Trước tiên, tình yêu không đơn thuần là mối quan hệ với một người nào đó, mà là một thái độ, một khuynh hướng trong tính cách. Thái độ này quyết định mối quan hệ của người đó với thế giới, chứ không chỉ “đối tượng” duy nhất của tình yêu. Nếu một người chỉ yêu đối tượng của anh ta, còn thờ ơ với người khác, tình yêu của anh ta không phải là tình yêu nữa, mà là một mối quan hệ thể hữu cơ cộng sinh hoặc một loại ích kỉ ở một ý nghĩa cao hơn. Cho dù vậy, số đông đều cho rằng tình yêu quyết định bởi đối tượng, chứ không phải do khả năng. Bọn họ thậm chí cho rằng chỉ yêu một người nào đó chính là sự chứng minh cho một tình yêu cuồng nhiệt. Ở trên chúng ta đã đề cập tới kết luận sai lầm này. Chính bởi con người không coi tình yêu là một loại hành động tích cực, một sức mạnh của linh hồn, vì vậy bọn họ cho rằng chỉ cần tìm được đối tượng yêu là đủ, những thứ khác sẽ nảy sinh một cách tự nhiên nhi nhiên. Có thể đem thái độ này so sánh với một người muốn vẽ một bức tranh: người này tuy muốn vẽ, nhưng hắn không đi học lấy kỹ năng của môn nghệ thuật này mà trước nhất hắn muốn tìm đối tượng thích hợp mà hắn muốn vẽ. Nếu như hắn tìm được thứ như vậy, hắn sẽ vẽ. Nếu tôi thực sự yêu một người, thì tôi cũng yêu những người khác, tôi sẽ yêu cả thế giới, yêu cuộc sống. Nếu như tôi có thể nói với một người: “Tôi yêu bạn”, tôi cũng có thể nói: “Tôi yêu tất cả mọi người trong bạn, yêu thế giới, và yêu chính tôi.”
Quan điểm cho rằng tình yêu có quan hệ với tất cả mọi người chứ không chỉ một cá nhân không có nghĩa là không có sự khác biệt ở đối tượng yêu trong những hình thức yêu khác nhau.
- Bác ái
Tất cả các hình thức yêu đều lấy bác ái làm cơ sở. Bác ái mà tôi ám chỉ chính là cảm hứng cuộc sống, đối với mọi người thì trách nhiệm, quan tâm, tôn trọng và thấu hiểu người khác, cũng là nguyện vọng muốn cho người khác tốt hơn. Đây cũng là một hình thức yêu được đề cập tới trong Thánh kinh: Hãy yêu người khác như yêu mình. Bác ái là yêu tất cả mọi người, đặc điểm của loại tình yêu này là nó không có tính độc chiếm. Nếu như tôi có khả năng yêu, tôi sẽ yêu những người xung quanh tôi. Trong bác ái, cô đọng lại sự kết hợp với tất cả mọi người, sự đoàn kết và thống nhất của con người. Cơ sở của bác ái là sự ý thức rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng. So sánh với những giá trị cốt lõi chung của con người, thì sự khác biệt về tài năng, trí lực và trí thức giữa người với người chỉ là điều nhỏ nhặt. Muốn biết thứ giá trị cốt lõi chung của con người cần phải đi sâu vào tìm hiểu con người chứ không chỉ dừng lại ở bề nổi. Nếu như tôi chỉ nhìn bề nổi của một người, thì cái mà tôi nhìn thấy chủ yếu là những khác biệt làm cho tôi và hắn khác nhau. Nếu như tôi hiểu được bản chất của hắn, tôi sẽ nhận ra điểm chung giữa chúng tôi, sự thực chúng ta đều là anh em. Mối quan hệ giữa điểm cốt lõi với điểm cốt lõi – dùng thay thế mối quan hệ bề nổi với bề nổi – là một loại “quan hệ trung tâm”. Simone Weil từng diễn tả mối quan hệ này một cách rất hay: “Cùng lời nói (người chồng nói với vợ “Anh yêu em”) có thể rất bình thường, cũng có thể rất phi thường, cái này phụ thuộc vào cách nói. Cách nói lại phụ thuộc vào nó xuất phát từ nội tâm sâu thẳm, không phụ thuộc vào ý chí cá nhân. Trong trường hợp hai bên đồng điệu, những lời này sẽ chạm tới nội tâm sâu thẳm đối phương. Vì vậy với một người có khả năng đánh giá thì sẽ nghe ra phân lượng trong những lời nói đó nhiều hay ít.
Bác ái là tình yêu giữa những con người bình đẳng với nhau. Nhưng, mặc dù chúng ta đều bình đẳng, trên thực tế cũng không “bình đẳng” hoàn toàn, bởi chúng ta là con người, vì vậy cần được giúp đỡ. Hôm nay tôi cần sự giúp đỡ, ngày mai có thể sẽ là bạn. Có nhu cầu này không có nghĩa đó một người yếu đuối, hay một người mạnh mẽ. Yếu đuối là một trạng thái tạm thời, và tự lực cánh sinh, có khả năng đi trên đôi chân của chính mình là trạng thái diễn tiếp phổ biến.
Tình yêu đối với người cần giúp đỡ, người nghèo và người lạ là cơ sở bác ái. Yêu cốt nhục của mình là điều không lấy gì làm lạ. Mọi loài động vật đều yêu con cái của mình đồng thời chăm sóc chúng. Con người yếu đuối yêu chủ nhân của mình, bởi hắn sống dựa vào người chủ; đứa trẻ yêu cha mẹ mình bởi nó cần đến họ. Chỉ khi chúng ta yêu những người không có mối quan hệ lợi ích với mình, tình yêu của tôi mới bắt đầu nảy nở. Trong Cựu ước lấy người nghèo là trung tâm thể hiện rõ quan điểm này, tất nhiên ngoài người nghèo, còn có người xa lạ, cô nhi quả phụ, kẻ thù dân tộc, người Ai Cập và Edomite. Trong quá trình nảy sinh sự đồng cảm với những người cần giúp đỡ, con người bắt đầu phát triển tình bác ái của hắn. Cùng với việc yêu bản thân mình, hắn cũng yêu những người cần giúp đỡ, yêu những cuộc đời nhỏ bé và lo lắng cho sự bất an. Sự đồng cảm bao hàm cả nhân tố hiểu và nhận thức. Trong Cựu ước có viết: “Bởi các ngươi hiểu trái tim người không cùng quê hương, bởi các ngươi cũng từng là người tha hương ở Ai Cập… vì vậy các ngươi cũng nên yêu những kẻ đất khách quê người.”
- Tình mẫu tử
Ở chương trước, khi nói tới sự khác biệt giữa tình mẫu tử và tình phụ tử, chúng ta đã phân tích bản chất của tình mẫu tử. Như tôi đã nói, tình mẫu tử đối với cuộc sống và nhu cầu của đứa trẻ đã khẳng định được tính chất vô điều kiện của nó. Nhưng ở đây vẫn cần phải làm rõ hơn. Sự khẳng định đối với sinh mệnh đứa trẻ bao gồm hai mặt: một mặt, phải quan tâm và có trách nhiệm với sự trưởng thành của nó, để nuôi dưỡng và phát triển một sinh mệnh yếu ớt. Mặt khác, vượt qua phạm vi nuôi dưỡng sinh mệnh, đó là làm cho đứa trẻ thiết tha với cuộc sống, làm cho nó cảm thấy: Cuộc đời là tốt đẹp! Là một bé trai hay một bé gái mới tốt đẹp làm sao! Được sống trong thế giới này là một diễm phúc! Hai mặt này của tình mẫu tử được thể hiện rất rõ trong Thánh kinh và Sáng thế kỉ. Thượng đế sáng tạo ra thế giới và con người, nó phù hợp với sự quan tâm và khẳng định đối với sinh mệnh. Nhưng cái mà Thượng đế đã làm không chỉ có vậy. Sau mỗi ngày Thượng đế sáng tạo thế giới và con người, Thượng đế đều muốn nắm bắt tình hình, muốn biết mọi thứ có diễn ra tốt đẹp hay không. Cũng vậy, phương diện thứ hai của tình mẫu tử là đem tới cho đứa trẻ một cảm nhận, rằng “được sinh ra trên đời là một điều tốt đẹp biết mấy”. Người mẹ cần dạy cho đứa trẻ tình yêu đối với cuộc sống, chứ không chỉ là sự tồn tại. Tư tưởng tương tự cũng được biểu đạt qua một câu chuyện có tính chất tượng trưng trong Thánh kinh. Trên mảnh đất Thượng đế đã cho phép (đất đai luôn luôn tượng trưng cho người mẹ), có dòng sữa và mật ong. Dòng sữa tượng trưng cho mặt thứ nhất của tình mẫu tử: sự quan tâm và khẳng định đối với sinh mệnh, mật ong lại tượng trưng cho sự ngọt ngào của cuộc sống, tình yêu cuộc sống và hạnh phúc được sống trên thế gian. Đa phần người mẹ có khả năng đem tới “sữa”, nhưng rất ít người mẹ còn có thể đem tới cả “mật ong”. Để có thể đem tới “mật ong”, bà không chỉ nên là một người mẹ tốt, đồng thời cũng phải là một con người hạnh phúc – nhưng mục tiêu này chỉ có rất ít người mới có thể đạt tới. Nói rằng, ảnh hưởng của người mẹ đối với đứa trẻ bất luận lớn tới đâu cũng không có gì quá đáng. Tình yêu hay sự sợ hãi của người mẹ đối với cuộc sống sẽ có tính lây lan, hai cái đều có ảnh hưởng sâu sa tới sự phát triển toàn diện của đứa trẻ. Thực tế, chúng ta có thể nhìn thấy ở đứa trẻ hay trên người trưởng thành, người nào chỉ có “sữa”, còn người nào vừa có “sữa” lại vừa có “mật ong”.
Bác ái và tình dục đều là mối quan hệ giữa người đồng đẳng, ngược lại với nó, bản chất mối quan hệ giữa người mẹ với đứa trẻ là mối quan hệ không đồng đẳng. Trong mối quan hệ này, một người cần sự giúp đỡ, còn một người có thể đem tới sự giúp đỡ. Dựa trên đặc tính vô điều kiện của tình yêu mẹ dành cho con, tình mẫu tử luôn được coi là hình thức cao nhất của tình yêu và là mối quan hệ tình cảm thần thánh nhất. Nhưng xem ra, cái mà đáng được tán thưởng trong tình mẫu tử không phải là tình yêu của người mẹ đối với đứa trẻ mà là tình yêu của người mẹ đối với đứa trẻ đang trưởng thành. Khi đứa trẻ vẫn còn nhỏ dại, và hoàn toàn dựa dẫm vào họ, số đông các bà mẹ đúng là rất yêu thương con cái của mình. Phần lớn phụ nữ hy vọng sinh con, bởi sự ra đời của đứa trẻ làm họ cảm thấy hạnh phúc, ngoài ra vội vàng hy vọng tự mình chăm sóc đứa trẻ, dù họ chẳng được gì ngoài nụ cười và sự thoải mái hiện lên trên gương mặt đứa trẻ. Xem ra, người mẹ giữ thái độ này bởi bản năng, bản năng này cũng có thể tìm thấy trên động vật. Nhưng, bất luận tác dụng của bản năng này lớn bao nhiêu, quan trọng hơn hết là yếu tố con người và yếu tố tâm lý: bởi người mẹ luôn xem đứa trẻ là một bộ phận của mình, vì vậy rất có thể tình yêu và sự say mê của người mẹ đối với đứa trẻ là một cách tự thỏa mãn mình. Một căn nguyên khác có lẽ là ham muốn quyền lực và ham muốn chiếm hữu của người mẹ. Một đứa trẻ non nớt yếu đuối, hoàn toàn phục tùng người mẹ, không cần phải nói, nó tự nhiên là đối tượng của một người mẹ chuyên chế và có lòng tham muốn chiếm hữu.
Tuy có nhiều cách giải thích khác nhau cho động cơ của người mẹ, nhưng động cơ quan trọng nhất chúng ta gọi nó là sự truy cầu “siêu việt bản thân”. Loại truy cầu này thuộc nhu cầu cơ bản của con người và lấy sự giác ngộ và sự thực dưới đây làm cơ sở: Sự bất mãn của tác dụng thuần sinh vật của con người đối với mình, hắn không thể chịu đựng được mình chỉ là một con tốt bị ném vào thế giới này. Hắn muốn cảm nhận mình là người sáng tạo, có thể vượt lên sinh mệnh từ vị thế tiêu cực tới kẻ sáng tạo. Để thỏa mãn nhu cầu này có nhiều khả năng, con đường tự nhiên và cơ bản nhất chính là sự quan tâm và tình yêu của người mẹ đối với cái mà bà ta sáng tạo ra. Trên người đứa trẻ, bà mẹ siêu việt qua bản thân mình, tình yêu đối với đứa trẻ làm cuộc sống của bà có thêm ý nghĩa mới. (Chính bởi đàn ông không thể siêu việt bản thân thông qua sinh đẻ, vì vậy hắn chỉ có thể thông qua lao động và tư tưởng để chứng minh khả năng sáng tạo của hắn.)
Nhưng đứa trẻ phải trưởng thành, nó buộc phải tách ra khỏi mẫu thể và bầu vú người mẹ, buộc phải trở thành một sinh mệnh hoàn chỉnh và độc lập. Bản chất chân chính của người mẹ nằm ở việc quan tâm tới sự trưởng thành của đứa trẻ, điều này cũng có nghĩa cần quan tâm tới sự thoát ly giữa người mẹ và đứa trẻ. Trong tình dục, hai con người trước đây phân khai nay hợp nhất lại, còn trong tình mẫu tử, một người trước đây phân khai thành hai người. Tình mẫu tử không chỉ cho phép sự thoát ly này mà còn phải thúc đẩy sự thoát ly đó. Chỉ có ở giai đoạn này, tình mẫu tử mới trở thành một nhiệm vụ gian nan, bởi lúc này cần ở người mẹ là sự vô tư và có thể làm dâng lên mọi thứ, không gì hạnh phúc hơn người được yêu, nhưng chính vì điểm này mà phần lớn các bà mẹ thất bại. Khi đứa trẻ còn nhỏ, một người phụ nữ tự mãn, chuyên chế và tham lam vẫn có thể là một người mẹ rất thương yêu đứa trẻ. Nhưng khi đứa trẻ ở giai đoạn thoát ly khỏi người mẹ, chỉ có người phụ nữ có năng lực yêu chân chính, những người phụ nữ cảm thấy việc cho đi hạnh phúc hơn việc nhận, những phụ nữ với cội rễ sinh mệnh vững chắc mới có thể tiếp tục là một người mẹ biết yêu thương đứa trẻ.
Tình yêu đối với một đứa trẻ đang trưởng thành, tình yêu vô tư có lẽ là rào cản khó khăn nhất của tình yêu. Nhưng bởi tình yêu của người mẹ đối với đứa trẻ rất đỗi tự nhiên, vì vậy thường đem tới cho con người một giả tưởng. Chính bởi khó làm được việc này, vì vậy chỉ có một số ít phụ nữ có khả năng yêu, người phụ nữ yêu tha thiết chồng con, yêu thương người lạ, yêu con người và nhân loại mới có thể trở thành người mẹ của đứa trẻ. Với ý nghĩa này, người phụ nữ không có khả năng yêu, khi con của họ còn nhỏ dại, có thể là một người mẹ nuông chiều con, nhưng không thể nào trở thành một người mẹ yêu con. Phép thử cho điểm này là xem liệu một người mẹ có vui lòng chịu đựng sự thoát ly với đứa trẻ hay không, và sau khi thoát ly còn có thể tiếp tục yêu đứa trẻ nữa hay không.
- Tình dục
Bác ái là tình yêu giữa người đồng đẳng, tình mẫu tử là tình yêu đối với người cần giúp đỡ, giữa hai loại này tuy có sự khác biệt nhưng chúng lại có một điểm tương đồng: đó chính là, theo bản chất, tình yêu không thuộc về một người. Nếu như tôi yêu những người xung quanh mình, tôi cũng yêu tất cả mọi người, nếu như tôi yêu đứa con của mình, tôi cũng yêu những đứa trẻ khác và những đứa trẻ cần sự giúp đỡ. Khác với hai loại này là tình dục, yêu cầu của tình dục là thực hiện sự hợp nhất một cách hoàn toàn triệt để, yêu cầu mình và tha nhân hoàn toàn dung hợp. Theo tính chất của nó, tình yêu thuộc loại này là không phân tâm, không phải là bao la vạn tượng, bởi vậy loại tình yêu này cũng là một hình thức yêu làm cho người ta khó hiểu nhất.
Trước tiên, chúng ta thường lẫn lộn loại tình yêu này một trải nghiệm có tính bột phát là “tiếng sét ái tình”. Trong trường hợp này, tất cả khoảng cách giữa hai người đột nhiên biến mất. Như trước chúng ta đã đề cập tới, cảm giác mãnh liệt bột phát này, nói theo bản chất của nó thì cầm chắc sẽ yểu mệnh. Khi một người lạ trở thành người gần gũi, không còn cần thiết phải khắc phục trở ngại nữa, không còn cần phải nỗ lực để đạt tới sự gần gũi chân chính. Sự hiểu biết giữa người yêu và người được yêu nhiều như biết về chính mình, có lẽ tôi phải nói rằng – sự hiểu biết là ít ỏi như nhau. Nếu như thể nghiệm được chiều sâu nhất định của đối phương, thì bạn sẽ thấy mình không hiểu rõ đối phương đến thế – mà kì tích trong việc khắc phục những chướng ngại giữa hai người sẽ lặp đi lặp lại từng ngày. Nhưng với số đông, bất luận đối với mình hay với người khác chúng ta đều hiểu rất nhanh, và còn nhanh chóng cảm thấy dường như đã biết tường tận từng chân tơ kẽ tóc của nhau, có được điều này chính bởi họ chỉ hiểu bề nổi của con người, chứ không phải đi sâu vào nội tâm. Đối với họ, sự thân mật giữa người với người trước nhất là thông qua sự kết hợp tình dục. Chính bởi họ nghĩ rằng, khoảng cách với người khác trước nhất là khoảng cách về xác thịt, vì vậy sự kết hợp xác thịt đối với họ là cách khắc phục khoảng cách giữa người với người.
Ngoài ra, đối với nhiều người, vẫn còn có một loạt những phương pháp khắc phục khoảng cách giữa người với người khác. Nói chuyện về đời mình, nói về niềm hy vọng và nỗi sợ của mình, nói về sự ấu trĩ của mình hoặc những mộng tưởng chưa thành, cùng với việc tìm thấy lợi ích chung trong việc đối mặt với thế giới – chúng đều là những con đường để khắc phục khoảng cách giữa người với người. Thậm chí, việc thể hiện sự phẫn nộ và thù hận của mình, hay sự cởi lòng đều được coi là biểu hiện của sự thân mật. Có thể từ đó giải thích việc một số cặp vợ chồng thường cảm thấy sự hấp dẫn không bình thường giữa họ: đó là chỉ cần ngủ với nhau hoặc trút giận với nhau xong, họ đột nhiên cảm thấy quan hệ giữa hai người trở nên thân mật hơn. Nhưng loại “thân mật” này có một đặc điểm, đó là nó sẽ dần biến mất theo thời gian. Hậu quả là mọi người bắt đầu tìm kiếm tình yêu ở một người xa lạ khác. Và người xa lạ kia sẽ lại trở thành người “thân mật”, tình yêu mới sẽ lại trải qua cảm xúc mãnh liệt và hạnh phúc, sau đó lại biến mất, cho tới khi hy vọng tiến hành cuộc chinh phục mới để đạt được tình yêu mới lại xuất hiện – và luôn luôn ảo tưởng rằng tình yêu mới sẽ khác. Đồng thời tính lừa gạt của nhu cầu tình dục sẽ lại tăng thêm sự ảo tưởng này.
Mục đích của nhu cầu tình dục để đạt được sự kết hợp, chứ không chỉ là nhu cầu sinh lý hay giải phóng bức bối giày vò con người. Lúc này, nỗi sợ đối với sự cô độc sẽ làm gia tăng nhu cầu này, sự chiếm hữu và bị chiếm hữu, thói hư danh và tính phá hoại của con người đều sẽ làm gia tăng nhu cầu này – tất nhiên tình yêu cũng làm gia tăng nhu cầu này. Xem ra nhu cầu tình dục có thể trộn lẫn với bất cứ loại cảm xúc mãnh liệt nào, và do đó mạnh hơn, vì vậy tình yêu cũng gia tăng nhu cầu này. Số đông cho rằng nhu cầu tình dục và tình yêu liên hệ với nhau, vì vậy bọn họ rất dễ đưa ra một kết luận có tính mơ hồ: nếu như hai người cho phép sự chiếm hữu cơ thể của nhau, có nghĩa là họ yêu nhau. Không nghi ngờ việc tình yêu sẽ dẫn tới nhu cầu kết hợp tình dục, trong tình yêu, mối quan hệ sinh lý này sẽ không có dã tâm và dục vọng muốn chiếm hữu và bị chiếm hữu, mà trần đầy sự dịu dàng. Nếu như nhu cầu kết hợp sinh lý không phải trên cơ sở tình yêu, nếu như tình dục không mang thành phần bác ái, nó chỉ tạo nên một sự kết hợp sinh lý mang tính chất tạm thời. Sự hấp dẫn tình dục tuy tạo ra ảo tưởng kết hợp giữa hai người trong khoảnh khắc, nhưng nếu không có tình yêu, sau sự kết hợp này sẽ là cảm giác xa lạ, khoảng cách giữa họ không hề được rút ngắn lại. Họ vẫn là những người xa lạ, nếu không phải họ cảm thấy xấu hổ, thì sẽ là sự oán hận nhau, bởi họ cảm giác thấy sự xa lạ lưu lại sau sự biến mất của ảo tưởng còn mãnh liệt hơn trước. Sự dịu dàng quyết không phải như sự thăng hoa của bản năng tình dục mà Freud đã nói, mà là sự biểu hiện trực tiếp của bác ái, vừa biểu hiện trong tính sinh lý của tình yêu, vừa biểu hiện trong tính phy sinh lý của tình yêu.
Tình dục có tính chiếm hữu mà trong bác ái và tình mẫu tử không có. Chúng ta buộc phải đi thêm một bước để nghiên cứu tính chiếm hữu của tình dục. Tính chiếm hữu này của tình dục thường bị giải thích nhầm lẫn rằng nó là một mỗi quan hệ chiếm hữu lẫn nhau. Chúng ta thường thấy những cặp đôi nam nữ yêu nhau nhưng không hề có chút tình cảm với người khác. Thực tế, loại tình yêu này của họ là một loại tự tư tự lợi cùng nhau, những người này luôn luôn đánh đồng mình với người mình yêu, và thông qua phương pháp phân tách một người thành hai người để khắc phục khoảng cách giữa người với người. Bọn họ nghĩ rằng làm như vậy có thể khắc phục được cô độc. Nhưng chính bởi họ luôn thoát ly khỏi con người, nên giữa họ trên thực tế cũng cách biệt và xa lạ với nhau, sự kết hợp đối với họ chỉ là ảo tưởng. Tình dục có tính chiếm hữu, nhưng đồng thời thông qua việc yêu một người, mà yêu toàn nhân loại, yêu mọi sinh mệnh. Tính chiếm hữu của tình dục thể hiện ở việc tôi chỉ hoàn toàn dung hòa với một người về mặt linh hồn và thể xác. Tình dục chỉ có điểm kết hợp này, trong phạm vi toàn bộ cuộc sống, sự dâng hiến triệt để, trừ tha nhân, chứ không phải trên ý nghĩa bác ái cao thâm hơn.
Nếu như cặp nam nữ quả thực yêu nhau, tình dục của họ có một điều kiện tiên quyết – đó là xuất phát từ bản chất sinh mệnh của tôi để yêu người kia, đồng thời thể nghiệm bản chất của người đó. Xét bản chất của con người đều như nhau, chúng ta vừa là một bộ phận của chỉnh thể, nhưng đồng thời cũng lại là một chỉnh thể, bởi thực tế yêu ai cũng như nhau. Nhìn từ căn bản, tình yêu là hành vi của ý chí, là quyết định của một người khi giao toàn bộ sinh mệnh của mình cho người kia. Quan điểm này cũng chính là quan điểm không thể xóa bỏ hôn nhân và là cơ sở tư tưởng của nhiều hình thức hôn nhân truyền thống. Trong những hình thức hôn nhân truyền thống này, phối ngẫu không do mình chọn, mà do người khác lựa chọn – mọi người tin tưởng “hôn nhân trước, yêu đương sau”. Trong xã hội phương Tây hiện đại, quan điểm này được coi là hoàn toàn sai lầm. Mọi người cho rằng tình yêu là một phản ứng tình cảm tự phát, đột nhiên con người bị chi phối bởi một thứ cảm xúc mãnh liệt bất khả kháng. Ở đây, mọi người chỉ nhìn thấy đặc điểm của hai người, mà không nhận ra rằng – tất cả đàn ông đều là một phần của Adam, tất cả phụ nữ đều là một phần của Eve. Mọi người cự tuyệt với việc nhận thức một yếu tố quan trọng của tình dục: đó là yếu tố ý chí. Yêu một người không chỉ là một cảm xúc mãnh liệt – mà cũng là một quyết định, một phán đoán, một lời hứa. Nếu như tình yêu chỉ đơn thuần là một loại tình cảm, thì lời hứa yêu trọn đời sẽ không có cơ sở. Một tình cảm dễ phát sinh nhưng có lẽ cũng nhanh chóng biến mất. Nếu như tình yêu của tôi chỉ là tình cảm, mà đồng thời lại không phải là một phán đoán, một quyết định, tôi phải làm sao mới có thể khẳng định rằng chúng ta sẽ yêu nhau mãi mãi đây?
Xuất phát từ lập trường này có thể đưa ra kết luận: Tình yêu chỉ là hành vi của ý chí, hành vi dâng hiến, quan điểm yêu ai, ai yêu không có bất cứ tác dụng nào. Bất luận hôn nhân do người khác sắp đặt hay do quyết định của bản thân – một khi thỏa thuận, ý chí nên đảm bảo sự tiếp tục tồn tại của tình yêu. Người có quan điểm này xem ra chưa ý thức được bản chất mâu thuẫn của con người và tính mâu thuẫn của tình dục. Tất cả chúng ta đều là nhất thể – nhưng cho dù vậy, mỗi người chúng ta chỉ tồn tại một lần, không thể bắt đầu lại cuộc đời. Nhìn từ ý nghĩa chúng ta đều là nhất thể, chúng ta có thể xuất phát từ bác ái để yêu mỗi người; nhưng từ góc độ chúng ta không giống nhau, tình dục yêu cầu có tính riêng biệt, độc nhất vô nhị, hoàn toàn mang yếu tố cá nhân, phần này chỉ tồn tại ở vài người mà không phải trong tất cả mọi người.
Bởi vậy hai quan điểm này – một cho rằng tình dục hoàn toàn là sự hấp dẫn giữa hai người với nhau, là mối liên hệ đặc biệt không đâu có được giữa hai người; một cho rằng tình dục chỉ là hành vi của ý chí – đều chính xác; có lẽ phải nói thế này, chân lý không ở bên này, cũng không ở bên kia. Bởi vậy, cho rằng, khi mối quan hệ vợ chồng không diễn ra tốt đẹp thì nên lập tức chấm dứt hôn nhân, cùng với việc không chấp dứt hôn nhân trong mọi trường hợp đều là sai lầm.
Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung
Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Erich Fromm