Home Chơi “Vong Xuyên” và ám ảnh của Kẻ Si

“Vong Xuyên” và ám ảnh của Kẻ Si

le-nam

Lê Nam

22/05/2016

Viết cảm tác về một ca khúc là điều chẳng mấy ai làm, bởi trong tâm trí của những kẻ tự vỗ ngực cho rằng mình chứa một “bồ chữ”, sẽ không còn thời gian cho những rung động nhỏ nhoi bất chợt nhen lên trong một ngày mưa xuống, hay một buổi chiều nắng buông lơi trên sóng dập dềnh, và càng không có thời gian cho một chút đắm chìm trong thực tại do một ca khúc tạo ra. Tuy nhiên, một ca khúc có thể gợi cho ta sự ám ảnh, với những thức dậy của các hình ảnh mơ hồ về một tiền kiếp xa xôi nào đó, thật chẳng có mấy. Ta không bàn về sự hay dở, bởi sự hay dở là ở định kiến của mỗi người. Ta chỉ bàn về điều được gợi lên khi nghe một ca khúc, mà ở đây chính là ca khúc “Vong xuyên”.

“Vong xuyên” là ca khúc Hoa ngữ do ca sĩ Tiểu Khúc Nhi sáng tác và trình bày, lời của Một Hữu Dương Tiên Sinh. Khác với các ca sĩ cùng thời, Tiểu Khúc Nhi lựa chọn phong cách cổ phong, với những điển tích điển cố xen giữa giai điệu buồn man mác, như khuấy đảo cảm xúc sầu ngàn kiếp mơ hồ mà bất cứ ai còn có cảm xúc đều một lần trải qua. Đã bao giờ bạn thấy mình ngồi ngắm cảnh mưa rơi hay hoa đào nở, tự dưng thấy buồn buồn như tiếc nhớ một điều gì đó không rõ ràng?
“Kẻ si một đời cứ mãi lang thang ở bờ Vong Xuyên
Ta cảm thấy lúc tỉnh dậy
Người nhất định đã ở bên cạnh nắm tay ta
Chờ đợi hoa đào nở”
Không phải vì ca khúc quá buồn, mà vì nỗi buồn trong ca khúc ấy đã cộng hưởng với nỗi buồn của ta – một Kẻ Si vẫn luyến lưu với duyên nợ trùng trùng. Kẻ Si không chối bỏ các duyên nợ của mình, cũng không đắm chìm mê muội trong ký ức, mà gom góp tất cả những khoảnh khắc đẹp nhất để kiến tạo nên thế giới này. Hãy tưởng tượng đến một thế giới không có những ký ức, nhất là các ký ức đẹp và buồn, thế giới ấy có giống như những trại tập trung mà trong đó con người trở nên xám ngoét trong thực tại lặp đi lặp lại “ngày hôm qua như ngày hôm nay”. Kẻ Si là những kẻ lao vào cuộc sống với tất cả hỉ nộ ái ố, ký ức được hình thành bởi những cú va đập lớn của trùng trùng duyên kiếp. Kẻ chối bỏ hỉ nộ ái ố, tự trôi mình trong sự an toàn hay bình an sẽ không thể nhớ được bất cứ điều gì, bởi có gì để mà nhớ. Không có gì để nhớ, nghĩa là vừa lòng với hiện tại lặp đi lặp lại, thì có gì để kiến tạo. Chỉ những Kẻ Si vui tột độ, buồn thẳm sâu, giận dữ điên rồ, yêu đương đắm đuối… mới không thể chịu đựng được những trại tập trung xám ngoét, và sẵn sàng vắt kiệt từng giọt tinh túy của cuộc đời mình để khiến thế giới tốt đẹp hơn.
Nhưng thôi, hãy gác lại thế giới để bàn về ám ảnh của Kẻ Si. Kẻ Si nhận ra rằng mình luôn bị xóa đi các ký ức kiếp trước sau mỗi lần đầu thai. Tại sao phải xóa ký ức? Có cần thiết để khiến mỗi người có cuộc đời mới hay không? Hay xóa ký ức đi để một ai đó dễ dàng si mê vào cuộc sống mới tới mức quên đi tất cả những gì đẹp đẽ nhất của quá khứ? Song, có những điều không thể quên, có những ràng buộc đời đời kiếp kiếp. Kẻ Si không sợ những ràng buộc này, mà luôn khiến ràng buộc ấy trở nên đẹp đẽ hơn.
“Chuối đã xanh lá
Cánh đào cũng hồng
Thời gian thoáng chốc vụt qua như cánh bướm
Bỏ người lại nơi xa
Sóng đã lùi xa
Cánh chim lạc đàn
Có chăng con nhớ bài ca dao lúc còn nhỏ”
Theo quan niệm của người Trung Hoa cổ, “Vong Xuyên” là tên đoạn sông cuối cùng nơi Cõi Chết. Linh hồn phải bước qua sông Vong Xuyên để đầu thai sang kiếp mới. Bên bờ Vong Xuyên có Tam Sinh thạch, ghi lại những ký ức đã qua. Trước khi sang bên kia bờ Vong Xuyên, dù có là Kẻ Si hay không thì cũng phải uống thứ canh lãng quên của Mạnh Bà. Nhưng ký ức khô bao giờ mất đi, chỉ có thể bị lãng quên, khi gặp đủ các yếu tố, các mẩu ký ức sẽ tự chắp nối với nhau và hiển lộ dần dần con người kiếp trước, cùng các duyên nợ kiếp trước của chúng ta. Trong một kiếp mới, Kẻ Si lại tiếp tục lao vào hỉ nộ ái ố, và hỉ nộ ái ố kiếp này sẽ kích thích những hỉ nộ ái ố của trùng trùng duyên nghiệp.
“Say đổ trong chốn phồn hoa
Khóc không được thì đành cười
Người hận ta cuồng si, cần phải nói ra sao
Chuyện gió trăng tình trường
Là ta không chịu hiểu mà thôi
Ta đã một đầu tóc bạc
Còn người đã già đi ở nơi nào
Kẻ si mơ đi khắp ngàn dặm cát vàng tung bay
không vướng bận gì
Kẻ si một đời cứ mãi lang thang ở bờ Vong Xuyên
Ta cảm thấy lúc tỉnh dậy
Người nhất định đã ở bên cạnh nắm tay ta
Chờ đợi hoa đào nở”
Phàm làm người ở chốn nhân gian, ai cũng sợ hãi trước cảm xúc, ai cũng sợ hãi trước các ký ức, bởi ký ức vui thì ít, ký ức đau buồn thì nhiều. Nhưng phàm đã là Kẻ Si lại thấy thích thú trong thứ bị coi là “nghiệp chướng” ấy. Kẻ Si lưu lạc cõi hồng trần, nhớ tất cả, nhưng không gì có thể vướng bận, có thể chết, nhưng không bao giờ lãng quên.
Kẻ Si nào cũng ôm ấp trong trái tim mình một định mệnh không thể tách rời, và định mệnh ấy nhất định phải vô cùng đẹp đẽ. Định mệnh được hình thành do vô vàn dây nối của các linh hồn gắn kết với nhau chung từng mẩu ký ức. Nhưng số phận thì khác. Số phận do một thế lực nào đó sắp xếp, và số phận luôn phá hoại định mệnh của mỗi người. Kẻ tìm thấy được định mệnh của mình, nhất định phải là những Kẻ Si bậc nhất. Những kẻ chối bỏ sự si mê của mình, sẽ bỏ lỡ chính định mệnh thuộc về mình…
 “Pháo hoa cũng tàn
Tiếng sáo Khương vừa dứt
Đã đi ngang qua nhà ai
Sương mù đã tan
Mưa cuối cùng cũng rơi
Chỉ liệu là có còn nhớ bọt nước năm ấy
Khúc hát véo von
Dù hay hay dở cũng thế thôi
Người hận ta u mê thì cứ hận đi
Chân trời chìm vào đêm tối
Là ta không chịu giữ lại
Ta đã có tóc bạc
Còn người mãi còn ở thanh xuân”
Trong ca khúc “Vong xuyên”, khung cảnh đoàn tụ giữa mơ ảo sau trùng trùng duyên kiếp, được tượng trưng bằng hình ảnh đôi tình nhân nắm tay nhau ngồi ngắm hoa đào nở. Hoa đào nở để nói về giấc mơ đoàn tụ đã trở thành một điển cố trong văn học Trung Quốc.
 “Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
Có nghĩa là:
“Gương mặt của người xưa giờ không biết ở chốn nao
Chỉ thấy hoa đào vẫn như cũ đang cười với gió đông”
Đây là bài thơ của thi sĩ Thôi Hộ đời Đường, có thể cũng được xếp vào thơ của Kẻ Si. Thôi Hộ một lần dạo chơi qua phía Nam thành Lạc Dương, thấy một ngôi nhà có khuôn viên trồng hoa đào rất đẹp, bèn lấy cớ gõ cửa xin nước uống để được ngắm hoa đào. Ra mở cửa là một thiếu nữ e lệ và xinh đẹp, khiến Thôi Hộ si mê, không thể nào quên được nhan sắc. Nhưng sau đó, chàng phải tiếp tục lên đường đi thi, định rằng năm sau chàng sẽ quay trở lại. Năm sau, cũng vào mùa xuân, hoa đào nở, chàng đến bên cửa thì đã không thấy người xưa đâu nữa.
Cái tâm trạng nao nao khi thấy cảnh vật vẫn vậy mà người xưa đã không còn, khi thấy một chút e dè của mình mà thành lỡ dở duyên nợ… ngay giữa cảnh xuân sang hoa đào nở, vạn vận giao kết hồi sinh…, bất cứ Kẻ Si nào cũng đã từng trải qua. Vẫn tâm trạng nao nao buồn ấy, Tiểu Khúc Nhi mơ tưởng về cảnh Kẻ Si và người tình nắm tay nhau ngắm hoa đào nở. Cảnh mơ tưởng ấy có thể là một tương lai trong vọng tưởng, cũng có thể là quá khứ đã xa xôi, không ai có thể biết. Biết cũng vậy, mà không biết cũng vậy! Qúa khứ cũng thế, mà tương lai cũng thế. Điều quan trọng là cái biết của Kẻ Si – Kẻ Si biết rằng “hoa đào kia đã nở”:
“Kẻ si mộng chuyển qua ba ngàn Phật tháp
Chưa từng thay đổi
Kẻ si chỉ muốn đi thuyền thẳng về cố hương
Ta cảm thấy lúc tỉnh dậy
Người nhất định đã ở bên bờ kia đang hoạ một bức tranh
Mong chờ ta đến  
Ở bờ bên kia, nắm tay nhau chờ hoa đào nở
Ta đã thấy được hoa đào kia nở rồi”
 
Lê Duy Nam & Hà Thủy Nguyên