Home Đọc Sàn thương mại điện tử & chiến lược thúc đẩy thị trường sách sai lầm từ trường hợp của TIKI

Sàn thương mại điện tử & chiến lược thúc đẩy thị trường sách sai lầm từ trường hợp của TIKI

Trước hết, tôi muốn nói lời cảm ơn với những website thương mại điện tử đã khai mở thị trường và huấn luyện những độc giả Việt Nam cách mua hàng online từ khi có Internet đến nay. Sự xuất hiện của các website thương mại điện tử thời kỳ đầu như Vinabook, TIKI đã góp phần hạn chế sách lậu, và hơn cả thế, thúc đẩy lực mua sách toàn quốc. Không còn cảnh những người ở vùng cao phải trèo đèo lội suối từ vùng ngược xuống vùng xuôi để cõng sách quý lên non, hay cảnh những bạn trẻ Sài Gòn lặn lội ra Hà Nội để tìm những đầu sách học thuật “quý hiếm”. Cũng không còn quyền lực độc quyền của nhà phân phối, thay vì đó đơn vị xuất bản có thể bán trực tiếp đến tay người đọc, và nhà phân phối cũng như đơn vị xuất bản vừa cạnh tranh bán nhưng vừa hỗ trợ cộng hưởng với nhau trên sàn thương mại điện tử. Vinabook đã tụt lại sau TIKI, và bất cứ khi nào người ta nghĩ tới mua sách, người ta sẽ lên TIKI. Doanh thu sách của TIKI vượt trội hơn so với sàn thương mại điện tử cạnh tranh là Shopee, và đến nay, có lẽ TIKI chỉ phải cạnh tranh với đơn vị bán trực tiếp mở rộng sang thương mại điện tử là FAHASA. Dù FAHASA có nhiều lợi thế, nhưng cũng không thể vượt qua TIKI, thậm chí lệ thuộc phần nào vào TIKI, cụ thể là FAHASA vẫn phải có gian hàng trên TIKI. 

Thế giới thương mại điện tử ngành sách đơn điệu nhỉ! Đó là sự đơn điệu tất yếu của một thị trường bị điều hướng về một phía và chỉ có một vài ông lớn thống lĩnh.

Chiến lược chiếm lĩnh thị trường Thương mại điện tử của TIKI trong ngành sách

Dù ngành sách không phải “siêu lợi nhuận”, nhưng đây là ngành hàng gắn bó với thương hiệu của TIKI. Những người khách đầu tiên của TIKI, chính là những người lên trang web này để mua sách, bởi thuở “khai thiên lập địa”, TIKI chỉ là một website bán sách giống như rất nhiều các website bán sách hiện nay, và gọi chung bằng khái niệm “trang thương mại điện tử”. 

Sự khác biệt giữa Sàn thương mại điện tử và website bán hàng nằm ở sự khác biệt giữa mô hình CHỢ và GIAN HÀNG. Một sàn thương mại điện tử đúng nghĩa, nó phải mang tính CHỢ, nghĩa là bất cứ đơn vị kinh doanh nào đủ tiêu chuẩn đều có thể mở GIAN HÀNG của mình để bày bán. GIAN HÀNG thì dù thuộc về CHỢ hay đứng độc lập, dù bày bán sản phẩm của một thương hiệu hay nhiều thương hiệu, dù bán hàng độc quyền hay trung gian phân phối, thì nó cũng phải biểu hiện rõ nét mô hình kinh doanh và hiển thị sản phẩm của mình để thu hút người mua, và không cho phép đơn vị khác ngang nhiên bày bán. Điều này có nghĩa là, FAHASA dù nổi trội, cũng không phải là sàn thương mại điện tử mà chỉ là website bán hàng, bởi vì chẳng đơn vị xuất bản nào được quyền tự mở gian hàng tại đó.

Có rất nhiều doanh nghiệp sách, khi phải cân nhắc giữa lựa chọn xây dựng website bán hàng chính thức hay mở gian hàng tại TIKI, hẳn nhiên sẽ ưu tiên TIKI. Bởi vì, TIKI có lưu lượng lớn trong nhiều năm, với nền tảng kỹ thuật sẵn có, giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn nhân lực và tài chính. Tuy nhiên, không có sự lệ thuộc nào mà không phải trả giá, chỉ là chúng ta nhận thức được cái giá phải trả là bao nhiêu.

Năm 2012, kể từ khi TIKI được CyberAgent Ventures Inc đầu tư để chuyển hướng sang sàn thương mại điện tử, TIKI đã thực sự thống trị thị trường mua bán sách online. Các doanh nghiệp kinh doanh sách luôn tìm cách để “lên TIKI” với hi vọng gia tăng doanh số. Luật chơi của TIKI đối với ngành sách cũng minh bạch và thuận lợi, đó là:

  • Trả một mức % “phế” cho TIKI. Mới đây, TIKI vừa nâng mức phế này lên 10%. 
  • Phí ship khách tự trả (còn tùy chương trình TIKI sẽ cho khuyến mại hoặc không, mới đây, phí ship cũng vừa tăng)
  • Sách đã “lên TIKI” là phải đầy đủ giấy tờ. 
  • Thỉnh thoảng TIKI (Shopee cũng thường làm vậy) rủ các doanh nghiệp tham gia các chương trình khuyến mại để thu hút lưu lượng và kích cầu. Lỗ lãi thế nào thì doanh nghiệp tự chịu.
  • TIKI không chịu trách nhiệm bọc hàng và bảo quản hàng, nếu muốn họ làm như vậy thì phải tiếp tục trả thêm chiết khấu. Ưu điểm là khách “bom hàng” thì TIKI sẽ tự chịu phí ship hai chiều. 
  • TIKI tạo kênh phản hồi và tương tác giữa khách và gian hàng, nhưng “khách rởm” chơi bẩn thì TIKI không chịu trách nhiệm. 
Mức phế mới nhất tại TIKI cho các gian sách trên TIKI.

Xác định vị thế của một CHỢ, TIKI chọn cách “chợ càng đông càng vui”. Khi cho phép các đơn vị xuất bản và phân phối mở gian sách, tương tự như các đơn vị kinh doanh mở gian hàng, lập tức TIKI có lượng lớn khách hàng từ chính những thương hiệu ấy. Thương hiệu hoặc sản phẩm càng được biết đến nhiều thì sẽ càng có nhiều khách hàng quen của chính thương hiệu lên TIKI để mua. Các thương hiệu kỳ vọng lên TIKI để tìm kiếm khách mới, nên phân định rõ ràng: đâu là khách ruột của mình đã chuyển đổi thói quen từ mua trực tiếp tại gian hàng chính thức hoặc qua mạng xã hội sang mua tại TIKI, và đâu là khách ruột của thương hiệu khác nhờ lên TIKI mua hàng lại thấy được sản phẩm hay từ gian hàng và biết đến thương hiệu của gian hàng. Nếu phân tích kỹ hành vi mua và có dữ liệu khách hàng từ trước khi “lên TIKI”, chắc chắn ta có thể biết được tỉ lệ tương đối giữa khách ruột và khách mới đến từ TIKI. Thông qua chính những chương trình khuyến mại đồng loạt, TIKI càng thu hút thêm “khách ruột” của thương hiệu trở thành “khách ruột” của TIKI, và một khi đã quen với TIKI rồi thì thương hiệu của TIKI lấn át dần thương hiệu xuất bản khi khách hàng ra quyết định mua hàng. Thủ thuật này của TIKI không có gì lạ, đây là cách mọi sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đều làm. 

Với thủ thuật thu hút lưu lượng và bán hàng mang tính chiến lược như vậy, FAHASA và nhiều website bán hàng khác khó có thể cạnh tranh được. Bởi vì, website bán hàng tự bản thân không có sẵn lưu lượng từ các thương hiệu khác, mà phải sử dụng nhiều thủ thuật như SEO, chạy ads… để kéo lưu lượng. Ngay cả với các thương hiệu phân phối sách đa dạng từ các  đơn vị xuất bản khác nhau cũng khó mà nhận được hỗ trợ quảng bá từ đơn vị xuất bản bằng cách dẫn link, bởi vì đó không phải kênh bán của họ. Trong khi ấy, TIKI tạo cho chủ gian hàng cảm thấy rằng họ đang làm chủ kênh bán của mình, và chẳng ngại ngần gì dẫn link TIKI. Nếu có cơ hội nào các website bán hàng nói chung và bán sách nói riêng có thể cạnh tranh với TIKI thì chỉ có thể nhờ vào SEO và ads. Các mặt hàng khác thì có thể có cơ hội, nhưng với mặt hàng sách có biên độ lợi nhuận khá thấp và độ tăng trưởng không đáng để thì cuộc chạy đua SEO và ads với TIKI dường như là lấy trứng chọi đá. Trong khi ấy, TIKI có lưu lượng tự nhiên vốn dĩ đã tốt cho SEO, và đây là sàn thương mại điện tử đa dạng ngành hàng khiến cho chi phí ads trở thành quá đỗi bình thường. Thêm nữa, TIKI mở gian hàng TIKI TRADING, thu mua sản phẩm số lượng lớn với mức chiết khấu cao (theo lời đồn là >50%), rồi bán với mức khuyến mại thậm chí có lúc còn tốt hơn cả mức khuyến mại của đơn vị xuất bản (tương tự với nhà cung cấp ở các ngành hàng khác). Từ đó, TIKI chẳng ngại ngần gì tham gia cuộc đua chạy ads, và vượt trội hơn mọi website bán sách khác. 

Thật là một chiến lược chiếm lĩnh thị trường thông minh, được thiết kế bởi những bộ não digital marketing đỉnh cao, với nguồn quỹ dồi dào. Chiến lược này đã kích thích một thị trường mua bán sách sôi động, nhưng đồng thời cũng đẩy thị trường sách vào một tình trạng hỗn loạn.

Những hệ lụy cho thị trường sách từ sự phát triển của TIKI

Không có vị thánh nào mà không có tội lỗi, không có mô hình nào nhân rộng nhanh chóng mà không để lại sự tàn phá, và TIKI cũng không ngoại lệ. Có những tàn phá để lại dấu vết rõ rệt, có những tàn phá rất tinh vi mà đôi khi chúng ta không dễ dàng nhận ra. Đặc biệt ở vị thế khách hàng, chúng ta sẽ không để ý đến những tàn phá ấy bởi vì chúng ta là người được lợi. 

Đại hạ giá, giảm sâu, siêu sale, đại tiệc sách… đổi tên không làm thay đổi bản chất

Trước khi có TIKI, thế giới sách Hà Nội khá tách biệt với toàn quốc, bởi vì thủ đô chính là thủ phủ của sách lậu. Sách lậu do in lậu, hoặc do đơn vị xuất bản lén lút in thừa, đều được bày bán ngang nhiên. Và bởi vì là sách lậu, nên người bán không phải trả thuế, không phải trả tiền cho tác giả, trốn được phí bản quyền… và chẳng ngại ngần gì treo biển giảm giá 30%, 40%, 50%. Các cụ ta xưa có câu “Của rẻ là của ôi”, nhưng ở một xã hội quen với sự nghèo đói, thì của ôi cũng chấp nhận, cần chống đói đã. Và từ một nhóm khách hám rẻ, dần dần kéo theo rất nhiều khách ham khuyến mại, rồi người ta bỗng nhiên thấy sách đại hạ giá là nghiễm nhiên. Nhưng ở tỉnh lẻ và Sài Gòn, người mua sách có thói quen rất văn minh. Họ mua sách ở các cửa hàng lớn như Tiền Phong, FAHASA, Phương Nam Books, hoặc ở các tiệm sách nhỏ mà họ biết rõ chủ tiệm, để được trò chuyện sâu về sách. Năm 2012, khi ấy TIKI chưa thống lĩnh thị trường, trong những lần trò chuyện với bạn bè trong nam về thói quen mua sách, bạn bè tôi còn dè bỉu rằng: “dân trong nam văn minh lắm, ai cũng mua sách đúng giá, không bao giờ ham rẻ”, nhưng giờ đây, tôi không còn thấy niềm tự hào ấy khi nói chuyện với họ nữa, thậm chí thấy sách của họ cũng nằm trong số sách khuyến mại trên TIKI. 

Một khuyến mại trên TIKI. Nguồn ảnh: TIKI

Và TIKI xuất hiện, lan tỏa văn hóa sách đại hạ giá khắp cả nước, huấn luyện người mua sách khắp cả nước bị kích thích theo mỗi chương trình và thông điệp khuyến mại. Đây là một điểm trừ trầm trọng của TIKI, vì nó khiến giá sách trở nên nhiễu loạn và bất bình đẳng dưới danh nghĩa “thị trường cạnh tranh”. Để có thể đại hạ giá sách trên sàn TIKI, thương hiệu xuất bản sẽ phải cân đối tài chính đáng kể bằng rất nhiều biện pháp:

  • In số lượng lớn để giảm chi phí in 
  • Cắt bớt chi phí bản thảo 
  • Chỉ chọn các tác giả hoặc đầu sách đã nổi tiếng mà không dám đột phá mạo hiểm vào tác giả mới hoặc dòng sách mới
  • Nâng giá thành cao hơn giá trị thực rất nhiều rồi sau đó giảm giá để trúng tâm lý người tiêu dùng

Không dừng lại ở đó, TIKI mở TIKI TRADING thu mua để độc quyền phân phối nhiều đầu sách hot với mức chiết khấu cao gần sát giá gốc, và chẳng ngần ngại gì khuyến mại tới mức rất thấp. Không rõ lợi nhuận (chứ không phải doanh thu) từ TIKI TRADING thực sự là bao nhiêu, nhưng dịch vụ này đã phá giá ngay tại CHỢ của TIKI. Có lẽ, TIKI dù đã trở thành CHỢ nhưng vẫn khó quên đam mê bán hàng, nên thay vì tập trung nâng cao chất lượng của CHỢ thì lại tạo ra gian hàng để cạnh tranh bằng cách phá giá và ép các gian hàng khác trong CHỢ cũng phải học tập chương trình khuyến mại của mình. Sự ưu tiên của TIKI với các đơn vị tham gia khuyến mại trong cuộc đua hiển thị là minh chứng cho mong muốn thao túng và điều hướng này. 

Và có lẽ quá mải mê với TIKI TRADING, TIKI không hề coi các gian hàng là khách hàng của mình mà chỉ coi khách mua hàng là khách hàng. Những lợi ích khách hàng có được từ TIKI không nhiều bằng những gì họ mang lại cho TIKI, vì dù bạn tham gia vào chương trình khuyến mại mà TIKI kêu gọi hay không, thì nghiễm nhiên bạn vẫn phải nộp phế cho TIKI trên tổng doanh thu, và tổng doanh thu cao không có nghĩa là lợi nhuận cao. Nếu không có TIKI TRADING, TIKI xứng đáng được nhận mức phế xây CHỢ, nhưng sự xuất hiện của TIKI TRADING lại khiến tôi thấy tư cách quản chợ của TIKI có vấn đề. Bởi vì người quản chợ không bao giờ nên là người phá giá của chợ, và dụ dỗ các gian hàng khác giảm giá để thu hút lưu lượng vào CHỢ và lập tức bị thu hút bởi chương trình khuyến mại rất cạnh tranh đến từ chính quản chợ. Sau tất cả, các thương hiệu sách bị lu mờ, chỉ khuyến mại là bất diệt. Nhưng dù chương trình khuyến mại của TIKI vẫn còn có chừng mực hơn rất nhiều so với Shopee cả về thông điệp và tần suất, nhưng bởi vì sự ảnh hưởng của TIKI với thị trường sách lớn hơn, nên hệ lụy để lại cũng nhiều hơn. 

Hình thành thói quen mua sách do đọc review và khuyến mại thay vì tự quyết định bằng trải nghiệm

Những cửa hiệu và tiệm sách truyền thống cho phép độc giả được đọc trực tiếp và tự đưa ra quyết định dựa trên sự hứng thú và năng lực đọc của mình. Khi chúng ta bước vào nhà sách, một cuốn sách được PR rầm rộ nhưng chúng ta đọc thử và thấy không hay, không thuyết phục, chắc chắn chúng ta sẽ không mua hàng. Trong khi ấy, một cuốn sách không danh tiếng của một tác giả cũng chẳng mấy nổi bật, nhưng ta tình cờ đọc được và thấy thú vị, lại khiến chúng ta ra quyết định mua nó. Trong quá trình trải nghiệm ấy, các tác động của các thủ pháp PR và quảng cáo ảnh hưởng tối thiểu. Đâu đó chúng ta vẫn bị chi phối nếu chính nhà sách ấy giảm giá sách hoặc trưng bày ở vị trí bắt mắt, hoặc người bán hàng khéo léo cố tình điều hướng, hoặc các thông tin PR lồ lộ trong sách. Nhưng sự ảnh hưởng này ít hơn rất nhiều so với các hình thức digital marketing.

Người mua sách trên TIKI hay Shopee có thể có hành trình khách hàng như sau: Biết đến sách qua điểm sách trên báo chí hoặc KOL & KOC => Có thể search qua Google hoặc một khi đã là khách quen của sàn thì sẽ vào sàn mua luôn => Đọc sơ sơ review của khách hàng (có thể là review fake) hoặc đọc thêm về mô tả sách => Quyết định mua. Trải nghiệm đọc thử hoàn toàn bị bỏ qua. Trải nghiệm đọc thử là tính năng mà TIKI đã bỏ qua trong nỗ lực bắt chước Amazon để thống trị thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Trong khi khách mua sách trên Amazon có thể đọc trước chục trang thậm chí là cả một chương thì khách của TIKI chỉ có thể đọc các thông tin mang tính marketing để ra quyết định. 

Chính sách Tiếp thị liên kết thông qua KOL và KOC của TIKI, cho phép họ hưởng mức hoa hồng lên tới 40%, rất khác với cách Amazon triển khai liên kết với chính các user của mình. Amazon tạo cơ hội cho mọi user và mức hoa hồng chỉ ở mức 10%, đủ để khuyến khích chèn link nhưng không kích thích PR sản phẩm.

Để tránh tình trạng khách bỏ TIKI để mua trực tiếp với cách thương hiệu hoặc các đối thủ cạnh tranh khác, TIKI không cho chèn link dưới mọi hình thức, nhưng không có cách nào để giúp độc giả có được trải nghiệm trực quan hơn trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Khách mua thiếu trải nghiệm sản phẩm là cơ hội tốt cho các thủ thuật bẩn thỉu của review giả (thuê người hay bắt nhân viết mua sản phẩm để khen sản phẩm của mình hoặc chê sản phẩm của đối thủ), trong khi ấy, chính sách của TIKI lại dựa trên những review ấy để ưu tiên hiển thị. 

Kết hợp ưu tiên hiển thị do tích cực tham gia khuyến mại và ưu tiên review khen, TIKI tạo nên một thế hệ độc giả ham rẻ, dễ bị điều hướng. Thật khó có thể kết luận rằng những độc giả như vậy ảnh hưởng lớn thế nào đến bối cảnh chung của thị trường, nhưng chắc chắn ảnh hưởng lâu dài đến TIKI. Cụ thể là, họ sẽ liên tục ra quyết định mua hàng dựa trên khuyến mại, tức là ở đâu có khuyến mại thì họ sẽ mua ở đó. Hôm nay mua ở TIKI, ngày mai mua ở Shopee, ngày mốt mua ở các hội chợ sách đại hạ giá… Đây là kết quả hiển nhiên, bởi vì không có thủ pháp marketing nào dễ hơn giảm giá, và không có khách hàng nào thiếu trung thành bằng những khách hàng dễ dàng bị điều hướng bởi marketing. Về lâu dài, TIKI có thể đạt được mọi chỉ số về lưu lượng và doanh thu, nhưng sẽ gặp vấn đề với lợi nhuận, và điều ấy đang được minh chứng thực tế bằng chính những chỉ số tài chính từ TIKI (một trong số các lý do khác có thể đến từ các khoản đầu tư và vận hành nữa).

Thay thế TIKI ư? Dễ thôi nhưng chẳng tội gì!

Dù TIKI đã điều hướng thị trường sách theo một xu hướng tệ, nhưng để thay thế TIKI không hề dễ. Trung thực mà nói, những thứ khiến TIKI tạo ra hệ lụy không phải là dịch vụ và kỹ thuật, mà là chính sách marketing, và xa hơn thế, mô hình kinh doanh quá tham lam. TIKI muốn thống trị thương mại điện tử tại Việt Nam, và đã làm được. Tất cả là nhờ vào trải nghiệm mua hàng và ship hàng nhanh chóng, cùng với quy trình đăng & duyệt sản phẩm nhanh chóng (Shopee hít khói nhé, và đừng hỏi tại sao người dùng bỏ Shopee dù khuyến mại đều như kinh nguyệt!). Chính những trải nghiệm sử dụng tuyệt vời này đã khiến ngày càng có nhiều thương hiệu mở gian hàng trên TIKI và kéo theo khách hàng của họ tới mua tại TIKI, chứ không phải dựa vào những chương trình khuyến mại liên tiếp và các thủ thuật  điều hướng thị trường. Cũng chính nhờ những trải nghiệm kỹ thuật ấy mà đến nay nhiều thương hiệu ngần ngại không muốn xây dựng website bán hàng riêng, bởi website bán hàng không hề dễ xây dựng chứ chưa nói đến vận hành. Trả mức phế 10% (trước đó thấp hơn) cho TIKI vẫn là phương án tốt hơn!

Nhưng có một điểm thú vị, đó là khi phí ship ngoại tỉnh của TIKI tăng cao, và phí ship này cao hơn đáng kể so với các đơn vị vận chuyển khác, thế thì tất yếu, người mua sẽ tự search website hoặc fanpage của thương hiệu sách để mua trực tiếp. Thương hiệu sách cũng sẽ chẳng thiết tha gì tham gia các chương trình của TIKI vì phế gian hàng giờ đây cũng tăng. Thay vì đó, họ hoàn toàn có thể chạy các chương trình khuyến mại, kể cả là freeship trên chính kênh bán “vườn nhà”, và thỏa sức cho độc giả đọc thử sản phẩm. Các website bán hàng có thêm cơ hội để cạnh tranh, dù ban đầu có thể không dễ dàng chút nào để làm quen với việc vận hành trên website và chạy đua SEO, ads. Hoặc một khả năng khác, đó là các thương hiệu sách sẽ dần tìm cách thuyết phục khách đến địa điểm bán của mình bằng nhiều hình thức khác nhau. 

TIKI sẽ chết ư? Không đâu! Khu chợ tấp nập này sẽ trở thành một trung tâm thương mại thuận tiện để…tăng nhận diện thương hiệu và nhận diện sản phẩm, và duy trì một lượng doanh thu nhất định vừa đủ để nuôi nhân sự chăm sóc sàn. Tận dụng các lợi thế SEO trên TIKI là cơ hội tuyệt vời mà nếu cày cuốc SEO website bán hàng sẽ mất rất nhiều nguồn lực và thời gian để có được. Thêm nữa, sự bảo chứng do thủ tục giấy tờ chặt chẽ của TIKI cũng là một cách để khẳng định rằng thương hiệu sách của mình không bán sách lậu, điều này có lợi cho cả các kênh bán khác của thương hiệu. Vì thế, các đơn vị không tội gì rời bỏ TIKI, mà tận dụng TIKI như một kênh quảng bá và nếu biết cách thì vẫn thu lợi lớn. 

Đối với các đơn vị phân phối sách, đặc biệt là sách tuyển chọn có chất lượng cao, có một hiện tượng rất thú vị diễn ra: Dần dần, các đơn vị phân phối sách uy tín tự xây dựng kênh bán với trải nghiệm bán tốt, chọn lựa đa dạng. Mua tại các đơn vị phân phối này tạo cho người mua một cảm nhận rằng sách đã được chọn lọc (thực tế là như vậy) và người mua không bị chết chìm trong khối lượng sách khổng lồ thượng vàng hạ cám. Những đơn vị phân phối này thỉnh thoảng sẽ chọn chung một số dòng sách, nhưng vẫn hình thành dòng sách riêng tùy theo cá tính của chủ và tập khách sẵn có. Các nhóm khách có thể biết toàn bộ các thương hiệu phân phối này, nhưng họ sẽ lựa chọn tùy hứng thú với từng dòng sách để chọn đơn vị phân phối chuyên biệt, tiện thể sẽ mua thêm các cuốn thuộc dòng sách khác ngay trên kênh của đơn vị phân phối. Việc mua trực tiếp tại đơn vị phân phối mang lại nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán hơn họ tưởng:

  • Đối với người mua: Có thể được ưu đãi nhiều hơn, thậm chí freeship vì người bán không hề phải trả mức phế cho sàn Thương mại điện tử. Khi lắn tăn chọn lựa, dễ dàng liên hệ với đơn vị bán cung cấp đầy đủ thông tin hơn mô tả, ví dụ như chụp vài trang đọc thử hay file đọc thử…
  • Đối với người bán: Không phải trả phế cho sàn, và một lợi thế quan trọng hơn: thông tin và dữ liệu thói quen của khách (những thứ chẳng bao giờ TIKI chịu cung cấp). Hơn nữa, phản hồi góp ý riêng tư của khách qua chat trực tiếp với người bán cũng giúp người bán cải thiện chất lượng hơn rất nhiều so với review trên sàn. 

TIKI và nhiều sàn thương mại điện tử khác vẫn có cơ hội để chuyển mình nếu họ và các nhà đầu tư của họ thực sự muốn và nhận thấy những lợi ích trong tương lai khi để thị trường sách nói riêng và thị trường bán lẻ nói chung không bị đổ dồn theo cuộc đua cạnh tranh khuyến mại. Nhưng nhất thời, trong giai đoạn chững của thị trường chung này, họ không còn có thể bao sân được nữa. Nhưng liệu thị trường sách Việt Nam có chuyển mình tích cực và văn minh hơn hay không, hay vẫn là sự thay đổi hình thức đại hạ giá để cạnh tranh chạy đua chỉ số tăng trưởng, thì lệ thuộc rất nhiều vào nhận thức của đơn vị xuất bản và đơn vị phân phối. 

Dù sao đi nữa, tôi vẫn mong TIKI chuyển mình, và hãy nỗ lực để làm tốt như Amazon chứ chưa cần tốt hơn, vậy là cũng đủ tốt hơn rất nhiều so với 10 năm qua rồi. Nếu học mô hình từ Amazon, mong TIKI hãy nhớ điểm cốt lõi này: Amazon cung cấp hệ sinh thái đầy đủ với tính năng đa dạng để các đơn vị bán hàng và khách mua nhận được nhiều lợi ích chứ không tạo ra một gian hàng giá siêu rẻ với lợi thế vượt trội dưới danh nghĩa Amazon để cạnh tranh với chính nhà cung cấp. 

Hà Thủy Nguyên

PS: Bài viết vội, nên có lẽ tôi sẽ bỏ sót lỗi đâu đó trong diễn đạt, ngữ pháp và thông tin! Rất mong các bạn có thể bổ sung và nhắn tin giúp tôi chỉnh sửa các lỗi nhỏ.

Giảm sâu xả kho – Thảm họa của thị trường sách Việt Nam

Từ những dãy sách giảm giá 40-50% trên các con phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí hay Đường Láng ngày nào, giờ đây, vẫn những biển treo “giảm sâu 70%”, “đồng giá 10k” tràn ngập trên các sàn Thương mại điện tử và Hội chợ sách, thị trường sách vẫn tiếp tục như con Thao Thiết tự ăn chính nó cho đến khi chết hẳn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong giai đoạn suy thoái kinh tế, con Thao Thiết đang ngự trị

Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng “khó đọc” hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,

Bản quyền sách – Tôn trọng để mọi nhân tố trong ngành xuất bản đều được hưởng lợi

Hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền sách đang trở nên ngày càng phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian để nghiên cứu và thảo luận sâu rộng. Chính vì vậy, tôi - với vai trò là những cá nhân có liên quan đến ngành xuất bản và thị trường sách, hi vọng có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường sách. Tôi mong rằng, những điều tôi
le-nam

Lê Nam

22/10/2024

Thị trường sách Việt Nam (3): Sự vô nghĩa của phong trào nâng cao văn hóa đọc

Trong “ĐỀ ÁN Phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng Giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng chính phủ được thảo ra từ năm 2010, những số liệu được đưa ra để chứng minh rằng văn hóa đọc đang xuống cấp như sau: “2.2. Thói quen đọc: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh thoảng đọc là 44%, trong khi đó số lượng người hoàn

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như "người tiêu dùng" cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo - những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ