hoặc đôi bên “yêu nhau” luôn bám chặt vào hình tượng của cha hoặc mẹ, và hắn đem tình cảm, sự mong đợi và nỗi sợ trước đây đối với cha hoặc mẹ, sau khi trưởng thành chuyển dịch sang người “được yêu”. Những người này chưa từng vượt qua giai đoạn niên thiếu, sau khi trưởng thành vẫn còn tìm kiếm mối liên hệ thời niên thiếu. Trong hoàn cảnh này, về mặt đời sống tình cảm của những người này vẫn dừng lại ở giai đoạn 2, 5, hoặc 12 tuổi, nhưng trí lực và năng lực xã hội của họ lại phù hợp với tuổi thực tế của họ. Trong trường hợp nghiêm trọng, trạng thái chưa trưởng thành này trong tình cảm còn phá hoại cuộc sống xã hội của hắn; trong trường hợp không mấy nghiêm trọng, xung đột này chỉ giới hạn ở phạm trù các mối quan hệ thân mật cá nhân.
   Chúng ta trở lại với thảo luận việc lấy người cha hoặc người mẹ làm trung tâm được đề cập ở trên. Ví dụ dưới đây liên quan tới quan hệ bệnh thái tình yêu hiện tại chúng ta thường thấy, nam giới trong quá trình phát triển tình cảm trước sau dừng ở mối liên hệ với người mẹ. Những người đàn ông này là những đứa trẻ to xác, chưa được cai sữa, trước sau họ luôn cảm thấy mình là một đứa trẻ, họ cần sự bảo vệ, tình mẫu tử, sự quan tâm và tán thưởng của người mẹ. Họ cần tình mẫu tử vô điều kiện – đạt được tình yêu này chỉ cần một điều kiện, đó là họ cần loại tình yêu này, họ là đứa trẻ của người mẹ, yếu ớt nhỏ bé. Trong khi những người này tìm cách lấy được tình yêu của người phụ nữ, luôn luôn đáng yêu dễ gần, phong độ; nếu như họ thành công, họ vẫn sẽ duy trì dáng vẻ này. Nhưng mối quan hệ của họ với người phụ nữ này (trên thực tế là mối quan hệ với tất cả mọi người) chỉ là bề nổi, và không chịu trách nhiệm. Mục đích của họ là được người khác yêu, chứ không phải là yêu bản thân mình. Ở loại người này, luôn luôn nhìn thấy tính hư danh rất mạnh và ý chí lớn không bộc lộ hoàn toàn. Nếu như họ tìm được người vợ “thích hợp”, họ sẽ rất tự tin, nho nhã. Nhưng ở giai đoạn sau, khi thấy vợ hắn không còn phù hợp như trong tưởng tượng của hắn, ngay lập tức sẽ xuất hiện xung đột và mâu thuẫn. Nếu như vợ hắn trước sau không tán thưởng hắn, nếu như cô ta cần có cuộc sống của riêng mình, hy vọng được yêu và được bảo vệ, nếu như cô ta – trong trường hợp cực đoan – không chuẩn bị tinh thần tha thứ cho sự ngoại tình của hắn (hoặc không lộ ra sự hứng thú với việc rất lấy làm tán thưởng này), khi đó hắn sẽ cảm thấy sự tổn thương và thất vọng rất lớn. Thường thì hắn biện lý do “cô ta không yêu hắn, ích kỷ hoặc chuyên chế” để đơn giản hóa loại tình cảm này của hắn. Rõ ràng, bất cứ sự sơ ý dù nhỏ nhặt nào của “mẹ hiền” đối với đứa “con trai” làm mê hoặc người khác của bà đều được xem là biểu hiện thiếu thốn của tình yêu. Những người đàn ông này thường coi cử chỉ nho nhã, và ham muốn muốn làm người khác vui vẻ của hắn lẫn lộn với tình yêu chân chính, bởi vậy đưa ra kết luật rằng họ bị đối xử không công bằng. Họ tự cho rằng mình là người tình vĩ đại, không ngớt oán thán đối với sự bất mãn của người vợ.
   Trong một số ít trường hợp, một người đàn ông lấy người mẹ làm trung tâm mới có thể có một cuộc sống bình thường. Nếu như mẹ anh ta “yêu anh ta” theo một cách thăng hoa (có thể, mặc dầu bà độc đoán, những không có tính phá hoại), nếu như vợ anh ta cũng thuộc mẫu người như mẹ anh ta, nếu như tài năng đặc biệt của anh ta có thể làm cho anh ta phát huy sự hấp dẫn của mình và có được sự tán thưởng của người khác (một số chính trị gia kiệt xuất chính là trong trường hợp này), nhìn từ góc độ xã hội, anh ta đã “hòa nhập rất tốt với” xã hội. Dù anh ta chưa từng đạt tới độ cao tinh thần trưởng thành hơn nữa, nhưng không phải trong điều kiện có lợi như đã nói ở trên – tất nhiên đây là trường hợp thường thấy hơn – đời sống tình yêu của anh ta (mặc dù không phải là đời sống xã hội của anh ta) sẽ là chuỗi thất vọng rất lớn; một khi mẫu người kiểu này cảm thấy anh ta bị mọi người bỏ rơi, sẽ xuất hiện xung đột, trong rất nhiều trường hợp sẽ nảy sinh những ý nghĩ sợ hãi cực độ và chán đời.
   Trong một hình thức tình yêu bệnh thái nghiêm trọng hơn nữa khác, mối liên hệ giữa người mắc phải và người mẹ càng sâu đậm hơn, và càng thiếu lý tính hơn. Trong trường hợp này, nói một cách hình tượng, vấn đề không phải nằm ở việc bệnh nhân muốn trở về trong vòng tay yêu thương của người mẹ hay nguồn sữa đã nuôi dưỡng anh ta, mà trở về trong vòng tay chấp nhận tất cả và phá hoại tất cả của người mẹ. Nếu nói bản chất sức khỏe tinh thần nằm ở việc thoát ly khỏi tử cung của người mẹ, bước vào thế giới, thì bản chất của bệnh tinh thần nghiêm trọng này chính là sự bị thu hút với mẫu thể, muốn trở lại mẫu thể – cũng chính là bị tước đoạt cuộc sống. Mối liên hệ này luôn luôn xuất hiện trong mối quan hệ với người mẹ, người mẹ của họ bằng cách tiếp nhận – bằng phương thức phá hoại liên hệ với đứa con. Có khi họ nhân danh tình yêu, cũng có nhân danh trách nhiệm nhằm cột chặt đứa con, giữ đứa con đã và đang lớn, đứa con trưởng thành. Chỉ thông qua họ, đứa con mới có thể hô hấp. Những người đàn ông này ngoài việc nhục mạ nữ giới qua mối quan hệ tình dục, hắn không thể yêu bất cứ người phụ nữ nào. Họ không thể tự do và độc lập, mà mãi mãi chỉ là một kẻ tàn phế hay một tên tội phạm.
   Ở mặt có tính phá hoại và thôn tính của người mẹ là mặt xấu trong hình tượng người mẹ. Người mẹ không chỉ đem tới sự sống, đồng thời có thể cướp đi sự sống. Người mẹ là người với cuộc sống sinh động, cũng là kẻ phá hoại cuộc sống. Bà có thể tạo nên kỳ tích của tình yêu – nhưng cũng không ai có thể gây tổn thương cho người khác hơn bà. Trong biểu tượng của tôn giáo (như nữ thần Ấn Độ Kali, vị thần tượng trưng sức mạnh và sự sống mới) và biểu tượng giấc mơ thường xuyên bắt gặp hai mặt hoàn toàn đối lập của người mẹ.
   Một ví dụ tương phản là một người đàn ông có người mẹ tính tình lạnh nhạt, hướng nội, còn người cha lại dồn hết tình yêu và những sở thích của ông ta lên người đứa con (đây một phần là kết quả của sự lạnh nhạt ở người mẹ). Ông ta là một “người cha tốt”, đồng thời cũng rất độc đoán. Nếu như ông ta vừa lòng với hành vi của con trai, ông ta sẽ khen ngợi nó, cho quà nó, tỏ ra thân thiết với nó. Một khi ông ta không vừa lòng với con trai, ông ta sẽ đứng sang một bên hoặc trách móc nó. Ngoài sự thương yêu của người cha, một đứa trẻ không có gì nô lệ, phụ thuộc vào người cha. Mục tiêu chính của cuộc đời anh ta là làm cho người cha cảm thấy vui – nếu như anh ta làm được, anh ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, an toàn và thỏa mãn. Nhưng nếu anh ta phạm lỗi lầm, làm sai gì đó, nếu như anh ta không thể làm cho người cha vui vẻ, anh ta sẽ cảm thấy trống rỗng, không ai yêu anh ta hoặc có cảm giác bị bỏ rơi. Trong cuộc sống sau này, người này luôn tìm kiếm hình ảnh một người cha mà anh ta có thể dùng cách thức như vậy và liên hệ với nó. Cuộc đời anh ta trước sau lên xuống theo việc anh ta có thể có được lời khen của người cha hay không. Trong xã hội, những người này thường có được thành công rất lớn, họ chăm chỉ, đáng tin và cần mẫn – điều kiện tiên quyết là hình tượng người cha mà họ đã chọn cần phải đối đãi với họ một cách đúng đắn. Mối quan hệ của họ với phụ nữ lại thường cẩn thận và giữ khoảng cách với phụ nữ. Đối với họ, phụ nữ không có ý nghĩa trung tâm; thường họ có một chút thái độ khinh miệt đối với phụ nữ, sự khinh miệt này luôn luôn được che đậy bởi sự quan tâm của họ đối với phụ nữ giống như người cha đối với một cô bé. Ngay từ đầu, bởi đặc điểm nam tính của họ, họ sẽ để lại chút ấn tượng đối với phụ nữ; nhưng một khi kết hôn với họ, người phụ nữ sẽ phát hiện ra rằng bản thân họ chỉ là sự quan tâm thứ hai trong cuộc sống của người chồng, – còn hình tượng người cha đóng vai trò cốt yếu – , họ sẽ ngày càng cảm thấy thất vọng. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là nếu như người vợ cũng lại là kiểu người lấy người cha làm trung tâm – như vậy, cùng sống với một người đàn ông đối xử với cô như một đứa trẻ cứng đầu, cô ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.
   Hình thức tình yêu bệnh thái phức tạp hơn nữa luôn luôn xuất hiện ở người dưới đây, cha mẹ của những người này không yêu thương nhau, nhưng lại giỏi kiềm chế mình, bọn họ không tranh cãi cũng không để lộ ra sự bất mãn của bản thân. Đồng thời, mối quan hệ giữa họ với con cái cũng không được tự nhiên. Một cô bé cảm thấy không khí trong nhà chỉ là sự “quy củ”, nhưng không có sự tiếp xúc nhiều với cha hoặc mẹ, bởi vậy điều đọng lại trong lòng cô bé chỉ là thứ cảm xúc hỗn loạn và sợ hãi. Cô gái này mãi mãi sẽ không biết được tâm tư tình cảm của cha mẹ; trong không khí gia đình như vậy trước sau luôn tồn tại một thứ bất khả tri và trống rỗng. Hậu quả là cô gái sẽ hoàn toàn thu mình lại trong thế giới nhỏ bé của mình, còn thái độ của cô sẽ được duy trì mãi trong mối quan hệ tình yêu của cô sau này. Ngoài ra, sự trốn tránh này cũng không ngừng nuôi dưỡng nỗi sợ hãi và cảm nhận về thế giới không có chỗ bám víu đem tới, cuối cùng thường dẫn tới khuynh hướng bị ngược đãi, bởi đây là cơ hội duy nhất có thể thể nghiệm được sự kích thích mãnh liệt. Những người phụ nữ này thường sẵn sàng cãi cọ với chồng của họ, chứ không phải ứng xử với nhau một cách bình thường và lý trí, bởi chỉ có như vậy mới làm cho họ tạm thời quên đi cảm giác hồi hộp và sợ hãi. Bởi vậy họ luôn luôn tìm cách chọc giận người chồng một cách không tự giác, kết thúc bằng sự trống rỗng với sự giày vò người khác trong tình cảm.
   Dưới đây là một số hình thức yêu phi lý tính thường xuyên xuất hiện khác, nhưng tôi không đi sâu vào phân tích nguyên nhân – đó là những nguyên nhân đặc biệt trong quá trình phát triển thời niên thiếu.
   Một hình thức tình yêu trá hình không phải hiếm gặp – hình thức này lại thường được mọi người gọi là “tình yêu vĩ đại” (thường xuất hiện trong tiểu thuyết và phim ảnh) – đó là tình yêu ngẫu tượng hóa. Một người chưa đạt tới độ cao nảy sinh cảm giác bản thân (cơ sở của cảm giác bản thân là sự phát huy sức mạnh bản thân có tính sáng tạo) có khuynh hướng “thần thánh hóa” người mình yêu. Hắn dị hóa với sức mạnh bản thân đồng thời phản chiếu sức mạnh của mình trên người mình yêu, người hắn yêu được xem là suối nguồn của tất cả tình yêu, ánh sáng và lời chúc phúc và được sự sùng bái của hắn. Trong quá trình này, con người mất đi sự giác ngộ đối với sức mạnh bản thân hắn, đánh mất mình trên người kẻ được yêu, mà không tìm được chính mình. Nhưng nhìn về lâu về dài, bởi không một người nào có thể phù hợp với tâm nguyện của kẻ sùng bái, tất nhiên điều không thể tránh khỏi là việc cảm thấy thất vọng, mà cách để giải quyết vấn đề này là tìm kiếm một ngẫu tượng mới – có khi vòng tròn ác nghiệt sẽ lặp lại. Đặc trưng của sự bắt đầu hình thức tình yêu tính ngẫu tượng hóa này là tính mãnh liệt và tính bột phát của sự thể nghiệm tình yêu. Hình thức tình yêu này thường xuyên được coi là tình yêu chân chính và vĩ đại; nhưng tính mãnh liệt và độ sâu được nói tới lại thể hiện sự đói khát và cô độc của những người đang yêu. Có lẽ không cần phải cường điệu quá mức, chúng ta có thể nhìn thấy thường xuyên nam nữ trong sự kế hợp hình thức tình yêu này trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ấn tượng với mọi người về một đôi điên dại.
   Một hình thức tình yêu trá hình khác chính là cái mà mọi người gọi nó là tình yêu đa sầu đa cảm. Bản chất của loại tình yêu này là nó chỉ có thể tồn tại trong tưởng tượng, mà không phải tồn tại trong sự kết hợp thực tế với một người khác. Hình thức phổ biến của loại tình yêu này mượn thứ thay thế làm bản thân thỏa mãn, đó là tiêu thụ phim tình cảm, tiểu thuyết tình yêu và nhạc tình. Thông qua việc sử dụng những sản phẩm này làm cho mọi thứ không hiện thực, mong muốn tình yêu, sự kết hợp giữa người với người và sự thân mật trở nên thỏa mãn. Nam nữ không thể xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa bạn tình với mình, khi họ nhìn thấy những đôi tình nhân trong cảnh bi hoan ly hợp trên màn ảnh, họ mường tượng thấy mình trong đó, để rồi cảm động rơi nước mắt. Đối với nhiều cặp vợ chồng, màn ảnh là cách duy nhất họ trải nghiệm được tình yêu – không phải bản thân mình như vậy, mà hai người bọn họ cùng trở thành khán giả của câu chuyện tình của người khác. Chỉ cần tình yêu là giấc mơ ban ngày, lập tức họ có thể tham gia vào, nhưng nếu như tình yêu trở thành mối quan hệ thực tế giữa hai người thực – họ sẽ cứng đờ ra.
   Một biểu hiện khác của tình yêu đa sầu đa cảm là đem hiện thực quay về quá khứ. Đôi vợ chồng có thể thông qua hồi tưởng lại quá khứ tình yêu mà cảm thấy cảm động sâu sắc, mặc dù hiện tại căn bản họ không hề cảm thấy yêu. Tình huống này giống với sự huyễn hoặc tình yêu tương lai. Không biết có bao nhiêu đôi nam nữ đã đính hôn và cặp vợ chồng mới cưới mơ ước về một hạnh phúc trong tương lai, mặc dù hiện tại họ đã bắt đầu cảm thấy sự vô vị của đối phương. Khuynh hướng này phù hợp với tiêu chí thái độ thông thường của người hiện đại. Hiện tại con người, nếu không sống trong quá khứ thì sống ở tương lại, nhưng không phải là hiện tại (tiếc quá khứ, chán hiện tại và mơ tương lại). Bọn họ hồi tưởng lại thời tuổi trẻ và người mẹ một cách đầy thương cảm – hoặc đặt ra kế hoạch vĩ đại cho tương lai. Bất luận thông qua kinh nghiệm tình yêu phi thực với người khác để thể nghiệm tình yêu, hay thông qua cách đưa hiện tại quay về quá khứ hoặc hướng tới tương lai để trốn tránh hiện thực tình yêu, những hình thức tình yêu bị trừu tượng hoặc biến dạng này, tác dụng của nó cũng giống như nha phiến, đều nhằm giảm thiểu những đau khổ do thực tại, sự cô độc của con người và khoảng cách với thế giới bên ngoài đem tới.
   Một hình thức khác của tình yêu bệnh hoạn là cách phóng chiếu. Cách phóng chiếu này có thể dẫn tới lẩn tránh vấn đề bản thân, từ đó tập trung vào những khuyết điểm và sai lầm của “người được yêu”. Thái độ của cá nhân ở phương diện này không khác gì thái độ với dân tộc và với quốc gia. Phản ứng của một số người đối với mỗi sai sót nhỏ nhặt của người khác đều rất mẫn cảm, nhưng với vấn đề và nhược điểm của mình lại không mảy may quan tâm, bọn họ luôn suy nghĩ làm sao để chỉ trích hoặc dạy dỗ đối phương. Nếu như – thông thường là tình huống như thế này – hai bên nam nữ đều thích thú làm như vậy, mối quan hệ tình yêu giữa họ trở thành sự phóng chiếu lẫn nhau. Nếu như tôi chuyên quyền độc đoán hoặc không có chính kiến, tôi sẽ chỉ trích những khuyết điểm này của đối phương, và căn cứ vào tính cách của tôi không phải là muốn hắn thay đổi thì là để trừng phạt hắn. Còn đối phương cũng hành xử giống tôi – hai người này đều đang lẩn tránh vấn đề của mình, bởi vậy hai người này cũng không thể tìm cách làm cho bọn họ phát triển tiến tới một thang tiếp theo.
   Một hình thức khác của sự phóng chiếu là đem vấn đề của mình phóng chiếu lên những đứa trẻ. Đầu tiên, phản xạ này thông thường biểu hiện ở nguyện vọng sinh con. Một số người muốn sinh con bởi họ muốn đem vấn đề sinh tồn của mình phóng chiếu lên đứa trẻ. Nếu như một người cảm thấy mình không có khả năng làm cho cuộc sống của mình có một ý nghĩa nào đó, hắn sẽ tìm cách áp đặt điều hắn muốn lên cuộc sống của đứa trẻ. Nhưng nó chỉ dẫn tới kết quả thất bại cho mình và đứa trẻ. Nguyên nhân thất bại thứ nhất là bởi vấn đề tồn tại của mỗi người chỉ có thể giải quyết bởi chính hắn, mà không thể thông qua một người khác. Một nguyên nhân khác là con người tính toán này lại thiếu những năng lực cần thiết để dẫn dắt đứa trẻ giải quyết vấn đề tồn tại của mình. Đồng thời đứa trẻ luôn là đối tượng để phóng chiếu, nhằm làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa bố mẹ. Lý lẽ mà những ông bố bà mẹ này sử dụng là, để cho đứa trẻ không đánh mất gia đình chung, bởi vậy không muốn ly hôn. Nhưng đi sâu vào khảo sát kết quả cho thấy: trong không khí bất hòa và căng thẳng bao trùm dưới “ngôi nhà chung” như thế này luôn luôn nguy hại hơn việc công khai mối quan hệ đổ vỡ đối với đứa trẻ, bởi việc đổ vỡ công khai ít nhất cho thấy một người có khá khả năng thông qua ra quyết định dũng cảm để kết thúc tình trạng không chịu đựng nổi đó.
   Ở đây, cần phải đề cập tới một sai lầm thường xuyên bắt gặp, một loại huyễn hoặc, đó là cho rằng tình yêu nhất định là không có xung đột. Chiếu theo thiên kiến thế tục “trong bất cứ tình huống nào đều nên tránh đau khổ và gây tổn thương”, bởi vậy con người hiện đại cũng cho rằng, tình yêu có nghĩa là không có xung đột. Bọn họ còn cho rằng tranh cãi về sở kiến của họ đều là những tranh luận có tính hủy hoại, sự thực việc nó không đem lại lợi ích tốt đẹp gì cho cả hai lấy làm căn cứ lý luận. Nhưng nguyên nhân chính lại ở việc “xung đột” của số đông trên thực tế đều là lẩn tránh những xung đột thực. Những xung đột này chỉ là những mâu thuẫn nảy sinh từ những việc nhỏ nhặt mà thôi, và những việc nhỏ nhặt này theo bản chất của nó thì không có cách nào nói rõ hoặc không thể giải quyết. Nhưng xung đột thực sự giữa người với người – những thứ không nên che giấu, cũng không nên phóng chiếu nơi khác, những xung đột thuộc về hiện thực nội tại của con người đồng thời có thể thể nghiệm thấy trong nội tâm sâu sa của con người – nhất quyết không phải có tính hủy hoại. Những xung đột này sẽ được làm rõ, sẽ đem tới sự gột rửa, từ đó làm cho hai bên trở nên hiểu biết và mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ làm rõ lại hơn điều tôi đã nói ở trên.
   Tình yêu chỉ có thể nảy sinh giữa hai người như thế này, hai người này đều nhảy ra khỏi phạm vi sống của họ để kết hợp với nhau, đồng thời mỗi người bọn họ lại đều có khả năng thoát ra khỏi bản thân để thể nghiệm bản thân mình. Chỉ có “thể nghiệm trung tâm” mới là hiện thực của con người, mới là cuộc sống, mới là cơ sở của tình yêu. Tình yêu được thể nghiệm như thế không ngừng thử thách, loại tình yêu này không phải là bến cảng an toàn, mà là sự nỗ lực, trưởng thành và lao động cùng nhau. Nếu như hai người có thể xuất phát từ bản chất cuộc sống của mình, thể nghiệm được thông qua sự nhất trí với bản thân, hợp nhất với đối phương, chứ không phải thoát ly khỏi bản thân, khi đứng trước sự thực cơ bản này, thì ngay cả những điều như hòa hợp, xung đột, hoan lạc và bi thương cũng chỉ xếp xuống hàng thứ hai. “Sự tồn tại của tình yêu chỉ có một minh chứng rằng: đó chính là sự sâu sắc trong mối liên hệ giữa hai người, sức sống thể hiện trên người mình yêu. Đây cũng là thành quả duy nhất của tình yêu mà chúng ta nhìn thấy.”
   Giống như máy móc tự động không thể yêu nhau, máy móc tự động cũng không thể yêu Thượng đế, bởi vậy mức độ suy vong mà tình yêu Thượng đế đạt tới tương đương với mức độ suy vong của tình yêu con người. Sự thực này đi ngược lại với quan điểm của một số người cho rằng chúng ta là chứng nhân cho sự phục hưng tôn giáo nảy nở trong thời đại chúng ta. Không còn quan điểm nào hoang đường hơn quan điểm này nữa. Cái chúng ta trải qua (dù cho có ngoại lệ), chẳng qua là quay lại thời kỳ ngẫu tượng hóa Thượng đế, và coi tình yêu với Thượng đế trở thành phù hợp với kết cấu tính cách của người đã bị dị hóa. Lượm lại cách làm đem ngẫu tượng hóa Thượng đế rất dễ bị vạch mặt. Rất nhiều người trong xã hội chúng ta nhút nhát, không có nguyên tắc, cũng không có tin tưởng, ngoài việc sống được không còn bất cứ mục tiêu gì khác, bởi vậy bọn họ vẫn là những đứa trẻ, đồng thời hy vọng trong lúc họ cần sự giúp đỡ, có thể cầu cứu cha mẹ.
   Trong văn hóa tôn giáo, như văn hóa tôn giáo trung cổ, đó là con người thường coi Thượng đế là người cha, người mẹ giúp đỡ họ, đây hoàn toàn là sự thực. Nhưng thái độ của họ đối với Thượng đế rất nghiêm túc, họ coi việc sống theo ý chỉ của Thượng đế là mục tiêu cuộc sống của họ. Nhưng ngày nay không còn thấy được sự nỗ lực này. Cuộc sống thường nhật và mọi giái trị tôn giáo đã hoàn toàn tách rời. Mục đích của cuộc sống chỉ đơn giản là tìm kiếm sự hưởng thụ vật chất và thành công trên thị trường lao động. Cơ sở nguyên tắc của hoạt động trong phạm vi thế giới của chúng ta là lạnh nhạt và tư lợi (cái sau thông thường được thay thế bằng cách gọi “chủ nghĩa cá nhân” hay “tính năng động cá nhân”). Người sống trong văn hóa tôn giáo chân chính có lẽ có thể so sánh với đứa trẻ 8 tuổi, nhưng mặt khác hắn đã bắt đầu tiếp thu sự dạy dỗ và nguyên tắc của người cha vào trong cuộc sống của mình. Còn người hiện đại lại giống như đứa trẻ 3 tuổi, chỉ tới lúc cần người cha mới gọi ông, ngoài ra nó có thể vui vẻ một mình.
   Ở phương diện này – vừa dựa vào Thượng đế đã được nhân cách hóa, nhưng lại không thực thi nguyên tắc của Thượng đế- chúng ta càng giống bộ lạc nguyên thủy sùng bái ngẫu tượng, mà không giống với người sống trong văn hóa tôn giáo trung cổ. Mặt khác, tình trạng tôn giáo của chúng ta cũng phản ánh đặc trưng mới của xã hội chủ nghĩa tư bản phương Tây đương đại. Ở đây, để làm rõ vấn đề tôi muốn lặp lại một số kết luận ở trên. Người hiện đại đã biến mình thành một loại thương phẩm, sức sống mà hắn thể nghiệm được là một món tư bản, bọn họ có thể căn cứ địa vị của hắn trong thị trường nhân khẩu để dùng món tư bản này thu về lợi nhuận cao nhất có thể. Hắn cùng với mình, với con người trong xã hội và tự nhiên trở nên dị hóa. Mục tiêu chủ yếu của hắn là đem kỹ năng, tri thức và nhân cách của hắn tiến hành trao đổi lợi ích với người khác, và những người đó cũng hành xử như hắn. Cuộc sống chỉ có một mục đích, đó là sống được, chỉ có một chuẩn tắc, đó là làm một vụ mua bán, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng.
   Trong trường hợp này, khái niệm Thượng đế còn ý gì nữa đây? Khái niệm này đã mất đi ý nghĩa tôn giáo trước đây mà chuyển đổi sao cho thích ứng với đòi hỏi của văn hóa đã bị dị hóa lấy thành công làm trung tâm. Sự “canh tân” tôn giáo mà đương đại đang tiến hành muốn biến tín ngưỡng Thượng đế thành một thủ đoạn tâm lý học, để vũ trang con người bước vào cuộc cạnh tranh tốt hơn.
   Để giúp đỡ hoạt động kinh doanh của con người, tín ngưỡng đã liên hệ với việc đánh thức bản thân và trị liệu phân tâm học. Thập niên hai mươi, để “bồi dưỡng nhân cách bản thân”, mà chưa cầu tới Thượng đế. Cuốn sách bán chạy năm 1938, cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie hoàn toàn nghiên cứu thảo luận về vấn đề trong phạm vi thế tục. Nhưng tác dụng của cuốn sách này của Carnegie ngày đó, ngày nay đã được thay thế bởi một cuốn sách bán chạy khác của mục sư N. V. Pale là Sức mạnh của tư duy tích cực. Trong cuốn sách tôn giáo này, không hề đề cập tới việc thống trị nỗ lực theo đuổi thành công trong xã hội chúng ta có phù hợp với tinh thần của tín ngưỡng tôn giáo đơn thần hay không. Ngược lại, tác giả không chút hoài nghi đối với mục tiêu cao nhất của chúng ta, mà kiến nghị với chúng ta việc coi tín ngưỡng và cầu nguyện đối với Thượng đế là thủ đoạn, làm tăng khả năng chúng ta đạt được thành công. Giống như việc bác sĩ tâm thần hiện đại kiến nghị với nhân viên cửa hàng nên tỏ ra hạnh phúc để có thể thu hút khách hàng, một số người phục vụ Thượng đế của chúng ta cũng khuyên chúng ta phải yêu Thượng đế, để đạt được thành công cá nhân. Câu khẩu hiệu “Xem Thượng đế là người bạn của bạn” nghĩa là coi Thượng đế là người bạn làm ăn của bạn, chứ không phải đồng nhất với Thượng đế ở tình yêu, chính nghĩa hay chân lý. Giống như bác ái bị thay thế bởi sự công chính phi cá tính. Tuy mọi người biết sự tồn tại của hắn, và lãnh đạo công ty (tất nhiên không có hắn, công ty vẫn phát huy tác dụng như thường), nhưng không ai thấy hắn, dù vậy mọi người vẫn thừa nhận công lao của hắn và “lèo lái trách nhiệm của mình”.

Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung

Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Erich Fromm

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (8): Thực tiễn của tình yêu

   Ở trên, chúng ta đã phân tích vấn đề trên phương diện lý luận của nghệ thuật tình yêu, tiếp theo chúng ta đối mặt với vấn đề khó khăn hơn nữa, đó chính là vấn đề thực tiễn của nghệ thuật tình yêu. Ngoài tiến hành thực tiến ra, lẽ nào có thể tìm hiểu vấn đề liên quan thực tiễn của nghệ thuật tình yêu trên giấy hay sao?    Ngày nay, đại bộ phận con người – bao gồm nhiều độc

Vũ Văn Duy

25/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (6): TÌNH YÊU THƯỢNG ĐẾ

Ở trên chúng ta đã khẳng định, chúng ta theo đuổi tình yêu bởi chúng ta thấy được khoảng cách giữa con người với con người, bởi vậy chúng ta muốn xóa đi khoảng cách này bằng sự gắn kết giữa người với người. Hình thức của tình yêu tôn giáo, tình yêu đối với Thượng đế nhìn từ góc độ tâm lý học không có gì khác, cũng xuất phát từ việc xóa bỏ khoảng cách này, theo đuổi sự thống nhất. Trên thực

Vũ Văn Duy

14/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (5): YÊU BẢN THÂN

Mọi người coi khái niệm yêu người khác là việc hiển nhiên, cũng thừa nhận nó, nhưng lại thừa nhận phổ biến rằng yêu người khác là một đức hạnh, ngược lại yêu bản thân lại là xấu. Mọi người cho rằng, không thể yêu người khác giống như yêu bản thân mình, bởi vậy yêu bản thân chính là sự tự tư tự lợi. Trong tư tưởng phương Tây, quan điểm này đã tồn tại lâu đời. Calvin (John Calvin, tác giả của Nguyên

Vũ Văn Duy

07/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU (ERICH FROMM) – CHƯƠNG 2: Tình yêu là câu trả lời cho vấn đề sinh tồn của loài người

   Mỗi lý luận về tình yêu đều phải dựa vào lý luận về con người, lấy sự tồn tại của con người làm tiền đề. Cái mà chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu của động vật, hay nói một cách chính xác là cái gì đó gần với tình yêu thể hiện ở loài động vật, chủ yếu là một trong những bản năng của chúng. Trên con người, chúng ta chỉ nhìn thấy chút tàn dư của loại bản năng này.

Vũ Văn Duy

08/06/2018

Nghệ thuật yêu – Erich Fromm (3): Tình yêu giữa cha mẹ và con cái

  Nếu như không phải do số phận nhân từ bảo vệ đứa trẻ, không làm nó cảm thấy sợ hãi khi rời khỏi cơ thể người mẹ, thì trong khoảnh khắc ra đời ấy, đứa trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nhưng trong một khoảng thời gian sau khi ra đời, nó không khác gì mấy so với trước đây: nó vẫn chưa thể nhận biết sự vật, chưa ý thức được sự tồn tại của mình và thế giới tồn tại

Vũ Văn Duy

15/06/2018